Lê Bá Đảng "mặc áo cho cây"

06:10, 17/10/2019

Huế những ngày giữa thu, mưa thi thoảng lất phất dịu dàng. Từ trung tâm thành phố tới thôn Kim Sơn, Thúy Bằng, thị xã Hương Thủy chừng 8 km, xe xuyên qua những đồi thông, rừng tràm, lũy tre, làng xóm chìm trong màu xanh vườn tược, tôi ngỡ đang ngắm cảnh trung du hữu tình Tam Đảo, Sóc Sơn...

Huế những ngày giữa thu, mưa thi thoảng lất phất dịu dàng. Từ trung tâm thành phố tới thôn Kim Sơn, Thúy Bằng, thị xã Hương Thủy chừng 8 km, xe xuyên qua những đồi thông, rừng tràm, lũy tre, làng xóm chìm trong màu xanh vườn tược, tôi ngỡ đang ngắm cảnh trung du hữu tình Tam Đảo, Sóc Sơn... Điều thú vị hơn nữa là khi dạo trong Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng (Le Ba Dang memory space), ta bắt gặp những cụm ngũ sắc rực rỡ, cành mimosa lá bạc hoa vàng vờn trong gió nhẹ, cảm tưởng lạc bước khung cảnh bình yên và thơ mộng của một vùng quê nước Pháp. Nơi đây đồi núi nhấp nhô, suối trong róc rách, chim ríu rít ngọt lành; rừng cây, hoa cỏ xanh thắm bốn mùa... và bước chân, tiếng nói của du khách cũng thật nhẹ nhàng, ý nhị. 
 
Một góc Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng. Ảnh: N.Thanh
Một góc Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng. Ảnh: N.Thanh
 
Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng nằm trên khoảng đồi rộng chừng 20.000 m2. “Không gian lưu niệm là một tác phẩm không gian của họa sĩ được thể hiện bằng chiều kích thật. Nhà lưu niệm cũng là một tác phẩm của ông với hình ảnh người phụ nữ đội nón được thiết kế trung thành với bản gốc tác phẩm. Trong không gian này, tất cả đều là tác phẩm nghệ thuật, kể cả cây cối” - Với giọng nói thanh mảnh, diễn cảm, nữ hướng dẫn viên cho biết thêm: “Từ rất lâu, Lê Bá Đảng đã từng mơ về tác phẩm Không gian với chiều kích thật. Và ngày 21/4/2019 giấc mơ đó đã thành hiện thực. Năm 1985, Lê Bá Đảng thực hiện những Không gian đầu tiên của mình. Đó là những tác phẩm trên giấy kết hợp nhiều kỹ thuật dán ghép và xếp chồng, giữa điêu khắc và phù điêu như một sự tổng hợp và vượt lên trên hai hình thức biểu đạt này. Lê Bá Đảng xé bằng tay và dán nhiều lớp chồng liên tiếp lên nhau. Ông cắt và ghép các khối để rồi chúng tạo thành ao hồ núi non, sa mạc sông ngòi, những vùng đất hoang sơ và mới mẻ. Những phong cảnh nhìn từ trời cao. Lúc bấy giờ, họa sĩ quan tâm đến các bức phong cảnh Nazca nhìn từ trên không của nhiếp ảnh gia người Mỹ Marilyn Bridges. Ông nhận thấy ở đó một mối liên tưởng giữa Con người và Vũ trụ. Nhiều bản phác thảo, bài viết và dự án cho thấy ông quan tâm đến việc hiện thực hóa những tác phẩm Không gian với chiều kích thật. Những Không gian với tầm vóc của nhân loại. Những nơi chốn để dạo chơi, mộng mơ và thiền định”... 
 
Lê Bá Đảng sinh ngày 27/6/1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Năm 1939, chàng trai 18 tuổi bị đưa sang Pháp trong đoàn lính thợ của quân đội Pháp tham gia chống phát xít Đức. Hai năm sau, trốn ra ngoài, không nơi nương tựa, ông vừa đi làm, vừa đi học. Con đường đến với hội họa của Lê Bá Đảng là sự bất đắc dĩ vì “Tôi xin vào trường nào cũng bị từ chối, bởi không có văn bằng. Chỉ có trường mỹ thuật là nhận tôi học vẽ”. Sau 6 năm học Trường Mỹ thuật Toulouse, tốt nghiệp, họa sĩ tìm tới Paris - kinh đô nghệ thuật nhân loại trong hoàn cảnh “Tôi quanh quẩn giữa Paris như người đầu đường xó chợ vì thiếu thốn tất cả”. 
 
