Ấn tượng lễ hội âm nhạc, thể thao, dã ngoại

12:01, 02/01/2023
Trong hai ngày 24 - 25/12, đông đảo du khách và người dân các xã vùng Loan, huyện Đức Trọng đã được “đắm chìm” trong không gian âm nhạc mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc gốc Tây Nguyên và cùng chinh phục cung đường vốn được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam: Tà Năng - Phan Dũng.
 
Tham gia Lễ hội âm nhạc, thể thao, dã ngoại, du khách còn được trải nghiệm cung đường Tà Năng - Phan Dũng vốn được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam
Tham gia Lễ hội âm nhạc, thể thao, dã ngoại, du khách còn được trải nghiệm cung đường Tà Năng - Phan Dũng vốn được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam
 
  KẾT NỐI GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
 
Tiếp nối chuỗi hoạt động chào mừng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX, trong không khí đặc biệt của đêm Giáng sinh năm 2022, Lễ hội âm nhạc, thể thao, dã ngoại huyện Đức Trọng lần thứ I đã chính thức được khai mạc, gắn lễ khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng xã Tà Hine - công trình có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên mà còn mở ra những tiềm năng mới trong phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Đức Trọng.
 
Với tổng kinh phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, sau 2 năm thi công, đến nay, công trình Nhà văn hóa cộng đồng xã Tà Hine đã hoàn thiện giai đoạn I với kinh phí 4 tỷ đồng; năm 2023 sẽ tiếp tục thực hiện gia đoạn II. Điểm nhấn của công trình chính là nhà rông, một thiết chế văn hóa tiêu biểu, độc đáo có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa tinh thần, trong đời sống xã hội và trong tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Với việc đưa vào sử dụng Nhà văn hóa cộng đồng xã Tà Hine, người dân trên địa bàn đã có được một nơi để tổ chức các hoạt động cộng đồng; qua đó, lưu giữ, phát huy, giúp cho những giá trị văn hoá của dân tộc mình vẫn trường tồn cùng sự phát triển sôi động, hối hả của cuộc sống hiện đại.
 
Hôm Nhà văn hóa cộng đồng xã Tà Hine vừa chính thức được đưa vào sử dụng, chúng tôi đã được chứng kiến nhiều hoạt động ý nghĩa tổ chức tại đây. Các nghệ nhân đến từ xã Hiệp An đang tỉ mẩn bên khung dệt thổ cẩm, các nghệ nhân đến từ xã N’thol Hạ cắm cúi đan những chiếc gùi, còn các nghệ nhân xã Tà Hine cũng đang trau chuốt từng sợi cói để dệt nên những tấm chiếu... Ka Doang (xã Hiệp An) cho biết: “Em thấy rất vui và hạnh phúc khi được góp mặt tại sự kiện đầy ý nghĩa này. Đến đây, em được xem các nghệ nhân đến từ các địa phương khác trong huyện trình diễn những nét riêng của địa phương mình, được gặp rất nhiều người, có thêm nhiều bạn”.
 
Các đại biểu, du khách và bà con Nhân dân cùng hòa mình vào các điệu múa, vào không khí tưng bừng của ngày hội đoàn kết
Các đại biểu, du khách và bà con Nhân dân cùng hòa mình vào các điệu múa, vào không khí tưng bừng của ngày hội đoàn kết
 
Cũng trong đêm Noel, phần giao lưu văn hóa cồng chiêng với phần trình diễn đặc sắc của gần 100 nghệ nhân đến từ các xã Đa Quyn, Tà Hine, Phú Hội, N’Thol Hạ và Hiệp An như xua tan giá lạnh của đêm đông. Giá trị cồng chiêng không chỉ thể hiện ở kỹ thuật diễn tấu mà nó còn có ý nghĩa tâm linh. Cồng chiêng đại diện cho văn hóa Tây Nguyên được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã sáng tạo ra rất nhiều các bài nhạc chiêng khác nhau, mỗi bài nhạc chiêng ứng với một lễ thức, một tiết lễ trong lễ thức.
 
Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên hòa nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn; không gian làm nương rẫy, không gian lễ hội... của cả vùng Tây Nguyên. Và hôm đó, các đại biểu, du khách và bà con Nhân dân như hòa mình vào các điệu múa, vào không khí tưng bừng của ngày hội đoàn kết.
 
