.

Từ thủ phủ dâu tằm đến giấc mơ thành phố tơ lụa

11:12, 02/12/2019

Với vùng đất từng được mệnh danh là thủ phủ dâu tằm tơ thì giấc mơ về một thành phố tơ lụa sẽ không còn là chuyện xa vời. 

 

 
Nói về tương lai của tơ lụa Bảo Lộc, không thể không nhắc lại tiến trình lịch sử hình thành thủ phủ dâu tằm tơ này. Năm 1956, Chính phủ Nhật Bản dự định viện trợ cho chính quyền Sài Gòn 10 triệu USD để phát triển trồng dâu nuôi tằm trên Tây nguyên, thay cho bồi thường chiến tranh. Dự định này có tên gọi là “chương trình CoLonBo”. 
 
Phía Nhật Bản đã cử nhiều chuyên gia sang miền Nam Việt Nam để khảo sát về thổ nhưỡng, thời tiết và trồng thử nghiệm giống dâu, nuôi thử nghiệm giống tằm tại Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng và Đồng Nai. Kết thúc quá trình thử nghiệm, các chuyên gia Nhật Bản chọn Bảo Lộc – Lâm Đồng là nơi trồng dâu, nuôi tằm tốt nhất. 
 

 

 
Mãi đến tháng 12/1975, Chính phủ cử một đoàn cán bộ của Cục dâu tằm trung ương về tiếp quản Trung tâm tằm tang Bảo Lộc và xây dựng Trại giống tằm để cung cấp giống cấp I, cấp II cho cả nước. Ngoài nhiệm vụ sản xuất trứng giống tằm, Trại giống tằm còn tiến hành nhiều thực nghiệm về cơ cấu giống tằm, cơ cấu mùa vụ trồng dâu nuôi tằm. Sau đó, Trại giống tằm được chuyển thành Liên hiệp các xí nghiệp Dâu tằm tơ Bảo Lộc. 
 
Chính Liên hiệp này đã tiên phong nhập một số dãy ươm tơ tự động của Hàn Quốc. Đặc biệt, đầu những năm 90, Liên hiệp đã nhập 11 dãy ươm tơ tự động hiện đại của Nhật Bản bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Italia. Sau đó, tiếp tục liên doanh với một công ty của Singapore để thành lập Liên doanh dệt tơ tằm Bảo Lộc (ViSintex). Từ những nền móng đầu tiên này đã đưa ngành dâu tằm tơ Bảo Lộc phát triển đến thời kỳ hoàng kim mà đỉnh cao là việc hình thành nên Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, cho đến khi thoái trào vào những năm cuối của thế kỷ trước.
 

Nếu so sánh 300 ha dâu hiện có tại Bảo Lộc với diện tích 3.000 ha vào thời hoàng kim thì con số này chẳng thấm vào đâu. Và so với 5.000 ha dâu của toàn tỉnh thì Bảo Lộc hiện tại chỉ chiếm một phần diện tích rất nhỏ. Thế nhưng, sự hồi sinh của cây dâu, con tằm tại vùng đất từng được mệnh danh là thủ phủ dâu tằm tơ của cả nước lại có một ý nghĩa rất quan trọng. 
 

 

 
Xã Đam Bri là nơi từng tập trung diện tích dâu tằm lớn của Bảo Lộc với địa danh Nông trường dâu tằm Kohinda. Cái tên Kohinda đã gắn bó với nhiều người đi kinh tế mới vào vùng đất này lập nghiệp. Họ làm công nhân cho nông trường, nhận khoán đất đai để trồng dâu nuôi tằm. Họ từng ăn nên làm ra với cây dâu, con tằm và rồi cũng sạt nghiệp vì chúng. Một khoảng thời gian dài hơn 10 năm, từ năm 1990 đến năm 2000, người dân nơi đây đã xa lánh ngành nghề từng gắn bó với họ hàng chục năm trước. 
 
