.

Dấu ấn mùa hè tri thức

07:10, 10/10/2022
Nhiều công trình, phần việc đã được các bạn SVTN thực hiện tại các xã vùng sâu, vùng xa
Nhiều công trình, phần việc đã được các bạn sinh viên tình nguyện thực hiện tại các xã vùng sâu, vùng xa
 
(LĐ online) - 5 năm đưa tri thức vào Mùa hè xanh (MHX), trên nhiều buôn làng vùng sâu, vùng xa ở mảnh đất Nam Tây Nguyên, những dấu chân tình nguyện đã đến rồi đi, nhưng những công trình thanh niên và tinh thần tuổi trẻ mà các bạn sinh viên để lại thì vẫn còn nguyên giá trị lâu dài, bền vững. 
 
 
Dùng kiến thức được học tại giảng đường để hỗ trợ, giúp đỡ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất và giữ gìn văn hóa truyền thống là cách mà tuổi trẻ Trường Đại học Đà Lạt đã thực hiện trong Chiến dịch MHX. 
 
Sau một năm bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, mùa hè năm nay, đội hình sinh viên tình nguyện (SVTN) Trường Đại học Đà Lạt lại tiếp tục thực hiện hành trình đưa tri thức vào MHX đến các xã Phi Liêng, Đạ R’sal và Đạ Tông - những địa bàn còn khó khăn của huyện Đam Rông. 
 
 
Trong thời gian hơn 20 ngày, 45 tình nguyện viên chia thành 3 đội hình đã tiến hành thực hiện nhiều mô hình thiết thực, ý nghĩa. 
 
Đơn cử như việc tổ chức lớp tập huấn chăm sóc cây trồng, phòng chống sâu bệnh và hướng dẫn cho 80 hộ dân tại 2 thôn Đưng Glê (xã Phi Liêng) và thôn Pưng Pế Đơn (xã Đạ R’sal). Đồng thời, hỗ trợ phân bón cho 5 hộ với trị giá 5 triệu đồng; hướng dẫn người dân cách thức chọn lựa phân bón cho phù hợp với đối tượng cây trồng và giai đoạn phát triển của cây; hướng dẫn phát hiện sớm triệu chứng cây trồng thiếu dinh dưỡng và phương pháp bổ sung kịp thời. 
 
 
Trước đó, các chuyên gia của Trường Đại học Đà Lạt đã tiến hành lấy 10 mẫu nước tại các xã Phi Liêng, Đạ R’sal, Đạ Tông gửi Viện Hạt nhân Đà Lạt xét nghiệm. Từ kết quả đó, đội hình SVTN đã thực hiện chuyển giao 2 mô hình xử lý nước tại thôn Đưng Glê cho 120 hộ dân người H’Mông, với giá trị hơn 30 triệu đồng. Hay việc chuyển giao quy trình kỹ thuật xử lý phế phụ phẩm từ cây nông nghiệp làm phân bón hữu cơ (vỏ cà phê, rơm, rạ….) bằng chế phẩm sinh học BIO-TRICHO cho 30 hộ dân và trực tiếp thực hiện ủ 5 khối vỏ cà phê cùng rơm rạ tại xã Đạ Long và Đạ Tông… 
 
Các công trình, mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp trên đã góp phần truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, giúp người dân nâng cao kiến thức, kỹ thuật nông nghiệp, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và tiếp cận được nguồn nước sạch. 
 
 
Không giấu được niềm vui khi được tự tay ủ thành công phân bón hữu cơ ngay trong vườn nhà, anh Kơ Xá Ha Xương (Thôn 4, xã Đạ Long) cười nói: “Tôi đã nghe bà con kể chuyện ủ phân sinh học lâu rồi, cũng có một lần làm thử nhưng chỉ làm theo kinh nghiệm được bày nên không thành công. Lần này thì các thầy và sinh viên chỉ dẫn bài bản, tôi thấy đơn giản, dễ làm mà hiệu quả. Trong thôn hầu như nhà ai cũng có vỏ cà phê bỏ đi, sau này chúng tôi sẽ tận dụng để có nguồn phân bón hữu cơ, tiết kiệm phần nào chi phí trồng trọt”. 
 
 
 

 

 
Đến hôm nay, khi đã trở lại giảng đường để bắt đầu năm học mới, trong lòng những chàng trai, cô gái đôi mươi vẫn chẳng thể quên hơn 20 ngày hè tình nguyện trên mảnh đất Đam Rông. Tuy còn khó khăn, xa xôi và thiếu thốn, nhưng thắm đượm tình người. 
 
