PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh - nhà khoa học "chịu chơi"

02:12, 13/12/2018

(LĐ online) - Trong căn phòng áp mái rộng chừng 80 m2 được bố trí ngăn nắp với hơn 20 kệ sách lớn nhỏ cùng rất nhiều bằng khen, huy chương được các cấp, các ngành trao tặng,... ông kể cho "khách báo" nghe về cuộc đời hơn 1/2 thế kỷ làm khoa học cũng  như việc "chịu chơi" của mình. 

(LĐ online) - Trong căn phòng áp mái rộng chừng 80 m2 được bố trí ngăn nắp với hơn 20 kệ sách lớn nhỏ cùng rất nhiều bằng khen, huy chương được các cấp, các ngành trao tặng,... ông kể cho “khách báo” nghe về cuộc đời hơn 1/2 thế kỷ làm khoa học cũng  như việc “chịu chơi” của mình. 
 
Ông Sergey Kirienko, Tổng Giám đốc Tập đoàn Rosatom trao tặng Huy chương cho  PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh (Hình nhân vật cung cấp)
Ông Sergey Kirienko, Tổng Giám đốc Tập đoàn Rosatom trao tặng Huy chương
cho PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh (Hình nhân vật cung cấp)

“Việc chịu chơi, dám chơi, tham gia nhiều sân chơi bổ ích đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong công việc và cuộc sống thường nhật chứ không tách mình ra khỏi sân chơi này với sân chơi khác” - PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh (SN 1939, thường trú tại số 3/15b Cô Giang, Phường 9, TP Đà Lạt) bộc bạch.
 
Dành trọn cuộc đời để nghiên cứu khoa học 
 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, một vùng đất khô cằn thừa nắng và gió, phải gồng mình lên để chịu nhiều thử thách của lịch sử nước nhà, chàng trai Nguyễn Mộng Sinh đã sớm vượt qua mọi khó khăn để trở thành một nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực hóa phóng xạ. 
 
Năm 1960, trong khi đang theo học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chàng thanh niên Nguyễn Mộng Sinh được cử sang nghiên cứu và học tập tại Liên Xô (nay là Liên bang Nga) với chuyên ngành Hóa nguyên tố hiếm và phóng xạ ở Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev mang tên T.G. Septsenkô thuộc nước Cộng hòa Ucraina. 
 
Sau 6 năm “dùi mài kinh sử” nơi đất khách quê người, năm 1968, ông bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sĩ Hóa học phóng xạ và tham gia làm cộng tác viên khoa học tại phòng thí nghiệm các phản ứng hạt nhân thuộc Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúpna từ năm 1970 cho đến năm 1974. 
 
Năm 1974, ông trở về Việt Nam đảm nhiệm nhiều vị trí liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân, trong đó có Phòng Hóa phóng xạ thuộc Viện Vật lý, Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (từ năm 1976 đến năm 2007) và đảm nhận các cương vị Trưởng phòng Hóa phóng xạ; Giám đốc Trung tâm Phân tích và Môi trường; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân... 
 
Từ năm 1994 đến năm 2007, ông tham gia hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng với vai trò là Phó Chủ tịch kiêm nhiệm. Tại Đại hội lần thứ III Liên hiệp Hội và Khoa học Kỹ thuật Lâm Đồng (2007 - 2012), ông được bầu làm Chủ tịch... 
 
Tuy giữ nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý khác nhau, nhưng ở bất cứ nơi nào ông cũng làm việc và cống hiến hết mình cho khoa học, được anh em, đồng nghiệp luôn trân quý.
 
