.

Vững tin bước vào nhiệm kỳ mới

02:10, 12/10/2020
Ảnh: Chính Thành
Ảnh: Chính Thành

 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu

Theo đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, nền kinh tế tỉnh Lâm Đồng tăng trưởng khá, quy mô, chất lượng nền kinh tế được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt khá cao, bình quân 5 năm tăng 8,0%, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Quy mô GRDP tăng 1,6 lần; chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, năng suất lao động tăng 1,5 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng/người/năm 2020, cao hơn bình quân chung cả nước.

   

Lâm Đồng dẫn đầu trong cả nước về mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Văn Báu
Lâm Đồng dẫn đầu trong cả nước về mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Văn Báu

Tỉnh Lâm Đồng đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh; xây dựng các mô hình sản xuất mới ứng dụng công nghệ cao.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5%. Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đạt 180 triệu đồng/ha. Diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt 60.200 ha.

Xây dựng, phát triển thương hiệu “Đà Lạt -  Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với các sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica, du lịch canh nông, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tiêu thụ sản phẩm trên thị trưởng trong nước và xuất khẩu.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn huyện Cát Tiên. Ảnh: Đông Anh
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn huyện Cát Tiên. Ảnh: Đông Anh

Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tạo chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Vai trò chủ thể của người dân được khẳng định, đồng thuận xã hội ngày càng cao. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư phát triển, diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần người dân tiếp tục nâng lên; môi trường nông thôn chuyển biến tích cực.

Năm 2020, toàn tỉnh có 104/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 62 xã so với năm 2015), chiếm tỷ lệ 94% tổng số xã; 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên); thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Đơn Dương đang triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Khách quốc tế chiếm 7,4% tổng lượng khách đến Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu
Khách quốc tế chiếm 7,4% tổng lượng khách đến Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu

Lĩnh vực dịch vụ phát triển toàn diện, tăng trưởng bình quân hàng năm cao hơn bình quân chung của nền kinh tế, tỷ trọng dịch vụ trong GRDP vượt kế hoạch. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ, thị trường hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng khá; kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng cả về lượng và giá trị; đến nay xuất khẩu trên 40 nước.

Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận tải phát triển nhanh, đa dạng, huy động nhiều nguồn lực xã hội đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

 

Ngành nghề tơ tằm khôi phục và phát triển mạnh. Ảnh: Đông Anh
Ngành nghề tơ tằm khôi phục và phát triển mạnh. Ảnh: Đông Anh

Ngành công nghiệp có bước phát triển mới, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu, đóng vai trò chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước, thu gom xử lý rác thải, nước thải, công nghiệp khai khoáng phát triển với tốc độ khá. 

Các khu, cụm công nghiệp được đầu tư từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2020 gấp 1,6 lần so với năm 2015. Tốc độ tăng bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 6,7%. Toàn tỉnh có 11.800 cơ sở sản xuất công nghiệp; 2 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp thu hút 99 dự án (trong đó, có 21 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 5.985 tỷ đồng và 91,57 triệu USD.

Dây chuyền sản xuất bia Sài Gòn tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn. Ảnh: Võ Đình Quýt
Dây chuyền sản xuất bia Sài Gòn tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn. Ảnh: Võ Đình Quýt

Về thu hút đầu tư, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh thu hút được 214 dự án đầu tư, vốn đăng ký 16.352 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt 130 ngàn tỷ đồng (vốn của khu vực tư nhân chiếm khoảng 75%), tập trung vào một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: Nông nghiệp, du lịch dịch vụ.

Một số dự án lớn, lĩnh vực mới như: Sản xuất dược phẩm nanogel, sản xuất bia, sản xuất sợi len lông cừu, sản xuất giống rau, hoa áp dụng công nghệ cao, thủy điện... đi vào hoạt động góp phần đa dạng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm tại địa phương.

Việc triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách Nhà nước.

