.

Chung tay đẩy lùi Covid-19

04:03, 31/03/2020

(LĐ online) - Với tinh thần ''Chống dịch như chống giặc'', đến hiện tại, nhiệm vụ chống dịch Covid-19 đang được cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân tỉnh Lâm Đồng ưu tiên hàng đầu với mong muốn ngăn chặn triệt để, khống chế sự lây lan và đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất...




 

 

 

Ngay từ đầu tháng 1/2020 (thời điểm Tết Nguyên đán), công tác phòng chống, ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corana (nCoV) gây ra đã sớm được triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đầu tiên là các bệnh viện tuyến tỉnh đã thiết lập ngay các “phòng tuyến” để kịp thời khám sàng lọc, cách ly, điều trị người nhiễm bệnh nếu có. 
 
Từ ngày 4/1, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã thiết lập 2 Phòng khám sàng lọc nCoV và Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nCoV đặt tại Khoa Bệnh Truyền nhiễm có 6 phòng ban đầu. Trong trường hợp cần thiết, năng lực dự phòng của Bệnh viện có thể lên đến 70 - 80 giường bệnh. 
 
Tương tự, tại Bệnh viện II Lâm Đồng, ngay từ rất sớm, Khu cách ly của bệnh viện cũng được thiết lập với đầy đủ phòng cách ly, trang thiết bị y tế để sẵn sàng ứng phó khi có ca nhiễm nCoV trên địa bàn. Bệnh viện đã thành lập phòng khám sàng lọc và Khu cách ly đặc biệt gồm 3 phòng để phòng chống virus nCoV. Tại các phòng, khu cách ly, Bệnh viện luôn bố trí lực lượng y, bác sĩ trực 24/24 giờ. 

 

 
Bước sang tháng 2/2020, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều quyết sách mạnh mẽ đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ. 
 
Nhiều cuộc họp do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) tỉnh Lâm Đồng chủ trì đã được triển khai với nhiều chỉ đạo quan trọng. Trong đó, từ chiều 3/2, học sinh các cấp học trong toàn tỉnh được cho nghỉ học, dừng tổ chức lễ hội Rằm tháng Giêng tại thác Pongour (huyện Đức Trọng) – một trong những lễ hội sau tết thu hút đông đảo người dân thập phương mỗi năm. Đồng thời, công tác báo cáo về dịch được chỉ đạo thực hiện hàng ngày. 
 
 
Tại thời điểm này, việc khan hiếm khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cũng xuất hiện trên địa bàn, do đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở Công thương, Quản lý Thị trường kiểm tra các hiệu thuốc, ngăn ngừa tình trạng găm hàng khẩu trang, nước sát trùng, khử khuẩn, nâng giá mặt hàng, khi phát hiện vi phạm rút giấy phép kinh doanh.
 
Dù chưa có ca bệnh được ghi nhận vào đầu tháng 2 nhưng nhiều hoạt động vẫn được gấp rút triển khai như: Thành lập các Đội phản ứng nhanh tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng và các trung tâm y tế huyện, thành phố. Công bố các cơ sở y tế thu dung điều trị bệnh nhân viêm phổi do nCoV, công bố đường dây nóng của Sở Y tế và các đơn vị trong ngành. 
 
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Lâm Đồng đã triển khai 3 bệnh viện tuyến tỉnh tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân nCoV, gồm có Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng và Bệnh viện Nhi. Tại 3 bệnh viện tuyến tỉnh này đã bố trí khu vực cách ly, điều trị quy mô 20 giường/mỗi bệnh viện để thu dung, điều trị bệnh nhân nCoV. Đồng thời, mỗi bệnh viện dự trữ đủ cơ số thuốc với tổng kinh phí ước tính 2,7 tỷ đồng. 

 

 

 
Cũng trong thời điểm đầu tháng 2, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chuẩn bị địa điểm thu dung, cách ly các trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm nCoV nếu có. Theo đó, có 2 khu cách ly được chuẩn bị tại Trung đoàn 944 (xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) với quy mô 400 giường và Nhà khách Bệnh xá H32 (Phường 8, Đà Lạt) có quy mô 70 giường bệnh. 
 
Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống nCoV tỉnh Lâm Đồng cùng các thành viên Ban Chỉ đạo đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh nCoV tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cũng như hai khu cách ly tập trung của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. 
 
