Sắc màu hoa giấy Thanh Tiên

06:06, 30/06/2022
Ở làng nghề có tuổi đời hơn 300 năm, những đôi bàn tay chai sần, gân guốc với thời gian vẫn cứ thoăn thoắt, tỉ mỉ cắt từng mảnh giấy, nhuộm từng cánh hoa với khát vọng tiếp tục lưu giữ nghề truyền thống.
 
Làm hoa giấy tại cơ sở Nguyễn Hóa
Làm hoa giấy tại cơ sở Nguyễn Hóa
 
Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng/ Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa” là câu ca dao nổi tiếng về ngôi làng hoa giấy Thanh Tiên nằm ở hạ lưu dòng sông Hương, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
Theo những nghệ nhân làm hoa giấy trong làng kể lại, do xứ Huế là nơi có khí hậu khắc nghiệt, thời tiết bất thường, không có sẵn hoa tươi để dâng cúng nơi các đền miếu, nhất là vào mùa mưa lụt triền miên, hoa không nở kịp, người dân làng Thanh Tiên đã nghĩ ra cách làm hoa giấy, trước là để dâng cúng thần linh, tổ tiên, sau là để trang hoàng nhà cửa trong những ngày tết. Lâu dần, nghề làm hoa phát triển và Thanh Tiên trở thành làng nghề làm hoa giấy nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
 
Hoa giấy Thanh Tiên có hai loại: hoa ngũ sắc, bắt đầu được làm từ tháng 10, chủ yếu cắm Trang Ông, Trang Bà, Táo quân, bàn thờ, chùa chiền... và hoa sen được làm quanh năm để trang trí. Tất cả các công đoạn làm hoa đều cần đến đôi bàn tay con người, đòi hỏi ở nghệ nhân sự kiên nhẫn, khéo léo đầy yêu thương. Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên đã góp mặt tại Festival Huế, Festival làng nghề, lễ hội áo dài, cung đình, các sự kiện văn hóa... thậm chí xuất khẩu sang nhiều nước. 
 
Khi hoa giấy Thanh Tiên xuất hiện trên khắp nẻo đường là biết một mùa xuân sắp đến gần
Khi hoa giấy Thanh Tiên xuất hiện trên khắp nẻo đường là biết một mùa xuân sắp đến gần
 
Hiện nay, hoa giấy không còn là “tài sản” riêng của ngôi làng nhỏ ven sông nữa mà đã lan tỏa thành thứ văn hóa tinh thần của toàn bộ Nhân dân Huế, đặc biệt vào mỗi dịp tết đến, xuân về. 
 
Những nghệ nhân trong làng kể rằng, ai ở Thanh Tiên cũng biết làm hoa giấy, từ khi là những đứa trẻ ngồi chơi trong lòng ông bà, đôi bàn tay nhỏ tập gấp những cánh hoa xinh. Nhưng hiện nay chỉ còn một số gia đình giữ nghề, trong đó có 3 cơ sở vừa sản xuất vừa duy trì hoạt động trải nghiệm làm hoa dành cho du khách.
 
Cơ sở của nghệ nhân Nguyễn Hóa nằm trong số đó. Ngoài vợ chồng ông, 3 người con trai cũng đều là những người thợ lành nghề; trong đó có anh con trai lớn Nguyễn Hiếu cũng là một nghệ nhân đã có gần 20 năm trong nghề làm hoa giấy, đặc biệt là hoa sen. Anh Hiếu cho biết, với sự dịch chuyển của thời gian, hoa giấy không còn đơn thuần phục vụ cho việc thờ cúng tại những không gian nhất định mang tính truyền thống mà được khách hàng ưa chuộng để trang trí trong không gian gia đình, hàng quán. Chính vì vậy, nghề làm hoa giấy có thêm cơ hội phát triển, không chỉ sản xuất mạnh trong dịp tết cổ truyền mà còn được làm quanh năm.
 
Tất cả các công đoạn sản xuất đều hoàn toàn được làm thủ công. Để bắt đầu làm hoa giấy, các nguyên liệu phải chuẩn bị trước nhiều tháng
Tất cả các công đoạn sản xuất đều hoàn toàn được làm thủ công. Để bắt đầu làm hoa giấy, các nguyên liệu phải chuẩn bị trước nhiều tháng
 
Với sự nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần của cha ông mà làng hoa giấy Thanh Tiên đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2013.
 
Nhằm giữ hồn cho một di sản làng nghề, để nét đẹp hoa giấy Thanh Tiên lan tỏa và lưu truyền những giá trị tinh hoa, góp phần làm đa dạng, phong phú lẫn những nét đặc trưng riêng của nghề thủ công truyền thống Huế trong dòng chảy văn hóa dân gian; những năm gần đây, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực vừa bảo tồn, vừa đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm của làng nghề này. Đồng thời, tăng cường quảng bá để thu hút du khách đến với làng nghề, lan tỏa các giá trị, tinh hoa của nghề làm hoa giấy.
 
H.THẮM - T.HIỀN