Để du lịch phát huy hiệu quả và an toàn

05:03, 25/03/2021

"Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch thực hiện đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế khi tiếp nhận khách đến lưu trú"...

“Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch thực hiện đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID -19 theo hướng dẫn của ngành Y tế khi tiếp nhận khách đến lưu trú”- đó là kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021.
 
Cơ sở vi phạm không cập nhật khai báo khách trực tuyến
Cơ sở vi phạm không cập nhật khai báo khách trực tuyến
 
Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì kiểm tra 
 
Thông tin từ cơ quan chức năng, 3 tháng đầu năm 2021, ngành du lịch của thành phố (TP) Đà Lạt bắt đầu hồi phục và tăng 20% kế hoạch là tín hiệu phấn khởi. Số liệu từ Phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) Đà Lạt cho biết, trên địa bàn hiện có 2.200 cơ sở lưu trú; trong đó cơ sở có sao 383, biệt thự 134, khách sạn đạt chuẩn 196, nhà nghỉ 320 và còn lại là căn hộ du lịch, các mô hình khác. Theo đó, có 29.282 phòng, khoảng 43.000 giường. Vấn đề đặt ra là hiệu lực và hiệu quả về quản lý nhà nước đối với cơ sở lưu trú. Làm thế nào vừa đạt “lợi ích kép” giữa nhiều mặt: tăng hiệu quả kinh tế đối với cơ sở, chống thất thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo về an ninh trật tự, đảm bảo bảo vệ môi trường và an toàn về sức khỏe cộng đồng, nhất là nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 như Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.
 
Trưởng Phòng VH&TT TP Đà Lạt, ông Lê Anh Kiệt cho biết, từ năm 2021, Trưởng ban Chỉ đạo 389 của UBND TP Đà Lạt ban hành Quyết định số 5842 về thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra loại hình kinh doanh dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí trên địa bàn TP Đà Lạt và giao Trưởng phòng VH&TT làm trưởng đoàn, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổ chức, thực hiện. “Hiện nay việc phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành tỉnh, thành phố và phường, xã nhịp nhàng, đồng bộ. Do đó việc quản lý cơ sở lưu trú khá thuận lợi, kiểm tra có hiệu quả, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID -19”, ông Kiệt khẳng định. 
 
Tại Quyết định 5842, ngoài Phòng VH&TT, các thành viên tham gia Đoàn còn có Công an, Chi cục Thuế, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, UBND các phường, xã. Việc kiểm tra theo kế hoạch xây dựng, Ban chỉ đạo còn yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của người dân thông qua số điện thoại đường dây nóng là 0912903178, ứng dụng Đà Lạt trực tuyến và các kênh thông tin xã hội như báo chí, mạng xã hội...
 
Nhiều cơ sở bị nhắc nhở và xử lý vi phạm 
 
Ông Lê Anh Kiệt mở điện thoại cá nhân cho chúng tôi biết về việc thực hiện Quyết định 5842 nêu trên. Trong đó từ thông tin người dân, đoàn kiểm tra đột xuất cơ sở lưu trú ở đường Đào Duy Từ có 30 khách mới và cũ không được chủ cơ sở cập nhật khai báo qua trực tuyến để cơ quan chức năng quản lý, trong đó có cả khách là người Trung Quốc. 
 
Ngày 18/3, theo kế hoạch, 2 đoàn kiểm tra liên ngành do 2 Phó Phòng VH&TT làm trưởng đoàn là ông Võ Đại Hải và bà Nguyễn Thị Thu Hiền. Chúng tôi theo đoàn của ông Hải kiểm tra địa bàn Phường 11, trọng điểm là đường Huỳnh Tấn Phát. Thực kiểm tại 4 cơ sở lưu trú, cả 4 cơ sở đều được đoàn nhắc nhở vì một trong các lỗi: không cập nhật khai báo khách qua mạng; chưa có hồ sơ thẩm định hạng; khai báo sai số lượng phòng, và đặc biệt một cơ sở kinh doanh theo dạng “vệ tinh” không đủ điều kiện pháp lý để kinh doanh lưu trú, do đó đoàn yêu cầu chấm dứt hoạt động. Ông Kiệt cũng chia sẻ thông tin từ đoàn do bà Hiền nhắn tin, được biết, kiểm tra 5 cơ sở lưu trú có 1 đủ điều kiện hoạt động, 1 đã ngừng hoạt động và đã trả giấy phép, 2 cơ sở chưa có hồ sơ thủ tục thẩm định và 1 vi phạm kinh doanh lưu trú. Các cơ sở vi phạm đều được 2 đoàn lập biên bản và hẹn ngày 23/3 đến cơ quan chức năng để xử lý. Trưởng phòng Lê Anh Kiệt cũng cho biết, từ đầu năm 2021 đến thời điểm ngày 19/3, đoàn kiểm tra liên ngành của TP Đà Lạt đã xử phạt 21 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, tổng số tiền phạt đến 80,750 triệu đồng. Chiều ngày 23/3, khi chúng tôi đang viết bài báo này, Trưởng phòng VH&TT cho biết: Qua thông tin của người dân vào đường dây nóng, đoàn liên ngành đang kiểm tra cơ sở lưu trú tại đường Nguyễn Trãi, Phường 9, TP Đà Lạt. Kết quả, cơ sở lưu trú chưa làm thủ tục phân hạng và không đăng ký khách đang lưu trú, trong lúc có những thời điểm cơ sở này đón trên 20 khách/ lần. “Đoàn đã lập biên bản và hẹn chủ cơ sở thứ Năm tuần sau lên để xử lý vi phạm hành chính theo quy định”, ông Kiệt nói.
 
Việc quản lý cơ sở lưu trú ở TP Đà Lạt đã có những hiệu quả tốt hơn trước. Phòng VH&TT mới đây trình UBND TP “Quy chế phối hợp quản lý các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn TP.” càng cho thấy Đà Lạt đang có sự chuyển động của một TP du lịch hướng đến chuyên nghiệp hơn. Quy chế này nêu rõ các nội dung như nguyên tắc phối hợp; trách nhiệm phối hợp trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, trong kiểm tra, xử lý vi phạm, trong cung cấp, trao đổi thông tin...
 
Quản lý cơ sở lưu trú du lịch nói riêng, các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí nói chung phải đồng thời hướng đến hiệu lực cao về kỷ cương pháp luật nhưng không giảm đi nét đẹp thân thiện của TP Đà Lạt. Về vấn đề này, Trưởng phòng VH&TT TP Đà Lạt Lê Anh Kiệt cũng cho biết ngành đang thực hiện. Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Văn bản số 1600 gửi các Sở VH, TT &DL; Y tế và Nội vụ, cùng UBND các huyện, thành phố nhằm “tăng cường các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID -19, thực hiện nếp sống văn minh trong lĩnh vực VH, TT &DL”. Đến nay, địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa xảy ra trường hợp nào dương tính với dịch COVID-19 là thành công và cả sự may mắn trong thực hiện phòng, chống dịch. Đây cũng là yếu tố để thu hút du khách đến với địa phương, nhưng đồng thời luôn tiềm ẩn thách thức trong công tác quản lý. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu “phát hiện kịp thời hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19” như Văn bản 1600 đã nêu.
 
MINH ĐẠO