Theo đó, công tác chuẩn bị phòng chống dịch bệnh tại những nơi này được chuẩn bị khá tốt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đảm bảo, đáp ứng sẵn sàng cách ly tập trung những trường hợp nguy cơ và thu dung điều trị bệnh nhân nCoV. 

 

 
Song song đó, công tác tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và giám sát phòng chống dịch nCoV cho gần 500 cán bộ y tế cũng đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng phối hợp với Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng tổ chức. Trong đó, lực lượng quân y của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng tham gia tập huấn. 
 
 
Tại thời điểm này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra công điện khẩn tăng cường phòng chống dịch nCoV để tăng cường công tác phòng chống, ngăn dịch xâm nhập vào địa phương. Các biện pháp được triển khai lúc này là sẵn sàng ứng phó với các tình huống phòng chống dịch, hạn chế thấp nhất tử vong; đảm bảo cung cấp đủ nhân lực, phương tiện, vật tư, thuốc, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng chống dịch theo tinh thần 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ; thực hiện việc tiêu độc, khử trùng tại các điểm tập trung đông người, nhất là trường học, chợ, siêu thị, bến xe, nhà ga, chung cư cao tầng; chuẩn bị khu vực cách ly tại cơ sở y tế đối với trường hợp nghi nhiễm nCoV; lập danh sách những người đã tiếp xúc với người bị cách ly để theo dõi, giám sát chặt chẽ về sức khỏe.

 

 

 
Sau 10 ngày đầu tháng 2, Lâm Đồng có những trường hợp đầu tiên được cách ly, theo dõi phòng ngừa nCoV tại khách sạn, cơ sở lưu trú, công ty. Sau đó, là các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân nCoV được chuyển đến cách ly tập trung tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh xá H32, Trung đoàn 994. Lúc này, cả hệ thống chính trị, hệ thống y tế, quân đội được vận hành đồng bộ để kịp thời phát hiện, cách ly, theo dõi và lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp đưa vào diện nghi nhiễm. 

 
 
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nguồn nhân lực, vật lực, trang thiết bị vật tư, cơ sở vật chất tại Bệnh xá H32, Trung đoàn 994 để tiếp nhận, xử lý các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh từ sân bay Liên Khương và các địa bàn trong tỉnh.
 
Cùng với lực lượng quân đội, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch theo quy định: Rà soát các trường hợp trở về từ vùng dịch để kịp thời quản lý, cách ly, phát hiện các trường hợp nghi nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (tên mới do WHO gọi là Covid-19); tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh triển khai, bố trí nguồn lực, nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống bệnh Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế: Thực hiện công tác vệ sinh thường quy, lau chùi, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc (nhà trường, các cơ sở y tế, công sở, cơ sở lao động…), sử dụng khẩu trang, hạn chế tối đa việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người tham gia để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
 
 

 

 
Trong những ngày đầu Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19, nhiều thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận đã lan truyền trên mạng xã hội Facebook; trong đó, có nhiều thông tin liên quan đến tỉnh Lâm Đồng. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, từ đầu mùa dịch đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã mời nhiều trường hợp để giáo dục, răn đe; đồng thời, ban hành nhiều quyết định xử phạt hành chính nhiều trường hợp liên quan đến hành vi đăng thông tin sai sự thật về dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Cùng với Sở Thông tin và Truyền thông thì Công an các huyện, thành cùng thường xuyên gọi răn đe, nhắc nhở và xử lý nhiều trường hợp vì đưa tin không đúng sự thật về dịch bệnh.
 
Đến nay, đã có hơn 10 trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính liên quan đến việc đưa thông tin sai sự thật về Covid-19; trong đó, có trường hợp bị phạt lên đến 12,5 triệu đồng.
 
 
Cùng với công tác phòng chống dịch, xử lý những người đưa thông tin sai sự thật thì công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh. Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh; mở chuyên mục truyền thông trên zalo Cổng hành chính công của tỉnh; tạo lập chuyên trang phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên Cổng thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông. In ấn hàng nghìn tờ rời, áp phích, hàng trăm đĩa tuyên truyền về phòng chống Covid-19 phát cho các đơn vị trong toàn tỉnh. Đặc biệt, Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng đã xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục, cập nhật nhanh các thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước cũng như trên thế giới. 

