Diễn đàn trực tuyến: Tác động của đại dịch Covid-19, hành động quyết liệt của ngành văn hóa, thể thao, du lịch

06:09, 22/09/2021

(LĐ online) - Ngày 22/9, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức diễn đàn trực tuyến toàn quốc "Tác động của đại dịch Covid-19, hành động quyết liệt của ngành văn hóa, thể thao, du lịch"...

(LĐ online) - Ngày 22/9, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức diễn đàn trực tuyến toàn quốc “Tác động của đại dịch Covid-19, hành động quyết liệt của ngành văn hóa, thể thao, du lịch”. Diễn đàn đã kết nối từ Hà Nội và 63 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành cả nước với hơn 1.800 đại biểu tham dự. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và 4 Thứ trưởng đã chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cùng các Phó Giám đốc, các cán bộ chủ chốt của các phòng, ban và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở đã tham dự diễn đàn.
 
Các đại biểu tham dự diễn đàn trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự diễn đàn trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng
Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên cả nước, làm ảnh hưởng đến nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ, lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, các chương trình vui chơi, giải trí tập trung đông người phải dừng tổ chức để tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường sụt giảm nguồn thu dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phá sản. Các bảo tàng, thư viện tại 63 tỉnh, thành phố, các hoạt động dịch vụ, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tại các di tích cơ bản phải dừng lại, đóng cửa không phục vụ. 
 
Điện ảnh Việt Nam bị thiệt hại nặng nề, tổng doanh thu giảm mạnh, năm 2021 ước đạt 1.156 tỷ đồng, giảm 70-80% so với năm 2019. Các dự án sản xuất phim hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hầu hết không thể triển khai. Từ 21/7/2021, công tác thẩm định và phân loại phim truyện chiếu rạp đã tạm dừng. Hoạt động văn hóa đối ngoại, lễ hội văn hóa du lịch Việt Nam tại nước ngoài, các hoạt động giao lưu hợp tác văn hóa trong nước, hoạt động nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm gần như “đóng băng”. Đội ngũ nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn gần như không thể hoạt động, dẫn đến đời sống gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Công tác tổ chức các hoạt động thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao đã bị gián đoạn, hầu hết các sự kiện thể thao đều phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh. Việc không tổ chức được các giải thể thao quốc gia đã ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn của các đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao tỉnh, thành, ngành. Nhiều vận động viên phải ngưng tập huấn, trở về địa phương. Đặc biệt, việc dừng tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng chuyên môn và gây nhiều khó khăn về tài chính cho các câu lạc bộ bóng đá. Hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao liên tục phải tạm dừng để thực hiện giãn cách xã hội, đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Các đơn vị sự nghiệp, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp không có nguồn thu để duy trì hoạt động của đơn vị.
 
Lượng khách du lịch sụt giảm nhiều, tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch. Trong 8 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa đạt 31,2 triệu lượt (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020), tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 136.520 tỷ đồng, giảm 26,5 % so với cùng kỳ 2020. Năm 2021, trên 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa. Đến nay, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, hiện chỉ còn khoảng 2.200 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc. Các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển du lịch ô tô, tàu thủy không phục vụ khách nhưng vẫn phải duy tu, bảo dưỡng. Các cơ sở lưu trú du lịch không hoạt động, không có doanh thu để trả lãi vay ngân hàng nên rơi vào tình trạng bên bờ vực phá sản. Hiện nay, toàn quốc có 37.000 cơ sở lưu trú với 780.000 phòng; công suất phòng trung bình cả nước 6 tháng đầu 2021 chỉ đạt dưới 15%. 95% cơ sở lưu trú chỉ hoạt động cầm chừng; 80% lao động tại các cơ sở lưu trú phải nghỉ việc, chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi ngành du lịch khôi phục trở lại.
 
Trong tình hình khó khăn, Bộ đã kịp thời thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 Tính đến nay, đã có 3.027 hồ sơ đề nghị hỗ trợ, 2.741 hồ sơ đạt yêu cầu; 619 viên chức hoạt động nghệ thuật của 42/63 tỉnh, thành phố đã nhận hỗ trợ. Tổng số tiền hỗ trợ của Bộ là 10,17 tỷ đồng. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đã có sự đổi mới trong cách thức tổ chức, thông qua các nền tảng công nghệ số và mạng xã hội mang đến “liều vắc xin tinh thần” phục vụ, cổ vũ Nhân dân cùng nhau đoàn kết, vượt qua đại dịch. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của toàn dân tộc tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia sẻ được nhân rộng, nhân lên thành sức mạnh mềm của văn hóa. Tinh thần đoàn kết, sẻ chia, quyết tâm, hoàn thành nhiệm vụ đã lan tỏa, phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. 
 
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để giảm rủi ro, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch chưa thực sự hưởng lợi trực tiếp từ những chính sách đã được ban hành như chích sách giảm thuế, giảm tiền thuê đất, miễn giảm lãi vay ngân hàng, giảm phí thẩm định giấy phép kinh doanh, thiếu chính sách hỗ trợ lao động trong ngành điện ảnh...
 
Diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến của các Tổng cục, Cục trực thuộc, các địa phương chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19; những cách làm mới, mô hình hay, sáng tạo để phát triển ngành trong bối cảnh “bình thường mới”.
 
Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Sở đã tham mưu ban hành và ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, đơn vị trong tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh của toàn ngành xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện ứng dụng “Khai báo sức khỏe du lịch” đối với tất cả khách đến lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch… Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Tiếp nhận trên 1,2 tỷ đồng hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 của các đơn vị kinh doanh du lịch và trao tặng một số đơn vị tuyến đầu chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ 142 viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tổng số tiền 526,8 triệu đồng. Phối hợp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh như: Đăng ký tiêm vắc xin 6.233 người của 266 đơn vị, khách sạn, doanh nghiệp, hỗ trợ giảm tiền điện cho các đơn vị kinh doanh du lịch. Tính đến ngày 20/9, khoảng 1.200 người trong ngành đã được tiêm vắc xin. 
 
Nhằm tháo gỡ khó khăn, Bộ sẽ nhanh chóng tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ nhằm tái cấu trúc nợ vay, gia hạn thời gian trả nợ đối với các khoản vay hiện tại, giảm hoặc miễn lãi vay hoặc cấp gói tín dụng ưu đãi mới nhằm giúp doanh nghiệp điện ảnh, tổ chức biểu diễn nghệ thuật duy trì các hoạt động cơ bản trong thời gian dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Miễn giảm các thuế liên quan đến bất động sản, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; giảm chi phí tiền điện, gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn cho các doanh nghiệp điện ảnh, tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Thực hiện một số chế độ đặc thù đối với các đoàn, đội thể thao đi thi đấu, tập huấn nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi, xét nghiệm âm tính như: Công tác xuất nhập cảnh, giảm thời gian cách ly y tế... Thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19, dồn sức, góp lực, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp, tinh thần sẻ chia để cùng cả nước vượt qua đại dịch.
 
QUỲNH UYỂN