Sức mạnh từ tình đoàn kết

05:08, 15/08/2019

Sau 50 năm, khi đọc lại Bản Di chúc đã được công bố, vẫn như thấy được những lời căn dặn của Bác gắn bó thiết thân với những hoạt động hàng ngày của mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị...

Sau 50 năm, khi đọc lại Bản Di chúc đã được công bố, vẫn như thấy được những lời căn dặn của Bác gắn bó thiết thân với những hoạt động hàng ngày của mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị. Trong 6 điều Bác để lại, nội dung trước hết Bác nói về Ðảng với những lời căn dặn về tình đoàn kết. Yếu tố này đến nay vẫn còn nhiều giá trị trong xây dựng tổ chức đảng để có tinh thần đoàn kết rộng rãi và thực chất, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn.
 
Bản Di chúc viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Bản Di chúc viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
 
Là vị lãnh tụ dẫn dắt đường lối cách mạng, đã cùng cả dân tộc đi qua bao cuộc trường chinh trong lịch sử, có những lúc ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Bác đúc kết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Lời nhận xét ấy được lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc minh chứng, trong khó khăn gian khổ, tinh thần đoàn kết càng được khơi dậy để trở thành một sức mạnh to lớn “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, để từ đó có thành công của Cách mạng mùa thu Tháng Tám, để giành thắng lợi trong Điện Biên Phủ tạo nên thiên sử vàng... Theo bề dày lịch sử, đoàn kết trở thành một yếu tố là đặc trưng của dân tộc Việt Nam; Đảng ra đời, tinh thần đoàn kết ấy càng được hun đúc, được dẫn lối soi đường. Xét về góc độ nội bộ Đảng, tinh thần đoàn kết luôn đóng vai trò tối quan trọng để xây dựng sức mạnh vững chắc, để tạo uy tín với Nhân dân, để khẳng định hình ảnh với các đảng anh em và bạn bè quốc tế, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử dẫn dắt con đường giành độc lập của dân tộc. Nhằm nuôi dưỡng và phát huy truyền thống đoàn kết rất đáng trân trọng đã được dày công vun đắp ấy, Bác cho rằng: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Trong chiều dài hoạt động cách mạng, Bác nhiều lần nhấn mạnh vai trò của đoàn kết, theo Bác: “...Tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”. (Trích thư gửi Đại hội Các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plây Cu ngày 19/4/1946); “Đoàn kết là một lực lượng vô địch”; “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”; “Đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết là then chốt của thành công”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”... Và trong lời để lại sau cùng, Bác vẫn trăn trở không nguôi về đoàn kết, giữ gìn sự đoàn kết là lẽ sống còn, là ánh sáng soi đường cho tất cả các hoạt động. Đoàn kết cần được giữ gìn, vun đắp một cách toàn diện mới tạo nên sức mạnh, đó là đoàn kết nhất trí từ Trung ương đến địa phương, từ đảng bộ đến chi bộ cơ sở. Hẳn rằng trong quá trình hoạt động của mỗi tổ chức cơ sở đảng, với những vấn đề khó cần bàn thảo rộng rãi, sẽ có những yếu tố nảy sinh, những nội dung cần có sự bàn bạc, tranh luận nhưng nếu đặt lợi ích chung lên trên hết, vì sự phát triển của tổ chức thì sẽ tìm ra hướng giải quyết hợp lý hơn cả trong những phương án được đưa ra. Giữ gìn sự đoàn kết được Bác ví như giữ gìn con ngươi của mắt mình - hình ảnh mà Bác so sánh là vô cùng xác đáng bởi đoàn kết như nguồn sống giá trị không thể thay thế cần đặc biệt nâng niu, gìn giữ. 
 
Tinh thần đoàn kết hẳn nhiên phải được xây dựng và bồi đắp bằng phương pháp cách mạng cụ thể. Theo Bác: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Qua đó, có thể thấy 3 yếu tố xây dựng mối đoàn kết, thống nhất là: dân chủ, phê bình, tự phê bình. Còn nền tảng để hun đúc tình đoàn kết là tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Khi có tình thương yêu của những người cùng chung chí hướng, cùng thấu hiểu và chia sẻ, những sự va chạm không thể không xảy ra trong hoạt động thường ngày, những khác biệt nào đó về nhìn nhận, phân tích... sẽ cùng được trao đổi trên tinh thần thẳng thắn và phân tích thấu đáo, không đẩy những cách biệt lên mức căng thẳng... Có tình thương yêu là có sự đồng cảm, có sự hỗ trợ, có sự chân thành... để góp ý khi cần góp ý, giúp đỡ khi cần giúp đỡ, cùng nhau hoàn thiện mình và vươn lên.
 
Sinh thời, Bác từng cho rằng: Cách mạng là một việc khó nhưng biết cách làm, biết đồng tâm, hiệp lực mà làm thì chắc chắn làm được. Với ý nghĩa của việc đồng tâm hiệp lực vượt qua gian khó, đoàn kết tạo nên sức mạnh, đoàn kết để xây dựng Đảng, lời Bác dặn lại trong Di chúc tuy ngắn gọn nhưng là cả chiều dài thấm đẫm thực tiễn và lan tỏa ý nghĩa sâu sắc về tinh thần củng cố, xây dựng Đảng. Tinh thần đoàn kết đã được chứng minh trong lịch sử và Bác mong mỏi đoàn kết sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển trong những giai đoạn cách mạng mới. Thấm được giá trị của đoàn kết, vận dụng vào thực tiễn để xây dựng khối đoàn kết trong tổ chức là cả quá trình đòi hỏi sự thấu đáo, sâu sắc và rộng mở. Trong tình hình mới, làm sao để hài hòa những mong muốn của cá nhân với lợi ích, tiêu chí chung của tập thể; làm sao để đoàn kết nhưng không xuôi chiều; làm sao để bảo vệ những ý tưởng mới của cá nhân nhưng không lệch truyền thống mà tổ chức đã xây dựng?... Những câu hỏi ấy đặt ra yêu cầu mỗi đảng viên không chỉ cần được đào tạo, bồi dưỡng để thấm nhuần những vấn đề lý luận mà còn cần trang bị, cập nhật không ngừng những nguồn kiến thức mới, kỹ năng mới để vận dụng vào từng tình huống thực tế tại cơ sở. Trong dòng chảy phát triển đó, cần thiết lắng lại với những nguồn sức mạnh mà các thế hệ cách mạng đi trước đã bồi đắp, đó là lý tưởng cách mạng vững vàng, đó là tình thương yêu đồng chí đồng nghiệp, đó là sự hy sinh lợi ích bản thân vì những lợi ích tập thể, cộng đồng lớn hơn. Và rất cần những khoảng thời gian nhìn lại mình, phê và tự phê để hài hòa các mối quan hệ trong tập thể, để phát triển tư duy và có những đóng góp thiết thực cho tổ chức, cho công tác xây dựng Đảng.
 
HẢI YẾN