Từ tư tưởng của Lênin đến quan điểm ''Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội'' của Chủ tịch Hồ Chí Minh

06:04, 20/04/2020

Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và đi lên chủ nghĩa xã hội là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và đi lên chủ nghĩa xã hội là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để có được điều đó, Người đã nghiên cứu các cuộc cách mạng trên thế giới từ cách mạng tư sản của Mỹ, của Pháp… đến cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và kết hợp với lịch sử văn hóa của dân tộc. Sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa đất nước ta theo con đường “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” cũng chính là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử dân tộc Việt Nam.
 
V.I.Lênin (1870 - 1924). Ảnh: Tư liệu
V.I.Lênin (1870 - 1924). Ảnh: Tư liệu
 
Tư tưởng của Lênin về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
 
Lênin, một trong những người thầy vĩ đại của phong trào cách mạng vô sản trên toàn thế giới đã để lại cho những người cộng sản lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Trong tác phẩm “Những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, Lênin đã lên án chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc đã bóc lột thậm tệ các nước thuộc địa; đồng thời, ủng hộ các nước bị xâm lược quyền được tự do, độc lập. Người khẳng định rằng: phải phân biệt thật rõ những dân tộc bị áp bức, phụ thuộc, không được hưởng quyền bình đẳng, với những dân tộc đi áp bức, bóc lột, được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi. Lãnh tụ của cuộc Cách mạng Tháng Mười cũng đề cao quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc không phân biệt màu da. Lênin yêu cầu các đảng cộng sản “tố cáo những việc vi phạm thường xuyên nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc và những sự đảm bảo quyền lợi của các dân tộc thiểu số trong tất cả các quốc gia tư bản chủ nghĩa”. Tương tự như vậy, trong tác phẩm “Về quyền dân tộc tự quyết”, Lênin chỉ rõ: Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng, được quyền tự quyết vận mệnh của dân tộc mình và quyền lựa chọn con đường phát triển của dân tộc, lựa chọn chế độ chính trị…; đồng thời, phải thủ tiêu tình trạng giai cấp này áp bức, bóc lột giai cấp khác để trên cơ sở đó xóa bỏ tình trạng dân tộc này nô dịch dân tộc khác. 
 
Trong các bài viết của mình, Lênin đã nhiều lần khẳng định rằng, phải đem cuộc đấu tranh cách mạng vì chủ nghĩa xã hội gắn liền với một cương lĩnh cách mạng về vấn đề dân tộc. Rằng phong trào giải phóng dân tộc sẽ chuyển thành phong trào thủ tiêu chủ nghĩa đế quốc và tiến lên con đường chủ nghĩa xã hội. Từ đó, Lênin yêu cầu các đảng cộng sản phải kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc tư sản và chủ nghĩa sô-vanh, giành thắng lợi cho chủ nghĩa quốc tế vô sản và chủ nghĩa xã hội.
 
Tư tưởng của Lênin ảnh hưởng đến Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, ngoài việc nghiên cứu các cuộc cách mạng trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhiều đến Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Người khẳng định: Trên thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công và thành công đến nơi đến chốn vì dân chúng được hưởng tự do và độc lập. 
 
Đến khi bản Yêu sách đòi các quyền tự do, dân chủ tối thiểu cho Nhân dân An Nam được Hồ Chí Minh thay mặt những người yêu nước Việt Nam gửi tới Hội nghị hòa bình Vécxây (1919) không được các nước đế quốc chấp nhận. Sau việc này, Nguyễn Ái Quốc càng nhận ra bộ mặt thật của giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản. Người thấy rằng, nó không như những gì giai cấp tư sản thường rao giảng là “Tự do - bình đẳng - bác ái” cho mọi người và cho các dân tộc. Điều này đối lập hoàn toàn với tư tưởng của Lênin. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra bài học “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào bản thân mình”. Đồng thời “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. 
 
Quyết tâm giành độc lập cho dân tộc
 
Từ một người yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu bản chất học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội khoa học trên cơ sở quan điểm duy vật lịch sử. Người đã thấy trong học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin con đường chân chính để giải phóng dân tộc. Năm 1920, sau khi đọc tác phẩm “Những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, Người rút ra chân lý: Muốn cho nước nhà được độc lập phải đi theo con đường cách mạng vô sản và chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới. Hay, “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Kể từ đây, người hoàn toàn tin theo Lênin và tin theo quốc tế thứ ba.
 
Với tư tưởng biện chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định giữa cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Giai đoạn trước làm tiền đề cho giai đoạn sau. Giai đoạn sau kế tiếp và củng cố, phát triển giai đoạn trước. Tư tưởng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội trở thành cốt lõi, xuyên suốt trong quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh.
 
Thấm nhuần tư tưởng đó, năm 1930 trong văn kiện thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, bản Chánh cương vắn tắt do Người soạn thảo ghi rõ con đường của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Con đường cách mạng này trải qua hai giai đoạn là cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người xác định: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”.
 