Từ 3.000 ha dâu, có thời điểm, diện tích này giảm xuống chỉ còn khoảng 100 ha. Người dân chặt phá dâu để chuyển đổi sang một số loại cây trồng khác. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, giá kén tăng cao đã làm cho diện tích dâu dần tăng trở lại. Trồng dâu nuôi tằm đang trở thành ngành nghề đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
 

 

 
27 năm rời vùng đất Thái Bình vào xã Đam Bri lập nghiệp, vợ chồng ông Trần Xuân Khánh và bà Phạm Thị Hà cũng đã có nhiều thăng trầm theo từng bước thăng trầm của nghề trồng dâu nuôi tằm. Nông trường Kohinda giải thể, ông Khánh từ một công nhân trở về vườn trồng chè, cà phê. Vài năm trở lại đây, vợ chồng ông đã bắt đầu quay lại trồng dâu, nuôi tằm. Ông Khánh chia sẻ: Trồng dâu nuôi tằm bây giờ đã nhàn hơn trước nhờ có nhiều công cụ hỗ trợ như: Máy băm lá dâu, máy dập kén, nuôi tằm dưới nền nhà và bắt kén trên né gỗ… Nhờ đó, công lao động ở tất cả các khâu đều giảm, người trồng dâu nuôi tằm thu lợi cao hơn mà không còn chịu cảnh khổ cực với nghề “ăn cơm đứng” như trước đây. 
 

 

 
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Bảo Lộc sẽ trở thành trung tâm sản xuất, chế biến tơ lụa của tỉnh Lâm Đồng. Hiện tại, tơ lụa Bảo Lộc đã được cấp giấy chứng nhận về thương hiệu. 
 

 

 
Theo ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, khó khăn nhất hiện nay vẫn là giống tằm. Lâm Đồng và một số tỉnh miền Bắc như Mộc Châu, Sơn La đều nuôi tằm lưỡng hệ nhưng lại không có nơi sản xuất giống tằm. Hơn 90% giống tằm hiện tại được các tư thương nhập từ Trung Quốc, rồi phân phối cho các hộ nuôi tằm con bán lại. 
 
Riêng tại Lâm Đồng có 4 đơn vị nhập trứng tằm trực tiếp từ Trung Quốc. Trứng tằm được nhập chủ yếu theo đường tiểu ngạch, phi mậu dịch nên độ rủi ro cao. Trứng tằm nhập từ Quảng Tây (Trung Quốc) sang cửa khẩu Móng Cái (Lạng Sơn) với khoảng cách 500 – 600 km nên quá trình vận chuyển ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng trứng giống. 
 

 

 
“Trước đây, hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp kinh phí để duy trì “tập đoàn” giống làm cặp lai. Nhưng từ năm 2016, nguồn kinh phí này bị cắt nên việc sản xuất giống tằm càng khó khăn hơn. Do đó, vấn đề nghiên cứu, sản xuất giống tằm đang là đòi hỏi cấp thiết mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần quan tâm để Việt Nam dần chủ động trong công tác giống, giảm dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc” – ông Thọ kiến nghị.
 
Theo ông Kosho Matsunaga, Tổng giám đốc Công ty Matsumura (Nhật Bản), Bảo Lộc có những điều kiện lý tưởng cho ngành tơ tằm phát triển nhưng cần tạo ra những giống tằm mới thích ứng với điều kiện của địa phương và hệ thống nuôi tằm tiên tiến. Có như vậy mới sản xuất được kén chất lượng cao để làm ra những sợi tơ cao cấp, khẳng định thương hiệu tơ lụa Bảo Lộc nói riêng và của Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.
 
 
Diện tích dâu trong toàn tỉnh hiện nay đang phát triển nhanh, thế nhưng, sản lượng kén tằm vẫn không cung ứng đủ cho hơn 50 dãy máy ươm tơ đang hoạt động. Đây là thách thức lớn bởi sự đầu tư máy móc thiết bị đang mất cân đối so với phát triển vùng nguyên liệu. 
 
Nhu cầu tơ lụa và các sản phẩm từ ngành dâu tằm tơ trên thế giới và trong nước ngày càng tăng theo nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội. Riêng đối với thị trường trong nước, nhu cầu về tơ lụa ngày càng tăng do đời sống người dân được cải thiện và với dân số trên 100 triệu dân thì đây cũng là thị trường không nhỏ. 
 

