Cựu chiến binh sản xuất giỏi ở Rô Men

04:12, 19/12/2018

(LĐ online) - Thấu hiểu những khó khăn mà phần lớn bà con dân tộc thiểu số (DTTS) tại địa phương đang gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là với cây cà phê, ông Vượng chẳng ngại ngần đến từng nhà, cầm tay chỉ việc, cải tạo vườn để từ đó nâng cao năng suất, thu nhập cho bà con.

(LĐ online) - Thấu hiểu những khó khăn mà phần lớn bà con dân tộc thiểu số (DTTS) tại địa phương đang gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là với cây cà phê, ông Vượng chẳng ngại ngần đến từng nhà, cầm tay chỉ việc, cải tạo vườn để từ đó nâng cao năng suất, thu nhập cho bà con.
 
Ông Vượng hiện nay đang phát triển mô hình xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê để nâng cao giá trị sản xuất
Ông Vượng hiện nay đang phát triển mô hình xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê
để nâng cao giá trị sản xuất
Đang loay hoay kiểm tra cây bơ non vừa xuống giống, ông Ngô Văn Vượng (thôn 3, xã Rô Men, huyện Đam Rông) vừa giải thích cho chúng tôi nghe về kỹ thuật trồng bơ, sầu riêng cũng như những đặc trưng về đất, nước, khí hậu ở Đam Rông. Đó là những kinh nghiệm được ông tích lũy trong suốt quãng thời gian gần 30 năm gắn bó với mảnh đất ở một trong những huyện còn khó khăn nhất của tỉnh.
 
Và cũng chính vì thế nên trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp thì ông lại càng am hiểu. Người dân thôn 3 mỗi ngày đi ngang vườn cà phê nhà ông đều không khỏi trầm trồ. Theo ước tính của ông Vượng, năm nay, cà phê có thể đạt năng suất trên 4,5 tấn/ha. Đây là con số mà chẳng mấy gia đình trồng cà phê ở đây dám nghĩ đến. Ở thôn 3, xã Rô Men hiện nay có 110 hộ thì có trên 90% là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Với tập tính canh tác truyền thống, manh mún nên dù có nhiều diện tích thì cây cà phê vẫn khó có thể giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Vậy nên mỗi khi có bất cứ ai tìm đến vườn để học hỏi kinh nghiệm, ông Vượng luôn giúp đỡ một cách rất nhiệt tình.
 
“Tôi phải đến tận vườn để kiểm tra thực trạng. Rồi bón phân gì, cắt tỉa cành nào, kỹ thuật ra làm sao… cũng phải hướng dẫn chi tiết tại vườn cho bà con thì bà con mới nhớ chứ không thể nói chỉ nói suông. Cứ phải cầm tay chỉ việc thì bà con mình mới có thể hiểu được. Người cùng thôn, giúp được gì cho bà con mình cũng cố gắng giúp”, ông Vượng chia sẻ.
 
Bản thân gia đình ông Vượng cũng là một trong gia đình tiên phong trong việc tìm tòi, khám phá những mô hình mới. Trước đây ông đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi hươu sao lấy nhung với tổng số 12 con, đem lại thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm. Tuy nhiên do tình hình sức khỏe không được đảm bảo, đầu năm nay ông đã phải bán đi toàn bộ số hươu này và hiện nay đang trồng xen canh bơ, sầu riêng trong vườn cà phê.
 
Mỗi năm, với diện tích 3 ha cà phê, ông Vượng cũng tạo công ăn việc làm thời vụ cho một số lao động tại địa phương. Một vài gia đình gặp khó khăn phải đi bán cà phê non khi chưa đến lúc thu hoạch cũng được ông giúp đỡ bằng cách cho mượn tiền. Bởi ông Vượng biết rằng với người DTTS, năng suất cà phê đã thấp, nếu bán non với giá như vậy thì gần như cả vụ chẳng còn lợi nhuận gì. Kiểu như nếu cứ “ăn xổi ở thì” thì cái nghèo, cái đói vẫn mãi đeo đẳng lấy bà con.
 
Là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 3, ông Vượng luôn gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Hội, giúp hội viên xóa đói, giảm nghèo. Cũng nhờ vậy mà ở thôn 3, tuy chỉ có 6 hội viên Hội Cựu chiến binh nhưng đã lập được một nguồn quỹ với số vốn 12 triệu đồng, dùng để cho các thành viên vay không lãi theo hình thức xoay vòng. 
 
Ông Đặng Văn Tính – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Rô Men cho biết, nhờ có sự nhiệt tình và tận tâm của Chi hội trưởng Ngô Văn Vượng mà các công việc, từ vận động hội viên nói riêng và bà con nhân dân cả thôn tham gia chấp hành các chủ trương, phong trào trên địa bàn luôn được triển khai tốt. Ông Vượng cũng thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên trong thôn, xã về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giúp hội viên ổn định sản xuất, phát triển kinh tế.
 
Hồng Thắm