Việc lựa chọn con đường cách mạng vô sản cho Việt Nam còn xuất phát từ thực tế của đất nước thời kỳ đó khi các phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, hệ tư tưởng tư sản đều không thành công. Đến như nhà yêu nước Phan Bội Châu, người theo con đường nhờ nước Nhật đánh Pháp để cứu lấy Tổ quốc đang bị người Pháp đô hộ phải thốt lên rằng: “Than ôi! Đời tôi một trăm lần thất bại mà không một lần thành công!”. Chỉ đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi theo con đường cách mạng vô sản, Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917 thì nước ta mới giành được độc lập, dân ta mới có tự do, ấm no và hạnh phúc.
 
Khi thời cơ giành độc lập cho Tổ quốc đã đến, vào khoảng tháng 7 năm 1945, dù đang ốm nặng, Bác vẫn nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp rằng: “… dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Trong Bản Tuyên ngôn độc lập được Bác thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố trước quốc dân đồng bào năm 1945, cũng là lúc Người dự liệu được tình hình đất nước sẽ khó khăn trong việc giữ gìn độc lập của Tổ quốc trước dã tâm tái xâm lược của đế quốc Pháp cũng như của chủ nghĩa đế quốc. Người đã tuyên bố với thế giới rằng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
 
Trong Lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc (11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt dân tộc Việt Nam thể hiện quyết tâm khi khẳng định rằng: “Nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”. Đến tháng 12 năm 1946, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã gửi đi thông điệp cho đế quốc Pháp sẽ cùng toàn thể dân tộc Việt Nam bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước bằng ý chí sắt đá: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Nối tiếp mạch tư duy về nền độc lập cho dân tộc, ngày 17 tháng 7 năm 1966, chân lý đó tiếp tục được Người khẳng định khi tuyên bố trong Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
 
Độc lập dân tộc là giá trị thiêng liêng, bất khả xâm phạm đối với bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào trên thế giới cũng như của dân tộc Việt Nam. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã giành cả cuộc đời để phấn đấu cho chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. 
 
Đưa Việt Nam đi lên CNXH sau khi giành được độc lập cho dân tộc
 
Chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của V.I.Lênin về quyền tự quyết của các dân tộc và ủng hộ các nước đi lên CNXH, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ: con đường cách mạng của Việt Nam là tiến tới chủ nghĩa xã hội, quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
 
Vì sao Người lại chọn đi lên CNXH chứ không phải đi lên CNTB mặc dù Người đã sống ở các nước TBCN phát triển như Anh, Pháp, Mỹ… trong suốt phần lớn thời gian 30 năm đi tìm đường cứu nước? Điều này đã được Người khẳng định rằng, đấu tranh giành độc lập để gắn với con đường phát triển tư bản chủ nghĩa hoàn toàn không phải là con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. 
 
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mặc dù đất nước ta tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp nhưng toàn Đảng, toàn dân ta vẫn khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là hợp quy luật, hợp lòng dân của cách mạng Việt Nam. Chính Hồ Chí Minh từng khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của các dân tộc không ai ngăn nổi. 
 
Sở dĩ Người chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội sau khi nước ta giành được độc lập như Người từng lý giải rằng: chủ nghĩa xã hội sẽ giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản; khỏi áp bức, bóc lột, bất công, nghèo đói, lầm than và trả lại cho họ tính người vốn có, đầy đủ trong quá trình phát triển. Chính chủ nghĩa xã hội là niềm tin, là ước mơ, là lý tưởng cao đẹp của tất cả những người lao động đang bị giai cấp tư sản áp bức, bóc lột trên toàn thế giới. Ở đó, con người sống với nhau thân ái, hòa bình, bình đẳng, cùng tiến bộ và được tôn trọng. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có điều kiện để con người thể hiện “sự phát triển tự do của mỗi con người là điều kiện tự do cho tất cả mọi người”.
 
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội không phải là sự áp đặt khiên cưỡng mà có cội nguồn trong chiều sâu văn hóa dân tộc. Bởi vì ở Việt Nam đã từng tồn thuyết xã hội đại đồng của Nho giáo quan niệm “Thiên hạ vi công” (thiên hạ là của chung). Về quan hệ sở hữu, ở đất nước chúng ta đã tồn tại hàng nghìn năm chế độ công điền, công thổ, chế độ tỉnh điền; nguyên tắc vần công, đổi công trong lao động nông nghiệp... Đây là những cơ sở chính trị và kinh tế quan trọng để Nguyễn Ái Quốc đưa ra tư tưởng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Người tin rằng điều đó sẽ thành công. Và thực tế ở Việt Nam đã chứng minh quan điểm đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Như vậy, trên cơ sở các nhân tố khách quan và chủ quan, kinh tế và chính trị, lịch sử và hiện tại để Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng của Người còn là sự thỏa mãn khát vọng của dân tộc Việt Nam trong việc vươn lên những giá trị vĩnh hằng mà nhân loại ước muốn như độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc! Cho đến nay, dù tình hình đất nước và quốc tế có những đổi thay nhanh chóng, nhưng chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vẫn giữ nguyên giá trị. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của Người là nền tảng, là kim chỉ nam tiếp tục soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam đi đến bến bờ vinh quang. Toàn Đảng, toàn dân, ta đang nỗ lực cố gắng quyết tâm thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
 
PHẠM KIM QUANG