Sông nước miền Tây

04:12, 01/12/2022
Trà Vinh và Sóc Trăng là hai tỉnh ở miền Tây Nam Bộ của nước ta có đến hơn 30% nhân khẩu là người Khơ Me cư trú từ mấy trăm năm nay. Đồng bào Khơ Me ở hai địa phương này đã sát cánh cùng các dân tộc anh em cư ngụ trên đất nước Việt Nam trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
 
Hội đua ghe ngo ở Sóc Trăng. Ảnh: Internet
Hội đua ghe ngo ở Sóc Trăng. Ảnh: Internet
 
Đã nhiều lần Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin hoặc phim tài liệu phản ánh về cuộc sống tinh thần, vật chất của đồng bào Khơ Me cư trú ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong đó có Trà Vinh và Sóc Trăng. Vì vậy, tôi luôn ước ao có dịp về với Trà Vinh, Sóc Trăng, và ước muốn đã thành sự thật khi tuần lễ đầu của tháng 11/2022, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng tổ chức cho 15 văn nghệ sĩ tham quan hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và TP Cần Thơ.
 
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn chúng tôi là TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Nhà văn Trần Dũng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Trà Vinh dẫn chúng tôi đến các điểm du lịch. 
 
Ấn tượng về Trà Vinh có lẽ là ở kiến trúc những ngôi chùa Khơ Me. Chùa Khơ Me khác biệt về kiểu dáng, diện tích so với các chùa chiền của người Kinh ở nước ta, chùa chỉ có sư là nam giới, không có sư nữ, ni cô như chùa người Kinh. Có thể khẳng định một điều nữa là Trà Vinh là xứ sở của chùa Khơ Me. Chỉ ở TP Trà Vinh mà có đến hơn 100 ngôi chùa Khơ Me. Tường chùa bên ngoài, rồi cánh cửa chùa, tượng Phật đều được phết một màu sơn vàng óng. Khi ánh nắng mặt trời phản chiếu, ta có cảm tưởng các bức tường, cánh cửa ấy tỏa ra từng chùm tia sáng vàng nhảy múa thật đẹp mắt. Chùa không có cửa chính như chùa thờ Phật của người Việt (người Kinh), chỉ có hai bên nhưng nhỏ và thấp.
 
Lúc này đang vào giữa mùa khô, nắng gay gắt nhưng ai cũng thấy không khí mát mẻ bởi TP Trà Vinh có quá nhiều cây xanh ở hai bên đường phố, ở các công viên, rồi ngay trong khuôn viên mỗi ngôi chùa cũng toàn cây xanh, đường kính mỗi cây từ 30 - 50 cm, chiều cao của mỗi cây từ 15 - 20 m, tán lá sum suê. Nhiều cây cổ thụ có tuổi thọ hơn 100 năm. Có thể khẳng định, Trà Vinh là thành phố nhiều cây xanh nhất so với các thị xã, tỉnh lỵ, thành phố trong cả nước ta.
 
Một ngày ở Trà Vinh, đoàn chúng tôi chỉ đến những điểm nhấn trong chuyến du lịch của mình - đó là chùa Khơ Me, và lễ hội của người Khơ Me. 
 
Sáng hôm sau, chúng tôi rời Trà Vinh để đến Sóc Trăng, được chứng kiến Lễ hội Oóc Om Bok của người Khơ Me. Lễ hội này dịch ra tiếng Việt là lễ cúng trăng. Người Khơ Me thờ thần Mặt Trăng vì theo quan niệm của họ thì thần Mặt Trăng là người giúp dân trồng lúa nước. Nhà nhà làm cỗ cúng thần, các ngôi chùa cũng có lễ cúng thần. Sau lễ là hội - Hội đua ghe ngo. Ghe là thuyền, ngo tiếng Khơ Me là con rắn. Thuyền hình con rắn, đầu thuyền thiết kế như đầu rắn, đuôi thuyền hình đuôi rắn. Ghe ngo nhỏ nhưng dài, chứa được 50 nam thanh niên người Khơ Me, mỗi người một mái chèo, gần 100 chiếc cả nam lẫn nữ đua nhau xé nước để về đích. Chúng tôi được dân địa phương giải thích thêm: Ghe ngo là vũ khí có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó đến Thái Lan, Lào, Campuchia, rồi người Khơ Me ở Campuchia sang định cư ở Nam Bộ từ mấy trăm năm nay cũng đem lễ và hội kể trên sang Nam Bộ. Cuộc đua thuyền diễn ra trên sông Maspero thuộc TP Sóc Trăng. Người Khơ Me thờ cả thần Rắn bảy đầu, còn người Việt thờ thần Rồng. Hai bên mạn ghe ngo trang trí những vảy óng ánh như vảy rồng.
 
