Hát đối đáp - một trong những nét đẹp văn hóa của người Cơho Chil cần được bảo tồn

09:05, 19/05/2016

Hát đối đáp là một trong những hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian mà từ ngàn xưa đã đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Cơho ở Lâm Đồng, đặc biệt là tộc người Cơho Chil ở vùng cao nguyên Langbian. 

Già làng Cơho lên rẫy
Già làng Cơho lên rẫy
Hát đối đáp là một trong những hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian mà từ ngàn xưa đã đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Cơho ở Lâm Đồng, đặc biệt là tộc người Cơho Chil ở vùng cao nguyên Langbian. 
 
Người Cơho Chil trước đây vẫn thường hát đối đáp trong những lúc đi rẫy đi nương, đặc biệt là trong đám hỏi, đám cưới, kết bạn (Dos crih bi bơ yô), hát giao duyên nam nữ (Tơn kởn gơ boh).
 
Hát giao duyên là loại hát tỏ tình, đối đáp giữa nam và nữ. Hát giao duyên của người Cơho Chil có hai dạng: dạng thứ nhất thổ lộ tình cảm của mình đối với người thương và mong được đáp lại. Dạng thứ hai có tính than thân trách phận. Nội dung lời hát kể lể hoàn cảnh nhà nghèo, không có nhiều của cải, chiêng ché, bản thân lại xấu xí, yêu người nhưng không dám tới cầu hôn. Dạng này thường được bên nữ hát vì theo phong tục của người Cơho Chil thì phụ nữ phải đi hỏi chồng (bắt chồng).
 
Trai gái Cơho Chil thường hát giao duyên khi đi giữ lúa, giữ bắp ở lại chòi trên rẫy. Họ thường tập trung lại từng nhóm và hát đối đáp với nhau.
 
Hát giao duyên thường là (đối đáp giữa nam và nữ) ứng khẩu dựa trên cơ sở cảm hứng từ hoàn cảnh thực tế và nội dung lời hát của phía bên kia để đáp lại nên ít có đầu đề. 
 
Thường khi nghe bên nam hát:
 
“Ăng dãr khe kon pi luỗt yưng” (Trăng sáng tròn con chồn đi dạo) 
 
Thì bên nữ sẽ cất tiếng hát đáp lại:
 
“Sơ năm kăl do ăn brô ùi lơn tài” (Đến năm nay tôi sẽ bán khăn xanh dài để choàng).
 
Rồi các chàng trai lại hát tiếp: “Pờ mpồng pờ kho ỳang ễn mỗt pờ băng Jang kho knõn” (hãy mở rộng cửa cho ông yàng, hãy mở cửa hang cho con vượn).
 
Và bên nữ sẽ đáp tiếp: “Mpồng bar dăp ăn crăng ma glê, mpồng păc dăp ăn crăng ma lòng” (Cửa hai lớp tôi che bằng tre, cửa ba lớp tôi che bằng củi,…)…và cứ như thế họ tiếp tục tâm tình qua lời hát để càng ngày càng xích lại gần nhau.
 
Hát kết bạn: Người Cơho Chil thường hát kết bạn khi có khách bạn bè đến chơi nhà hoặc hát đối đáp giữa buôn này với buôn kia. Đối với người Cơho Chil thì hát kết bạn cũng có luật; bên nào hát thua sẽ bị phạt một chóe rượu, một dây cườm hoặc một con gà. Nhiều khi chủ nhà không biết hát phải nhờ người hát giỏi trong buôn hát giùm mình. Hiện nay, một số người già ở Đưng K’Nớ, Lạc Dương vẫn còn nhớ một số bài về thể loại này như: bài “Ntòng wã nẵc” (Khách đến nhà), trong đó có những câu chủ nhà thể hiện sự khiêm tốn, nhún nhường chào đón khách như:
 
Hãy đến mà vào nhà tranh hôi tanh
Hãy chịu khó vào nhà dột nát
Hãy nhìn thấy nhà làm không kỹ…
 
Hoặc là bài “ Tôl kon kring plê tray ăn ờ gõ mơu” (Tới đây con diều hâu không có trái chín mà cho). 
 
