Những giá trị văn hóa quân sự từ Đại thắng mùa Xuân 1975

Đại tá, ThS PHAN VĂN THUẦN 08:31, 29/04/2023

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như một trang sử chói lọi nhất, đi vào lịch sử nhân loại. Đây là một trong những chiến công thần kỳ của cuộc đấu tranh chống áp bức dân tộc của Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới trong thế kỷ XX. Đại thắng mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử, đó là sự tỏa sáng các giá trị văn hóa quân sự của dân tộc ta từ truyền thống đến hiện đại.

Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu
Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta phải thường xuyên đối phó với những đội quân xâm lược hùng mạnh, thì dựng nước đi đôi với giữ nước đã trở thành truyền thống văn hóa quân sự đặc sắc. Toàn bộ sự nghiệp dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta; trong đó, hệ thống đa giá trị và giá trị văn hóa quân sự được biểu hiện rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Tinh thần độc lập dân tộc, chủ động sáng tạo, đại đoàn kết và tinh thần quyết chiến quyết thắng... kết tinh thành giá trị văn hóa quân sự, được các thế hệ người Việt Nam lưu giữ, kế thừa và nhân lên tầm cao mới đó là văn hóa giữ nước trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đối với toàn bộ công cuộc kháng chiến cứu nước của Nhân dân ta trong thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo của Đảng nói chung, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói riêng, thì các giá trị văn hóa, nhân đạo, nhân văn luôn là tác nhân quan trọng hàng đầu để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra lực lượng, tiềm lực và sức mạnh bảo đảm cho đấu tranh vũ trang giành thắng lợi. Đó vừa là sự kết hợp những tinh túy nhất của văn hóa quân sự truyền thống dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử mà tổ tiên ta đã tạo lập, nhờ đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, vừa phản ánh bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Song, đó còn là sự kế thừa có chọn lọc kết hợp với sự phát triển lên chất lượng mới của giá trị nhân đạo, nhân văn vì con người và do con người. Đại thắng mùa Xuân 1975 là một trong những đỉnh điểm tỏa sáng các giá trị nhân văn mang đậm truyền thống bản sắc dân tộc Việt Nam kết tinh từ lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước - sự tỏa sáng đó được thể hiện ở cả mục đích, nguồn gốc và phương thức sử dụng bạo lực cách mạng trong toàn bộ các chiến dịch.

Trước hết, sự tỏa sáng giá trị văn hóa quân sự của dân tộc ta từ truyền thống đến hiện đại thể hiện ở mục đích sử dụng bạo lực cách mạng của Đại thắng mùa Xuân 1975, đó là mục đích cao nhất giải phóng dân tộc ra khỏi sự áp bức bóc lột, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc; đã phản ánh ý chí độc lập, tự chủ của một dân tộc, một quốc gia có chủ quyền với một nền văn hiến lâu đời, không kẻ thù nào có thể hủy hoại. Đại thắng mùa Xuân 1975 là sự khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, thống nhất non sông về một mối. 

Hơn nữa, cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là cuộc đấu tranh vì một nền độc lập dân tộc thực sự, nền độc lập dân tộc có khả năng giải phóng con người về mặt xã hội, mưu cầu hạnh phúc và mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân. Đó là nền độc lập hoàn toàn khác hẳn với thứ “độc lập”, “tự do” giả hiệu, mị dân của ngụy quyền Sài Gòn mà Nhân dân ta không thể chấp nhận. Cũng chính vì vậy mà khi xe tăng và bộ đội ta tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, chúng ta đã buộc chế độ ngụy quyền phải đầu hàng vô điều kiện, không chấp nhận yêu sách của chúng về cái gọi là “thương thuyết” để bàn giao chính quyền.

Mặt khác, mục đích sử dụng bạo lực cách mạng mang tính nhân văn cao cả nên trong phương châm chỉ đạo tiến hành các chiến dịch trong cuộc Tổng tiến công, ta chủ trương “không đánh hủy diệt, chỉ sử dụng hỏa lực mạnh khi thật cần thiết”, “vừa đánh địch vừa lo bảo vệ dân, tạo thuận lợi để Nhân dân giành chính quyền cách mạng”. Chính vì vậy, sau khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sài Gòn và các thành phố lớn hầu như còn nguyên vẹn; các ủy ban quân quản đã điều hành hiệu quả và giải quyết tốt những vấn đề xã hội; cuộc sống lao động, sản xuất của Nhân dân được Độc lập - Tự do - Hạnh phúc trong niềm vui toàn thắng. Đặc biệt, tù hàng binh địch đều được đối xử khoan hồng, không hề có cái gọi là cuộc “tắm máu” trả thù như báo chí phương Tây đã tuyên truyền. 

