Cuốn hút “hoa rồng”

02:01, 04/01/2012

Những loài “hoa rồng” của xứ lạnh Đà Lạt với muôn ngàn chiếc gai nhọn tua tủa, thân cây thô nhám, đã cuốn hút du khách gần xa khi xuống phố hòa mình vào Festival hoa năm 2012.

Những loài “hoa rồng” của xứ lạnh Đà Lạt với muôn ngàn chiếc gai nhọn tua tủa, thân cây thô nhám, đã cuốn hút du khách gần xa khi xuống phố hòa mình vào Festival hoa năm 2012.

Khu chợ triển lãm hoa ven hồ Xuân Hương, Đà Lạt (trước Nhà hàng Thanh Thủy), “hoa rồng” Đà Lạt níu kéo bước chân du khách bởi nét đẹp lạ của nó. Đứng thật lâu trước một quầy “hoa rồng” ở đây, một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh nói: “Hoa xương rồng Đà Lạt gai nhọn mà mềm; thân cây thô mà đầy đặn nước; lại phô diễn nhiều kiểu dáng nữa. Thật là thú vị…”
 

Đa dạng các loại hoa rồng trưng bày tại Festival Hoa Đà Lạt 2012.
Đa dạng các loại hoa rồng trưng bày tại Festival Hoa Đà Lạt 2012.

Ngắm nghía, chọn lựa theo túi tiền của mình, vị khách này quyết định mua một chậu “hoa rồng” có tên gọi là “hoa sinh nhật”, to bằng bàn tay xòe, giá 80 ngàn đồng, thích thú cầm trên tay nói sẽ làm kỷ niệm khó quên cho chuyến du lịch lễ hội này. Người bán «hoa rồng» (hoa xương rồng) cho vị khách này là một cô gái đến từ tỉnh Đồng Nai nói:«Em từ Đồng Nai lấy chồng Đà Lạt, mang theo các loài cây xương rồng về trồng từ mấy năm về trước. Đâu ngờ xương rồng trồng với xứ lạnh Đà Lạt lại xanh tốt và nở hoa đẹp đến vậy…» Tại quầy hàng «hoa rồng» ở chợ hoa này, cô gái đang bày bán với khoảng 50 chậu hoa lớn nhỏ; bán hết bao nhiêu chậu thì về lại nhà ở Đà Lạt lấy thêm bày bán bấy nhiêu. Qua mấy ngày Festival hoa Đà Lạt năm 2012, cô gái ước tính cũng bán được vài chục chậu «hoa rồng», chậu bán có giá thấp nhất là 15 ngàn đồng, chậu bán có giá cao nhất lên đến hơn một triệu đồng.   

Ở một quầy «hoa rồng» rộng lớn hơn, được bao bọc bốn bề bằng mái che, cuốn hút du khách đến xem mua và xe thưởng lãm. Người phụ nữ chủ quầy cho biết ở đây bày bán 3 loài «hoa rồng» chính là hoa móc câu, hoa kim hổ và hoa tai thỏ. Chậu có kích thước lớn nhất phải bằng hai vòng tay vòng, trồng trên đó một cây «hoa rồng» mang hình một quả địa cầu, trồng và chăm sóc đã 8 năm, chào bán với giá 8 triệu đồng. Giá này có bớt chút đỉnh nào không ? «Khách cứ xem kỹ và xem hết các quầy hoa xương rồng đang trưng bày rồi so sánh giá. Không nói thách đâu!»- Người phụ nữ chủ quầy trả lời và giới thiệu thêm có chậu «hoa rồng» tai thỏ đã trồng 6 năm, cây nhiều nhánh, cao trên nửa mét, bán với giá 600 ngàn đồng. Mua «hoa rồng» về nhà hàng tuần phải phơi ra nắng một lần, tưới nước phun sương và bón vài hạt phân dùng bón những loài cây cảnh bình thường. Mấy ngày tham gia triển lãm với Festival hoa Đà Lạt năm 2012, du khách đến đây không chỉ mua mà còn được chụp hình lưu niệm khá nhiều bên những chậu «hoa rồng», ghi lại địa chỉ,
số điện thoại để hẹn gặp trong những chuyến du lịch tới.

Cuốn hút lượng du khách đến thưởng lãm «hoa rồng» nhiều nhất ở chợ hoa ven hồ Xuân Hương dịp này là quầy «Hoa xương rồng Liêm». Chỉ một tiếng đồng hồ đến đây, tôi ước tính phải đến cả trăm lượt khách ra vào. Ấn tượng ở trước cửa quầy hàng là một chậu «hoa rồng» 9 cành, mỗi cành dài từ 0,3 mét đến hơn 0,5 mét ; đường kính chậu hoa khoảng 0,6 mét. Chủ quầy cho biết đây là chậu «Hoa rồng 9 đầu» đoạt Huy chương Bạc tại Hội Hoa xuân thành phố Hồ Chí Minh cách đây mấy năm; hoa trồng trên đất Đà Lạt đã gần 20 năm từ cây giống nhỏ chỉ bằng gang tay. Hiện cơ sở «Xương rồng Liêm» xem đây như một tác phẩm nghệ thuật, chỉ triển lãm cho khách thưởng lãm, tự do chụp hình lưu niệm chứ không bán với bất kỳ giá nào.

Cơ sở «Xương rồng Liêm» tham gia triển lãm và bày bán hàng chục loài  «hoa rồng» tại Festival hoa 2012. Những loài hoa chính đó là kim hổ, bánh sinh nhật, long thiên nga, mũ trạng nguyên… Bên cạnh những loài «hoa rồng» đưa về từ các vùng miền đồng bằng trong nước, cơ sở «Xương rồng Liêm» Đà Lạt còn nhập về các loài hoa rồng từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan. Tại vườn «hoa rồng» rộng hàng trăm mét vuông ở đường Trần Quý Cáp, Đà Lạt, cơ sở đã nhân giống đến nay thành cả trăm loài «hoa rồng» các loại. Trồng trong chậu cảnh, «hoa rồng» của cơ sở vừa trồng theo từng cây riêng biệt, vừa trồng phối cảnh với các loài cây cảnh khác, tạo thành một vườn sinh vật cảnh thu nhỏ. Theo người đứng quầy «hoa rồng» tại Festival hoa Đà Lạt năm 2012 giới thiệu, đó là «hoa rồng» trồng trên bình hoa đất với các loài cây sen đất, cây tùng bon sai, thảm cỏ xanh… Hoặc «hoa rồng» trồng chung trong quần thể nhỏ với cây bạch tuyết mai, cây sen lá bạc, xen lẫn là những hòn đá cảnh nhỏ… tạo thành một tiểu cảnh khoáng đạt…

Theo chủ cơ sở «Xương rồng Liêm» Đà Lat, trồng «hoa rồng» ở Đà Lạt không khó, trồng với khoảng không gian tập trung phải có nhà kính để che mưa; việc bón phân cũng rất ít và chăm sóc cũng không phải tất bật hàng ngày. Có điều để nuôi dưỡng thành một cây «hoa rồng» nghệ thuật cuốn hút khách thưởng lãm, chủ nhân phải thực sự là người yêu thích với từng thớ da cây, từng đầu gai nhọn của hoa.

VĂN VIỆT