 
Ở xã Đạ Tông, những ngày đầu đứng lớp của cô sinh viên Trịnh Xuân Mai (sinh viên K44 Khoa Ngoại ngữ) trở nên đặc biệt hơn rất nhiều, khi được đứng trước những ánh mắt háo hức, mong chờ của các bạn nhỏ người M’Nông, K’Ho. 
 
2 lớp học tiếng Anh được bố trí 80 học sinh cấp I được duy trì vào mỗi buổi chiều. Những ngày đầu, cả cô và trò đều bối rối. Bởi Xuân Mai cho biết, sau khi khảo sát thực tế, toàn bộ giáo án ban đầu phải thay đổi vì không thể áp dụng cách dạy như thông thường với các bạn nhỏ ở đây.
 
“Quan trọng nhất là làm sao để khơi gợi cho các em niềm hứng thú học tập tiếng Anh và sự mạnh dạn, thay vì cứ khăng khăng bắt các em tập phát âm, viết chữ thật chuẩn. Vì vậy, chúng em thông qua những cách dễ tiếp thu như học bài hát, hỏi về các đồ vật thân quen hay những gì thường thấy trong cuộc sống của trẻ em nơi đây. Các bé sẽ cảm thấy vừa được học vừa được chơi nên sẽ thích và hứng thú lên lớp”, Xuân Mai chia sẻ. 
 
 
Những bàn tay nhỏ xíu, đen nhẻm nhưng hào hứng lật từng trang sách. Những đôi mắt lúc nào cũng long lanh, sáng rực lên mỗi khi được khen vì đọc, viết đúng. Dẫu mưa hay nắng, những gương mặt khi lấm tấm mồ hôi, lúc lau vội hạt mưa còn vương trên tóc cất tiếng chào lí nhí trước khi bước vào lớp học… Chỉ bấy nhiêu cũng để những “cô giáo” lúc nào cũng mong ngóng học trò, cẩn thận trang trí từng góc bảng, nghĩ ra những cách dạy sao cho thật sinh động. 
 
Không dạy tiếng Anh, công việc mỗi chiều tối của Võ Trung Kiên (sinh viên năm III Khoa Ngữ Văn) lại là đến từng nhà, gặp gỡ, trò chuyện cùng các già làng, trưởng thôn và những người cao tuổi trong cộng đồng để ghi chép, thực hiện việc sưu tầm, số hoá và bảo tồn những nét văn hoá truyền thống của người dân nơi đây. 
 
 
Kiên cùng các tình nguyện viên chuyên ngành Xã hội học và Công tác xã hội đã thực hiện 2 nghiên cứu “Biến đổi văn hoá của dân tộc Mạ và K’Ho tại huyện Đam Rông” và “Sưu tầm, số hoá văn hoá truyền thống của dân tộc Mạ và K’Ho phục vụ phát triển du lịch tại huyện Đam Rông”.
 
Kết thúc chiến dịch MHX, 50 bài hát, chuyện cổ tích, thần thoại; cách đánh chiêng, trống; điệu múa truyền thống của đồng bào Mạ và K’Ho đã được các tình nguyện viên sưu tầm, ghi chép lại và hiện đang được thực hiện hiệu chỉnh, số hoá. 
 
 

 

 
Chị Nguyễn Thị Nhung, Bí thư Huyện Đoàn Đam Rông chia sẻ: Với tinh thần lấy chuyên môn làm tình nguyện, các đội hình đã phát huy tính chuyên sâu và hoạt động hiệu quả, mang lại giá trị lớn cho cộng đồng. Mỗi đội hình đều mang đến chiến dịch một thông điệp riêng, nhưng tất cả đều thể hiện sức trẻ, tinh thần xung kích và sự nhiệt huyết của lực lượng sinh viên. 
 
 
Năm nay, xã Đạ Tông quyết tâm về đích nông thôn mới. Đồng hành với đội hình SVTN, anh Liêng Hót Ngát - Bí thư Đoàn xã Đạ Tông cho biết, mỗi năm, hình ảnh từ màu áo xanh tình nguyện của sinh viên để lại ý nghĩa rất lớn đối với bà con. 
 
Điều đó được thể hiện rất rõ trong việc tiếp xúc, trò chuyện trong những buổi tối bên bếp lửa hồng, giao lưu với các điệu xoang truyền thống với các mẹ, các chị, nồng nàn những chén rượu cần; hay khi được thử hái trái cà đắng, đọt mây và tự tay chế biến món ăn đặc sản của người dân địa phương. 
 