Hát đối đáp trong đám hỏi, đám cưới: Người Cơho Chil theo chế độ mẫu hệ nên con gái phải đi “bắt chồng” (đi hỏi con trai). Họ rất coi trọng sự bền vững của hôn nhân, nên có những bước tìm hiểu rất kỹ. Trong đám hỏi, ngoài các lễ vật có giá trị, nhà gái cũng phải hát để thăm dò ý tứ bên nhà trai, nội dung những lời hát này có thể tạm dịch như sau:
 
Ta xin hỏi nhà ngươi có được hay không
Ta đi thăm hỏi, thăm cái ruộng cái rẫy
Nhà ngươi có được hay không
Ta xem kỹ mùa màng có được hay không
Nếu được như ý sẽ được ưng thuận thăm hỏi
Đường ngay đường thẳng ta mới đi
Đường cong đường quẹo ta phải tránh
Theo tục lệ tổ tiên để lại
Khớp trên khớp dưới phải hợp
Lúa gạo phải vào cối
Trai gái đến tuổi phải lập gia đình
Chỉ trắng vào chóe phải đen sánh
Thầy mo thầy cúng phải nhắm mắt cầu khấn
Để đến với Yàng.
 
Nhà trai phải đáp lại:
 
Sợ không xứng đôi, sợ người hai tim
Cây sậy dưới sình lá xanh đọt dài
Bông hoa tươi tốt người hái lấy…
Con trai con gái xứng đôi mới đi hỏi
Con trai con gái
 Ở cùng xóm cùng nhau dựng núi đồi
Ở cùng xóm cùng làng hãy cùng chặt ống
Lồ ô cùng nhau múc nước
Hãy cùng xỏ hạt cườm cùng nhau
Ở cùng xóm cùng làng hãy hớn hở chơi đùa cùng nhau…
 
Lúc này, khi biết ý nhà trai đã ưng thuận thì nhà gái sẽ đáp lại:
 
Cảm động quá không dám đến nói
Coi vợ mình là xấu
Khi đã cưới lại nhớ bạn xưa tình cũ…
 
Sau đó hai bên mới đi đến bàn bạc trao đổi các thủ tục tiếp theo cho cuộc hôn nhân của đôi trai gái. Còn trong đám cưới thì người ta thường hát những bài hát có nội dung mang tính đố vui, giải về sự tích các loài vật, loài người và vũ trụ. Tóm lại trong đám cưới, đám hỏi của người Cơho Chil, những làn điệu dân ca mang tính đối đáp đã trở thành một tục lệ không thể thiếu. 
 
Có thể nói, hát đối đáp của người Cơho Chil nói riêng và dân ca của tộc Cơho nói chung là một trong những di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quí giá. Nhưng thật đáng tiếc, hiện nay, những người biết hát không còn nhiều và đang bị mai một theo thời gian cùng với sự ra đi của người già, các nghệ nhân cao tuổi trong các thôn buôn. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, chúng ta cần tích cực đầu tư nghiên cứu, sưu tầm nhiều hơn nữa để gìn giữ bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống này trong việc xây dựng nếp sống văn hóa tại các thôn buôn. Đặc biệt, đây cũng là một trong những tiềm năng cần khai thác để phát triển kinh tế du lịch của tỉnh nhà thông qua việc tổ chức cho các nghệ nhân dân tộc diễn xướng trong lễ kết bạn, lễ cưới, hát giao duyên,… được phục dựng lại tại các khu du lịch có gắn với tham quan làng văn hóa dân tộc để góp phần quảng bá và giới thiệu với du khách trong và ngoài nước khi tới tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, con người vùng đất Nam Tây nguyên.
 
Đoàn Bích Ngọ