Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc (tiếp theo)

09:10, 05/10/2017

Tháng 10/1947, vào lúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp mới bắt đầu, qua thực tiễn đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền còn non trẻ, trong hàng ngũ cán bộ cách mạng đã sớm bộc lộ những nhược điểm, sai sót về lề lối làm việc; do đó, Hồ Chủ tịch đã viết tác phẩm " Sửa đổi lối làm việc". 

[links(right)] Vận dụng tư tưởng “Sửa đổi lối làm việc” 
 
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời cách đây 70 năm, đến nay đất nước đã có nhiều thay đổi nhưng những điều Người dự liệu, chỉ ra và nhấn mạnh phải sửa đổi trong “Sửa đổi lối làm việc” đối với Đảng, với người cán bộ cách mạng thì vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Nội dung của tác phẩm vẫn là những lời chỉ huấn cơ bản và thời sự đối với Đảng, Nhà nước ta; đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong rèn luyện và phấn đấu. 
 
Trước hết, đọc tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” chúng ta giật mình, bởi những căn bệnh trong Đảng được Bác cảnh báo từ năm 1947 đến nay vẫn tồn tại, phát triển với quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Đặc biệt, trong 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đã được Hội nghị Trung ương 4, khóa XII chỉ ra, có không ít khuyết điểm, hạn chế liên quan đến tác phong, lề lối công tác, như: Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng làm một nẻo; quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân... Những biểu hiện nêu trên, thực chất không khác gì so với những thói hư, tật xấu được Chủ tịch Hồ Chí Minh “bắt bệnh” cách đây 70 năm, khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, mà theo cách gọi của Người, “Đó là bệnh của Đảng cầm quyền”. 
 
Thứ hai, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chủ tịch không chỉ vạch ra những sai lầm, khuyết điểm, lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng, trong phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, mà còn tập trung nêu rõ những biện pháp cần thiết để chữa trị những căn bệnh “nan y” này. Vì vậy, vấn đề xuyên suốt và cốt lõi trong tác phẩm này đều xoay quanh việc phải giáo dục, rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực làm việc và tư cách đạo đức, thực sự là “công bộc” của nhân dân. Đặc biệt, trong công tác cán bộ, cần coi trọng các biện pháp phòng ngừa, răn đe hơn là trừng trị, nghĩa là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bởi theo Bác, việc phòng ngừa, răn đe là tránh cho cán bộ, công chức đi vào con đường sai lầm, lạc lối; là “giúp người chữa chỗ dở” để có thể “dùng được”. Đây chính là cách Hồ Chí Minh khéo léo bắt buộc và đòi hỏi các cán bộ, đảng viên phải có cách thức để tự sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, để gần dân, hiểu dân và được nhân dân tin tưởng, quý trọng. Có thể nói, các nội dung trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đều toát lên tư tưởng của Người về lòng nhân ái, vì sự tiến bộ của mỗi cán bộ, đảng viên. 
 
Thứ ba, để trở thành người cán bộ tốt, theo Bác không có gì khó mà trước hết là ở bản thân mỗi cán bộ, đảng viên. Nếu trong lòng mỗi người cán bộ chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì nhân dân thì tất sẽ dẫn đến chí công vô tư, sẽ trở thành những người có nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Đó chính là đạo đức cách mạng, nền tảng của mọi thành công. Chính vì vậy, rèn luyện đạo đức cách mạng là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong công tác bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ. Rõ ràng những yêu cầu trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Hồ Chủ tịch đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. 
 
Thứ tư, thấm nhuần tinh thần “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; bởi những nội dung đó rất sát với những điều chỉ dẫn của Bác trong “Sửa đổi lối làm việc”; cụ thể là:
 
(1) Thực hiện nghiêm túc, triệt để, trung thực, tự giác việc tự phê bình và phê bình; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, cấp ủy các cấp, nhất là ở cấp trên; đó cũng là điều đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói cách đây 70 năm, đến nay vẫn mang tính thời sự. Bởi vì, muốn “Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”, thì tất yếu “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Trong tự phê bình và phê bình, cần tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, việc gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống… Cần liên hệ, gắn với xem xét việc thực hiện các quy chế, quy định, chức trách, nhiệm vụ được giao; việc giải quyết những vấn đề về tổ chức, cán bộ; về giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành, cơ quan hoặc địa phương…
 
(2) Quán triệt lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là gốc của mọi công việc” và “không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ”; vì vậy, việc thực hiện nghiêm nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng và nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách chính là nhằm “biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Trên tinh thần đó, cần kiên quyết khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức, cán bộ; không để các “nhóm lợi ích” chi phối công tác đề bạt, sử dụng cán bộ; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt, sử dụng người có năng lực, có đạo đức cách mạng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đưa vào giữ các trọng trách ở các cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc theo dõi, phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ được chặt chẽ; tiến hành việc xử lý kỷ luật những cán bộ thoái hóa, biến chất một cách nghiêm minh. 
 
(3) Tuân thủ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trong đó có vấn đề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; “đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng của các cấp”. Làm tốt hơn nữa việc nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống...”; qua đó sẽ tạo được sự thống nhất về tư tưởng và hành động cách mạng trong Đảng và toàn xã hội. Đây phải được xem là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên để cán bộ, đảng viên luôn giữ được vai trò tiền phong, gương mẫu của mình.
 
(4) Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị đã thể hiện sự thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác về đạo đức và phong cách làm việc đối với người cán bộ, đảng viên; và là sự hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về “Sửa đổi lối làm việc”, nó có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn của Đảng, sự tồn vong của chế độ ta. Vì vậy, để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là công bộc, là đầy tớ thật trung thành của nhân dân, hơn lúc nào hết mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nghiêm túc tự mình sửa đổi ngay lối làm việc theo đúng tư tưởng của Người để củng cố niềm tin đối với nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
 
Thời gian dần lùi xa nhưng những yêu cầu phải sửa đổi trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Hồ Chủ tịch đối với Đảng, Nhà nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên từ những năm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc vẫn rất cần được tiếp tục thực hiện. Đó là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng mẫu mực về phẩm chất đạo đức và lối sống; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng; luôn đoàn kết, thống nhất và gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu và kính trọng.
 
VĂN NHÂN