Đi qua những đồi chè

06:07, 21/07/2022
Những cuộc hành trình luôn đưa chúng ta đến những khám phá mới, gặp gỡ những con người mà nếu không có các chuyến đi, chắc chắn sẽ không có duyên gặp gỡ. Và cả những điểm đến, ta đã từng in dấu chân mình, nay trở lại mọi điều cũng đã thay đổi. Như ngày nào còn lên những chuyến phà qua những dòng sông ở miền Nam, nay những chuyến phà đã hoàn tất nhiệm vụ của mình, nhường cho những cây cầu giúp cho những sum vầy mau chóng diễn ra.
 
Đồi chè Mộc Châu
Đồi chè Mộc Châu
 
Trong các chuyến rong ruổi ấy, có những đồi chè, chỉ là những cây chè xanh, trồng với mục đích thu hái lá chế biến thức uống, nhưng đó là vẻ đẹp gần như có sức hút với bất cứ ai. Và vì thế, trong các tour du lịch, tham quan các đồi chè là điểm nhấn, và một số nơi có dịch vụ kèm theo.
 
Đà Lạt được biết đến là một thành phố tuyệt vời với hoa, với những ngôi biệt thự cổ, những con đường uốn lượn và cả không khí lạnh, và thoát ra khỏi thành phố khoảng 20 km sẽ gặp Cầu Đất, một cự ly không xa, thuộc thôn Trường Thọ, xã Xuân Trường. Cầu Đất có một khu dân cư cũng phát triển kể từ năm 1922, khi những cư dân đầu tiên, chủ yếu là công nhân của đồn điền chè Cầu Đất do Pháp tiến hành khai hoang đất và trồng với diện tích khởi đầu là 600 ha, đến nay còn 220 ha. Hiện tại, Cầu Đất ngoài những đồi chè đã khai thác nhiều dịch vụ, như khách trải nghiệm thăm nông trại sau đó được tặng hai ký rau, thiết kế điểm để khách tham quan. Những vườn chè ở đây nằm trên nhiều ngọn đồi, có những con đường len đi nhỏ, bạn cứ hòa cùng đồi chè chụp ảnh, mang về cho mình những tấm ảnh ảo diệu. 
 
Đi Mộc Châu, điểm nhấn thu hút mọi người là đồi chè Trái Tim. Gọi đồi chè Trái Tim bởi vì những nhà trồng trọt đã cắt xén, biến các cụm chè thành hình những trái tim ngồ ngộ. Đồi chè Trái Tim có cả bãi giữ xe rất rộng để đón khách. Dọc theo con đường lên đồi chè có những gian hàng bán hoặc cho thuê đồ của người H’ Mông để bạn mặc chụp ảnh, có thể thuê thêm một chiếc gùi và một bó hoa cải. Có thể nói đây là đồi chè mê hoặc lòng người. Sau khi dạo chơi, có thể dừng chân ở một quán che tạm nào đó ăn món yaour cơm rượu nếp than.
 
Đến Gia Lai, ngoài Biển Hồ còn có một địa danh là Biển Hồ Chè, cạnh hàng thông trăm tuổi cách Pleiku chừng 10 km. Trăm năm trước, người Pháp đã trồng chè nơi này, đến nay những cánh đồng chè bằng phẳng chen xuyết những bóng cây cổ thụ và đặc biệt còn có hàng thông trăm tuổi chạy dọc theo, tạo ra một điểm đến vô cùng lý thú. Vào buổi sáng, bạn có thể gặp những người nông dân hái chè, bạn cũng có thể cùng hái thử và nếm vị đắng của lá chè xanh trong không gian ướp lạnh của thành phố cao nguyên.
 
Một đồi chè khác, và là đồi chè thuận lợi nhất trong cuộc hành trình, đó là đồi chè Thanh Sơn (Thanh Sơn, Phú Thọ); đến đây, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bình yên, mộc mạc đến hút hồn của miền đồi núi lừng danh đất Tổ. Khác với nhiều đồi chè khác khắp cả nước, đồi chè Thanh Sơn được trồng ngay ven đường lớn, địa hình không quá dốc, rất tiện đi lại và ghé thăm. Xe dừng ven đường, có rất nhiều quán nước để bạn nghỉ ngơi. Rồi cứ đi theo những con đường và vào bạt ngàn xanh, bởi tổng diện tích ở đây rộng tới 1000 ha với ba nông trường khác nhau. Chỉ là chen cùng những cây chè được chăm sóc, cắt tỉa vừa tầm tay người mà là một cảm giác vô cùng tuyệt vời.
 
Tất nhiên sẽ còn những đồi chè khác như đồi chè Long Cốc Phú Thọ… nhưng bao nhiêu đồi chè ấy cũng quá thỏa lòng cho những cuộc hành trình.
 
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG