Chiến thắng Điện Biên Phủ - đỉnh cao của tinh thần quyết chiến, quyết thắng và trí tuệ Việt Nam

09:05, 04/05/2019

(LĐ online) - Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chiến thắng Điện Biên Phủ là một đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử không chỉ làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch, mà còn "làm thay đổi số phận thế giới", trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. 

(LĐ online) - Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chiến thắng Điện Biên Phủ là một đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử không chỉ làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch, mà còn “làm thay đổi số phận thế giới”, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. 
 
Cuối năm 1953, cuộc chiến tranh Đông Dương đã kéo dài 8 năm, quân Pháp đang lâm vào thế bị động trên chiến trường. Nước Pháp hầu như không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng chiến tranh Đông Dương, phải cầu viện sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Nhằm cứu vãn tình thế bi đát và tạo một trận thắng lớn hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho Pháp, Tướng Na-va, tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp đã đưa ra kế hoạch tập trung mọi nguồn lực để xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương “một pháo đài khổng lồ không thể công phá” với tổng số binh lực vào lúc cao nhất lên tới 16.200 người, sẵn sàng nghiền nát bộ đội chủ lực của ta. 
 
Nắm được ý đồ chiến lược của đội quân viễn chinh Pháp và chấp nhận thách thức của chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xem đây là trận quyết chiến chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam; hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương".
 
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta đã nhanh chóng tập kết, bạt rừng, xẻ núi mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch. Ngày 13/3/1954, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, ngày 7/5/1954 Chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn thành thắng lợi. Tổng số quân địch bị diệt và bắt sống tại Điện Biên Phủ là 16.200 tên; trong đó có Thiếu tướng Đờ-Cax-tơ-ri, 10 đại tá và trung tá, 353 sĩ quan, 57 máy bay bị bắn rơi và phá hủy tại mặt trận…
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; mở ra một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, miền Bắc được giải phóng và quá độ đi lên CNXH, trở thành căn cứ địa cách mạng rộng lớn, hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam; nhân dân miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo cơ sở vững chắc để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững tin, dám đánh, quyết đánh và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa to lớn, là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố quyết định như: (I) Sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị - quân sự đúng đắn, phương pháp cách mạng khoa học, biết tạo thời cơ và tận dụng thời cơ để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. (II) Sự thông minh và tư tưởng cách mạng tiến công, ý chí quyết chiến quyết thắng, đúng như điều Bác Hồ căn dặn: “Trận này rất quan trọng các chú phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh”. (III) Tư tưởng chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, cả nước đoàn kết đánh giặc bằng sức mạnh tổng hợp (chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao…). (IV) Thực hiện phương châm tích cực, chủ động, sáng tạo và linh hoạt theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh “Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa, tùy tình hình cụ thể mà có xử trí đúng đắn”; “Đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế”; lấy “Nhỏ đánh lớn phải “di nhu xử cương”… và sự quyết định hết sức táo bạo, đúng đắn nhưng vô cùng khó khăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển từ phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” như lời chỉ dẫn của Bác Hồ . (V) Tư tưởng dân chủ đi đôi với kỉ luật, tự giác nhưng nghiêm minh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công gầy dựng, vun đắp, xây dựng nên một quân đội mà “Người chỉ huy và chiến sĩ như cha với con, như anh với em, một cuộc sống mà những con người không hề quen biết nhau đối xử với nhau như ruột thịt”. 
 
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm hết sức quý báu cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là những bài học về nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường, không cam chịu nghèo nàn và lạc hậu, quyết tâm vượt qua thách thức, phát huy trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ dám làm; vận dụng sáng tạo phương thức động viên toàn dân, tổ chức toàn dân tham gia xây dựng đường lối đổi mới đất nước; phát huy tinh thần cách mạng tiến công, luôn tạo thế và giành thế chủ động, kiên trì mục tiêu dựa vào sức mình là chính, chủ động quyết định theo cách của mình, phát huy ưu thế về sở trường, truyền thống, về yếu tố chính trị, tinh thần của quân và dân ta…
 
Hiện nay, xu thế lớn của thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn lả chủ đạo, nhưng tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Ơ trong nước, bên cạnh thời cơ và vận hội lớn, đất nước cũng đứng trước những thách thức, khó khăn không nhỏ; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để chống phá ta trên tất cả các lĩnh vực; chúng triệt để lợi dụng các vấn đề về “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để kích động tư tưởng ly khai, gây bạo động, hòng làm mất ổn định chính trị - xã hội đất nước. 
 
Tình hình đó đặt ra cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những yêu cầu mới nặng nề hơn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải nâng cao cảnh giác; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường tiềm lực và sức mạnh quốc phòng - an ninh, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và ứng phó thắng lợi với mọi tình huống., góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi đê đất nước tiếp tục phát triển. Từ chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, bất cứ thế lực hiếu chiến, tàn bạo nào muốn dùng sức mạnh để áp đặt ý chí của mình lên dân tộc ta thì nhất định chúng sẽ thất bại. 
 
65 năm đã trôi qua, đất nước bước sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, nhưng bài học và ý nghĩa lớn lao của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị. Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần, ý chí quyết chiến quyết thắng, trí thông minh, sáng tạo, tình đoàn kết quân - dân, khát vọng vươn tới độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam… trong chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ mãi mãi là nền tảng tinh thần cỗ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.                                                                                                                             
                                                                                                                           NGUYỄN VĂN HƯƠNG