"Xứ Đông Dương" - một tài liệu tham khảo rất đáng quý (tiếp theo)

08:06, 23/06/2016

Trong Lời nói đầu "Xứ Đông Dương", Toàn quyền Paul Doumer viết: "… tôi được yêu cầu sắp xếp lại các ký ức của mình đặc biệt là dành cho giới trẻ, cho những người sẽ là những công dân, những người lính của ngày mai.

PAUL DOUMER VỚI BÁC SĨ YERSIN
[links(right)]
 
Trong Lời nói đầu “Xứ Đông Dương”, Toàn quyền Paul Doumer viết: “… tôi được yêu cầu sắp xếp lại các ký ức của mình đặc biệt là dành cho giới trẻ, cho những người sẽ là những công dân, những người lính của ngày mai. Tôi sẽ làm như vậy một cách không màu mè, từ toàn bộ câu chuyện tôi thuật lại sẽ hiện lên một góc nhìn đủ chính xác về xứ Đông Dương tươi đẹp của chúng ta, một ý tưởng đủ đúng đắn về bản chất công cuộc thuộc địa hóa…”.
 
Đền Quán Thánh bên Hồ Tây - Hà Nội (Tranh minh họa trong “Xứ Đông Dương”)
Đền Quán Thánh bên Hồ Tây - Hà Nội (Tranh minh họa trong “Xứ Đông Dương”)

Giai đoạn đầu sang Việt Nam, Toàn quyền Paul Doumer đã dành cho bác sĩ y khoa, nhà vi khuẩn học và nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy sĩ Alechxandre Émile Jean Yersin (1863 - 1943) - người khám phá cao nguyên Lâm Viên và vạch ra con đường bộ từ Trung Kỳ sang Cao Miên, cũng là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương (tiền thân Đại học Y Hà Nội) những lời tốt đẹp khi đến thăm tỉnh Khánh Hòa: “Nha Trang được chờ đợi sẽ là nơi nổi tiếng; đây là nơi được bác sĩ Yersin chọn để gây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu vi khuẩn. Nhà bác học Yersin, một con người vừa vĩ đại vừa giản dị và khiêm tốn, đã thực hiện những nghiên cứu về bệnh dịch hạch tại nơi đây và đưa ra được những kết quả đầu tiên khiến cả giới khoa học phải biết đến. Viện Pasteur ở Paris xem ông như một trong những thành viên kiệt xuất của mình. 
 
Cho đến năm 1897, phòng thí nghiệm mà Yersin xây dựng ở Nha Trang vẫn còn trong tình trạng thai nghén: chỗ ở của vị giáo sư và các cộng sự thật tồi tệ; có lẽ một nhân viên văn phòng bên hải quan tuổi đôi mươi được cử đến một nơi rừng rú cũng phải từ chối sống trong một điều kiện tương tự. Tình trạng tồi tệ đó kéo dài không quá lâu, nhưng đủ lâu để hạ gục một bác sĩ thú y tráng kiện gắn bó với phòng thí nghiệm, chúng ta sắp phải ân hận vì mất ông. Từ sau năm 1897, bác sĩ Yersin mới có đủ kinh phí để trang bị và phát triển phòng thí nghiệm, xây dựng những tòa nhà quan trọng, biến nó thành một viện nghiên cứu đúng tầm cỡ với những gì ông theo đuổi. Dù rất tiết kiệm các nguồn lực thuộc địa đối với những chi phí chỉ mang tính chất hành chính, tôi đã không tiếc khi cần phải xây dựng hoặc nâng cấp các cơ sở khoa học, cũng như mang đến cho đất nước này những phương tiện kinh tế, nhằm phát triển lợi ích và danh tiếng của nước Pháp. 
 
Bác sĩ Yersin thì ngược lại, luôn hạn chế hết sức các yêu cầu chi tiêu trong những đề nghị của mình. Thay vì cắt giảm ngân sách hằng năm, tôi luôn cố làm tăng những khoản mà ông ấy đăng ký cho dự án của mình. Còn về những nhu cầu, quyền lợi mang tính cá nhân của mình, thì ông ấy chẳng bao giờ đòi hỏi, thậm chí không biết về nó, và người ta có thể lờ đi quyền lợi của ông một cách dễ dàng. Phải sau một thời gian rất dài bám trụ với công việc, ông mới được ban cho một vài ân huệ dành cho những viên chức hạng hai. Tôi sẽ luôn nhớ đến bác sĩ Yersin, người mà tôi yêu mến hơn là ngưỡng mộ, với lòng trìu mến, mỗi khi tôi nhớ đến lần đầu tiên đến Nha Trang, nơi những công trình nghiên cứu đã làm cho nổi tiếng về sau”. 
 
Trong hồi ký, Paul Doumer cũng đã ghi lại một lần cùng bác sĩ Yersin lên Lâm Viên vào năm 1899: “Một ngày, tôi định đi thăm một cao nguyên trong dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Khánh Hòa, đó là cao nguyên Lâm Viên, nơi tôi định xây dựng một trạm y tế, ở độ cao 1.500 m. Tôi đi cùng với viên Công sứ, bác sĩ Yersin và đại úy pháo binh Langlois. Tất cả chúng tôi đều cưỡi ngựa, trừ viên Công sứ ngồi kiệu. Đó là một vùng đồi núi với đường lên gồ ghề, người ta phải leo qua những dãy núi chắn ngang, rồi lại xuống, rồi leo lên để cuối cùng đến được gờ cao nguyên, ở độ cao 1.600 m. Phần lớn thời gian hành trình, chúng tôi phải đi bộ và đôi khi phải giúp ngựa khỏi bị trượt trên những triền đá dốc cao. Ngài Công sứ mặc dù có nhiều phu khiêng kiệu dũng cảm nhưng vẫn bị tụt lại phía sau. Bóng tối bất ngờ buông xuống. Chúng tôi cưỡi ngựa, bác sĩ Yersin, đại úy Langlois và tôi lúc này không còn quan tâm đến gì trừ hổ. Chúng tôi không rời nhau, vì trong bóng tối, và với hiểu biết hạn chế của chúng tôi về đường đất, chúng tôi hoàn toàn có thể bị lạc. Đi bộ khoảng cách ba, bốn cây số đằng sau nhóm chúng tôi là ngài Công sứ, ông ta vẫn không quan tâm dù xung quanh là những phu khiêng kiệu và toán lính vệ binh. Ông cảm thấy lũ hổ đang lượn quanh, và tự nhủ rằng chính mình, vị Công sứ tỉnh Nha Trang, đang bị đe dọa nhiều nhất. Chúng tôi nghe thấy từ xa, trong sự yên tĩnh của đêm, tiếng nổ của những loạt súng được bắn để xua đuổi lũ thú dữ cách xa ngài Công sứ… Không có hộ tống và cả những loạt súng, chúng tôi tới nơi vào khoảng 10 giờ tối”…                    
 
(Còn nữa)
 
PHAN HOÀNG THANH