Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc

09:09, 28/09/2017

Tháng 10/1947, vào lúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp mới bắt đầu, qua thực tiễn đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền còn non trẻ, trong hàng ngũ cán bộ cách mạng đã sớm bộc lộ những nhược điểm, sai sót về lề lối làm việc; do đó, Hồ Chủ tịch đã viết tác phẩm " Sửa đổi lối làm việc". 

[links()]
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1947. Ảnh tư liệu
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh
viết năm 1947. Ảnh tư liệu
Tháng 10/1947, vào lúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp mới bắt đầu, qua thực tiễn đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền còn non trẻ, trong hàng ngũ cán bộ cách mạng đã sớm bộc lộ những nhược điểm, sai sót về lề lối làm việc; do đó, Hồ Chủ tịch đã viết tác phẩm “ Sửa đổi lối làm việc”. Ðây là một tác phẩm rất quan trọng, đề cập nhiều vấn đề lớn, vừa có tính lý luận vừa có tính chỉ đạo thực tiễn sâu sắc. Những lời dạy của Người về lề lối làm việc và nhân cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên cách đây 70 năm vẫn còn giữ nguyên giá trị. 
 
Nội dung tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” 
 
Bố cục tác phẩm gồm 6 phần chính: 
 
I. Phê bình và sửa chữa: Hồ Chủ tịch chỉ rõ, trong điều kiện mới, Đảng đã trở thành một đảng cầm quyền, thì phải “Sửa đổi lối làm việc của Đảng”. Cán bộ, đảng viên cần kiên quyết khắc phục 3 loại khuyết điểm chính đó là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa. Phương thức cơ bản để sửa chữa những khuyết điểm này là phải thông qua học tập, phê bình.
 
II. Mấy điều kinh nghiệm: Hồ Chủ tịch nêu lên 6 kinh nghiệm từ thực tế hoạt động, công tác để cán bộ, đảng viên làm tốt công việc của mình. Những kinh nghiệm này đều gắn với yêu cầu khắc phục các khuyết điểm đã được chỉ ra ở phần trên.
 
III. Tư cách và đạo đức cách mạng: Hồ Chủ tịch nêu rõ những lý tưởng, mục tiêu và nguyên tắc hoạt động cơ bản của Đảng ta; trách nhiệm của người đảng viên, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên; phân tích các khuyết điểm, thói tật, căn bệnh cụ thể mà họ thường mắc phải và cách khắc phục chúng.
 
IV. Vấn đề cán bộ: Hồ Chủ tịch phân tích sâu sắc 5 nội dung cơ bản trong vấn đề chung về công tác cán bộ; chỉ ra phương hướng, biện pháp mà Đảng, Chính phủ cần thực hiện để sử dụng và phát huy tốt vai trò tác dụng của đội ngũ cán bộ.
 
V. Cách lãnh đạo: Hồ Chủ tịch chỉ ra phương pháp, cách thức để cán bộ, đảng viên thực hiện tốt vai trò phụ trách (quản lý) công việc và lãnh đạo đối với quần chúng nhân dân.
 
VI. Chống thói ba hoa: Hồ Chủ tịch coi đây là một trong 3 khuyết điểm chính ở đội ngũ cán bộ, đảng viên, gây tác hại không nhỏ đối với công việc; đây là khuyết điểm về cách nói, cách viết của họ khi tiếp xúc, quan hệ với quần chúng nhân dân.
 
Bố cục cuốn sách với những phần chính được trình bày như trên chứa đựng nhiều ý nghĩa quan trọng, hàm súc cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hiểu sâu và lĩnh hội thấu đáo. Trong 6 phần chính của cuốn sách, có những nội dung được Hồ Chủ tịch đề cập nhiều lần như: vấn đề các khuyết điểm, thói tật, chứng bệnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên khi Đảng ta bước sang giai đoạn cầm quyền; việc xây dựng, củng cố đạo đức cách mạng cho đội ngũ này; vấn đề cán bộ và công tác cán bộ; nhiệm vụ giữ gìn mối liên hệ của Đảng với quần chúng nhân dân; yêu cầu tăng cường mục tiêu, lý tưởng cách mạng phục vụ quần chúng nhân dân cho cán bộ, đảng viên…
 
