Ký ức của người lính về chiến dịch Tây Nguyên

08:04, 28/04/2016

Hướng về kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, để tưởng nhớ các anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc và ghi nhận công ơn của các vị lãnh đạo lão thành cách mạng, là những nhân chứng sống của lịch sử đã có công với chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân năm 1975

Hướng về kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, để tưởng nhớ các anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc và ghi nhận công ơn của các vị lãnh đạo lão thành cách mạng, là những nhân chứng sống của lịch sử đã có công với chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân năm 1975, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV có buổi họp mặt tiếp đoàn đại biểu đại diện Ban liên lạc mặt trận Tây Nguyên B3 - Quân đoàn 3 vào ngày 23/4/2016. Tại buổi họp mặt, đại biểu đã được nghe hồi tưởng về chiến dịch Tây Nguyên với những trận đánh oanh liệt làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước qua lời kể của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
 
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Chiến dịch Tây Nguyên (mật danh chiến dịch 275) là sự kiện mở đầu cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 do quân giải phóng miền Nam phát động tấn công. Lúc đó tôi là người thay mặt Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên ra Hà Nội nhận mệnh lệnh trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phụ trách chính xây dựng các kế hoạch tấn công địch. Tây Nguyên là một địa bàn cực kì quan trọng. Quân Pháp đã từng nói: Chiếm được Tây Nguyên sẽ khống chế được cả 3 nước Đông Dương. 
 
Thành công của chiến dịch Tây Nguyên phần lớn là nhờ việc áp dụng nghệ thuật “nghi binh”. Ta thực hiện kế hoạch “đánh giả” ở phía bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) và hút đại bộ phận địch lên đó. Nhận thấy các đài vô tuyến điện của quân ta có thể bị địch định vị bằng công nghệ cao, ta “tương kế tựu kế” đánh lừa địch. Mặc dù đã di chuyển hết quân, nhưng ta vẫn duy trì 3 máy vô tuyến điện như cũ, hàng ngày phát sóng đều đặn các thông tin. “Đường dây điện thoại cũng được giữ nguyên để đánh lạc hướng. Trong khi địch vẫn đinh ninh quân ta đang đóng ở phía Bắc, thì chúng ta với khoảng 3 vạn quân, hàng nghìn xe ô tô, hàng trăm xe pháo binh, xe tăng, cao xạ bí mật đi vào miền Nam Tây Nguyên bằng đường hậu phương, giáp biên giới, rất xa tầm kiểm soát của địch. Trên đường di chuyển, các hoạt động ngụy trang của quân ta hết sức an toàn, chặt chẽ. Ngoài các biện pháp ngụy trang thông thường, để xóa dấu vết của xe ô tô, xe tăng, ban đêm quân đội ta đã cho chặt cây, chẻ đôi để lát đường. Các cây bị chặt phải chặt sát gốc. Mùa khô ở Tây Nguyên lá khô rụng rất nhiều, lập tức che khuất những gốc cây đã chặt. Cứ như thế cả đoàn quân giải phóng Việt Nam ròng rã một tháng trời hành quân bí mật, từ từ siết chặt vòng vây Buôn Ma Thuột, ngày 10/3, ta bất ngờ tấn công trung tâm đầu não của địch tại đây, làm địch hốt hoảng, không kịp trở tay”. Chính từ thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, ta quyết định chuyển nhanh thời gian Tổng tiến công chiến lược trước mùa mưa năm 1975.
 
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói trong niềm tự hào: “Chúng ta thực hiện chiến thuật đánh nghi binh. Có thể nói, đây là chiến dịch mà ta nghi binh thành công nhất trong tất cả các chiến dịch ở hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã làm cho địch mất phương hướng, phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác”.
 
