Trận Ngọc Hồi - Đống Đa, chiến công hiển hách trong lịch sử chống giặc ngoại xâm

05:02, 09/02/2019

Cách đây 230 năm, Hoàng đế Quang Trung kéo quân ra Bắc tiến đánh 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Đây là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc. Sáng 9/2 (mùng 5 Tết), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Lễ hội Gò Đống Đa kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2019) và trao bằng xếp hạng di dích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.

Cách đây 230 năm, Hoàng đế Quang Trung kéo quân ra Bắc tiến đánh 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Đây là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc. Sáng 9/2 (mùng 5 Tết), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Lễ hội Gò Đống Đa kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2019) và trao bằng xếp hạng di dích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.
 
Ảnh minh họa: Nguồn: congan.com.vn
Thủ Tướng trao bằng (ANTĐ). Nguồn: congan.com.vn
Mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, dưới sự lãnh đạo tài tình của người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn đã làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa với một cuộc hành quân thần tốc chưa từng có, đập tan quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng Thăng Long, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
 
Triều đình nhà Thanh từ khi được thành lập luôn rắp tâm xâm lược thôn tính nước ta. Sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại, vua Lê Chiêu Thống cùng một số đại thần thân cận đã bỏ chạy lên phía Bắc, cho người sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh. Nhận thấy đây là thời cơ thuận lợi để xâm lược, vua Thanh sai tướng Tôn Sỹ Nghị đem 29 vạn quân tiến sang nước ta.
 
Nhận được tin đó, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ quyết định làm lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, chỉ huy quân tiến ra Bắc. Chỉ sau một thời gian ngắn, đầu tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn có mặt tại Tam Điệp, hội quân với tướng Ngô Văn Sở chuẩn bị tiến vào Thăng Long và tuyên chiến với quân Thanh. 
 
Đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn bao vây khống chế đồn Hạ Hồi (cách Thăng Long khoảng 20 km) uy hiếp, khống chế và làm tan rã lực lượng lớn quân Thanh, mở màn cho chiến dịch giải phóng Thăng Long. Ngày mồng 4 Tết Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân đã tiếp cận được đồn Ngọc Hồi, phối hợp với các đạo quân khác chuẩn bị đánh chiếm và giải phóng Thăng Long.
 
Sáng sớm mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn khắp nơi xung trận phá hủy các chiến lũy, đồn bốt và toàn bộ hệ thống phòng thủ phía Nam đồn Ngọc Hồi, đồng thời phối hợp với đạo quân của tướng Đặng Tiến Đông mở cuộc tiến công hết sức bất ngờ tiến vào khu đồn bốt Đống Đa, nhanh chóng thọc sâu vào những vị trí trọng yếu của quân Thanh, tiêu diệt sở chỉ huy địch. 
 
Quân Thanh bị tiêu diệt đến 5.000 quân, xác chết thành gò trước sức tiến công như triều dâng của nghĩa quân Tây Sơn. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ngay tại sở chỉ huy, nghĩa quân Tây Sơn tiếp tục truy đuổi, bao vây doanh trại của chủ tướng giặc Tôn Sỹ Nghị.
 
Tôn Sỹ Nghị vội vàng vượt cầu phao trên sông Nhị Hà (sông Hồng) tháo chạy. Tàn quân Thanh thấy vậy cũng chen lấn xô đẩy vượt cầu phao đến nỗi cầu phao cũng gãy đứt, quân giặc chết hàng vạn người xác nổi đầy sông. Thăng Long được hoàn toàn giải phóng, đất nước được độc lập.
 
Trận Ngọc Hồi - Đống Đa đại thắng đã chứng tỏ nghệ thuật quân sự của người "anh hùng áo vải, cờ đào" Quang Trung - Nguyễn Huệ, đó là: Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta đã đập tan sự xâm lược của quân Thanh, giải phóng hoàn toàn kinh thành Thăng Long, giữ vững nền độc lập dân tộc.
 
Ảnh minh họa: Nguồn: congan.com.vn
Ảnh minh họa: Nguồn: congan.com.vn
 
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa còn đánh dấu việc nhà Tây Sơn chính thức thay nhà Lê trong việc cai quản đất Bắc Hà và trong quan hệ với nhà Thanh. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là một chiến công vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử trọng đại và tiêu biểu trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. 
 
Phát huy tin thần chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa bất tử và khí thế thần tốc, bách chiến bách thắng của hoàng đế Quang Trung, trước vận hội mới của đất nước thôi thúc chúng ta tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước phát triển lên một vị thế mới.
 
Tứ Kiên (Tổng hợp)