Hội nghị trực tuyến toàn quốc đóng góp ý kiến dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa và Chương trình hành động phát triển du lịch

08:06, 29/06/2021

(LĐ online) - Ngày 29/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. 

(LĐ online) - Ngày 29/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025. Hội nghị kết nối từ Hà Nội và 63 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành cả nước với hơn 1.400 đại biểu tham dự. Hai Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Đoàn Văn Việt đã chủ trì hội nghị. 
 
Đồng chí Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào 2 dự thảo
Đồng chí Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào 2 dự thảo
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Phan Văn Đa –Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH-TT-DL, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, Trung tâm Xúc tiến ĐT-TM-DL và Tp.Đà Lạt đã tham dự.
 
Sau khi nghiên cứu kỹ chiến lược phát triển văn hóa và chương trình hành động phát triển du lịch, đồng chí Phan Văn Đa đã nêu ý kiến: Du lịch đã thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực góp phần lớn trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của Lâm Đồng. Tuy nhiên, tại các địa phương các quy định về pháp luật vẫn có sự chồng chéo, bất cập trở thành rào cản gây lúng túng trong giải quyết các vấn đề cụ thể đối với việc phát triển du lịch. Đề nghị với Bộ VH-TT-DL sớm chỉnh sửa, bổ sung các quy định mới và có hướng dẫn cụ thể các quy định của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Ví dụ, Luật Doanh nghiệp quy định rằng các địa phương được cho thuê môi trường rừng để tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái dưới tán rừng; nhưng đến nay Bộ Nông nghiệp PTNT và các bộ, ngành có liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề mà ta cho thuê môi trường rừng thế nào đối với từng loại rừng cụ thể như rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng... Tương tự như vậy, quản lý các khu du lịch quốc gia như thế nào, du lịch nông nghiệp, du lịch thể thao mạo hiểm, phát triển kinh tế du lịch về đêm do chưa có hướng dẫn cụ thể nên các địa phương triển khai thực hiện còn lúng túng. 
 
Vấn đề thứ hai là, sau khi chương trình hành động này chính thức được Bộ VH-TT-DL ban hành thì cần đề nghị với Chính phủ nên cân đối một gói ngân sách đủ lớn để hỗ trợ cho các tỉnh, các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có tính chất kết nối liên vùng giữa các tỉnh trong các vùng du lịch trọng điểm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho Nhân dân trong đó có khách du lịch đi tham quan các điểm đến. Vấn đề thứ ba, để triển khai chương trình hành động phát triển du lịch, Bộ nên tổ chức các hội nghị mang tính chất chuyên ngành, chuyên đề của các tỉnh trong vùng du lịch trọng điểm để các địa phương cùng trao đổi, thảo luận, bàn bạc, thống nhất với nhau về đầu tư kết cấu hạ tầng dùng chung có tính chất kết nối liên vùng giữa các tỉnh trong các vùng du lịch trọng điểm, có sự phân công, phân nhiệm giữa các tỉnh trong vùng, tổ chức thực hiện đầu tư các sản phẩm du lịch nhằm tạo ra sự liên kết, hỗ trợ với nhau hoàn thiện các sản phẩm du lịch, thu hút du khách. Vấn đề thứ tư, hiện nay dịch bệnh tác động tiêu cực đến việc kinh doanh du lịch nói riêng và lĩnh vực dịch vụ nói chung. Hầu hết các nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch, dịch vụ trên địa bàn Đà Lạt đều bị đóng cửa. Xin đề nghị Bộ VH-TT-DL báo cáo với Chính phủ sớm ban hành gói ngân sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch tồn tại.
 
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Về chiến lược phát triển văn hóa, đồng chí Phan Văn Đa đề nghị: Bộ VH-TT-DL phối hợp với các ban, bộ ngành TW nghiên cứu các quy định pháp luật có liên quan, sớm chỉnh sửa, bổ sung mới các quy định về chính sách, pháp luật có liên quan đến phát triển bền vững văn hóa trong tình hình mới. Vì lĩnh vực văn hóa là lĩnh vực khó sinh lời hoặc không sinh lời, khó thu hồi vốn hoặc không thể thu hồi vốn nên khó khăn khi kêu gọi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Do đó, có một số hoạt động trên lĩnh vực văn hóa phải được đầu tư 100% từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đề nghị Bộ VH-TT-DL báo cáo với Chính phủ nên cân đối một gói ngân sách để đầu tư các thiết chế văn hóa chủ yếu trên địa bàn cả nước.
 
Hội nghị đã nhận được 11 ý kiến tham luận đóng góp ý kiến ở nhiều lĩnh vực và khía cạnh tiếp cận khác nhau, nhưng về cơ bản các ý kiến đều thống nhất quan điểm sau: Các mục tiêu đặt ra của dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đều bám sát chủ trương, định hướng, nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nghị quyết của Chính phủ thể hiện tầm nhìn mới trong bối cảnh phát triển đất nước trong tình hình mới và khu vực có nhiều thay đổi. Các giải pháp đáng lưu ý đã nỗ lực hoàn thiện các thể chế, thiết chế văn hóa bảo đảm phát triển văn hóa con người trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa nhằm đạt được các mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2030. Tập trung xây dựng các chỉ số văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Triển khai các giải pháp trọng tâm nhằm khai thác cơ sở hạ tầng và các nguồn lực văn hóa, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa. Kết hợp hài hòa việc bảo vệ, phát huy di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế du lịch. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc phát huy sức mạnh nội sinh và khả năng hội nhập quốc tế về văn hóa.
 
Về dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, các ý kiến góp ý đã tập trung nhấn mạnh các vấn đề: Tăng cường quản lý du lịch tại địa phương, trong đó chú trọng quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, xây dựng sản phẩm đặc sắc tại mỗi địa phương. Ban hành cơ chế chính sách phát triển du lịch trong đó cần đề xuất những chính sách đặc thù tạo điểm mạnh đột phá phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo, du lịch nông thôn nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Tập trung thúc đẩy thị trường nội địa, thúc đẩy hợp tác liên vùng, liên ngành, đề xuất các giải pháp phục hồi thị trường khách quốc tế; đa dạng hóa xúc tiến quảng bá, tận dụng sức mạnh công nghệ và mạng xã hội. Phối hợp các bộ, ban, ngành tạo điều kiện bằng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển sau thời gian dịch bệnh Covid. Ngoài ra, còn nhiều ý kiến quanh các vấn đề về: lao động việc làm, tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực, giúp người lao động trong ngành du lịch vượt khó khăn; phát triển du lịch số, du lịch sáng tạo, nâng cao năng lực của ngành du lịch Việt Nam về ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hoàn thiện lĩnh vực thông tin du lịch; tập trung đầu tư hạ tầng giao thông tại các khu vực phát triển du lịch, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, hình thành các cụm du lịch quy mô đẳng cấp.
 
Ý kiến đóng góp của các đại biểu là căn cứ quan trọng để Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Bộ VH-TT-DL ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch 2021 – 2025.
 
QUỲNH UYỂN