Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3): Tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại

08:03, 21/03/2019

Ngày Quốc tế Hạnh phúc, hay còn gọi là "Ngày Hạnh phúc", bắt nguồn từ Vương quốc Phật giáo Bhutan Himalaya. Đây là ngày để cả thế giới quan tâm đến vấn đề cốt lõi trong cuộc sống, đó là làm sao để tìm được thật nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc, hay còn gọi là “Ngày Hạnh phúc”, bắt nguồn từ Vương quốc Phật giáo Bhutan Himalaya. Đây là ngày để cả thế giới quan tâm đến vấn đề cốt lõi trong cuộc sống, đó là làm sao để tìm được thật nhiều niềm vui trong cuộc sống.
 
Ảnh minh họa biểu tượng logo Ngày Quốc tế Hạnh phúc của Liên hiệp quốc
Ảnh minh họa biểu tượng logo Ngày Quốc tế Hạnh phúc của Liên hiệp quốc
Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc
 
Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) được chính thức công bố tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc (tháng 6/2012) theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ bé ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong lục địa phía Đông dãy Himalaya. Từ năm 1970, bên cạnh các chỉ số về kinh tế thường được dùng để đánh giá về sự giàu có vật chất, nhà vua của Vương quốc Bhutan đã đưa ra một cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia. Chỉ số này được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Bhutan là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao đã ghi nhận uy thế của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia và nổi tiếng với việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội. Đại diện quốc gia Bhutan cho rằng, nhu cầu về Ngày Hạnh phúc này là đối với tất cả quốc gia và con người trên toàn thế giới để có những bước vượt lên trên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới và liên kết, đoàn kết toàn nhân loại.
 
Mặt khác, Liên Hợp quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau; biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ, cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực... Bởi vậy, ngày 20/3 hằng năm được gọi là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, với thông điệp: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
 
Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
 
Việt Nam hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc
 
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 do Liên Hợp quốc phát động, ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm”. Từ năm 2014, Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Điều đó mang ý nghĩa lớn lao nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, để từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3). 
 
Tại tỉnh Lâm Đồng, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hằng năm” và các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh cụ thể hóa bằng việc đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương, đơn vị để thực hiện một cách có hiệu quả. 
 
Trong những năm qua, Ngày Quốc tế Hạnh phúc đã được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, gắn việc tuyên truyền các nội dung của Ngày Quốc tế Hạnh phúc với triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/5/2005 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mang lại hiệu quả thiết thực như: Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng mỗi năm thực hiện từ 20 đến 30 phóng sự tuyên truyền; Báo Lâm Đồng, Tạp chí Người làm báo hàng năm thực hiện từ 3 đến 5 chuyên trang, chuyên mục; từ năm 2014 - 2018, ngành văn hóa thực hiện trên 12.000 m2 băng rôn, hơn 10.000 phướn các loại; tổ chức 75 buổi tuyên truyền cổ động xe loa lưu động, trên 150 buổi văn nghệ phục vụ khoảng 200 nghìn lượt khán giả; in trên 16.936 cuốn tài liệu tuyên truyền, 47.315 tờ gấp, nhân bản 1.740 đĩa tuyên truyền; mở 7 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình cho trên 900 lượt cán bộ làm công tác gia đình cấp cơ sở; các ngành, địa phương đã tổ chức 55 buổi mít tinh, 2.681 hội nghị, hội thảo và 6 hội thi, liên hoan...
 
Có thể nói, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của các giai cấp trong xã hội về giá trị của “hạnh phúc gia đình”, về vị trí, vai trò của gia đình trong xã hội; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác gia đình; về quyền nghĩa vụ của gia đình; về kỹ năng sống, cách tổ chức cuộc sống gia đình và xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, tăng cường hiệu quả công tác giáo dục về gia đình, từ đó mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức có hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng gia đình hạnh phúc.
 
Để Ngày Quốc tế Hạnh phúc thực sự đi vào đời sống, mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân hãy chung sức, đồng lòng tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo; đặc biệt quan tâm tới khu vực đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tới các đối tượng chính sách... Kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp gia đình Việt Nam, sẻ chia và giúp đỡ để mọi gia đình, mọi người thực sự hạnh phúc trong cuộc sống hôm nay...
 
KIỀU NINH