Hành trình xuyên Việt

01:01, 05/01/2023
Trung tuần tháng 11, trong chuyến hành trình xuyên Việt của đoàn cựu chiến binh Tiểu đoàn 810 anh hùng để lại trong tôi nhiều dấu ấn khó phai. Đây là chuyến đi về nguồn của những người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước.
 
Thương binh  Trần Văn Sáu gặp lại đồng đội cũ tại Hòa Bình
Thương binh Trần Văn Sáu gặp lại đồng đội cũ tại Hòa Bình
 
Thực hiện chính sách đối với người có công, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng đã cử Thượng tá Cao Xuân Dưỡng - Phó Chủ nhiệm chính trị chịu trách nhiệm đưa đoàn đi và một thiếu tá - bác sĩ quân y lo theo dõi chăm sóc sức khỏe trên suốt đoạn đường dài trên 5.000 km (thành viên trong đoàn phần lớn tuổi đã ngoài 70). Ngoài ra còn ủng hộ thêm cho đoàn 50.000.000 đồng dùng để chi phí trong hành trình xuyên Việt.
 
Cơn bão số 6 đã chào đón những cựu chiến binh Tiểu đoàn 810 trên TP Đà Nẵng. Điều may mắn trong cuộc hành trình là không bị kẹt xe dọc đường. Đêm ấy là một đêm bão bùng giông tố. Đường phố Đà Nẵng trở thành những con sông trên phố, cây gãy đổ ngổn ngang, giao thông ách tắc.
 
Vượt cao tốc Bắc Nam đoạn Túy Loan - La Sơn, đoàn đến Thành cổ Quảng Trị bên bờ sông Thạch Hãn. Việc trước tiên là đi dâng hương, hoa trên Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Thắp nén hương cho những đồng đội chưa một lần biết tên, chưa một lần gặp mặt. Các anh đã ngã xuống trong chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa” (1972) khi tuổi đời ở tuổi mười tám, đôi mươi.
 
Sáng ngày thứ tư, đoàn lên đường về quê Bác. Đường đến làng Sen thoáng mát sạch đẹp, những giọt nắng chiều rớt nhẹ trên những hàng cau, một làn khói hương mong manh lan tỏa trên mái nhà tranh. Những tấm lòng thành kính của những đứa con miền Nam về đây thăm nơi đã sản sinh ra một bậc vĩ nhân cho đất nước. Đêm ở thành phố Vinh thật là ấm cúng vui nhộn, cả chủ và khách là những người lính. Họ hát cho nhau nghe những ca khúc cách mạng thật sâu lắng, thật nghĩa tình.
 
Chiều ngày thứ năm bên dòng sông Đà. Những người đồng đội năm xưa siết chặt tay nhau, những chiếc hôn nồng ấm, họ trao nhau những lời thăm hỏi về gia đình, về cuộc sống. Anh Trần Văn Sáu là một thương binh hạng 3/4 nay đã bước qua tuổi 90, không cầm được nước mắt, không nói nên lời. Họ đã sát cánh bên nhau từ những chiến hào ở Núi Voi, những trận đánh vào Trường Võ bị, trung tâm chính trị ở Đà Lạt. Bị thương, anh ra Bắc, hơn 50 năm mới gặp lại nhau. Men rượu nồng thắm giao lưu tình cảm của những cô gái Mường Hòa Bình thắm đậm tình Nam nghĩa Bắc.
 
Anh Phạm Đức Hạnh nguyên là cán bộ lãnh đạo Tiểu đoàn 810 anh hùng (thế hệ thứ ba) tâm sự: “Tình cảm anh em đồng đội sau cuộc chiến dù đã hơn nửa thế kỷ nhưng không bao giờ nhạt phai. Đã là lính, dù ở trong thời chiến hay thời bình đều có chung một nhiệm vụ là bảo vệ Tổ quốc. Đoàn đi đến địa phương nào cũng được Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh đón tiếp thật nồng ấm, tình cảm dạt dào. Tình cảm ấy đáng trân trọng mà chỉ có những người lính mới hiểu hết giá trị xương máu để giữ gìn sự bình yên cho người dân”.
 
