Ðường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi là niềm tự hào của dân tộc

07:05, 09/05/2019

Ðường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi là niềm tự hào của dân tộc

(TIẾP THEO)
 
3. Chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một chiến trường ác liệt, chiến trường tổng hợp; bộ đội Trường Sơn đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng vẻ vang, làm suy yếu kẻ thù
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thực sự là một chiến trường ác liệt, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Những chiến sĩ trên Trường Sơn là những chiến sĩ trên mặt trận chiến đấu mặt giáp mặt với quân thù, bảo đảm cho tuyến đường thông suốt. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn đánh phá với những loại vũ khí và phương tiện chiến tranh vô cùng hiện đại nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược. Trong cuộc “chiến tranh ngăn chặn” này, không quân Mỹ - ngụy đã đánh phá 151.800 trận với 733.000 lần chiếc máy bay, ném xuống tuyến đường gần 4 triệu tấn bom đạn.
 
Ngoài việc dùng bom đạn thông thường đánh phá hòng ngăn chặn phương tiện vận tải, phá hủy cầu đường, đường ống xăng dầu, hệ thống thông tin liên lạc... đế quốc Mỹ còn sử dụng các loại bom từ trường, bom la-de, “cây nhiệt đới” để phát hiện tiếng động của người và phương tiện trên mặt đất; thả chất độc hóa học hủy diệt cây xanh, gây bệnh tật và để lại di chứng cực kỳ nguy hiểm cho con người. Hơn thế nữa, đế quốc Mỹ và quân ngụy còn huy động lực lượng lớn tiến hành hàng ngàn cuộc hành quân đánh phá, chia cắt đường Trường Sơn trong suốt những năm chiến tranh. Sự đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy trên Trường Sơn đến mức “rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn”.
 
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho các chiến trường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã trực tiếp tổ chức đảm bảo giao thông vận tải, đánh địch tại chỗ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên các chiến trường thực hiện nhiều chiến dịch lớn, đập tan cuộc “chiến tranh ngăn chặn” của đế quốc Mỹ.
 
Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng: công binh, vận tải (ô tô, đường sông, đường ống), phòng không - không quân, bộ binh, giao liên, thông tin, hóa học, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... thực sự trở thành một chiến trường tổng hợp, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trên quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường. Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, bộ đội và dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
 
Trong 16 năm, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch. Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề chất độc màu da cam của địch. Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này.
 
Cuộc chiến đấu chống “chiến tranh ngăn chặn” của bộ đội Trường Sơn là ác liệt nhất, dài ngày nhất, quy mô nhất, hiệu quả cao nhất. Mặc cho mưa bom bão đạn và sự đánh phá hủy diệt của kẻ thù, đường Hồ Chí Minh vẫn không ngừng “vươn sâu, vươn xa”, đáp ứng yêu cầu ngày càng nóng bỏng của tiền tuyến lớn miền Nam, chiến trường Lào và Campuchia. Đó là sức mạnh tổng họp vô cùng to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam, đặc biệt là sự chiến đấu kiên cường của các đơn vị, các quân, binh chủng đứng chân trên tuyến lửa Trường Sơn và sự đóng góp của nhân dân các địa phương bảo vệ tuyến đường, đánh bại chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ và tay sai.
 
4. Ðường Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt chống kẻ thù chung của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế
 
Đường Hồ Chí Minh ra đời và phát triển, trước hết bắt nguồn từ nhu cầu của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ra toàn Đông Dương, đường Trường Sơn đã không ngừng được củng cố, mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng của ba nước Đông Dương. Quân và dân ba nước đã nêu cao tinh thần đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, xây dựng và bảo vệ tuyến đường chi viện chiến lược.
 
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn, tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam (cả Đông và Tây Trường Sơn), đã đi qua 20 tỉnh thuộc ba nước Đông Dương, tỏa ra các chiến trường; là sợi dây liên kết các chiến trường, là “khúc ruột” nối với các tuyến vận tải của hậu phương lớn miền Bắc và các tuyến vận tải của các chiến trường ba nước Đông Dương, tạo nên một hệ thống liên hoàn bền vững. Nhân dân các dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia trên tuyến đường hành lang đi qua đã tự nguyện dời bản, chuyển nhà, góp phần xây dựng, bảo vệ con đường trong suốt những năm chiến tranh. Nhờ đó, tình đoàn kết quân dân ba nước thêm gắn bó.
 
Không chỉ là tuyến hậu cần chiến lược, là hậu phương trực tiếp, căn cứ của chiến trường miền Nam Việt Nam, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn còn đảm bảo chi viện đắc lực cho chiến trường Lào và Campuchia, tiêu biểu là:
 
- Từ năm 1959 đến năm 1964, tuyến vận tải chiến lược đã bảo đảm vận chuyển hàng và tổ chức hành quân cho các đơn vị vào chiến trường miền Nam và Lào được 10.136 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cùng hàng nghìn tấn hàng quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho cách mạng Việt Nam, Lào...
 
- Năm 1970, tuyến vận tải chiến lược đã vận chuyển trên 5.000 tấn vũ khí, đạn dược phục vụ kịp thời cho lực lượng cách mạng Campuchia phối họp với Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đập tan cuộc hành quân Chen-la 1 của Mỹ - Thiệu - Lon Non.
 
- Trong hai năm 1973 - 1974, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia một khối lượng vật chất gấp 3,8 lần giai đoạn 1969 - 1972, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam, Lào và Campuchia tiến lên giành thắng lợi quyết định vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến.
 
Như vậy, đường Hồ Chí Minh không chỉ là biểu hiện ý chí sắt đá, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt cùng chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và bạn bè quốc tế.
 
(CÒN NỮA)
 
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG - TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ QÐND VIỆT NAM