Về chốn Lam Sơn phát tích

04:08, 11/08/2022
Lam Sơn là địa danh được nhắc trong Bình Ngô đại cáo khi Nguyễn Trãi thay lời Lê Lợi viết “ta đây chốn Lam Sơn phát tích”. Khu Miếu Điện Lam Kinh là nơi lưu dấu ấn thờ người anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng vương triều Lê Sơ. Năm 1962, nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và năm 2012 được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
 
Bia Vĩnh Lăng được xây dựng năm 1433 ghi lại thân thế, sự nghiệp, công trạng vua Lê Thái Tổ, là một trong bia cổ và to, đẹp nhất Việt Nam
Bia Vĩnh Lăng được xây dựng năm 1433 ghi lại thân thế, sự nghiệp, công trạng vua Lê Thái Tổ, là một trong bia cổ và to, đẹp nhất Việt Nam
 
Đoàn tham quan chúng tôi hơn 50 người là nhà giáo, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và doanh nhân đến từ 3 miền Bắc-Trung-Nam về với Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh vào một chiều mưa hè lắc rắc. Qua hướng dẫn và giới thiệu khái quát của cô Hoàng Thị Hiền, một địa chỉ về lịch sử văn hóa của thời Đại Việt quả là “đặc biệt”. Nhiều thông điệp từ Khu Di tích Lam Kinh được háo hức đón nhận và lan tỏa khắp mọi miền đất nước trong cảm xúc của mỗi thầy cô giáo trong đoàn chúng tôi… 
 
Khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc đấu tranh vũ trang để giành độc lập dân tộc, do Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược trong 10 năm (1418-1427). Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đặt tên nước Đại Việt. Khu Di tích lịch sử Lam Kinh rộng 200 ha nằm trên địa phận 2 huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc. Thành điện Lam Kinh xây dựng theo thuyết phong thủy, phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía trước thành hướng Nam và nhìn ra sông Chu, nơi có núi Chúa làm bình phong, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương và núi Hàm Rồng. Nhà vua đóng đô ở Thăng Long, Hà Nội và dựng ở quê hương Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh (còn được gọi là Tây Kinh để phân biệt với Đông Kinh ở Hà Nội). Lam Kinh có nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn phục vụ thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua và hoàng thái hậu, nơi cử hành những nghi lễ khi vua lễ bái yết sơn lăng. Lam Sơn được coi là “kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt sau Thăng Long - Đông Đô, Hà Nội.
 
Điểm nhấn của quần thể di tích Lam Kinh gồm 8 ha là khu hoàng thành, cung điện và thái miếu với cách bố trí hình bàn cờ, gồm khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu… Trong khuôn viên, phía trước là con sông đào có tên Ngọc, một cây cầu hình cánh cung có tên Tiên Loan Kiều (cầu Bạch) bắc qua sông và nằm trên trục đường chính dẫn vào khu trung tâm chính điện. Cách cầu Bạch khoảng 50 m là chiếc giếng cổ độc đáo có nước quanh năm và trước đây được trồng sen. Đây là một trong những giếng cổ lớn nhất Việt Nam hiện nay. 
 
Ngọ môn là lối vào chính điện có 3 gian (3 cửa vào), gian giữa rộng 4,6 m, gian bên rộng 3,5 m; nền rộng 11 m, dài hơn 14 m. Cửa giữa rộng 3,6 m, cửa hai bên rộng 2,74 m, bốn cột giữa có đường kính chân cột 78 cm. Trước Ngọ môn có con nghê đá đứng canh, phần lưng và đế nghê vẫn còn giữ nguyên bản với niên đại hàng trăm năm. Qua ngọ môn vào đến sân rồng (sân chầu), trải từ chính điện và đến sát thềm hai nhà Tả vu và Hữu vu với tổng diện tích hơn 3.500 m2. Bên phải sân còn cây đa thị hàng trăm năm tuổi, có kích thước chục người ôm.
 
