Tư liệu về cao nguyên Lang Biang

08:05, 26/05/2016

Về hướng Bắc, dãy núi Lang Biang nằm trong địa phận huyện Lạc Dương tạo hậu cảnh tuyệt mỹ cho thành phố Đà Lạt.

[links(right)] Về hướng Bắc, dãy núi Lang Biang nằm trong địa phận huyện Lạc Dương tạo hậu cảnh tuyệt mỹ cho thành phố Đà Lạt.
 
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh: VĂN BÁU
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh: VĂN BÁU

Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang
 
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà ở trung tâm cao nguyên Lang Biang là khu rừng đa dạng sinh học với 1.946 loài thực vật, trong đó có 88 loài cần ưu tiên bảo vệ trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2000, 70 loài thú, 301 loài chim,... Ngày 9/6/2015, tại cuộc họp thường niên của Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới (ICC-MAB/UNESCO) tại Paris, Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang rộng 275.439ha đã được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam trong hệ thống 651 khu dự trữ sinh quyển thế giới.
 
Sông Đồng Nai 
 
Sông Đồng Nai bắt nguồn gần đỉnh núi Chư Yan Kao (2.006m) trên cao nguyên Lang Biang. Người K’Ho, Mạ gọi sông Đồng Nai về phía thượng lưu là Đạ Đờng (Dà Dờng), trên bản đồ ghi là: Da Deung, Da Dung, Đa Dâng. Dờng có nghĩa là lớn, Dà thường có nghĩa là nước (An hùc dà: tôi uống nước) nhưng trong nhiều trường hợp dà chỉ cho chất lỏng (dà chi: nhựa cây, dà ồs: dầu lửa).
 
Đại Nam nhất thống chí xuất bản dưới triều Nguyễn có nhắc đến Dã Dương giang (野羊江, sông Đạ Đờng):
 
“Tây hữu Dã Dương giang bất thâm nhi quảng, trung đa ngạc ngư” (Ở phía Tây có sông Dã Dương không sâu mà rộng, trong đó có nhiều cá sấu).
 
Truyền thuyết
 
Theo các nhà địa chất, núi Lang Biang hình thành do vận động tạo sơn nhưng trong kho tàng truyện cổ tích của người Kơho có nhiều truyền thuyết về Lang Biang. Sau đây là ba truyền thuyết:
 
Bulletin de la Société des Études Indochinoises (Tập san của Hội Nghiên cứu Đông Dương) số 3 và 4, xuất bản năm 1948 có đăng nhiều truyện cổ tích của người miền núi Đồng Nai Thượng do Dam Kuh ở Djiring (nay là Di Linh) kể, Jacques Dournes và Jean Seo ghi lại, trong đó có truyện ông Bùng:
 
Khởi thủy có địa ngục. Ở địa ngục, Bùng tạo ra tất cả: đất, đá, động vật, con người, những nhân vật đầu tiên được tôn là thần thánh.
 
Thế rồi Bùng và những nhân vật do Bùng tạo nên đi ra khỏi địa ngục để làm nên trời và đất.
 
Bùng lấy một cái búa nhỏ rèn thành trái đất, lấy một cái búa ngắn rèn thành trời. Bùng và cộng sự không những tạo ra mặt trời, trăng, sao mà còn làm ra lục lạc cho ngựa, chuông cho trâu,...
 
Bùng tạo ra con kiến, con rắn, con chim sẻ trắng. Bùng cột một sợi chỉ vào chân con chim rồi cho bay đi khắp nơi để đánh dấu đất. Chim dừng lại trên một ngọn núi Bùng muốn tạo ra. Bùng đánh dấu nơi này và tạo ra đỉnh núi Lang Biang. Bùng tạo ra con heo rừng giúp Bùng đắp đất. Heo rừng dùng mõm ủi đất nhiều và khéo đến nỗi Lang Biang trở thành một ngọn núi lớn. Bùng tạo nên người khổng lồ ép đất núi tạo ra thác và rắn nước.
 
*
 
Tập san Dalat Du lịch Lâm Đồng số 1 năm 1986 đã đăng bài Sự tích núi Lang Biang, núi Voi và suối Đa Nhim do Ngô Tiến Anh ghi lại lời kể của Liêng Hot Ha Húy ở Đức Trọng:
 
Ngày xưa, ở buôn Kon Đố có một đôi vợ chồng: người chồng tên là Ha Biang, người vợ tên là Ka Lang.
 
Một năm nọ, toàn vùng bị hạn hán, Ha Biang lên đường đi kiện trời, nhưng khi đến núi Ganreo thì bị chết đói.
 
Ka Lang lần theo vết của cây con do Ha Biang đã bẻ đi tìm chồng. Nhìn thấy xác chồng, Ka Lang khóc lóc thảm thiết, vang xa khắp “tám núi, tám sông, tám rừng, tám suối” và bay đến tận trời.
 
Trời liền sai thần mưa trút nước xuống trần gian nhưng Ka Lang vẫn tiếp tục khóc cho đến chết. Tiếng khóc của Ka Lang làm xúc động con voi đầu đàn. Nó đến che mưa cho Ka Lang và Ha Biang, đứng khóc rồi chết theo Ha Biang và Ka Lang.
 
Nước mưa hòa cùng nước mắt của Ka Lang và con voi chảy thành sông gọi là sông Đa Nhim (dà: nước; nim: khóc). Các già làng đặt tên cho ngọn núi ở Kon Đố là Lang Biang và núi Ganreo là núi Voi.
 
*
 
Trong phim Đà Lạt ký do VTV thực hiện năm 2008, Krajan Hải ở Lạc Dương kể một truyền thuyết khác về Lang Biang:
 
Ngày xưa, cô Lang yêu anh Biang. Một phù thủy yêu cô Lang dùng tên tẩm thuốc độc giết chết Biang. Thương tiếc Biang, cô Lang khóc nức nở. Nước mắt chảy thành sông Đa Nhim. Dãy Lang Biang có hai đỉnh núi cao: núi cao nhất mang tên Biang, núi thấp hơn mang tên Lang.            
 
(Còn nữa)
 
NGUYỄN HỮU TRANH