Lợi ích tuyệt vời mà sách và đọc sách mang lại

KHÁNH LINH 05:32, 20/04/2023

Sách là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại và đọc sách giúp con người có thể tìm hiểu, tích lũy được nhiều kiến thức, vốn sống... Tuy vậy, văn hóa đọc sách hiện nay đang ngày càng mai một, nhất là ở thế hệ trẻ. Để chấn hưng văn hóa đọc, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đây và vẫn được diễn ra vào ngày 21/4 hằng năm.

SÁCH, ĐỌC SÁCH VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN NGHE, NHÌN

Trước khi có các thiết bị nghe, nhìn, sách là con đường lớn nhất để tiếp cận thông tin, tri thức, văn hóa. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng, khi các thiết bị nghe, nhìn phát triển, văn hóa đọc sách đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sự lấn át của các phương tiện nghe, nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn. Đặc biệt, giới trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách, phải chăng họ nghĩ với những thông tin hiện đại thì không cần tới sách nữa.

Xét về bản chất, cùng một thông tin tiếp nhận nhưng đọc sách và nghe, nhìn thuộc hai cấp độ văn hóa khác nhau (không so sánh cao thấp). Văn hóa đọc sách xét theo nghĩa rộng là cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lí và các cơ quan quản lí nhà nước, của cộng đồng và mỗi cá nhân trong xã hội. Xét góc độ cá nhân, văn hóa đọc cần hội tụ đủ 3 yếu tố là thói quen, sở thích và kĩ năng đọc. Theo nghĩa hẹp, văn hóa đọc là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân hình thành nên thói quen, sở thích, kĩ năng đọc. Các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau cùng bổ sung, bồi đắp cho nhau. Khi cá nhân có những ứng xử, giá trị và chuẩn mực đúng đắn, lành mạnh thì sẽ hình thành thói quen, sở thích, kĩ năng đọc sách lành mạnh.

Văn hóa nghe - nhìn là quá trình trao đổi, truyền đạt, tương tác thông tin về các vấn đề trong đời sống; là sự thể hiện thái độ, tình cảm, nhận thức của cá nhân hay nhóm xã hội thông qua các phương tiện truyền thông như: phát thanh, truyền hình, phim ảnh, mạng xã hội,... Với sức lan tỏa và sự đắc dụng của nó trong thời đại công nghệ thông tin, văn hóa nghe, nhìn đã ảnh hưởng đến lối sống, suy nghĩ, quan điểm của công chúng. Ở góc độ văn học, văn hóa nghe, nhìn mang đến phương thức tiếp cận mới cho công chúng văn học thông qua hình thức đọc, nghe, nhìn,... nhờ đó mà các ý kiến trao đổi, tranh luận, khen chê, đánh giá, thẩm định giá trị văn học của công chúng trở nên khách quan, công khai, dân chủ...

Như vậy, sách và phương tiện nghe, nhìn, cũng như đọc sách và nghe, nhìn có sự khác nhau về bản chất, mỗi phương thức đều có những mặt mạnh, mặt hạn chế mang tính đặc trưng. Đọc sách là một quá trình suy ngẫm, tự thông tin từ các con chữ trên trang giấy, giúp rèn luyện tư duy, mở mang kiến thức và hình thành thế giới quan cho người đọc. Còn phương tiện nghe, nhìn tuy con chữ vẫn xuất hiện khá nhiều và việc đọc vẫn diễn ra, nhưng bị chi phối bởi hình ảnh, âm thanh trôi đi với tốc độ nhanh chóng, nhiều lúc bị động, lướt qua, không kịp để suy ngẫm. Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã khẳng định: “Bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại, đọng lại lâu bền...”. Hơn thế nữa, văn hóa đọc còn giúp phân biệt người này với người khác, rộng hơn là làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác; còn văn hóa nghe, nhìn thì mang tính toàn cầu, tính giải trí. Chính vì thế mà văn hóa đọc sách đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá và tiếp thu tri thức một cách hệ thống và sâu sắc mà văn hóa nghe, nhìn khó có thể làm được. Vì vậy, dù các phương tiện nghe, nhìn, internet... có phát triển mạnh mẽ đến đâu đi nữa thì sách và văn hóa đọc sách vẫn được xem là một kênh tiếp nhận thông tin quan trọng của con người. 

Thực tế hiện nay cho thấy, trong vòng xoay hối hả của nhịp sống hiện đại, con người trở nên bận rộn hơn, có ít thời gian dành cho việc đọc sách nói chung và sách văn học nói riêng. Chính quỹ thời gian eo hẹp cùng với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe, nhìn đã làm thay đổi thói quen đọc sách của nhiều người, nhất là lớp trẻ. Văn hóa đọc sách đang chịu tác động bởi các phương tiện khác như truyền hình, báo mạng, sách điện tử,... Vì vậy, việc hình thành các kiểu đọc mới tuy có ảnh hưởng đến kiểu đọc truyền thống nhưng không tranh giành, loại trừ nhau, mà cùng tồn tại và bổ trợ cho nhau. Kết quả một số điều tra xã hội học, số người được hỏi tuy không phủ nhận vai trò và tiện ích của các phương tiện nghe, nhìn, sách điện tử, nhưng vẫn cho rằng, các phương tiện đó không thể thay thế cho sách in. Bởi chỉ có sách vở và những câu chữ nằm trên trang giấy mới giúp người đọc thu nhận kiến thức hệ thống nhất, sâu sắc nhất và nâng cao trí tưởng tượng, óc tưởng tượng phong phú; từ đó sẽ chắp cánh cho trí tuệ, cảm xúc thăng hoa, bay cao, bay xa. 

