Đà Lạt: Thích ứng an toàn để duy trì và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới

06:03, 15/03/2022
Là đô thị nổi tiếng về du lịch, Đà Lạt đang nỗ lực thích ứng an toàn để duy trì và phát triển du lịch, biến thách thức thành cơ hội trong điều kiện bình thường mới hiện nay theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng. 
 
Trên 200 nghìn lượt khách du lịch đến Đà Lạt trong dịp Tết Nguyên đán 2022 vừa qua. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan một nhà vườn Đà Lạt. Ảnh: Lê Hoa
Trên 200 nghìn lượt khách du lịch đến Đà Lạt trong dịp Tết Nguyên đán 2022 vừa qua. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan một nhà vườn Đà Lạt. Ảnh: Lê Hoa
 
•  PHẤN ĐẤU ĐÓN 4,5 TRIỆU LƯỢT KHÁCH TRONG NĂM 2022
 
Sau một thời gian dài trầm lắng vì dịch bệnh, du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt đã phục hồi mạnh mẽ trở lại trong cuối năm 2021 và nhất là dịp đầu năm 2022 với Tết Nguyên đán gần đây. 
 
Theo bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt: “Dịch bệnh COVID-19 lan rộng trên quy mô toàn cầu đã mang lại những tổn thất nặng nề về kinh tế - xã hội tại nhiều quốc gia, địa phương, trong đó, bao gồm cả Đà Lạt. Tuy nhiên nhờ sự đoàn kết, thống nhất trong toàn thể hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nghiêm túc, quyết liệt, năm 2021, kinh tế thành phố Đà Lạt nhìn chung phát triển ổn định, chưa xảy ra sự cố nghiêm trọng nào về dịch bệnh ảnh hưởng đến an toàn người dân và du khách địa phương”.
 
Riêng đối với lĩnh vực du lịch được tỉnh và thành phố cực kỳ chú ý. Ngay trong tháng 12/2021, hầu hết lao động dịch vụ du lịch địa phương đều được hoàn thành tiêm chủng mũi 2 vaccine ngừa COVID-19. Trong dịp cuối năm 2021, thành phố Đà Lạt đã đón trở lại gần 30 nghìn lượt du khách, nâng tổng số khách du lịch năm 2021 đạt trên 1,97 triệu lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế đạt 17 nghìn lượt người. 
 
Những ngày đầu năm 2022, Đà Lạt cũng đã đón trên 55 nghìn lượt khách trong dịp Tết Dương lịch, còn vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, đã có trên 200 nghìn lượt người đến tham quan, nghỉ dưỡng tại đây. Trong dịp này, thành phố còn vinh dự đón nhận giải thưởng “Thành phố Du lịch sạch ASEAN” do Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á trao tặng.
 
Theo bà Vũ Loan, Đà Lạt xác định năm 2022 sẽ là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng cũng đầy khó khăn đối với thành phố Đà Lạt vì đây là năm của sự phục hồi và phát triển. Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố đã đề ra mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, linh hoạt thích ứng với trạng thái bình thường mới, phấn đấu đạt và vượt 5-10% các chỉ tiêu nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; hoàn thành xây dựng thành phố thông minh, phát triển toàn diện, bền vững hướng đến văn minh hiện đại, riêng trong năm 2022 sẽ đón 4,5 triệu lượt khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng.
 
Chèo thuyền kayad tại Đà Lạt. Ảnh: Lê Hoa
Chèo thuyền kayad tại Đà Lạt. Ảnh: Lê Hoa
 
XỨNG DANH THÀNH PHỐ NGÀN HOA 
 
Để đạt mục tiêu đón lượng khách như trên, biến thách thức thành cơ hội trong điều kiện bình thường mới như hiện nay, theo bà Vũ Loan, hiện đang tập trung triển khai thực hiện nhiều nội dung, giải pháp căn cơ. 
 
