Văn hóa kinh doanh du lịch - Đôi điều suy ngẫm

05:04, 07/04/2022
Suốt chiều dài lịch sử phát triển, thành phố Đà Lạt luôn gắn liền với hình ảnh một điểm du lịch nghỉ dưỡng thơ mộng. Nhưng gần đây lại xuất hiện quá nhiều "mảng tối" du lịch, nhiều “kiểu kinh doanh du lịch ăn xổi” và những câu chuyện xấu xí về du lịch vì thế ngày càng nhiều, đe dọa đến thương hiệu của thành phố: hiền hoà, thanh lịch, mến khách.
 
Góc Đà Lạt
Góc Đà Lạt
 
Câu chuyện gây tai tiếng gần đây nhất xảy ra ở một quán bánh ướt lòng gà nằm ngay khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt. Do không có khả năng phục vụ tốt cho số lượng lớn nên sau khi khách bỏ đi họ đã có thái độ, cách cư xử thiếu văn hoá với khách hàng. Vụ việc lẽ ra hoàn toàn có thể giải quyết đơn giản nếu chủ quán thấu hiểu nguyên tắc ứng xử và đạo đức kinh doanh và biết đặt mình vào vị trí của khách. Nhưng thật tiếc là chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhưng do thái độ “hống hách, hơn thua” lợi ích trước mắt đã dẫn đến có những ứng xử và thái độ thiếu tôn trọng khách, gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến hình ảnh của con người và thành phố du lịch Đà Lạt. Điều đáng buồn hơn nữa là thái độ thiếu cầu thị, cố chấp của nhân viên và chủ quán bánh ướt lòng gà ấy sau khi vụ việc đã được truyền thông và mạng xã hội đưa ra bàn tán, phân tích và cơ quan chức năng làm việc. Họ chỉ chịu lên tiếng xin lỗi khi có một đoạn video quay lại vụ việc người của quán tát vào một du khách lên mạng xã hội và sau đó bị chính quyền địa phương lập biên bản xử phạt.
 
Điều đáng buồn là từ vụ việc xảy ra ở quán bánh ướt lòng gà, đã có rất nhiều ý kiến của khách du lịch và một số hình ảnh, đoạn video “bốc phốt” khác của khách du lịch được đưa lên facebook, tiktok về một số dịch dụ và cách buôn bán “xấu xí” của những người đang làm dịch vụ du lịch, buôn bán hàng đặc sản, quán ăn... ở Đà Lạt. 
 
"Suy cho cùng, trình độ văn hoá và bản tính của mỗi người khác nhau nên văn hoá buôn bán của mỗi người cũng khác nhau, chính vì vậy mà đôi khi trong cách cư xử với khách ở một số tình huống đã làm mất lòng khách do chưa đúng mực. Mới đây, tôi thấy UBND thành phố ban hành một số quy tắc ứng xử đối với du khách, được xem là chuẩn mực mà người dân cần để có ý thức hơn trong ứng xử hàng ngày cũng như kinh doanh dịch vụ bất cứ lĩnh vực nào. Là một người con của Đà Lạt, tôi cũng mong chính quyền thành phố quan tâm và xây dựng quy tắc ứng xử kèm theo chế tài xử phạt thật nghiêm để xử lý những trường hợp cư xử, kinh doanh gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Đà Lạt để chấn chỉnh những mặt trái xấu xí, xây dựng Đà Lạt mãi là thành phố đẹp, hiền hoà và mến khách trong lòng du khách. Nhà nước nên phát hành và phát quy tắc ứng xử đến từng hộ kinh doanh để nằm lòng những quy định này. Thậm chí là tổ chức ký cam kết, để khi hành xử sẽ nhớ đến những quy định này và có thái độ đúng mực".
Phạm Anh Dũng - Chủ quán cà phê ở Đà Lạt
 