Chính điện Lam Kinh được khởi công tu bổ, tôn tạo năm 2010, trên diện tích hơn 1,6 ha. Chính điện hình chữ công, gồm Tiền điện (Quang Đức) mang ý nghĩa là tài cao, đức độ của vua Lê Thái Tổ sẽ muôn đời tỏa sáng; Trung điện (Sùng Hiếu) là tôn sùng đạo hiếu và Hậu điện (Diên Khánh) nghĩa là vun đúc sự tốt lành của vương triều nhà Lê. Điện Quang Đức và Diên Khánh đều có 9 gian tạo thành hành lang bao quanh cả 3 điện. Công trình có khung gỗ lim 6 hàng cột với đường kính 62 cm, vì chồng rường giá chiêng; hoa văn chặm khắc hình rồng, các linh vật và hoa lá thời Lê chạm nổi, chạm bong. 
 
Qua khu chính điện phía sau là Thái miếu gồm 9 tòa được bài trí trang nghiêm, là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê. Hiện tại mới có 5 Thái miếu được phục dựng. Ban quản lý di tích Lam Kinh cho biết, đầu năm 2022, di tích Lam Kinh đã đưa vào sử dụng phòng trưng bày bổ sung các di vật, hiện vật liên quan đến thời Lê sơ, phòng trưng bày có diện tích 200 m2, giới thiệu gần 300 hiện vật gốc, được phát hiện trong 7 đợt khai quật khảo cổ học tại di tích (từ 1996-2004). Đến nay, toàn Khu Du lịch Lam Kinh có khoảng 21 hạng mục công trình đã được tu bổ, tôn tạo và bảo vệ, với kinh phí lên đến hàng trăm tỉ đồng được huy động từ ngân sách và các nguồn xã hội. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo, hiện mới biết được di tích nền móng các công trình trong khu trung tâm gồm: Cầu trên sông Ngọc; Nghi môn và tường thành; Nhà Hữu vu, Tả vu; Điện chính (chữ công); Cửu miếu (chín tòa miếu) và 5 lăng mộ vua, 1 lăng mộ hoàng thái hậu cùng một số tác phẩm điêu khắc như: bia ký, thềm rồng, tượng quan hầu và các con giống trước mỗi lăng mộ, tượng đá trước Nghi môn và trong khu Miếu điện. (Khu Di tích Lam Kinh, Nxb Văn hóa Thông tin, trang 90). 
 
Năm 2006, Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: “Cái quý nhất của Khu Di tích Lam Kinh là những di tích, di vật còn lại cho đến nay, kể cả trên mặt đất và trong lòng đất, dù chỉ là từng bộ phận hay bị tàn phế, đều cần được bảo tồn tối đa bằng nhiều hình thức và phương án phù hợp. Những kiến trúc mới mang tính phục hồi hay tôn tạo cần kết hợp hài hòa với những di tích gốc. Tôi đặc biệt lưu ý điều này như một nguyên tắc bảo tồn”.
 
Năm 2022, sau khi du lịch được mở cửa trở lại, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Nhiều vị lãnh đạo Nhà nước Việt Nam đã đến Khu Di tích tham quan và trồng cây lưu niệm. Từ đầu năm đến nay đã có khoảng trên 30 ngàn lượt khách. Đầu tháng 4/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chính thức ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và đón khách tham quan chính điện Lam Kinh đã tăng thêm sức hấp dẫn cho Lam Kinh. Hơn 6 thế kỷ trôi qua, Lam Kinh là biểu tượng về giai đoạn lịch sử hào hùng chống giặc Minh xâm lược và xây dựng quốc gia Đại Việt vẫn còn nguyên giá trị lịch sử văn hóa. Những giá trị đích thực của Lam Kinh là nơi thực hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong một không gian văn hóa Việt Mường. Di tích, cảnh quan của quần thể Lam Kinh là những thông điệp về lòng tự hào dân tộc được gửi từ quá khứ tới hậu thế.
 
MINH ĐẠO