Từ những điều trên đây cho thấy, chúng ta không nên phủ nhận, hoặc quá đề cao một phương thức nào đó một cách cực đoan, mà phải thấy được chúng đều là những loại hình văn hóa lành mạnh bổ sung cho nhau chứ không triệt tiêu lẫn nhau. Các phương thức này sẽ tạo nên các tâm thế, hiệu quả tiếp nhận khác nhau; các hiệu ứng, thói quen thẩm mĩ, và thị hiếu thẩm mĩ khác nhau. 

LỢI ÍCH TUYỆT VỜI DO SÁCH VÀ ĐỌC SÁCH MANG LẠI

Với nhịp sống hiện đại, phương tiện nghe, nhìn có những lợi thế và phù hợp, thuận tiện hơn so với việc đọc sách, báo giấy. Nói như thế không có nghĩa là sách bị đánh mất vị trí của nó trong đời sống xã hội, mà thực tế sách vẫn có những ưu thế tuyệt vời bởi giá trị văn hóa và những đặc tính tinh thần to lớn của nó mang lại. Sự hấp dẫn, thu hút của sách không chỉ ở vẻ đẹp hình thức bắt mắt mà còn ở nội dung tư tưởng và những kiến thức mà cuốn sách chứa đựng bên trong nó. Chính nội dung bên trong, giá trị văn hóa của cuốn sách mới là ưu thế tuyệt vời và là yếu tố quyết định vị thế của sách trước các phương tiện nghe, nhìn; nó được ví như thỏi nam châm thu hút mạnh mẽ tâm trí của người đọc. Vì thế, sách sẽ không bị mất đi giá trị lâu đời vốn có của nó, sách vẫn là món ăn tinh thần đặc trưng luôn gắn bó với con người và đọc sách tuy có bị chòng chành trước tác động của các phương tiện nghe, nhìn nhưng chắc chắn sẽ sớm được hồi phục và phát triển bởi lợi ích to lớn mà nó mang lại. 

Lợi ích của đọc sách được đánh dấu bởi: Đọc sách giúp người đọc có tư duy tốt, khả năng nhìn nhận vấn đề sâu sắc và toàn diện; đồng thời học được cách phân tích, lý giải vấn đề của tác giả để áp dụng vào cuộc sống của mình. Khi người đọc có nền tảng tốt về tư duy, về nhìn nhận phân tích vấn đề, thì sẽ có những sáng tạo bất ngờ, thú vị trong những tình huống khó khăn... Hơn nữa, đọc sách còn giúp người đọc nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức làm người, có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, biết yêu thương, thấu hiểu đồng loại, biết chia sẻ những khó khăn với người khác, biết lên án những thói hư tật xấu, những hành vi trái đạo đức… Từ đó hình thành cách nghĩ, cách hành động tích cực hơn, luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp, tới lợi ích của bản thân trong mối quan hệ với lợi ích cộng đồng. 

Theo đó, đọc sách cũng là một cách tốt nhất để con người tự học hỏi, tiếp thu văn hóa trên thế giới, trau dồi và làm giàu thêm kiến thức, vốn hiểu biết của mình, giúp mỗi người luôn theo kịp xu thế của thời đại, trở thành người có tri thức tiên tiến để có thể giúp ích cho bản thân, xã hội. Việc đọc sách chuyên môn sẽ giúp người đọc củng cố, phát triển kiến thức, còn đọc những quyển sách về các lĩnh vực khác trong cuộc sống giúp người đọc hiểu được những gì đang diễn ra xung quanh mình, hoàn thiện bản thân, phát triển tâm hồn để hướng tới những giá trị tốt đẹp. Về mặt sinh học, đọc sách làm kích thích, tăng khả năng liên kết của các nơ ron thần kinh, giúp cho não bộ luôn khỏe mạnh. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến người đọc trở nên thông minh hơn, đồng thời tránh được lão hóa và làm chậm lại tiến độ chứng bệnh mất trí nhớ. 

Để mang lại lợi ích thiết thực, đọc sách cần phải có nghệ thuật, “đọc cũng là một nghệ thuật” (Lênin). Chữ “nghệ thuật” được Lênin dùng ở đây chính là biết đọc sao cho hợp lí, khoa học và đem lại hiệu quả tích cực nhất. Đây là điều hết sức chí lý, bởi số lượng, chủng loại sách báo xuất bản hàng ngày hết sức đồ sộ, trong khi đó thời gian cũng như khả năng đọc của con người thì có hạn, thậm chí rất eo hẹp, do đó đòi hỏi phải có nghệ thuật đọc, nói nôm na là biết cách đọc. Muốn có nghệ thuật đọc trước hết phải ham đọc và có sở thích về đọc, xem đọc như một thú vui; đọc để giải trí, để khám phá, học hỏi. Và mỗi khi những ai đã say mê đọc sách và đọc sách có chủ đích thì họ sẽ chọn được những cuốn sách cần đọc, đọc để thẩm thấu, để biến tri thức trong sách trở thành của riêng mình.

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Không có gì thay thế được văn hóa đọc”. Thực hiện lời dạy của cố Thủ tướng, nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc; tổ chức có hiệu quả Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, qua đó khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách; làm cho đọc sách ngày càng lan tỏa sâu rộng và xem đó không chỉ là một hành vi văn hóa cao đẹp, mà còn là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững. 



Liên kết hữu ích