 


Ngày từ bây giờ, nếu Việt Nam không có chiến lược phát triển ngành dâu tằm tơ thì 10, 15 năm nữa sẽ không có nguyên liệu để sản xuất.
 
 
Trước khi trở thành Giám đốc Công ty TNHH Tơ tằm Nhật Minh, ông Huỳnh Tấn Phước từng có thời gian gắn bó với ngành dâu tằm tơ. Sau khi Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam lâm vào thế khó, năm 2005, ông cùng vài người bạn từng làm công nhân trước đây đã bắt tay cùng “nối lại đường tơ”. 
 
Ban đầu, ông và những người bạn chỉ thực hiện việc kéo sợi bằng cơ khí với quy mô nhỏ, dần dà thành lập công ty và hùn vốn mua máy ươm tơ tự động. 
 
Dàn máy ươm tơ tự động của Nhật Bản trong tổng số 4 dàn máy hiện có được ông Phước mua thanh lý từ Tổng Công ty Dâu tằm tơ. 
 
 
Theo ông Phước, đây là dàn máy có công nghệ hiện đại bậc nhất vào thời điểm Tổng Công ty mua vào năm 1992 với giá trị lên tới 1,4 triệu đô. Việc sở hữu dàn máy có đến 400 mối tơ giúp cho chất lượng tơ được nâng cao. 
 
Ông Phước chia sẻ: Công nghệ ươm tơ được đầu tư hiện đại hơn bằng các dãy máy ươm tơ tự động nên chất lượng tơ cao hơn, thu hút được khách hàng ở thị trường khó tính hơn. Cái khó nhất hiện nay của ngành tơ lụa là quy mô nhỏ lẽ còn nhiều, kén tằm nuôi rải rác nên việc thu mua khó khăn. Điều này dẫn đến khó cạnh tranh với Trung Quốc ngay tại sân nhà.     
 
 

Hiện, Bảo Lộc có 22 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tơ lụa. Mỗi năm, Bảo Lộc xuất bán trong và ngoài nước hàng ngàn tấn tơ và hàng triệu mét lụa. Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ở nhiều thị trường trên thế giới như: Nhật Bản, Ấn Độ, EU, Mỹ, Thái Lan, Lào, Bangladet… 
 
Giá trị xuất khẩu của ngành dâu tằm tơ đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  
 
 
Nhà thiết kế Minh Hạnh đã từng chia sẻ: Tơ lụa Bảo Lộc đã nổi danh từ vài chục năm trước. Thế nhưng, riêng bản thân tôi vẫn tự thấy rằng trách nhiệm của một nhà thiết kế Việt Nam như tôi vẫn chưa đủ với một chất liệu quý của Việt Nam. Ngày hôm nay, chất lượng tơ lụa Bảo Lộc đã rất thuyết phục tôi và làm tôi rất ngạc nhiên. Chính vì vậy, tôi và các nhà thiết kế khác sẽ làm một điều gì đó đặc biệt để tơ lụa Bảo Lộc có một chân dung mới, diện mạo mới và quan trọng là tơ lụa Bảo Lộc được xuất hiện như là một chính nhân quân tử. 
 

 

 


NTK thời trang Minh Hạnh đã ví von lụa Bảo Lộc như hình ảnh cô gái đẹp giam mình trong ngôi nhà cổ và để lụa Bảo Lộc có thể bay xa thì “tôi nghĩ việc quan trọng nhất vẫn là tạo ra những thiết kế mới liên tục, cập nhật công nghệ và khuynh hướng, phải có những không gian trưng bày và thương mại dành cho lụa ngay tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Tạo ra những thương hiệu chính danh chứ không thể xuất hiện dưới tên tuổi của bất kỳ một ai”.
 

 
Năm nay, trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt, một lần nữa, tơ lụa Bảo Lộc sẽ lại xuất hiện trong nhiều gian hàng trưng bày, nhiều chương trình biểu diễn thời trang với một tấm thế mới. Tâm thế của một cô gái đẹp mở cánh cửa bước ra khỏi ngôi nhà cổ. Tâm thế của một thương hiệu đang được định hình và phát triển trên thị trường trong và ngoài nước.

 
Nội dung: HỮU SANG
Thiết kế: HOÀNG ANH