Lê Bá Đảng đã trải qua nhiều gian khó để trở thành họa sĩ tài năng đương thời của hội họa thế giới, nổi danh khắp châu Âu. Tranh có phong cách riêng được yêu thích và bán ở khắp các phòng tranh danh tiếng trên thế giới. Ở Mỹ những năm 1990, tranh họa sĩ có tại 33 phòng tranh. Tuy sống và làm việc ở Pháp, nhưng tâm hồn Lê Bá Đảng luôn hướng về nguồn cội. Ông đã cùng các họa sĩ danh tiếng như Picasso, Matta... kêu gọi văn nghệ sĩ, trí thức thế giới tham gia vào “Ngày vì tri thức Việt Nam” để ủng hộ hòa bình và chống chiến tranh ở Việt Nam. Năm 1989 ông được Mỹ trao tặng giải thưởng “Nghệ sĩ có tài năng và tư tưởng nhân đạo”, năm 1992 Anh bầu chọn là người nổi tiếng toàn cầu, người Pháp tặng Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp vào năm 1994. Tại Việt Nam, họa sĩ được nhận Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 
 
Trên hành trình nghệ thuật, Lê Bá Đảng không chịu bắt chước ai, không phụ thuộc Đông, không ảnh hưởng Tây. Ông tạo ra một khái niệm trong hội họa, gọi tên “Không gian Lê Bá Đảng” (Le Ba Dang Espace). Bút tích họa sĩ tại Không gian lưu niệm cho biết: “Từ thưở sơ khai, con người đã biết sống hài hòa cùng tạo hóa thiên nhiên và đã thấy cần thiết để lại cái gì mang dấu ấn đi qua. Nghệ thuật là con đường ngắn nhất nối liền người này qua người khác, qua cả không gian và thời gian. Đây là ý chính trong “Không gian của tôi”. Vừa là tượng, vừa là tranh, cũng vừa là chạm nổi, mật thiết, chen chúc cùng nhau gây nên bầu không khí hài hòa trong khung cảnh ở đây để gặp nhau đầy tình cảm”. 
 
Với mong muốn góp phần đóng góp cho nền hội họa nước nhà, năm 1992, Lê Bá Đảng về quê mở triển lãm trưng bày hơn hai mươi bức tranh đồ họa trong không gian làng Bích La Đông. Tranh trưng bày trong quanh cảnh đình miếu làng quê, tranh trải trên thảm cỏ, treo trên thân cây, dựng quanh ao làng... Được sự hỗ trợ của tỉnh Thừa Thiên - Huế, năm 2006, họa sĩ xây dựng bên bờ sông Hương thơ mộng Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng (15 Lê Lợi, thành phố Huế). 
 
Khởi nguồn ra đời Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng ở thị xã Hương Thủy là nguyên do: Sinh thời, họa sĩ mong muốn có một bức tranh không gian với chiều kích thật. Ông từng về Huế tìm mảnh đất thích hợp nhưng vì vấn đề về sức khỏe không thể về Việt Nam và ngày 7/3/2015, ông qua đời tại Paris. Năm 2014, bà Lê Cẩm Tế - chủ đầu tư dự án nghệ thuật “Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng”, từ hơn 20 năm trước cùng với họa sĩ đi tìm nơi để thực hiện giấc mơ của ông, một dịp tình cờ nhìn thấy mảnh đất nay là Không gian lưu niệm. Trước khung cảnh hữu tình, tưởng như đang xem bức tranh “Không gian” của Lê Bá Đảng nên bà Tế mua làm một khu vườn. Đến năm 2016, bà Myshu LeBaDang, phu nhân họa sĩ, trong dịp về dự kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, đến thăm nơi này, bà muốn biến nó trở thành bức tranh chiều kích thật của chồng như mơ ước của ông. Suốt 4 năm, đội ngũ xây dựng công trình làm việc cật lực bằng sự hứng thú, trân quý dành cho họa sĩ. KTS. Hồ Viết Vinh, người thiết kế công trình đã xem, nghiền ngẫm tác phẩm của Lê Bá Đảng và nhìn thấy trong đó tinh thần, tinh hoa của người Việt. Theo KTS Hồ Viết Vinh tâm sự với báo giới: “Sáng tạo của họa sĩ Lê Bá Đảng về mặt không gian rất độc đáo, ở đó ông thỏa nguyện giấc mơ của mình và lột tả tất cả cái đẹp của quê hương, đất nước Việt Nam. Khi thiết kế công trình này, tôi dựa hoàn toàn vào cảm xúc với khung cảnh hoang sơ của mảnh đất ấy và tác phẩm của Lê Bá Đảng chứ không dùng tư duy thiết kế thông thường, kể cả việc tổ chức không gian, sắp đặt công năng”.
 
Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng được thiết kế tinh tế, sang trọng, hòa với thiên nhiên và giàu tính nghệ thuật. Tòa nhà chính xây dựng trên độ cao 10 m và được thiết kế dựa trên một tác phẩm cắt giấy của họa sĩ. Điểm nhấn là không gian trưng bày 50 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa, với đủ loại chất liệu, phương pháp tạo hình… thể hiện các bước ngoặt của những giai đoạn sáng tác. Sân thượng là nơi tưởng nhớ, ngắm cảnh, thưởng lãm trọn vẹn bức tranh ước lệ của họa sĩ được hình thành từ sự kết hợp giữa thiên nhiên vốn có và sắp đặt của con người. Một đường hầm dài 50 m dưới sườn đồi là nơi trưng bày nghệ thuật và những tư liệu, tranh ảnh về gia đình họa sĩ. Sắp tới, phần trưng bày sẽ bổ sung thêm tư liệu về cuộc đời, những tác phẩm đang được phu nhân cố họa sĩ lưu giữ ở Pháp, hoặc các nhà sưu tập trên thế giới trao tặng. Ngoài ra nơi đây còn có không gian biểu diễn, lễ tân, nơi nghỉ chân cho khách tham quan... Theo bà Lê Cẩm Tế: “Không gian lưu niệm này là một tác phẩm không gian của họa sĩ Lê Bá Đảng được thể hiện bằng chiều kích thật. Trong không gian này, tất cả đều là tác phẩm nghệ thuật, kể cả cây cối”. Được biết, khi công trình chưa hình thành, khu vườn đẹp với hoa nở bốn mùa được bà Lê Cẩm Tế cất công sưu tầm thêm những loại cây, màu hoa vợ chồng họa sĩ Lê Bá Đảng yêu thích, đa phần là những loài hoa màu tím và hoa giấy. Đây là những loài hoa họa sĩ rất trân quý bởi quan niệm càng nắng, càng cằn khô thì hoa càng đẹp. 
 
Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng được thiết kế tinh tế, sang trọng nhưng hòa với thiên nhiên và đầy ắp tính nghệ thuật. Điểm nhấn là không gian trưng bày 50 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa, với đủ loại chất liệu, phương pháp tạo hình... thể hiện các bước ngoặt cho những giai đoạn sáng tác của Lê Bá Đảng. Sân thượng ngôi nhà là nơi tưởng nhớ, ngắm cảnh, từ đây nhìn xuống sẽ thấy trọn vẹn bức tranh ước lệ của họa sĩ được hình thành từ sự kết hợp giữa thiên nhiên sẵn bày và sắp đặt của con người. Một đường hầm dài 50 m dưới sườn đồi là nơi trưng bày nghệ thuật và những tư liệu, tranh ảnh về gia đình. Nơi đây còn có không gian biểu diễn, lễ tân, nơi nghỉ chân cho khách tham quan… Trong không gian kề bên được cất lên MẤT (MẤY) ngôi nhà theo phong cách Tây Nguyên khiến cảnh sắc càng thêm hài hòa. 
 
Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng - nơi hội tụ của văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa trong nước và thế giới; đồng thời là điểm tham quan, trải nghiệm thú vị và bổ ích dành cho tất cả mọi người. Đến đây, ta có hiểu sâu hơn về một danh họa tài năng với quan niệm sáng tạo độc đáo, hòa quyện với thiên nhiên của họa sĩ bậc thầy hai thế giới Đông - Tây. Đến đây, ta có dịp lắng mình để nghe lời tâm tình của vạn vật như họa sĩ Lê Bá Đảng lưu bút về tác phẩm “Mặc áo cho cây” ngay sau lối cổng vào: Mấy hôm nay mơ thấy nhiều tác phẩm của tôi nhí nhõm như lưới nhện trên cây, chúng chơi với gió, bỡn cợt với mưa, hài hòa với phong cảnh. Đột nhiên tôi lưỡng lự không rõ có phải tôi là tác giả hay mấy chú nhện giăng tranh bỡn cợt ra tay, đùa với mưa, chơi với gió.
 
Có người bảo: Lê Bá Đảng “mặc áo cho cây”.
 
Huế, 9/2019
 
NGUYỄN THANH