 

 
Bước sang đầu tháng 3, nhằm ngăn cản dịch bệnh xâm nhập vào địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 và UBND các huyện, thành phố quán triệt sâu sắc tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, không lơ là chủ quan. 
 
 
Ngay từ đầu tháng 3, nhiều cuộc họp Ban Chỉ đạo, nhiều cuộc kiểm tra công tác phòng chống dịch được triển khai nhằm mục tiêu khống chế không để dịch xâm nhập vào Lâm Đồng. Tại cuộc họp với ngành y tế ngày 4/3, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến chỉ đạo ngành y tế phải chủ động ngay từ cơ sở; xây dựng kịch bản bốn cấp độ ứng phó với dịch. “Diễn biến dịch bệnh Covid-19 hết sức phức tạp, dịch bệnh không từ ai, chỉ có nơi nào chủ động làm tốt thì mới không có dịch xảy ra. Tỉnh Lâm Đồng đã làm tốt và tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của Trung ương, kiểm soát nguồn khách đến và công dân đi các vùng dịch về, nếu phát sinh phải có biện pháp khoanh vùng” – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh. 
 

 

 

 
10 ngày đầu tháng 3, Lâm Đồng thực hiện theo dõi, giám sát, cách ly 44 trường hợp tại nhà, nơi lưu trú; tại nơi cách ly tập trung và tại các cơ sở y tế.
 
Bước sang ngày 10 và 11/3, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp đi cùng chuyến bay QR974 với bệnh nhân Covid-19 tại tỉnh Bình Thuận; trong đó, có 1 trường hợp là nữ doanh nhân Đà Lạt, 2 du khách người Pháp (sau đó đã rời khỏi Đà Lạt) và 1 người Việt ngoài tỉnh đi du lịch đến Đà Lạt. 
 
Lực lượng y tế đã phản ứng nhanh, đưa 3 trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 thứ 34 (gồm 2 trường hợp F1 và 1 trường hợp F2) cách ly y tế tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Đồng thời, lấy 3 mẫu xét nghiệm chuyển Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để xét nghiệm SARS-CoV-2 (virus gây bệnh Covid-19). Đồng thời, số lượng người phải theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, theo dõi cách ly tập trung và cơ sở y tế cũng tăng lên nhanh chóng. Tất cả các trường hợp này đều liên quan đến 4 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 34 ở Bình Thuận trên cùng chuyến bay được ngành y tế nâng cấp, mở rộng vòng giám sát cách ly để phòng dịch Covid-19.
 
Đến cuối ngày 12/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng thông báo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết cả 3 trường hợp ở Lâm Đồng lấy mẫu xét nghiệm đều âm tính với SARS-CoV-2; trong đó, có nữ doanh nhân người Đà Lạt. Vì vậy, đã bãi bỏ các trường hợp giám sát cách ly y tế liên quan đến 3 ca nghi nhiễm này. Tất cả đều thở phào nhẹ nhõm.

 

 

 
Những ngày cuối tháng 3, đáp ứng yêu cầu của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra thực tế một số cơ sở để trưng dụng cách ly tập trung hơn 3.000 người về từ vùng dịch để phòng dịch Covid-19, nhằm “chia lửa” với Quân khu 7. Theo thông tin từ UBND tỉnh, toàn Quân khu 7 gồm 9 tỉnh, thành sẽ tiếp nhận người về từ vùng dịch với tổng số 63.000 người để cách ly tập trung phòng dịch Covid-19. Vì vậy, Quân khu 7 điều phối cho tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận cách ly tập trung 2.500 người, thêm cơ số dự phòng 30%, nâng tổng số người tiếp nhận về Lâm Đồng là hơn 3.000 người.
 