Các nghệ nhân đến từ xã N'Thol Hạ say sưa biểu diễn cồng chiêng.
Các nghệ nhân đến từ xã N'Thol Hạ say sưa biểu diễn cồng chiêng.
 
  TRẢI NGHIỆM “CUNG ĐƯỜNG ĐẸP NHẤT VIỆT NAM” 
 
Thêm một hoạt động nằm trong Lễ hội âm nhạc, thể thao, dã ngoại lần thứ I là giải chạy “Tà Năng Trail Challenge”. Đây là sự kiện chạy bộ địa hình kết hợp trải nghiệm đón Giáng sinh tại Tà Năng do Công ty Cổ phần Truyền thông Nexus phối hợp cùng Công ty Cổ phần Văn hóa tổng hợp Bến Thành tổ chức, thu hút gần 500 vận động viên chuyên và không chuyên trong nước và quốc tế tham dự.
 
Đối với tuyến trekking Tà Năng - Phan Dũng, thời gian qua đã có rất nhiều du khách từ khắp nơi trên cả nước đến trải nghiệm, tuy nhiên, đều là những hoạt động tự phát. Với việc tổ chức Lễ hội Âm nhạc, thể thao, dã ngoại lần thứ I, và Giải “Tà Năng Trail Challenge” do Công ty Cổ phần truyền thông Nexus phối hợp tổ chức, là loại hình “Du lịch xanh, kết hợp rèn luyện thể thao”, huyện Đức Trọng muốn khẳng định, từ nay, tuyến đường trekking vốn được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam sẽ được khai thác tốt nhất có thể. 
 
Nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức tại Nhà văn hóa cộng đồng xã Tà Hine
Nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức tại Nhà văn hóa cộng đồng xã Tà Hine
 
“Tà Năng Trail Challenge” không đơn thuần chỉ là một giải chạy băng rừng địa hình, mà thông qua đây, Ban Tổ chức còn mong muốn được đưa các vận động viên đến với những trải nghiệm thú vị và đầy mới lạ, đó là cùng gia đình, bạn bè và những người thân yêu đón Giáng sinh ở một nơi xa; được hòa mình cùng với thiên nhiên, buông bỏ những lo toan, bộn bề của cuộc sống thường nhật... Ban Tổ chức cũng mong muốn các vận động viên sẽ không quá đặt nặng chuyện thắng - thua, mà xem như một chuyến đi, một trải nghiệm tuyệt vời... Chia sẻ về giải đấu, chị Nga Võ, một vận động viên đến từ TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi là một vận động viên phong trào, đến với môn chạy bộ cũng 4 năm rồi, và may mắn được tham gia hầu hết các giải do Công ty Cổ phần Truyền thông Nexus tổ chức. Đây là một trong những giải mới mà tôi rất quan tâm. Và đối với tôi, khi đến với giải chạy này, tôi không quan tâm mình sẽ đạt được thành tích như thế nào, mà quan trọng là tinh thần, là được tận hưởng không khí trong lành tuyệt vời nơi đây, được trải nghiệm một cung đường mới và đóng góp vào sự phát triển của một vùng đất mới”.
 
Bà Phạm Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, cho biết: “Đức Trọng là địa phương có những danh lam, thắng cảnh đẹp, với 21 dân tộc anh em cùng sinh sống, nơi đây những giá trị văn hóa rất quý báu, đặc biệt là những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên. Với các hoạt động được tổ chức trong suốt Lễ hội này, chúng tôi muốn giới thiệu, quảng bá đến du khách gần xa về 2 địa điểm mà trong thời gian tới huyện Đức Trọng sẽ có những sự kết nối để tổ chức du lịch, đó là Nhà văn hóa cộng đồng xã Tà Hine và tuyến đường trekking vốn được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam: Tà Năng - Phan Dũng. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, các hoạt động này sẽ đánh thức những tiềm năng của huyện Đức Trọng, cũng như tạo ra các giá trị về du lịch của Đức Trọng thật sự làm một điểm đến tiềm năng và khác biệt”.
 
NHẬT MINH