Sử dụng Chủ nghĩa Tư bản Nhà nước - mẫu mực về sự sáng tạo trong thực tiễn hoạt động cách mạng của Lênin

05:04, 21/04/2020

(LĐ online) - Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2020), lãnh tụ của phong trào cộng sản...

(LĐ online) - Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2020), lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân thế giới, lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng tháng Mười Nga và nước Nga Xô viết, là dịp để mỗi chúng ta tiếp tục học tập tinh thần, sức sáng tạo tuyệt vời của Lênin trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng.
 
V.I.Lenin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Ảnh: Tư liệu
V.I.Lenin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Ảnh: Tư liệu
 
Lý luận về chủ nghĩa tư bản nhà nước và việc áp dụng nó trong thực tế là vấn đề rất phức tạp. Lênin là người đầu tiên đã có công lao to lớn trong việc nghiên cứu và đề xuất ý tưởng sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước Nga Xô viết. Chủ nghĩa tư bản nhà nước theo tư tưởng của Lênin là một bộ phận quan trọng nằm trong tổng thể chính sách chung, đó là chính sách kinh tế mới (NEP). Điều đó thể hiện rõ tư duy đúng đắn, rất sáng tạo, táo bạo và mang tính đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Lênin. Có thể khẳng định rằng, đây là mẫu mực về sự sáng tạo trong thực tiễn hoạt động cách mạng, là bài học vô cùng quý giá đối với các đảng cộng sản trên thế giới. Đối với nước ta, việc nghiên cứu, tìm hiểu lý luận của Lênin về chủ nghĩa tư bản nhà nước và vận dụng đúng đắn, khoa học vào điều kiện thực tế ở Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay là vô cùng quan trọng và cấp thiết.
 
Nước Nga Xô viết cực kỳ khó khăn sau thắng lợi của cách mạng Tháng Mười năm 1917. Nhiều nước đế quốc cấu kết với bọn phản động trong nước bao vây, chống phá hòng tiêu diệt chính quyền công nông non trẻ đầu tiên trên thế giới. Sản xuất ngưng trệ, mùa màng thất bát, đời sống nhân dân rất điêu đứng. Giai cấp công nhân suy yếu, một bộ phận bị mất gốc giai cấp. Nông dân bất bình với chế độ trưng thu lương thực thừa, thậm chí cả một phần lương thực cần thiết cho sự sinh sống của họ (đặc trưng của “Chính sách cộng sản thời chiến”), mà chính quyền Xô viết vẫn còn duy trì sau khi đất nước được hòa bình. Nước Nga lúc bấy giờ lạc hậu nhất ở châu Âu. Lênin đã phân tích sâu sắc thực trạng của nước Nga và đã tỉnh táo đề xuất NEP thay cho "Chính sách cộng sản thời chiến". Tháng 3 năm 1921, tại Đại hội X Đảng Cộng sản Nga, NEP đã chính thức được thông qua và triển khai trên thực tế. Linh hồn của NEP chính là phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước.
 