Sự tỏa sáng giá trị văn hóa quân sự của dân tộc ta từ truyền thống đến hiện đại thể hiện ở nguồn gốc sức mạnh bạo lực cách mạng của Đại thắng mùa Xuân 1975 chính là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân. Quan điểm phát huy sức mạnh toàn dân để tiến hành chiến tranh và xây dựng lực lượng vũ trang vốn là một nét đặc trưng của truyền thống quân sự Việt Nam đã được phát huy cao độ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Có thể nói, trong suốt toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc, Nhân dân là nguồn sức mạnh vô tận cho văn hóa dựng nước là khởi nguồn cho sự hình thành, phát triển văn hóa giữ nước. Tư tưởng dựa vào dân, lấy dân làm gốc của tổ tiên ta đã trở thành truyền thống văn hóa là quy luật tồn tại, phát triển của quốc gia, dân tộc. Những nét văn hóa đặc sắc đó đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa và phát triển lên tầm cao mới. 

Sự tỏa sáng giá trị văn hóa quân sự của dân tộc ta từ truyền thống đến hiện đại đã thể hiện ở phương thức sử dụng bạo lực cách mạng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Điều đó được thể hiện đậm nét ở việc kết nối nghệ thuật quân sự từ chiều sâu lịch sử, kể cả trong nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng. Về nghệ thuật tổ chức lực lượng, ta đã chủ trương thực hiện “toàn dân đánh giặc” điều đó đã thấm nhuần vào tư tưởng của người dân Việt Nam, làm cho quân đội luôn được Nhân dân ủng hộ và sát cánh cùng chiến đấu, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân vì mục đích cao cả. Chính vì sức mạnh đó nên quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã kế thừa, phát huy đến đỉnh cao nét văn hóa quân sự đặc sắc với khí thế “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” của các binh đoàn chủ lực. Cách thức bảo đảm hậu cần quân sự của dân tộc cũng được kế thừa, phát huy mạnh mẽ trong công tác bảo đảm chiến đấu và xây dựng hậu phương chiến lược trong chiến tranh.

Sự tỏa sáng giá trị văn hóa quân sự của dân tộc ta từ truyền thống đến hiện đại được thể hiện đậm nét ở nghệ thuật đánh địch trên thế chủ động chiến lược. Kế thừa, phát huy và phát triển những giá trị đó, trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta luôn giữ thế tiến công kiên quyết, chủ động, tích cực kết hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị và địch vận. Ta luôn chủ động, khôn khéo chiếm lĩnh và xây dựng thế trận tiến công; chủ động trong việc tập trung đánh bại từng thủ đoạn và biện pháp tác chiến, chiến lược chiến tranh của địch.

Để đánh thắng chiến tranh xâm lược kiểu mới của đế quốc Mỹ, Đảng ta chủ trương kết hợp đấu tranh quân sự và chính trị với đấu tranh ngoại giao nhằm tiến công địch toàn diện, lấy thắng lợi của đấu tranh quân sự, chính trị trên chiến trường và trong nước để tạo thế cho đấu tranh ngoại giao; lấy thắng lợi của đấu tranh ngoại giao tạo điều kiện cho đấu tranh quân sự và chính trị giành thắng lợi. Trong mối quan hệ này, Đảng ta luôn nắm chắc nguyên tắc về tính quyết định của đấu tranh quân sự và chính trị, không hề ảo tưởng vào ngoại giao thuần túy. Do đó, ta vừa làm thất bại ý đồ thương lượng trên thế mạnh của đế quốc Mỹ, vừa không dồn chúng vào thế “bất khả thương thuyết”. Đồng thời, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân loại tiến bộ, trong đó có nhân dân Mỹ.

Như vậy, những giá trị văn hóa quân sự truyền thống của dân tộc ta phản ánh suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm đã được giữ gìn, tiếp nối, phát huy mạnh mẽ và phát triển đến đỉnh cao văn hóa giữ nước trong thời đại Hồ Chí Minh. Điều đó thể hiện ở chiến tranh Nhân dân Việt Nam, sức mạnh văn hóa và sức mạnh quân sự Việt Nam đã làm nên chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến của Nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà Đại thắng mùa Xuân 1975 là một mốc son chói lọi, đã đi vào lịch sử nhân loại. 

Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần gắn việc giáo dục truyền thống văn hóa quân sự của dân tộc, truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống quyết chiến quyết thắng của các lực lượng vũ trang Nhân dân và truyền thống dân tộc với việc tạo điều kiện, khuyến khích quá trình sáng tạo những giá trị văn hóa quân sự hiện đại. Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc những yếu tố hiện đại, tiếp tục vun đắp truyền thống bằng những yếu tố hiện đại và nâng truyền thống lên tầm hiện đại. Có như vậy mới phát huy được vai trò tổng hợp của bề dày truyền thống và những yếu tố hiện đại một cách hài hòa, hiệu quả cao trong xây dựng, phát triển văn hóa quân sự Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.