Làm mới sơn mài để đưa ra thế giới

CHU THU HẰNG 06:14, 13/04/2023

Với mong muốn đưa nghệ thuật sơn mài Việt Nam tới nhiều quốc gia trên thế giới, một dự án ứng dụng sơn mài vào thiết kế nội thất đã được thực hiện. Những sản phẩm “độc bản”, độc đáo, mãn nhãn công chúng đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng Hà Nội, thu hút sự quan tâm của các đại diện đến từ ngoại giao đoàn. 

Ông Phạm Sanh Châu (bên phải) tại triển lãm trưng bày  các tác phẩm sơn mài nội thất
Ông Phạm Sanh Châu (bên phải) tại triển lãm trưng bày các tác phẩm sơn mài nội thất

Tham gia thúc đẩy dự án này, ông Phạm Sanh Châu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ chia sẻ: “Rất lâu rồi, khi tôi làm đại sứ ở nước ngoài, tôi tình cờ nhìn thấy một bức tranh sơn mài của Việt Nam tại đó. Tôi đã rất xúc động. Sau này, tôi lại thấy một bức tranh sơn mài của tác giả Việt Nam trong một trường đại học ở Bỉ. Khi làm đại sứ ở Ấn Độ, tôi “diện kiến” một tác phẩm sơn mài nội thất được sản xuất tại Bình Dương. Nó rất đẹp. Với suy nghĩ để thế giới biết nhiều hơn về sơn mài truyền thống Việt Nam, lúc xây dựng trụ sở của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, tôi đã tìm kiếm nhiều nguồn hỗ trợ để căn phòng nào cũng được trang trí bởi sơn mài. Gần đây, tôi gặp bà Nguyễn Hoàng Anh, nhà sáng lập B.Pure Home Interior - dự án “Dòng chảy của sơn mài Việt trong không gian nghệ thuật thiết kế đương đại” tôi đã bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để thúc đẩy dự án”.

Một tác phẩm trưng bày tại triển lãm
Một tác phẩm trưng bày tại triển lãm

Tìm hiểu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam, các thành viên ngoại giao đoàn tiếp cận triển lãm đều hứng thú với cái mốc 930-935 (thời Đinh), sơn mài được đưa vào sử dụng để trang trí trong cung điện, lăng tẩm của vua chúa với những họa tiết phổ biến nhất thời bấy giờ là sơn son thếp vàng. Đến năm 1927-1937 nghệ thuật sơn mài được chính thức đưa vào giảng dạy một cách chuyên nghiệp và bài bản bởi Joseph Inguimberty - một giảng viên tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ở giai đoạn này, lớp họa sỹ Việt Nam đầu tiên bắt đầu tìm tòi và phát hiện thêm nhiều chất liệu đặc biệt, từ đó tìm cách đưa những chất liệu này vào tác phẩm và tạo nên kỹ nghệ sơn mài độc đáo. Nhờ đó đã dần định hình, mở ra trường phái sơn mài Việt, vực dậy một thời kỳ lộng lẫy của nền nghệ thuật của nước nhà.Từ năm 1938-1944 nghệ thuật tranh sơn mài đạt đến thời kỳ đỉnh cao bởi những tên tuổi họa sỹ theo học bộ môn sơn mài tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Rất nhiều tác phẩm thời kỳ này đã trở thành kiệt tác, bảo vật Quốc gia, góp phần lan tỏa sức ảnh hưởng của nghệ thuật sơn mài ra khỏi phạm vi lãnh thổ Việt Nam vươn ra thế giới. Đến năm 1960, sơn mài truyền thống được đưa vào giảng dạy ở Trường Đại học Nghệ thuật Huế với tư cách là một bộ môn nghệ thuật thực sự. Từ thế kỷ thứ 20 đến nay, nghệ thuật sơn mài Việt ngày càng được phát triển và nâng lên một tầm cao mới cùng các nghệ sỹ tâm huyết, tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo. Thế hệ nghệ sỹ và nghệ nhân hiện tại, không đi theo lối mòn mà vận dụng ngôn ngữ tạo hình cùng quan niệm nghệ thuật mở. Các tác phẩm thể hiện một lăng kính về cuộc sống đương đại, đa dạng và sáng tạo trong tư duy nghệ thuật. Màu sắc và họa tiết từ thiên nhiên được sử dụng nhiều hơn, tạo nên không gian đa dạng trong tác phẩm.

Tác phẩm Laura
Tác phẩm Laura

Sơn mài ngày nay không chỉ được ứng dụng để sáng tác tranh sơn mài, đồ thủ công mỹ nghệ dùng cho mục đích trang trí, quà lưu niệm... mà có sự phát triển đa dạng hơn trong đề tài, ý tưởng, kỹ nghệ thể hiện và công năng ứng dụng vào cuộc sống. Về cốt lõi, những nguyên tắc cơ bản trong nghệ thuật làm sơn mài truyền thống vẫn được tôn trọng. Tuy nhiên, thế hệ nghệ nhân ngày nay đã có khuynh hướng sáng tạo hơn bằng những thử nghiệm mới mẻ và độc đáo với những vật liệu mới và công nghệ mới. Nếu trước đây, khi nghĩ về sơn mài, hầu hết mọi người sẽ biết đến những tác phẩm với bề mặt tuyệt đối phẳng nhẵn, lớp màu ẩn hiện tạo chiều sâu không gian trên mặt sơn mài thì đến nay, bằng nhãn quan nghệ thuật tạo hình đa dạng, người nghệ sỹ đã tiếp cận và phát triển lối tạo hình mới trên nền vóc với kỹ nghệ đắp nổi tạo hiệu ứng và sự tương phản đặc biệt trên bề mặt, từ đó cho ra đời những tác phẩm artwork mang phong cách đương đại trên nền chất liệu truyền thống vốn có.