Trước nhất, thành phố lâu nay đã và đang tập trung chỉnh trang đô thị, hạ tầng giao thông phục vụ du lịch Đà Lạt trên quy mô lớn để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đón du khách trở lại sau dịch. Từ đầu năm 2021 đến nay, để chuẩn bị một diện mạo mới khang trang đón chào du khách trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát cũng như phục vụ người dân địa phương, thành phố đã xúc tiến triển khai nhiều công trình trọng tâm, có thể kể đến như các công trình mở rộng các nút giao thông; lắp đặt 6 hệ thống đèn giao thông để hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn; xây dựng các tuyến đường vành đai, đường tránh đô thị, nâng cấp các tuyến đường kết nối các điểm, khu du lịch. Thành phố cũng đang cho đầu tư, nâng cấp hạ tầng, chỉnh trang, mở rộng thêm các công viên cảnh quan nhằm tạo thêm nhiều mảng xanh, không gian xanh cho đô thị như nâng cấp hạ tầng quanh Hồ Xuân Hương, kêu gọi đầu tư công viên Trần Quốc Toản; triển khai giai đoạn 3 công viên Yersin...
 
Cùng đó, thành phố đã chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Thương mại tỉnh Lâm Đồng triển khai Kế hoạch số 9602/KH-UBND ngày 30/12/2021 hành động phục hồi du lịch tỉnh Lâm Đồng trong năm 2022. Cụ thể là việc hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành Dịch vụ du lịch; tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch phù hợp trên địa bàn để thu hút du khách.
 
Thành phố cũng vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn rà soát, đầu tư nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ; nghiên cứu xây dựng các loại hình sản phẩm mới; liên kết, nghiên cứu xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch theo hướng tour khép kín nhằm khôi phục và hình thành nên các chuỗi cung ứng du lịch dịch vụ theo tiêu chí đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động.
 
Thành phố cũng phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan của tỉnh để xúc tiến quảng bá du lịch địa phương tập trung thị trường nội địa với chủ đề “Du lịch Đà Lạt Lâm Đồng an toàn - trải nghiệm trọn vẹn”. Với khách quốc tế, thành phố chú ý phát huy vai trò thành viên Tổ chức Xúc tiến Du lịch các thành phố Châu Á Thái Bình Dương (TPO), tích cực tham gia nhiều chương trình quảng bá nhằm đẩy mạnh xúc tiến du lịch đối với thị trường quốc tế thông qua các hoạt động của tổ chức này.
 
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, chấn chỉnh môi trường hoạt động kinh doanh du lịch, đảm bảo văn minh, trật tự, an ninh, an toàn; đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, thực hiện đúng cam kết về giá cả, chất lượng của chương trình, sản phẩm du lịch, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh có liên quan. Hiện, thành phố đang phát động thí điểm mỗi phường, xã lựa chọn, xây dựng 10 mô hình kinh doanh “Người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách” để làm cơ sở tiếp tục nhân rộng mô hình, qua đó nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong ứng xử văn minh thân thiện với khách du lịch.
 
Trên tiền đề những thành công bước đầu trong triển khai Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025”, Đà Lạt đang tiếp tục mở rộng, triển khai các hạng mục trên các lĩnh vực “Thành phố an toàn”, “Nông nghiệp thông minh”, “Giao thông thông minh” và “Môi trường thông minh”, nâng cấp các hạng mục lĩnh vực “Du lịch thông minh” nhằm xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, tăng cường cung cấp các công cụ tương tác, giao tiếp phục vụ cho công dân và du khách. 
 
Đà Lạt hiện cũng đang xây dựng một số đề án lớn góp phần quan trọng cho sự phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững của thành phố, huy động tối đa các nguồn lực để giữ gìn và phát huy hiệu quả các tiêu chí giữ vững danh hiệu Đà Lạt - Thành phố Du lịch sạch ASEAN; triển khai Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” tại Đà Lạt. Đà Lạt đang phối hợp Cục Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu tiền khả thi các điều kiện để thành phố tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO. 
 
Để mở rộng không gian du lịch Đà Lạt, thành phố còn phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh liên quan xây dựng “Đề án phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành thành phố du lịch sinh thái, thông minh” nhằm phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành thành phố đô thị sinh thái thông minh theo hướng bền vững, hiện đại, tăng trưởng xanh, giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái môi trường, cân bằng sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 
 
“Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng, chúng tôi tin rằng, thành phố Đà Lạt sẽ ngày càng giàu mạnh, du lịch Đà Lạt phát triển bền vững, trở thành một điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn, uy tín, chất lượng, xứng danh thành phố ngàn hoa, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước” - bà Loan cho biết.
 
VIẾT TRỌNG