Thẻ bài - cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Ðồng

08:09, 21/09/2017

Kể từ năm 1802 đến năm 1945 triều Nguyễn đã trải qua 13 đời vua. Vị vua cuối cùng là Bảo Ðại đã thoái vị, kết thúc chế độ quân chủ tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian sau đó Bảo Ðại lại quay lại thân Pháp và chọn Ðà Lạt làm đất Hoàng triều cương thổ. Vì thế tại Ðà Lạt có biệt điện của vua và một số kỷ vật quý báu của vua quan triều Nguyễn. 

Kể từ năm 1802 đến năm 1945 triều Nguyễn đã trải qua 13 đời vua. Vị vua cuối cùng là Bảo Ðại đã thoái vị, kết thúc chế độ quân chủ tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian sau đó Bảo Ðại lại quay lại thân Pháp và chọn Ðà Lạt làm đất Hoàng triều cương thổ. Vì thế tại Ðà Lạt có biệt điện của vua và một số kỷ vật quý báu của vua quan triều Nguyễn. Trong đó, có những hiện vật được xếp vào “văn phòng tứ bảo”, những vật dụng sinh hoạt của triều đình, đặc biệt là “thẻ bài” - cổ vật quý hiếm của cung đình triều Nguyễn.
 
Thẻ bài ngọc một mặt khắc nổi 4 chữ Hán nạm vàng “Đại Nam thiên tử (mặt bên kia khắc nổi 4 chữ Hán nạm vàng “Khải Định trân bảo”)
Thẻ bài ngọc một mặt khắc nổi 4 chữ Hán nạm vàng “Đại Nam thiên tử (mặt bên kia khắc nổi 4 chữ Hán nạm vàng “Khải Định trân bảo”)
Trong những di sản văn hóa của triều Nguyễn để lại, có một loại cổ vật có giá trị lịch sử, mỹ thuật và văn hóa độc đáo, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, được gọi là thẻ bài. Đây là tên dùng để gọi một nhóm vật dụng. Từ tên chung là thẻ bài, tùy theo chất liệu làm nên chiếc thẻ mà có sự phân biệt là: kim bài (bài bằng vàng); ngân bài (bài bằng bạc); mộc bài (bài bằng gỗ); thạch bài (bài bằng đá)… hay tùy theo công năng của từng chiếc thẻ mà gọi là: bội bài (bài để đeo), tín bài (bài làm tín vật), lệnh bài (bài giao việc).
 
Thẻ bài gồm hai loại: Một loại là những huân chương, huy chương để thưởng công trạng hay huy chương danh dự của triều đình ban tặng cho các bậc vương công, đại thần, binh sĩ và cả những người nước ngoài phụng sự cho triều Nguyễn. Loại còn lại là những “vật dụng” đặc biệt để phân biệt địa vị, phẩm hàm của những tầng lớp khác nhau trong xã hội. Ngoài ra, còn có những chiếc thẻ bài có giá trị như giấy thông hành, dùng để ra vào nơi cung cấm, hay được dùng như giấy ủy nhiệm của quan lại cấp trên giao việc cho thuộc hạ.
 
Hiện nay trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng, có hai thẻ bài của vua Khải Định rất quý giá về chất liệu và độc đáo về nghệ thuật chạm khắc.
 
Hai thẻ bài được làm bằng đá ngọc màu trắng đục, có hình chữ nhật. Một đầu thân thẻ có buộc quai đeo được làm bằng kim loại màu vàng. Thẻ được trang trí hai mặt với kỹ thật chế tác “chạm thủng”. Đường viền quanh thân thẻ trang trí hoa văn kỷ hà được khắc chìm bẻ góc nối tiếp nhau, bên trong là đôi rồng - biểu tượng của vua chúa được chạm theo chiều thẳng đứng đối xứng qua một hàng chữ Hán khắc nổi chạm vàng.
 
Mặt trước thẻ bài chiếc thẻ bài thứ nhất khắc nổi hàng chữ Hán “Khải Định trân bảo”, mặt sau khắc “Đại Nam thiên tử”. Đây là thông điệp khẳng định chủ nhân của thẻ bài này là vua của nước Nam - Khải Định.
 
Mặt trước thẻ bài chiếc thẻ bài thứ hai khắc nổi hàng chữ Hán “Khải Định trân bảo”, mặt sau khắc “Đông cung hoàng thái tử”. Đây là chiếc thẻ bài do vua Khải Định ban cho hoàng tử Vĩnh Thụy - người được ban chiếc thẻ bài này là người sẽ kế nghiệp vua cha sau này chính là hoàng tử Vĩnh Thụy tức Bảo Đại.
 
Với chất liệu bằng đá ngọc và nội dung khắc trên hai chiếc thẻ bài có thể khẳng định đây là thạch bài, thuộc loại bội bài dùng để phân biệt danh tính, phẩm hàm, địa vị, chức phận của vua quan triều Nguyễn. 
 
Đến Bảo tàng Lâm Đồng chiêm ngưỡng những chiếc thẻ bài nói riêng và sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn nói chung, chúng ta sẽ chiêm nghiệm bao điều thú vị về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật của một thời đại đã qua xứng đáng là những di sản vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam.
 
NGUYỄN THỊ LÊ THẢO