Cả đời vì sự nghiệp trồng người

02:11, 26/11/2018

(LĐ online) - Có dịp gặp gỡ Nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh, người đối diện luôn thấy ở bà sự tĩnh tại nhưng không kém phần quyết liệt. Suốt mấy chục năm làm trong ngành Giáo dục, phong thái chỉn chu, nghiêm khắc và hồn hậu vẫn còn đó dù bà đã bước vào cái tuổi "cổ lai hi". Đặc biệt là dù ở cương vị nào, bà luôn là con người của công việc, của các hoạt động xã hội hướng tới học sinh, tới sự nghiệp trồng người. 

(LĐ online) - Có dịp gặp gỡ Nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh, người đối diện luôn thấy ở bà sự tĩnh tại nhưng không kém phần quyết liệt. Suốt mấy chục năm làm trong ngành Giáo dục, phong thái chỉn chu, nghiêm khắc và hồn hậu vẫn còn đó dù bà đã bước vào cái tuổi “cổ lai hi”. Đặc biệt là dù ở cương vị nào, bà luôn là con người của công việc, của các hoạt động xã hội hướng tới học sinh, tới sự nghiệp trồng người. 
 
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà cho Nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh trong lần đại biểu các tỉnh về dự Đại hội Thi đua khuyến học cả nước lần thứ 3. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà cho Nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh trong lần đại biểu các tỉnh về dự Đại hội Thi đua khuyến học cả nước lần thứ 3. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong căn nhà nhỏ trên đường Phan Chu Trinh (Phường 9, TP Đà Lạt), Chủ tịch Hội Khuyến học TP Đà Lạt, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nói về việc không ngừng học tập của mình một cách khiêm tốn: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà khoa học kĩ thuật công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng. Trong xã hội luôn vận động như vậy, mình làm việc gì cũng cần phải có hiểu biết, có trí thức. Tôi luôn nói với các thầy cô, phụ huynh và các em học sinh mục đích học tập là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” (khẩu hiệu do tổ chức Unesco đề xướng). Bản thân tôi luôn nghĩ và làm việc theo triết lý như vậy trong công việc hằng ngày để có thêm động lực phấn đấu và truyền dạy cho các em nhiều hơn nữa”.
 
Đúng là nói đi đôi với làm, ở cái tuổi 70, hằng ngày bà vẫn hăng say làm công việc liên quan tới khuyến học, khuyến tài của địa phương. Như 1 tuần nay, để chuẩn bị cho các cuộc họp của Hội khuyến học TP Đà Lạt dịp cuối năm, bà miệt mài soạn thảo, lên chi tiết các chương trình, danh sách các đại biểu về tham dự,…Và khi kết thúc ngày làm việc, đồng hồ thường điểm 1-2 giờ sáng ngày hôm sau. Vậy mà bà lại nói vui, về già nếu không thường xuyên vận động trí não bệnh mất trí nhớ sẽ tới rất nhanh. “Ai lại không sợ mất trí nhớ phải không?” – bà trả lời chúng tôi bằng một câu hỏi với nụ cười tươi tắn!
 
Chính thức làm giáo viên dạy bộ môn toán – lý cấp 2-3 từ năm 1968 tại huyện Đơn Dương, trải qua nhiều vị trí từ tổ trưởng chuyên môn, hiệu phó, hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục TP Đà Lạt,… đến nay, bà đã qua 32 năm công tác trong ngành GD&ĐT. Năm 1998, bà là vinh dự là một trong ít những cán bộ quản lý giáo dục đầu tiên của tỉnh được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Từ vị trí Trưởng phòng GD&ĐT trong nhiều năm tới khi nghỉ hưu, được các cấp chính quyền và ngành GD&ĐT Đà Lạt đặt niềm tin, bà tiếp tục làm Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Lạt và dành tâm huyết của mình thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn thành phố phát triển mạnh mẽ.
 
Ở cương vị trên, Nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh có công lớn củng cố tổ chức xây dựng Hội vững mạnh và phát triển hội viên đạt 19.2% trên tổng dân số (số hội viên đông nhất so với các huyện và thành phố khác trong tỉnh). Hiện toàn thành phố có hơn 38 ngàn gia đình được công nhận gia đình học tập, đạt tỷ lệ 92%; 4 dòng họ đạt dòng họ học tập, tỷ lệ 100%; 248 thôn, tổ dân phố đạt cộng đồng học tập, tỷ lệ 100%; 76 đơn vị đạt đơn vị học tập, tỷ lệ 48%; 15 phường, xã đạt cộng đồng học tập cấp xã, tỷ lệ 94%.
 
Theo đánh giá của Ủy Ban MTTQ Việt Nam TP Đà Lạt, với vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học TP Đà Lạt, bà đã tham mưu tích cực với cấp ủy, chính quyền ban hành nhiều kết luận, kế hoạch triển khai thực hiện các quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh, triển khai Quyết định 89/TTg của Thủ tướng Chính phủ xây dựng xã hội học tập và Quvết định 281/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, đạt được nhiều bước tiến đáng biểu dương. 
 
Nhờ đó, năm 2017, Hội Khuyến học TP Đà Lạt được Trung ương Hội tặng Cờ thi đua Xuất sắc. Ngoài ra, bà còn là thành viên của Ban Phong trào - Hội Khuyến học tỉnh, là báo cáo viên tích cực trong các Hội nghị tập huấn của Hội Khuyến học cấp tỉnh và cơ sở; là Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; được Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều Giấy khen, Bằng khen.
 
Không chỉ là người làm công tác khuyến học, Nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh luôn đặt mình vào vị trí người bạn để hiểu và chia sẻ với học trò nhiều hơn. Mỗi lần có một sự kiện giáo dục nào tác động tới tâm tư tình cảm của các em, bà đều tự mình đi tìm hiểu cặn kẽ sau đó góp ý tới nhà trường, thầy cô để điều chỉnh thích hợp. Chính sự tận tâm, hết mình giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi… được tiếp tục đi học, thay đổi bản thân nên bà luôn dành được tình cảm lớn của nhiều thầy cô, phụ huynh học sinh suốt nhiều năm qua.
 
Dẫn câu nói của Bác Hồ: Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ càng thấy cần phải học thêm, Nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh chia sẻ với chúng tôi dù tuổi ngày càng cao, sức khỏe có hạn nhưng bà sẽ gắn bó với công tác khuyến học của thành phố tới khi nào có thể. Bởi đối với bà, mỗi ngày còn sống trên đời phải luôn là một ngày bận rộn và nhiều ý nghĩa. 
 
C.PHONG