 

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển toàn diện. Ảnh: Đông Anh
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển toàn diện. Ảnh: Đông Anh

Tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong 5 năm qua, tổng các nguồn vốn đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 3.700 tỷ đồng. Thu hút 115 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách vào địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổng vốn đăng ký 5.800 tỷ đồng.

Nhờ đó, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, cơ bản hoàn thiện. Đến nay, 100% số xã có đường kiên cố đến trung tâm xã, có trạm y tế và phủ sóng phát thanh truyền hình; 100% số thôn dùng được điện lưới Quốc gia; hệ thống trường, lớp đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm… Đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Nhờ chính sách giao khoán nên rừng được quản lý, bảo vệ tốt hơn. Ảnh: Văn Báu
Nhờ chính sách giao khoán nên rừng được quản lý, bảo vệ tốt hơn. Ảnh: Văn Báu

Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng được lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt; tích cực triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, đặc biệt đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang và Vườn quốc gia Biduop - Núi Bà.

Trong 5 năm, tỉnh Lâm Đồng trồng hơn 11.544 ha rừng, 1,47 triệu cây phân tán, trồng xen cây lâm nghiệp trên 2.655 ha; giao khoán quản lý bảo vệ 434.053 ha rừng, chiếm tỷ lệ 80,8% diện tích rừng hiện có; giải tỏa được 1.200 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, trồng lại rừng sau giải tỏa 879 ha, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 52,5% năm 2015 lên 55% năm 2020.

Dạy hát bằng tiếng Việt cho trẻ đồng bào dân tộc thiểu số tại Trường Mẫu giáo Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên). Ảnh: Đông Anh
Dạy hát bằng tiếng Việt cho trẻ đồng bào dân tộc thiểu số tại Trường Mẫu giáo Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên). Ảnh: Đông Anh

Trong 5 năm qua, Lâm Đồng tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giao đất sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện… đối với hộ nghèo, cận nghèo; sinh kế và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên qua từng năm. 

 

Đời sống văn hóa, tinh thần và chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng được nâng cao. Ảnh: Đông Anh
Đời sống văn hóa, tinh thần và chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng được nâng cao. Ảnh: Đông Anh

Tỉnh Lâm Đồng trong 5 năm qua cũng đã phát triển bền vững văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Giáo dục và đào tạo phát triển khá đồng đều giữa các vùng, đạt thành tích cao trong các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế. Chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên. An sinh xã hội, công tác giảm nghèo và chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công được chú trọng.

Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Hiệu lực và hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp từng bước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm và đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ khiếu nại phức tạp kéo dài.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu tại Đại hội Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Chính Thành
Các đại biểu bỏ phiếu bầu tại Đại hội Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Chính Thành

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, đạt nhiều kết quả nổi bật; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Niềm tin Nhân dân đối với Đảng, chính quyền không ngừng được củng cố và tăng lên. Khối Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. 

Lâm Đồng hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại. Ảnh: Văn Báu
Lâm Đồng hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại. Ảnh: Văn Báu

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, mục tiêu phát triển của tỉnh Lâm Đồng là tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.

Phát triển du lịch chất lượng cao, xây dựng thành phố Đà Lạt thành trung tâm du lịch chất lượng cao, trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học.

Phát triển công nghiệp có chọn lọc, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị - nông thôn; phát triển mạnh giáo dục và khoa học kỹ thuật; nâng cao vai trò văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng trong giai đoạn 5 năm 2020-2025 là: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội là điều kiện tiên quyết để phát triển.

Phát huy lợi thế của tỉnh, đồng thời đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khoa học tiên tiến vào các lĩnh vực đời sống và sản xuất.

Phát huy hiệu quả nguồn lực và điều kiện tự nhiên của tỉnh là quyết định; đồng thời tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, chủ động thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phù hợp làm động lực quan trọng cho phát triển.


Thực hiện: BÁO LÂM ĐỒNG ONLINE 

 

 



Xem thêm bình luận