Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023):
Khát vọng Hồ Chí Minh: Độc lập - tự do - hạnh phúc

VĂN NHÂN 06:33, 18/05/2023

Suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nung nấu khát vọng cháy bỏng là “Đất nước được độc lập, Tổ quốc được phồn vinh, Nhân dân được hạnh phúc” và Người đã đấu tranh không mệt mỏi cho khát vọng cao cả đó.

Khát vọng cao cả “độc lập, tự do” được hun đúc trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Khát vọng ấy đã được khắc ghi trong những bản áng thiên cổ hùng văn, từ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt đến “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và được tỏa sáng trong “Tuyên ngôn Độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc không chỉ là khát vọng của dân tộc Việt Nam, mà là của toàn nhân loại tiến bộ và đã được Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước quốc tế về quyền con người ghi nhận. Vì những giá trị thiêng liêng, cao quý mà nhân loại tiến bộ, trong đó có Nhân dân Việt Nam đã không ngại hy sinh, gian khổ đấu tranh để giành lấy, giành lại “độc lập, tự do”. Sáu chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” ghi dưới quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hiện thân khát vọng của toàn dân tộc và sự hiện thực hóa tâm nguyện, ý chí của Hồ Chí Minh từ những năm 1920 “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. 
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khát vọng “độc lập, tự do, hạnh phúc” luôn cháy bỏng. Đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời các nhà báo nước ngoài: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và Người đã nguyện cùng Đảng ta, Nhân dân ta kiên trì thực hiện “ham muốn tột bậc” đó.

Xuất phát từ đâu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có “một ham muốn, ham muốn tột bậc như vậy”? Trả lời câu hỏi này có nhiều khía cạnh, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và nền tảng văn hóa gia đình, quê hương, dân tộc cùng với những phẩm chất cá nhân hiếm có của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Chính bắt đầu từ lòng yêu nước với khát vọng cháy bỏng về một đất nước độc lập, một dân tộc tự do... đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành khi mới 21 tuổi dũng cảm rời đất nước ra đi với hai bàn tay trắng, sẵn sàng làm đủ mọi nghề, từ bồi tàu, thủy thủ, đốt lò, đến quét tuyết, bán diêm, bán báo... miễn là để sống, sống để đi, đi để quan sát, học hỏi nhằm “tìm ra con đường đúng đắn có thể đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân”. 

Trên hành trình bôn ba qua nhiều quốc gia, châu lục để tìm con đường giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, giải phóng đồng bào mình khỏi áp bức bất công và cao hơn nữa là giải phóng giai cấp, giải phóng con người, để mỗi dân tộc, mỗi con người đều được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, khảo nghiệm và đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, lựa chọn được con đường cứu nước đúng đắn theo ngọn cờ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917: Con đường cách mạng vô sản.

Khi đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, Hồ Chí Minh quyết vượt qua mọi chông gai, bão táp để trở về nước cùng Đảng ta trực tiếp lãnh đạo Nhân dân làm cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành lại chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trở thành một quốc gia độc lập, tự do; Nhân dân Việt Nam đã giành lại được quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền tự quyết định sự tồn tại và phát triển của dân tộc mình. Tuy nhiên, cũng phải trải qua 30 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược đầy gian khổ và hy sinh, với thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và thắng lợi của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Khát vọng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực. 

Ca ngợi về khát vọng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh, nhà thơ Rô-mét Chan-đra - Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới đã viết: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do/Ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.

Bên cạnh khát vọng cháy bỏng “độc lập, tự do”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một khát vọng, ham muốn tột bậc là “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Với khát vọng ấy mà Người luôn suy nghĩ, trăn trở không nguôi việc sau khi đất nước giành được độc lập, tự do thì phải làm sao cho dân giàu, nước mạnh; có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bởi theo Người “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”; “Nước nhà đã giành được độc lập, tự do mà dân vẫn còn đói nghèo cực khổ thì độc lập, tự do không có ích gì”... Và Người đã tận trí, tận tâm, tận lực để làm những công việc đó. Minh chứng sinh động và rõ nét nhất là trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03/9/1945, Người đã nêu 6 vấn đề cấp bách trong đó diệt giặc đói, diệt giặc dốt được đặt lên hàng đầu. Người đã nêu ra biện pháp là phát động chiến dịch tăng gia sản xuất, mở cuộc lạc quyên, tất cả đồng bào mười ngày nhịn ăn một bữa để tiết kiệm gạo cho người nghèo... Bên cạnh giải quyết vấn nạn đói, Người còn chỉ đạo nhanh chóng khắc phục vấn nạn dốt, ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, yêu cầu tất cả mọi người học chữ quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền... 

Cũng chính từ ham muốn tột bậc “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, mà suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mưu cầu cuộc sống tốt đẹp cho mỗi con người, quyền có cuộc sống ấm no, được học hành, được chăm sóc sức khỏe; trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc; người già, người nghèo, người tàn tật được giúp đỡ... Các quyền con người về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội được chú trọng và hoàn thiện. Ở Hồ Chí Minh, quyền dân tộc và quyền con người là thống nhất, hòa quyện không chỉ trong nhận thức mà cả trong hành động; trong quan điểm, đường lối, chính sách và thực hành pháp luật. Và theo Người, điều đó cũng chỉ thực hiện được trong điều kiện một dân tộc thực sự độc lập, tự do. Ngược lại, nếu không có độc lập, tự do chân chính, bền vững thì không thể thực hiện được quyền con người và thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản, thiết thực của con người.

Mặc dù khi Bác Hồ về với “thế giới người hiền”, khát vọng “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" còn đang dang dở, nhưng Người đã để lại Di chúc trong đó dặn dò cụ thể các công việc cần làm. Tiếp tục thực hiện khát vọng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, đồng bào ta được tự do, cả nước tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Trải qua chặng đường 48 năm xây dựng đất nước sau chiến tranh, đặc biệt là hơn 35 năm đổi mới, “đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử... Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tiếp nối ý chí, khát vọng độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân, hùng cường cho dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã biểu thị quyết tâm: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Cứ mỗi độ 19 tháng 5 về, mỗi người dân yêu nước Việt Nam lại bồi hồi xúc động, tỏ lòng thành kính biết ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước, dân tộc Việt Nam. Tuy Bác Hồ đã đi xa nhưng di sản của Người để lại, trong đó có khát vọng “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” vẫn mãi mãi trường tồn, tiếp sức cho người dân Việt Nam và con cháu muôn đời mai sau. Bổn phận, trách nhiệm của chúng ta là bảo tồn, phát huy, phát triển và biến di sản của Người trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh nhằm bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.