Nhà khoa học “chịu chơi” 
 
Là nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực hóa phóng xạ Việt Nam, nhưng PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh lại có tâm hồn rất lãng mạn và rất “chịu chơi”. Để giải thích quan điểm “chịu chơi” của mình, ông xuất khẩu thành thơ: Chịu chơi là kẻ có bạn bè/ Trung hiền tâm huyết nỗi đam mê/ Việc công khó nhọc gồng vai gánh/ Vượt núi trèo non cũng hả hê/ Chịu chơi là kẻ trí ngoan cường/ Trầy da tróc vảy giữa đời thường/ Mình làm mình chịu không hề sợ/ Vấp ngã đôi lần chuyện cỏn con/ Buồn vui, hạnh phúc kẻ chịu chơi/ Hình như đơn giản thế mà thôi/ Nên chi thanh thảnh trong tâm tưởng/ Hắn sống vô tư suốt cuộc đời. 
 
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh

Không chỉ tham gia “sân chơi” văn học nghệ thuật Lâm Đồng, thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh còn tham gia dạy cao học tại Trường Đại học Đà Lạt, trực tiếp hướng dẫn khoa học cho các nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sỹ.
 
Không những vậy, ông còn tham gia nhiều Hội đồng khoa học cấp cơ sở của Viện Nghiên cứu hạt nhân, đồng thời trực tiếp làm chủ nhiệm nhiều đề tài, đồng chủ nhiệm đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ như: Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng dữ liệu phóng xạ môi trường và đề xuất thiết lập hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường Thành phố Hồ Chí Minh”; “Nghiên cứu điều chế các dược chất phóng xạ I-131 và P-32 ứng dụng trong chuẩn đoán và điều trị bệnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”; “Điều tra, khảo sát, đánh giá hiệu quả thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh giai đoạn 1996-2005”… 
 
Ngoài ra, ông còn là tác giả của trên 10 công trình khoa học được báo cáo ở các hội nghị khoa học trong nước; hướng dẫn khoa học cho 8 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sỹ; tham gia tích cực trong công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay. 
 
Với những hiểu biết và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực hạt nhân, ông đã tham gia nhiều dự án tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực phát triển điện hạt nhân...
 
Theo ông, các “sân chơi” mình tham gia là để bổ sung cho nhau trong cuộc sống thường nhật cũng như công tác. Là nhà khoa học nhưng ông rất thích làm thơ. Trong thơ của mình ông thường viết lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Đó là sự bổ trợ lẫn nhau trong 2 lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. 
 
“Vì thích làm thơ nên ngôn ngữ của mình cũng từng bước được chỉnh chu hơn, đây là yếu tố thuận lợi để khi giúp đỡ học viên làm luận án tiến sỹ mình sẽ chú ý cho các em cách dùng câu, dùng từ ngữ để cho bản luận án hoàn chỉnh hơn. Mặt khác, do tham gian nhiều sân chơi nên tôi buộc mình luôn luôn phải tự học, tự nghiên cứu để bổ sung kiến thức” - PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh chia sẻ. 
 
Với những đóng góp của mình, ông đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước. Đặc biệt, để ghi nhận những đóng góp của ông cho mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực phát triển công nghệ hạt nhân với Liên bang Nga, ông là 1 trong 2 nhà khoa học được Tập đoàn nhà nước về công nghệ hạt nhân Nga Rosatom trao tặng Huy chương "Vì sự nghiệp hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nguyên tử"; Huy chương “70 năm ngành nguyên tử nước Nga”. 
 
Ngày 25/8/2016, Hội Hữu nghị Nga - Việt cũng đã quyết định trao tặng cho ông Huy hiệu danh dự của Hội vì “Hoạt động có hiệu quả và đóng góp to lớn của cá nhân trong việc cũng cố và phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Liên Bang Nga và Việt Nam”. 
 
Với những thành tích đó của ông, ngày 15/6/2017, Hội đồng Tôn vinh trí thức tiêu biểu Liên hiệp Hội Việt Nam đã quyết định vinh danh ông cùng 64 trí thức khác là Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2017; trong đó, ông là 1 trong 5 người được Liên hiệp Hội Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
 
HỒNG HẢI