Những kỷ vật đi cùng năm tháng hào hùng của dân tộc

06:04, 09/04/2020

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm qua, nhưng khi tới Bảo tàng Lâm Đồng, nhiều khách tham quan không khỏi xúc động trước không gian trưng bày về bộ sưu tập hiện vật thể hiện tình cảm, niềm tin của Nhân dân Lâm Đồng đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ nhưng rất anh dũng của dân tộc Việt Nam.

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm qua, nhưng khi tới Bảo tàng Lâm Đồng, nhiều khách tham quan không khỏi xúc động trước không gian trưng bày về bộ sưu tập hiện vật thể hiện tình cảm, niềm tin của Nhân dân Lâm Đồng đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ nhưng rất anh dũng của dân tộc Việt Nam.
 
Ảnh Bác Hồ trên báo Life và thư chúc tết được cơ sở cách mạng tại Đà Lạt bí mật cất giấu để tỏ lòng kính yêu và giữ vững niềm tin. Ảnh tư liệu
Ảnh Bác Hồ trên báo Life và thư chúc tết được cơ sở cách mạng tại Đà Lạt bí mật cất giấu để tỏ lòng kính yêu và giữ vững niềm tin. Ảnh tư liệu
 
Như đã biết, sau khi ngang nhiên phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, thay chân thực dân Pháp xâm lược nước ta. Thời kỳ này cách mạng ở miền Nam nói chung và ở Lâm Đồng vô cùng khó khăn, ác liệt bởi chính quyền Mỹ - Diệm tăng cường đàn áp hòng dập tắt các phong trào đấu tranh yêu nước của Nhân dân miền Nam. Chúng đã thực hiện chính sách vô cùng tàn bạo như “tố cộng, diệt cộng”, lùng bắt các cán bộ và cơ sở cách mạng của ta, ban hành “Luật 10/59” lê máy chém đi khắp miền Nam với khẩu hiệu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”.
 
Tại Lâm Đồng, chúng thực hiện chủ trương “ Thượng du vận”, “lấy dân tộc trị dân tộc” với mục đích “đánh mạnh, nhổ sạch” cơ sở cách mạng, hòng loại bỏ ảnh hưởng của Đảng, của cách mạng trong lòng đồng bào ta. Chúng dựng lên các ấp chiến lược, xây dựng “Khu trù mật” cùng với cái gọi là chính sách “tiến bộ, bình đẳng” để lừa mị đồng bào, chia rẽ Kinh - Thượng. Đồng thời ép lùa dân vào sống tập trung để dễ bề kiểm soát và chia cắt lực lượng ta ở bên ngoài và Nhân dân bên trong. Chúng huấn luyện và trang bị cho quân đội Mỹ, đội quân ngụy quân, ngụy quyền nhiều vũ khí tối tân hiên đại và nhiều vật dụng như: mặt nạ chống hơi độc, dùi cui, khiên mây,.. để đàn áp các cuộc biểu tình và các cán bộ, chiến sĩ cách mạng.
 
 Đứng trước sự kiểm soát và khủng bố gắt gao của địch, quân dân Lâm Đồng không hề nao núng, vẫn một lòng hướng về Đảng, Bác Hồ kính yêu đứng lên đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, bất chấp đòn roi, tra tấn dã man của địch quyết không khai báo, tiếp tục chở che bảo vệ cơ sở Đảng, bảo vệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Bí mật cất giấu ảnh Bác, cờ Đảng, tài liệu tuyên truyền cách mạng.
 
Điển hình là tấm ảnh chân dung Bác Hồ trong bộ quần áo kaki giản dị, Bác đang phát biểu với phong thái tự tin đầy hào khí. Tấm ảnh đựơc cắt ra từ báo Life (một tờ báo của Mỹ lúc bấy giờ) và lá cờ Đảng nhỏ chỉ bằng cuốn sổ tay công tác của bác Trương Ngọc Châu - một cơ sở cách mạng tại Đà Lạt cất giữ, để giữ vững lòng tin cho mình và những cơ sở cách mạng. Đây cũng là lá cờ và tấm ảnh Bác được Chi bộ An Hòa (Đà Lạt) dùng treo trong các buổi họp và kết nạp đảng viên mới. 
 
Ở đây còn có những bộ tem thư in hình Bác của Chính phủ Cách mạng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành, thư chúc tết của Bác Hồ được đồng bào và các cán bộ cách mạng hoạt động trong lòng thị xã Đà Lạt, Lâm Đồng bí mật nâng niu, cất giữ chuyền tay nhau để động viên tinh thần trong những lúc gian nan nhất. Tập thơ “Theo chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu được đánh máy roneo trên tập giấy đã ố vàng mà đồng chí Lê Văn Phận - Bí thư Thành ủy Đà Lạt luôn mang theo bên mình để làm tài liệu tuyên truyền giác ngộ quần chúng đi theo cách mạng trong những năm hoạt động tại Đà Lạt. 
 
Để ghi nhớ lời Bác, đồng chí Huỳnh Chín, một chiến sĩ cách mạng hoạt động trên chiến trường Lâm Đồng đã khắc lời Bác lên báng súng của mình: “hễ còn một tên xâm lược thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi” để thể hiện quyết tâm đánh Mỹ đến cùng của mình và đồng đội.
 
 Khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước, gia đình sum họp của đồng bào, chiến sĩ ta còn được thể hiện ở bức thêu “Việt Nam trong vòng hoa chiến thắng”, với hình tượng bản đồ Việt Nam nằm giữa một vòng hoa tươi thắm, xung quanh là 4 con chim bồ câu trắng đang tung cánh. Bức thêu này đã được đồng chí Huỳnh Chín thêu khi đồng chí bị địch bắt giam ở nhà lao Đà Lạt. 
 
Tiếp đến là những tập biên lai quỹ đảm phụ ghi nhận sự đóng góp ủng hộ cách mạng, Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam của chị em tiểu thương Đà Lạt, Lâm Đồng; thùng phuy, chóe cất giấu lương thực, thực phẩm , dụng cụ y tế, thuốc men, bếp dầu do Nhân dân Lâm Đồng và học sinh, sinh viên Đại học Đà Lạt dùng để gom góp chuyển vào căn cứ cho các chiến sỹ cách mạng.
 
Ở đây còn lưu giữ và trưng bày một số nắp hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng tại nhà của các cơ sở cách mạng trong nội thành Đà Lạt và một số địa phương ở Lâm Đồng, cùng nhiều vật dụng như gùi, cối chày giã gạo tiếp tế cho cách mạng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng. 
 
Có thể nói trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ đầy hi sinh, gian khổ nhưng rất anh dũng của cả dân tộc Việt Nam, Nhân dân Đà Lạt, Lâm Đồng đã rất kiên trung, một lòng hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu, sát cánh cùng với đồng bào cả nước đánh đuổi ngoại xâm thống nhất đất nước. Ngày nay tinh thần ấy, niềm tin ấy vẫn tiếp tục được thắp sáng trong thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