Nội dung tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đề cập tới một chủ đề rất hệ trọng, rộng lớn, nhưng cũng hết sức cụ thể rõ ràng. Đặc biệt, Người nhấn mạnh, trong điều kiện mới, nhất là khi Đảng thực hiện vai trò cầm quyền, lãnh đạo đất nước, Đảng phải khắc phục nhiều khuyết điểm, chứng bệnh, thói tật tiêu cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà ở giai đoạn trước khi giành được chính quyền nó chưa xuất hiện hoặc chưa bộc lộ rõ. Những khuyết điểm đó gồm 3 loại chính là: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Từ 3 loại chứng bệnh này, lại đẻ ra hàng chục thứ bệnh khác như: bệnh quan liêu, bệnh kiêu ngạo, óc địa phương, bệnh xa quần chúng, bệnh ích kỷ…Những biểu hiện tiêu cực này không chỉ gây khó khăn cho sự nghiệp kháng chiến đang ở giai đoạn bước ngoặt có tính sống còn của cả dân tộc, mà còn là nguy cơ đe dọa làm thoái hóa biến chất bản chất cách mạng của Đảng, lý tưởng mục tiêu và phẩm chất đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. 
 
Cùng với việc chỉ ra và phân tích rõ khuyết điểm, Hồ Chủ tịch cũng tập trung nêu lên những biện pháp toàn diện, đúng đắn và có tính hệ thống, đồng bộ để khắc phục khuyết điểm với phương hướng cơ bản là phải “Sửa đổi lối làm việc của Đảng”; mỗi cán bộ, đảng viên phải tự sửa đổi, tự sửa chữa khuyết điểm của mình, giữ gìn bản chất cách mạng và mục tiêu, lý tưởng của Đảng là phục vụ nhân dân, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức giác ngộ chính trị, tinh thần kỷ luật, tác phong quần chúng gần gũi, sâu sát nhân dân. Đồng thời, Đảng và Chính phủ phải tăng cường công tác cán bộ, chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất và năng lực mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên… 
 
Từ nội dung tác phẩm cho thấy, những tư tưởng, quan điểm của Hồ Chủ tịch trong “Sửa đổi lối làm việc” đã được hình thành trong cả quá trình hoạt động của Người trước và sau khi lãnh đạo Đảng ta và nhân dân ta làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay công nông; đặc biệt là thời gian Đảng ta bắt đầu thực hiện vai trò, nhiệm vụ cầm quyền, lãnh đạo quần chúng nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. 
 
Đọc tác phẩm cho thấy, Hồ Chủ tịch viết cuốn sách này trước hết và chủ yếu là để thực hiện nhiệm vụ cách mạng và cuốn sách cũng là một phương tiện chỉ đạo hoạt động cách mạng. Do đó, “Sửa đổi lối làm việc” là sản phẩm tổng hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nền tảng lý luận cách mạng sâu sắc, vững vàng với việc tổng kết thực tiễn cách mạng kịp thời, chính xác; những vấn đề nêu lên trong cuốn sách được thể hiện linh hoạt, mềm dẻo, mang tính độc đáo, hợp lý và hàm súc, sâu sắc.
 
Ý nghĩa sâu sắc rút ra sau khi đọc tác phẩm:
 
(1) Tác phẩm đã chỉ ra những ưu khuyết điểm, những căn “bệnh” của cán bộ, từ đó giúp cho công tác tổ chức cán bộ phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế đó.
 
(2) Nhắc nhở mỗi người chúng ta cho dù trên bất kỳ công việc nào cũng không ngừng phải rèn luyện, tu dưỡng, trau dồi phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống, lề lối làm việc.
 
(3) Đối với công việc, mỗi cán bộ, đảng viên phải có tinh thần trách nhiệm, không ngừng nâng cao ý thức tự giác, học hỏi.
 
(4) Cán bộ, đảng viên phải dám chịu trách nhiệm trước công việc của mình, sẵn sàng sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm.
 
(5) Giải quyết công việc cần linh hoạt, uyển chuyển, không rập khuôn, không xa rời thực tế.
 
Rõ ràng rằng “Sửa đổi lối làm việc” một mặt giúp cho Đảng rút ra nhiều bài học bổ ích, làm cho Đảng lớn mạnh không ngừng; mặt khác giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên khắc phục được những sai lầm, khuyết điểm.
 
Những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chủ tịch nêu lên trong cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” đã có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta lúc bấy giờ. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ dẫn và động viên sáng suốt, kịp thời và kiên quyết của Người, Đảng ta và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã kịp thời củng cố lực lượng, siết chặt đội ngũ, chấn chỉnh kỷ luật, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng, nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức; tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo quần chúng nhân dân, làm tốt nhiệm vụ cầm quyền, động viên toàn quân, toàn dân tích cực tham gia công tác, chiến đấu để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi cuối cùng. Đồng thời, những chỉ dẫn của Người nêu lên trong tác phẩm luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta suốt 70 năm qua và mãi mãi về sau.
 
(CÒN NỮA)
 
VĂN NHÂN