Vượt dốc Cun lên cao nguyên Mộc Châu trời trở nên se lạnh, cả đoàn cứ ngỡ mình đang đi giữa thành phố Đà Lạt chiều đông. Nhưng không! Khi vượt qua đèo Pha Đin, xuống thung lũng Mường Thanh không khí trở nên khô nóng. Thành phố Điện Biên đây rồi! Thành phố của những cô gái Thái duyên dáng trong trang phục của người Thái. Những nếp nhà sàn, những điệu múa xòe Tây Bắc uyển chuyển bên dòng suối trong vắt. Đồng chí Đại tá Khổng Đình Tám, Chính ủy đến tận nhà khách đón tiếp chúng tôi. Tối hôm ấy, đoàn dự bữa cơm thân mật có cả Đại tá Ngô Quang Tuấn, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên và các sĩ quan tham mưu, hậu cần cũng tham dự.
 
Những câu chuyện râm ran bên chén rượu các anh tự nấu, tôi suy nghĩ miên man, trao đổi với anh Tuấn: “Các anh giữ rừng và trồng rừng tốt quá”. Đáp lời tôi anh Nguyễn Quang Tuấn trao đổi: “Lãnh đạo tỉnh Điện Biên Phủ, xem việc trồng rừng và giữ rừng là một nhiệm vụ. Nơi biên cương của Tổ quốc việc giữ rừng, giữ đất là một việc song hành của bộ đội và Nhân dân trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Nếu có dịp mời đoàn về thăm những bản làng người Thái dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn. Một nếp nhà sàn đơn sơ, một chiếc váy áo ngày hội duyên dáng trong điệu xòe khan, xòe nón, xòe quạt, xòe hoa… Những điệu xòe là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Địa phương quyết tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc tinh hoa của những điệu xòe mà cha ông truyền lại”.
 
Chị Trần Thị Đa nguyên là y tá Tiểu đoàn 810 bày tỏ tình cảm: “Lần đầu tiên tôi ra Bắc, cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của các địa phương nơi đoàn đến. Tôi đã theo đoàn đi tham quan quê Bác ở làng Sen, vào Lăng viếng Bác và giờ đây ở miền biên cương của Tổ quốc nơi diễn ra trận chiến lịch sử vang dội năm châu, chấn động địa cầu. Tôi đã xem tận mắt và nghe những cô gái Thái thuyết minh tại các điểm tham quan, thăm hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên nằm giữa cánh đồng Mường Thanh (nay là trung tâm của tỉnh Điện Biên Phủ), nơi quân ta đã bắt sống tướng giặc Đờ-cát. Những giọt nước long lanh trong khóe mắt, gây xúc động mạnh khi các chị nghe kể về những chiến sĩ trước khi xuất trận họ đã được làm lễ truy điệu sống, các anh đã mang gần 1 tấn thuốc nổ vào tiêu diệt đồi A1 (đây là một lô cốt trên đồi cao). Họ đã hy sinh như bao anh hùng thời Lê, Lý, Trần”.
 
Tại ngã ba sông Nậm Thi đổ vào sông Hồng trên thành phố Lào Cai, tình cờ tôi gặp một chuyên viên về văn hóa các dân tộc thiểu số ở tỉnh Lào Cai. Anh Dương Tuấn Nghĩa là tiến sĩ chuyên nghiên cứu về văn hóa các dân tộc thiểu số nơi biên cương đã cho tôi những lời giới thiệu: “Các bác ra mùa này vào thời điểm không thích hợp. Mùa này ruộng bậc thang bà con đã gặt xong, thời tiết oi bức không có sương mù. Nếu đi vào tháng Tám, những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng trải dài uốn lượn ven đồi trông rất đẹp. Còn muốn chiêm ngưỡng lễ hội văn hóa phi vật thể của các dân tộc nên đi vào tháng Tư, năm dương lịch”. Vì thế nên đoàn cựu chiến binh không thể nghe điệu khèn bầu của người Mông, không xem được điệu múa xòe khăn của người Tày, không thưởng thức các món ăn của người dân tộc Hà Nhì và không xem được nghệ thuật trang trí hoa văn trên váy áo của người phụ nữ Xá Phó…
 
Trở về đồng bằng sông Hồng, trên quê hương Năm Tấn gặp lại số anh em cựu chiến binh ở Thái Bình. Có người đã hơn 50 năm họ mới gặp lại nhau, tình đồng đội vẫn thiết tha mặn nồng. Chúng tôi đã đi qua và ghé lại 17 tỉnh, thành. Nơi nào tình cảm của những người lính đầy ắp những kỷ niệm vui buồn của một thời đạn bom, của một thời hào hùng mà họ đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
 
Ghi chép: VÕ TRẦN PHÚ