“Đó là một trải nghiệm thực sự tuyệt với mà nếu không ở đây, chắc chắn chúng em sẽ không thể nào có được” - Võ Trung Kiên nói. Cảm xúc của Kiên, cũng là cảm nhận chung của những chàng trai, cô gái tuổi 20 trong đội hình SVTN. Là lần đầu tiên tham gia vào chiến dịch MHX, bận rộn với vô vàn những công việc không tên của một đội trưởng đội hình SVTN tại xã Đạ Tông, Hứa Nguyễn Minh Châu (sinh viên năm 4, khoa Ngoại ngữ) vẫn không giấu nổi sự hào hứng và tự hào của mình sau khi chiến dịch kết thúc. 
 
Em bảo rằng: “Cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình và chủ động đề xuất nhiều hoạt động ý nghĩa từ địa phương, điều quý giá nhất mà chúng em nhận được là những trải nghiệm, bài học quý giá. Nếu như mùa hè này em chỉ dành thời gian để ở nhà hay đi du lịch thì sẽ không bao giờ biết được cuộc sống của người dân ở đây như thế nào, sẽ không bao giờ đổi lại được nụ cười của các bé khi tham gia lớp học tiếng Anh, cũng ko thể nào trải nghiệm được cuộc sống tập thể”. 
 
 
Sau 5 năm triển khai ở các địa phương như Đam Rông, Đạ Huoai, đến nay, mô hình Đưa tri thức vào MHX của tuổi trẻ Trường Đại học Đà Lạt đã thực hiện được nhiều công trình, phần việc tiêu biểu, có ý nghĩa như: Chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng; chuyển giao kỹ thuật chống sâu bệnh trong canh tác cây nông nghiệp; xây dựng bể lọc nước đơn giản cho đồng bào dân tộc thiểu số; điều tra di sản văn hóa dân gian của đồng bào Mạ, K’ho; sưu tầm văn hóa truyền thống đồng bào Tây Nguyên; chuyển giao công nghệ ủ phân từ vỏ cà phê và chọn giống cây trồng. 
 
 
Tại chuyến thăm, động viên đội hình MHX Trường Đại học Đà Lạt tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Minh Triết - Bí thư Trung ương Đoàn đã đánh giá cao mô hình Đưa tri thức trẻ vào MHX; đồng thời, bày tỏ mong muốn các chiến sĩ tình nguyện sẽ phát huy nhiệt huyết, tinh thần xung kích của tuổi trẻ để thực hiện tốt các hoạt động ý nghĩa, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động tình nguyện, thực hiện công trình gắn với nhiệm vụ địa phương để công tác tình nguyện sẽ ngày càng chuyên nghiệp và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bà con Nhân dân. 
 
 
Nhân rộng mô hình Đưa tri thức vào MHX, trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm nay, toàn tỉnh đã có 7 đội hình MHX với sự tham gia của 135 sinh viên. Trong chiến dịch, 100% các đội hình tình nguyện của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã triển khai công trình nghiên cứu khoa học, lớp dạy ngoại ngữ, văn hoá tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mô hình truyền dạy chữ viết của đồng bào tại chỗ cho đoàn viên, thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức hoạt động sinh hoạt hè, vui chơi, giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện Đam Rông và Lạc Dương… 
 
Anh Phan Tuấn Anh - Nguyên Bí thư Đoàn Trường Đại học Đà Lạt chia sẻ: Điểm khác biệt và cũng là mục tiêu chính của mô hình là đưa tri thức về với buôn làng, bởi đây là mô hình phù hợp, khi mà SV vừa có môi trường thực tế để áp dụng những kiến thức đã được học trên ghế nhà trường, lại có thể giúp cho bà con tự đứng lên bằng đôi chân của mình khi áp dụng những kỹ thuật mới trong lao động sản xuất. Giá trị của MHX không chỉ tồn tại trong thời gian nó diễn ra, mà sẽ góp phần phát triển kinh tế tại các địa phương đi lên, bền vững và lâu dài hơn.
 
 
Những sự đổi mới không tránh khỏi sự nghi ngờ. Nhưng với kết quả hiện hữu của các phần việc được thực hiện sau một thời gian đã chứng minh hiệu quả của sự mạnh dạn đó. Cùng với mô hình Đưa tri thức trẻ vào MHX, Đoàn Trường Đại học Đà Lạt đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè trong nhiều năm liền. Điều này như một lần nữa khẳng định hiệu quả của sự mạnh dạn, tiên phong của tuổi trẻ Trường Đại học Đà Lạt. 

Nội dung: VIỆT QUỲNH - HỒNG THẮM
Thiết kế: HẠ AN
Ý tưởng: HỮU SANG
 

 



Xem thêm bình luận