Hội đua ghe ngo ngày 7/11/2022 vừa qua có 54 đội ghe ngo từ Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và Sóc Trăng. Sóc Trăng có 37 đội nam, 3 đội nữ, còn 8 đội nam và 6 đội nữ là của các tỉnh kể trên. Kết quả cuộc thi sẽ chọn ra 3 đội nam và 3 đội nữ để trao giải.
Lễ hội Oóc Om Bok và giải đua ghe ngo năm nay nằm trong khuôn khổ “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khơ Me Nam Bộ lần thứ 8 - năm 2022” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Suốt cuộc đua gần hai tiếng đồng hồ, dù trời nắng nóng nhưng hai bên bờ sông đông nghịt khán giả cả người Kinh, người Khơ Me, người Hoa… Tiếng reo hò, tiếng vỗ tay vang lên không ngớt.
 
Nước ta từ Bắc - Trung - Nam hầu như ở địa phương nào cũng có những lễ hội mang màu sắc văn hóa tâm linh. Lễ hội để tưởng nhớ công ơn những anh hùng dân tộc, những người có công lập nên làng, xã, có công giúp dân trồng dâu, nuôi tằm, làm các nghề thủ công… Các lễ hội đều mang tính nhân văn sâu sắc.
 
Rời Sóc Trăng, sáng hôm sau, đoàn chúng tôi đến với TP Cần Thơ - Tây Đô của Nam Bộ. Đến bến Ninh Kiều, tôi nhớ đến câu hát trong ca khúc “Chiếc áo bà ba” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh: Chiếc áo bà ba trên dòng sông xanh thẳm, em gái Ninh Kiều tóc dài chấm lưng thon… Ninh Kiều là tên của một trong những bến sông của sông Hậu Giang nhộn nhịp ngày đêm trên bến, dưới thuyền. Ngắm Ninh Kiều vào ban đêm càng thấy thú vị khi mà hàng ngàn ngọn điện ở các nhà dân, nhà hàng hai bên bờ sông rồi trên cầu Cần Thơ như sao trời sà xuống, đậu mãi nơi đây để ánh sáng không bao giờ tắt. Chúng tôi vào một quán cà phê bên bờ sông, ông chủ quán nói giọng Bắc, ông đã từng đánh giặc ở đây sáu năm. Sau 30/4/1975, ông ở lại, lấy vợ Cần Thơ chỉ vì “Cần Thơ gạo trắng nước trong - Ai mà đã đến thì không muốn về”. 47 năm trước, Cần Thơ đẹp một cách hoang dã, tự nhiên, nay thì mang vẻ đẹp hiện đại, xứng đáng với tên gọi Tây Đô - Kinh đô của miền Tây Nam Bộ. 
 
Chuyến đi gọi là dã ngoại chỉ có mấy ngày, thời gian ngắn nhưng chúng tôi thu được không gian bao la miền Tây, thấy được sông nước miền Tây mênh mông, con người miền Tây hào phóng, chân thật.
 
Hơn thế nữa là biết thêm được những nét văn hóa của một khu vực, một miền đất ở nước ta. Và nền văn hóa Việt Nam được hình thành, phát triển từ văn hóa của nhiều sắc tộc, dân tộc sinh sống từ thuở Hùng Vương dựng nước bốn nghìn năm trước, truyền từ đời này đến đời khác cho đến nay.
 
NGUYỄN THANH HƯƠNG