Đà Lạt vốn là nơi được định danh là thành phố du lịch, nghỉ dưỡng sớm nhất nhì so với cả nước. Suốt chiều dài lịch sử phát triển, người dân thành phố luôn tự hào không chỉ bởi là nơi thơ mộng mà còn bởi phong cách sống của người dân ở đây hiền hoà, ôn nhu, mến khách; người dân phố núi vẫn tự hào rằng Đà Lạt chính là mảnh đất “hoàng triều cương thổ” với nhiều nét văn hoá và ứng xử sang trọng, lịch lãm được tích tụ do ảnh hưởng của những nét văn hoá tốt đẹp nhất của nhiều vùng miền và của cả các nước phương Tây phát triển. Thế nhưng, gần đây, Đà Lạt lại đang xuất hiện những "mảng tối" du lịch. Do du lịch những năm gần đây phát triển mạnh về số lượng nên ở thành phố xuất hiện ngày càng nhiều điểm đến “kinh doanh kiểu ăn xổi” và cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp, do tư tưởng “tận thu” mà bỏ qua những yếu tố khác nên đã gây tổn hại đến thương hiệu của thành phố du lịch mộng mơ. 
 
Rất nhiều du khách và những người Đà Lạt phàn nàn rằng, một bộ phận người Đà Lạt bây giờ chỉ biết đến tiền thôi; họ làm dịch vụ chất lượng không cao nhưng thái độ phục vụ mới là điều gây thất vọng do kém xa so với nhiều nơi khác. Một số đưa ra nhận xét rằng, nếu như Đà Lạt không có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, khí hậu mát mẻ thì chắc chắn không phải là điểm đến để họ lựa chọn. Có lẽ bất cứ người dân nào đọc được những lời bình luận, nghe những câu nói như vậy đều cảm thấy rất buồn và tiếc nuối.
 
Quang cảnh nhếch nhác ở Quảng trường TP Đà Lạt vào những ngày cao điểm du lịch Tết 2022
Quang cảnh nhếch nhác ở Quảng trường TP Đà Lạt vào những ngày cao điểm du lịch Tết 2022
 
Những lời nhận xét, đánh giá ấy là do những năm gần đây, đã xảy ra không ít những vụ việc làm hoen ố hình ảnh hiền hoà, thanh lịch, mến khách của Đà Lạt. Bản thân tôi cũng đã có lần cảm thấy vô cùng bối rối không biết giải thích như thế nào khi nghe một người bạn kể về tình huống anh ấy gặp phải khi đi mua hàng đặc sản ở chợ Đà Lạt. Bạn tôi là người TP Hồ Chí Minh được điều lên Đà Lạt công tác. Anh vốn là người gốc miền Tây, tính tình khá cởi mở và phóng khoáng, đặc biệt, rất yêu Đà Lạt và văn hoá, con người Đà Lạt. Thế nhưng một lần đi ra chợ Đà Lạt để mua mấy hộp dâu tây định mang về làm quà cho gia đình đã thật sự bị sốc văn hoá của các tiểu thương Chợ Đà Lạt, chỉ vì yêu cầu chị bán dâu chỉ chọn những trái dâu đẹp đóng cho mình nhưng bị từ chối. Do thấy hộp dâu nhiều trái hỏng, xấu nên anh đã từ chối mua và tính chuyển sang một quầy khác nhưng vừa quay lưng đi thì anh bị chị chủ hàng bốc mấy trái dâu ném thẳng vào người. Hành động ấy khiến cho anh từ đó vô cùng ác cảm với những người bán hàng đặc sản ở Chợ Đà Lạt và không còn chút tự tin nào khi đi mua sắm ở Đà Lạt. Rồi câu chuyện về quán bánh tráng chửi lan truyền trên báo chí truyền thông và mạng xã hội vài năm trước đây; câu chuyện về các điểm du lịch check in cực ảo trên hình ảnh, clip quảng cáo trên mạng nhưng thực tế thì mất an toàn và khác xa với thực tế. Mới đây nhất, là câu chuyện của một cô gái cũng ở TP Hồ Chí Minh mua mấy hộp dâu tây ở Chợ Đà Lạt về làm quà nhưng khi về đến nhà thì không dám tặng ai vì mỗi hộp dâu chỉ có ít trái trên bề mặt hộp là nhìn đẹp mắt, còn bên dưới toàn bộ là những trái dâu bị sâu, dâu nhỏ tí và xấu xí, dập nát. Rồi những món mứt được các cửa hàng giới thiệu là đặc sản Đà Lạt, do gia đình tự làm nhưng thực chất là hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, thậm chí các loại trái cây, củ, quả đó ở Đà Lạt cũng chẳng có ai trồng nhưng vẫn được người dân buôn bán ở chợ giới thiệu với khách là đặc sản Đà Lạt. Đó là những câu chuyện không phải hiếm mà trở nên phổ biến và rất nhiều người biết, thế nhưng cho đến nay thì vẫn chưa được chấn chỉnh triệt để.
 