Chiến dịch Tây Nguyên chiến thắng vượt kế hoạch, khiến cho địch kéo chạy tán loạn. Đây là cuộc tháo chạy lớn nhất, hoảng hốt nhất trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam. Quân ta cũng thương vong không ít nhưng rồi khí thế chiến thắng hừng hực, quân dân lại đồng lòng tiến lên vì miền Nam ruột thịt. Ông kể: “Ngày ấy chúng tôi chỉ ngủ ngồi, vừa đi vừa đánh, chỉ mơ tới ngày chiến thắng. Rồi ngày đó cũng đến, khi ấy tôi là Tham mưu trưởng Quân đoàn 3, được lệnh đánh trực tiếp vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu của địch”.
 
Ký ức khiến Trung tướng ám ảnh mãi đó là những giờ phút cuối cùng trong ngày giải phóng đất nước 30/4/1975. Khi đó ông chỉ huy một đại đội thiết giáp ở quân đoàn, đảm nhiệm đánh 2 mục tiêu trong chiến dịch là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và khu Tổng tham mưu của quân Việt Nam Cộng hòa. Khi nghe tin Tổng thống Việt Nam Cộng hòa - Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn để thương lượng, Tư lệnh Quân đoàn 3 đã chỉ huy cho quân tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Lúc đi qua khu vực Lăng Cha Cả, 3 chiếc xe tăng của Quân đoàn 3 đang đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn. Khi tiến bước đến cổng sân bay, xe tăng của Quân đoàn bị đối phương dùng vũ khí chống tăng từ trên cao bắn xuống, ba chiếc xe tăng của ta bị cháy một lúc. Tuy nhiên, thời điểm đó là những giây phút cam go, sinh tử giữa ta và địch, tôi buộc lòng phải ra lệnh tiếp tục tấn công, đánh sâu vào bên trong cơ quan đầu não của địch, thời cơ thì chỉ có một nên tất cả đều phải nhắm mắt, nghiến răng vượt qua… Đây là một quyết định khó khăn mà mãi cho đến bây giờ vẫn khiến tôi ám ảnh, day dứt: “Chỉ còn nửa tiếng đồng hồ nữa là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng trong ranh giới mỏng manh giữa chiến tranh và hòa bình, vẫn nhiều chiến sĩ phải hy sinh mà chưa kịp chứng kiến phút giây độc lập của dân tộc. Nếu như chiến tranh kết thúc sớm hơn vài chục phút thì 15 con người trong 3 chiếc xe tăng đó đã được đoàn tụ cùng gia đình” - Trung tướng Thước nghẹn ngào chia sẻ.
 
Với ông, trong chiến tranh thì việc chứng kiến những cái chết là bình thường và ngay cả mạng sống của mình cũng coi “nhẹ tựa lông hồng”. Thế nhưng, cái chết của đồng đội ông, những người hi sinh ở ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình đó luôn là nỗi ray rứt lớn nhất đối với người cầm quân, lãnh đạo.
 
Nhắc đến sự hy sinh ấy, người chiến sỹ một thời “không biết sợ cái chết” cũng ứa nước mắt. Ông chia sẻ: “Cuộc đời của tôi không có gì phải trăn trở nhưng với thời cuộc thì tôi còn có nhiều điều phải nghĩ, phải trăn trở lắm”. Ông đặc biệt nhắc đến việc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang làm là trưng bày tài liệu lưu trữ về chuyên đề miền Trung - Tây Nguyên trong chiến tranh giải phóng dân tộc 1954 - 1975 là một việc làm thiết thực đáng được hoan nghênh và đáng ghi nhận, vì có được cuộc sống độc lập tự do hôm nay phải nhớ đến công lao của các anh hùng hy sinh cho dân tộc. Đây là nơi đã lưu giữ truyền thống và tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế biết và trân trọng gìn giữ truyền thống quý báu của dân tộc là tấm gương sáng để chúng ta noi theo.
 
Tài liệu tham khảo:
 
Trích từ Phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
 
Nguyễn Thị Hồng Loan