Tác phẩm Aurora
Tác phẩm Aurora

Ông Phạm Sanh Châu cho rằng, muốn sơn mài được yêu thích thì nó không thể “đứng yên” mà phải phát triển. Mà muốn phát triển thì con đường tốt nhất là tác phẩm, sản phẩm phải được sử dụng rộng rãi, càng nhiều người yêu thích, sử dụng, sở hữu càng tốt. Như vậy thì sơn mài phải biết cách làm mới.

Đó cũng chính là mục đích mà đơn vị thực hiện dự án B.Pure Home đặt ra. Theo bà Nguyễn Hoàng Anh, việc gìn giữ, kế thừa và nâng tầm các di sản văn hóa truyền thống của bậc tiền nhân để lại là không hề đơn giản, nếu thế hệ đương thời không có một tầm nhìn lớn, nhận thức tương xứng và tư duy tự tôn về khái niệm giá trị di sản. Vì thế, bảo tồn không có nghĩa là giữ nguyên di sản mà không khai thác, phát huy hay nâng tầm các giá trị tiềm tàng của di sản, việc ấy có thể dẫn đến hệ quả là những thế hệ sống trên di sản nhưng không khai thác được giá trị, mà còn mài mòn di sản. Như vậy, sẽ rất khó phát huy giá trị của di sản trong đời sống đương đại, không hấp dẫn được công chúng thời đại mới, dần dần sẽ là thất lạc hoặc lãng quên di sản. “Trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi nhận thấy rằng, sơn mài là một gợi ý rất thú vị. Sơn mài là một chất liệu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam, đặc biệt ở nó có thể truyền tải được mong muốn của các nhà thiết kế. Để đưa chất liệu sơn mài vào đồ nội thất vừa hiện đại, vừa truyền thống là vấn đề mà chúng tôi trăn trở khi thực hiện dự án. Đã có nhiều thế hệ họa sỹ sơn mài Việt Nam thể hiện rất thành công nghệ thuật sơn mài trong ứng dụng. Tuy nhiên, chúng tôi muốn thể hiện phong cách thiết kế mới mang tính thời đại và gần gũi với gu thẩm mĩ và mong chờ của người dùng trong cuộc sống ngày hôm nay”, bà Nguyễn Hoàng Anh tâm sự.

Lấy cảm hứng sáng tạo từ tuyệt tác mẹ thiên nhiên, vũ trụ kỳ diệu, các tầng di sản nghệ thuật, văn hóa trong quá khứ hội tụ, chắt lọc, tư duy triết lý phương Đông, tinh thần của nghệ thuật phương Tây... các nhà thiết kế, nghệ nhân B.Pure Home đã thổi hồn vào các sản phẩm nội thất, mang phong cách của một trường phái hội họa mới, ứng dụng đa dạng cho nhiều không gian sống và phong cách kiến trúc, từ cổ điển đến hiện đại. Các sản phẩm sử dụng chất liệu thủ công của Việt Nam, được chọn lọc tỉ mỉ theo một quy trình nghiêm ngặt của đội ngũ nghệ nhân và sự thẩm định chất lượng và kỹ thuật bởi các chuyên gia châu Âu. Không chỉ chứa đựng câu chuyện về hành trình sáng tạo, bảo tồn và lưu giữ chất Việt mà các sản phẩm còn là những tác phẩm trang trí nội thất mang giá trị ứng dụng cao trong đời sống hiện đại. 

Đơn cử như chiếc tủ với cánh tủ thể hiện bức sơn mài với tên gọi Aurora lấy cảm hứng từ “ngọn lửa cổ xưa của các vị thần Hy Lạp. Tác phẩm thể hiện những khát khao, năng lượng cùng lúc biến đổi, bùng nổ, dẫn lối... vượt qua giới hạn, khám phá những điểm chạm vô cực. Con người nhìn thấy nhau khi được chiếu rọi bởi ánh sáng. Trong khoảnh khắc mà khao khát của con người được khai phá, mọi người cùng nhau “bạt sáng” và rực rỡ. 

Hay tác phẩm Laura, cánh tủ là bức sơn mài thể hiện những chiếc lá cách điệu với màu xanh, trắng dịu mắt. Theo học thuyết phương Đông về phong thủy, nếu đặt trong không gian một tác phẩm tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của tạo hóa sẽ giúp môi trường sống tích cực, thịnh vượng và giúp gia chủ có được may mắn. Với tác phẩm này, nghệ thuật tạo hình, tâm linh và chất liệu phiêu du trong tâm hồn và tư tưởng của nghệ sỹ, chắt lọc, lắng sâu rồi thăng hoa... 

Chiêm ngưỡng các tác phẩm sơn mài trong một diện mạo mới của ứng dụng trong đời sống, bất cứ ai cũng cảm nhận đang bước vào một không gian trải nghiệm mới với những bất ngờ. Và những người thực hiện dự án khá hào hứng với kỳ vọng cách làm mới nghệ thuật sơn mài này sẽ giúp lan tỏa để nghệ thuật sơn mài truyền thống có thể phát triển và đi xa hơn, tới được nhiều quốc gia trên thế giới.