 
Một số cơ sở được kiểm tra để có thể quyết định trưng dụng làm nơi cách ly tập trung cho người từ vùng dịch về để phòng dịch Covid-19, gồm: Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động tỉnh, Ký túc xá sinh viên tập trung của tỉnh, Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh. Ngoài ra, một số điểm tại Bảo Lộc, Bảo Lâm cũng được khảo sát để chọn làm khu cách ly tập trung.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: “Trách nhiệm của địa phương cùng “chia lửa” với Quân khu 7 trong công tác phòng chống dịch. Các sở ngành cần xem xét bố trí nơi tập trung có điều kiện đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho người cách ly, với tiêu chuẩn cho người cách ly là 80.000 đồng/người/ngày. Các cơ sở được chọn làm nơi cách ly tập trung thuộc Quân đội thì giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý điều hành toàn bộ; các cơ sở cách ly tập trung thuộc Công an thì giao cho Công an trực tiếp quản lý điều hành; các cơ sở cách ly tập trung thuộc dân sự thì giao cho UBND các huyện, thành phố trên địa bàn quản lý”. 
 

 

 
BSCKII Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cảnh báo tình hình dịch Covid-19 như phần nổi của tảng băng trôi. Các ca nhiễm SARS-CoV-2 đã lan ra cộng đồng, đây là phần chìm của tảng băng nguy hiểm. Vì vậy, mặc dù Lâm Đồng chưa ghi nhận có người nhiễm SARS-CoV-2, nhưng Sở Y tế đã tham mưu cho tỉnh nâng cấp độ chống dịch lên cấp độ 1.
 
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Sở Y tế Lâm Đồng đã xây dựng kịch bản phòng chống dịch các tuyến: Tỉnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế huyện, thành phố sẵn sàng đáp ứng khi có dịch xảy ra với 2 tình huống và 4 cấp độ. Trong đó, có tính tới cấp độ cao nhất là cấp độ 4 - dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng (từ 1.000 - 3.000 người nhiễm). Mục tiêu làm sao hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong do viêm đường hô hấp cấp SARS-CoV-2 và khống chế đến mức thấp nhất khả năng lan rộng dịch bệnh trong cộng đồng.
 
 
Để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch theo cấp độ mới, các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất (khu vực cách ly, điều trị cho người bệnh), thuốc và trang thiết bị phục vụ công tác khám, điều trị cho người bệnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng và Bệnh viện Nhi Lâm Đồng mỗi đơn vị chuẩn bị sẵn sàng tối thiểu 20 giường bệnh; Trung tâm Y tế các huyện và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ chuẩn bị sẵn sàng tối thiểu 5 giường bệnh.
 
Triển khai phương án thiết lập 2 cơ sở chuyên thu dung điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng và Bệnh viện II Lâm Đồng, lấy 2 Khoa (Bệnh Phổi và khoa Lây nhiễm) để làm Khu điều trị riêng cho bệnh nhân Covid-19. 
 

 

 

 
Đến chiều 27/3, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định cho toàn bộ học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học đến hết ngày 15/4/2020. Như vậy, sau gần 1 tháng đi học trở lại (2/3), học sinh THPT và sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học. Trước đó, trẻ em mầm non, học sinh tiểu học và THCS đã được cho nghỉ học tránh dịch Covid-19 từ ngày 4/2/2020.
 
 
Tối cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh ra công điện kêu gọi toàn dân hưởng ứng đợt cao điểm chống dịch Covid-19, chung tay phòng chống dịch, hạn chế tụ tập đông người từ 00 giờ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4. Công điện yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và kêu gọi Nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc", chấp nhận thiệt hại về kinh tế trong ngắn hạn để cùng phòng, chống dịch. 

 

 

 

Ngay khi dịch bệnh xảy ra trong nước, Nhân dân toàn tỉnh Lâm Đồng đã có ý thức chung tay phòng chống dịch Covid-19. Ngoài các ban ngành, đoàn thể thì nhiều tổ chức, cá nhân, trường học… trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã góp sức đẩy lùi dịch bệnh, như: May, phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí; tuyên truyền cho người dân hiểu rõ cách phòng chống dịch bệnh Covid-19; ủng hộ kinh phí phòng chống dịch... 

 
Đặc biệt, ngay sau khi có Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kêu gọi toàn dân hưởng ứng đợt cao điểm chống dịch Covid-19; trong đó, có việc tạm đình chỉ hoạt động những cơ sở kinh doanh các dịch vụ trên địa bàn; hạn chế đi lại, tập trung đông người; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng…, người dân trên địa bàn chấp hành khá tốt. Đây được xem là động thái tích cực, nhất là từ phía các khu điểm du lịch, cơ sở kinh doanh buôn bán, chấp nhận thiệt hại về kinh tế nhất thời để cùng toàn xã hội chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19.