"Khi còn làm việc ở Công ty Audi tôi nhớ là Công ty cũng có một bộ quy tắc đạo đức và ứng xử mà khi bắt đầu vào làm việc ở đó tôi cũng phải ký cam kết và đọc để nhớ mà tuân thủ những quy tắc ứng xử đúng chuẩn mực với vị trí công việc và với đồng nghiệp, khách hàng khi làm việc với doanh nghiệp. Cá nhân tôi, hiện đang làm dự án về văn hoá nghệ thuật của Phố bên đồi ở Đà Lạt, ở góc nhìn quan sát tôi thấy mỗi năm Đà Lạt đều đón một lượng khách du lịch rất đông, nhưng đó là chúng ta mới chỉ nhìn số lượng rồi vui mừng mà hình như chưa có một đánh giá nào về chất lượng. Tôi nghĩ, đã đến lúc thành phố cần quan tâm đến việc lấy ý kiến du khách thông qua các form góp ý gửi đến du khách để thu thập thông tin chính xác, tiến đến phân tích cụ thể các vấn đề về du lịch hiện nay của Đà Lạt để có hướng cải thiện nhằm thúc đẩy du lịch phát triển về chất và bền vững".
Hiền Nguyễn - Phố bên đồi
 
Trong kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh du lịch; đạo đức và văn hoá ứng xử được xem là những yếu tố quan trọng bậc nhất thúc đẩy du lịch phát triển. Trong làm ăn kinh doanh buôn bán, đạo đức của người làm kinh doanh là không được phép sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại cho sức khỏe con người, thậm chí là không được quảng cáo sai sự thật, không được vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn mác và xuất xứ hàng hóa...  Sự phát triển bền vững của cửa hàng, cơ sở kinh doanh hay rộng hơn của một ngành nghề nào cũng đều phải gắn liền với những quy định đó thì mới mong nhận được sự ủng hộ bền vững của khách hàng. Và như vậy, muốn “vị lợi” trước hết phải biết “vị nhân”. Đáng tiếc là tất cả những hiện tượng đang gây ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch Đà Lạt gần đây đều là do tập trung vào những lợi ích cá nhân mà bất chấp những nguyên tắc cơ bản đó để rồi bỗng chốc phá vỡ chính thương hiệu của mình và làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của thành phố. Những hành động lừa dối, thiếu văn hoá, ứng xử không đúng chuẩn mực đạo đức xã hội ấy đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin và có cái nhìn tiêu cực về hoạt động kinh doanh du lịch ở Đà Lạt hiện nay.
 
Trước yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, mới đây, thành phố Đà Lạt đã xây dựng và ban hành những quy tắc, những thông điệp ứng xử văn minh nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của du khách; bảo vệ cả quyền lợi của người làm dịch vụ kinh doanh, du lịch. Hy vọng rằng, bộ quy tắc ứng xử này sẽ được phổ biến rộng rãi đến với tất cả người dân trên địa bàn thành phố để cùng quan tâm, chung tay xây dựng thành phố Đà Lạt mãi là thành phố du lịch mộng mơ, văn minh và hiện đại trong và ngoài nước.
 
NGUYỄN NGHĨA