Theo Lênin, cần phải hiểu sâu sắc chủ nghĩa tư bản nhà nước là gì? Vai trò của nó như thế nào? Nó có đáng sợ đối với chế độ mới hay không? Những hình thức của nó ra sao? Chủ nghĩa tư bản nhà nước là sự kết hợp, liên hợp, hợp tác giữa nhà nước Xô viết, nền chuyên chính vô sản với tư bản trong và ngoài nước. Theo Lênin, để quá độ lên CNXH ở một nước tiểu nông lạc hậu như nước Nga, thì phải trải qua "nhiều mắt xích trung gian", phải qua "những chiếc cầu nhỏ vững chắc", phải đi "xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước, tiến lên CNXH". Một điều hiển nhiên là, sẽ không có chủ nghĩa tư bản nhà nước, nếu không có những điều kiện cho họ tồn tại. Điều kiện ấy, theo Lênin, chính là những "cống vật". Thực tế lúc bấy giờ, trên thế giới chỉ có một chính quyền Xô viết, còn xung quanh là cả một trật tự thế giới tư bản chủ nghĩa. Để chính quyền Xô viết non trẻ tồn tại và phát triển được, thì một sự "cống nộp" là biện pháp khôn khéo và có thể chấp nhận được. Lênin cho rằng: "Cần phải có một vài hy sinh, là thả cho tư bản hàng chục triệu pút sản phẩm vô cùng quý báu"[l]. Vấn đề không cần che giấu là chấp nhận sự trả giá cho nhà tư bản, nhưng đối với nhà nước vô sản thì sự dung nạp, du nhập chủ nghĩa tư bản sẽ mang lại những lợi ích cơ bản và lâu dài. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản do nhà nước vô sản kiểm soát và điều tiết có thể đẩy nhanh tức khắc sự phát triển của nền nông nghiệp. Nhờ việc tăng nhanh lực lượng sản xuất trong nông nghiệp mà xã hội ổn định, thoát ra khỏi khủng hoảng, đồng thời, khôi phục sự tín nhiệm của nông dân đối với chính quyền Xô viết, khắc phục tình trạng trộm cắp của công nặng nề và nạn đầu cơ nhỏ lan tràn. Đối với công nghiệp cũng vậy, bằng sự "du nhập" tư bản từ bên ngoài mà lực lượng sản xuất tăng lên nhanh chóng. Nước Nga lúc bấy giờ có nhiều hầm mỏ, xí nghiệp, tài nguyên rừng, nhưng do thiếu máy móc, lương thực thực phẩm, phương tiện vận tải, cùng với cách thức tổ chức, điều hành và quản lý sản xuất kém hiệu quả, nên không thể khai thác được. Nếu sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước, thì có thể khôi phục được sản xuất, khôi phục được nền đại công nghiệp, cải thiện đời sống của công nhân. Đó là những cái lợi cơ bản, cấp thiết nhất khi sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước lúc mới giành được chính quyền cách mạng. Chủ nghĩa tư bản nhà nước là một bước tiến lớn, nhờ nó mà chiến thắng được tình trạng hỗn độn, lỏng lẻo, suy sụp về kinh tế. Lênin khẳng định: "Chủ nghĩa tư bản nhà nước vẫn là một bước tiến lớn..., dù cho chúng ta phải trả một khoản lớn hơn hiện nay, vì trả "học phí" là một việc làm đáng giá, vì cái đó có lợi cho công nhân, vì việc chiến thắng được tình trạng hỗn độn, suy sụp về kinh tế và hiện tượng lỏng lẻo là cái quan trọng hơn hết, vì việc để tình trạng vô chính phủ của những kẻ tiểu tư hữu tiếp tục tồn tại là một mối nguy hại lớn nhất, đáng sợ nhất, nó sẽ làm cho chúng ta bị diệt vong (nếu chúng ta không chiến thắng nó) một cách dứt khoát"[2]. Trong tác phẩm "Bàn về thuế lương thực", Lênin đã đề cập tới bốn hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước, đó là: tô nhượng; các hợp tác xã; đại lý ủy thác; cho tư bản trong nước thuê xí nghiệp, hầm mỏ, rừng, đất đai. Đối với hình thức tô nhượng, Lênin chỉ rõ: "Chính quyền Xô viết mời các nhà tư bản nước ngoài nào muốn có các tô nhượng ở nước Nga. Tô nhượng là gì? Là hợp đồng giữa nhà nước và một nhà tư bản, người này cam kết tổ chức hoặc hoàn thiện sản xuất (chẳng hạn như đẵn và chở gỗ, khai thác than, dầu lửa, khoáng sản v.v..), trả cho nhà nước một phần sản phẩm sản xuất ra, và nhận một phần khác dưới danh nghĩa là lãi"[3]. Hình thức thứ hai của chủ nghĩa tư bản nhà nước là hợp tác xã. Lúc đầu, Lênin quan niệm hợp tác xã đều là hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước, về sau này, từ thực tiễn nước Nga, Lênin đã phân biệt tổ chức kinh tế này trong những chế độ xã hội khác nhau. Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, những hợp tác xã là tổ chức tư bản tập thể, cho nên, chúng khác với xí nghiệp tư bản tư nhân. Còn một kiểu (loại) hợp tác xã thứ hai, đó là nó được tổ chức lại trong điều kiện của chủ nghĩa xã hội. Tư liệu sản xuất thuộc về nhà nước với ý thức tự giác, tự quản của những người lao động. Đây là bước chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn trong một "thời kỳ lịch sử 10 hay 20 năm", nó hoàn toàn đồng nhất với chủ nghĩa xã hội. Hình thức thứ ba của chủ nghĩa tư bản nhà nước là đại lý ủy thác. Nhà tư bản được ủy thác làm đại lý bán sản phẩm của Nhà nước Xô viết và mua sản phẩm của người sản xuất hàng hóa nhỏ, đổi lại, họ được hưởng một khoản tiền hoa hồng nhất định. Hình thức thứ tư là cho nhà tư bản trong nước thuê xí nghiệp, hầm mỏ, rừng, đất đai để kinh doanh. Hình thức này gần giống với tô nhượng, nhưng khác biệt ở chỗ đối tượng kinh doanh là tư bản trong nước. Nhờ áp dụng NEP, trong đó sử dụng linh hoạt chủ nghĩa tư bản nhà nước, đã đem lại sự khôi phục, phát triển kỳ diệu của nước Nga Xô viết vốn trước đó bị tàn phá, kiệt quệ, khủng hoảng nghiêm trọng. Sức sản xuất được phục hồi, nền kinh tế nước Nga phát triển mạnh mẽ hơn so với lúc trước, lạm phát bị đẩy lùi, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ nét, chính quyền công – nông được củng cố vững chắc... 
 
Dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, Đảng ta đã vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận của Lênin về chủ nghĩa tư bản nhà nước phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. Đảng ta coi kinh tế tư bản nhà nước là một thành phần kinh tế nằm trong cơ cấu nền kinh tế nhiều thành phần, tồn tại khách quan, lâu dài trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đại hội VIII của Đảng chỉ rõ: "Kinh tế tư bản nhà nước bao gồm các hình thức hợp tác liên doanh giữa kinh tế nhà nước với tư bản tư nhân trong nước và hợp tác liên doanh giữa kinh tế nhà nước với tư bản tư bản nước ngoài"[4]. Thành phần kinh tế tư bản nhà nước được xếp thứ ba sau thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác. Đảng ta cho rằng, kinh tế tư bản nhà nước có vai trò quan trọng trong việc động viên tiềm năng to lớn về vốn, công nghệ, khả năng tổ chức quản lý của các nhà tư bản vì lợi ích của bản thân họ, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đại hội Đảng IX và X tiếp tục khẳng định: "Trên cơ sở ba chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể, tư nhân), hình thành nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế... Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh"[5]. Đảng ta cũng xác định rõ phải sử dụng đa dạng, linh hoạt các hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước. Thực tiễn cho thấy, mặc dầu còn tồn tại những yếu kém, bất cập, nhưng đã có hàng ngàn dự án của tư bản nước ngoài được cấp giấy phép đầu tư vào Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai khoáng, bảo hiểm, v.v. Tổng số vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD, năm sau cao hơn năm trước, có nhiều dự án 100% vốn nước ngoài. Có hàng trăm công ty, tập đoàn lớn từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàng triệu lao động trong nước đã có công ăn việc làm, GDP hằng năm được tăng lên nhờ đóng góp quan trọng của thành phần kinh tế này. Kinh tế tư bản nhà nước đã và đang góp phần tạo ra năng lực sản xuất mới, tăng thêm sức cạnh tranh của hàng hóa nước ta trên thị trường thế giới, kích thích mạnh mẽ các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước; góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và ngành nghề. Nước ta đã có nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa tư bản nhà nước ra đời như: cho thuê, đại lý, hợp tác xã cổ phần, công ty cổ phần v.v.. Với tư bản tư nhân nước ngoài, chúng ta áp dụng phổ biến ba hình thức, đó là: Xí nghiệp (công ty) 100% vốn nước ngoài; xí nghiệp (công ty) liên doanh; xí nghiệp hợp đồng hợp tác kinh doanh.
 
Lý luận của Lênin về chủ nghĩa tư bản nhà nước không chỉ có giá trị đối với nước Nga trước đây, mà ngày nay nó vẫn còn nguyên giá trị đối với những nước có xuất phát điểm thấp đi lên CNXH như ở Việt Nam. Nghiên cứu vấn đề này càng cho chúng ta thấy bộ óc sáng tạo tuyệt vời của Lênin - lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản thế giới. Vận dụng và phát triển lý luận của Lênin về chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta. Thực tiễn đã kiểm nghiệm tính đúng đắn của chủ trương đó. Từ vấn đề trên có một phương pháp luận chung là, khi tình hình thực tiễn thay đổi, cần có sự đổi mới trong tư duy hoạch định chủ trương, chính sách và phương pháp cách mạng cho phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn.
 
Tài liệu tham khảo:
 
[1]. V.I. Lênin Toàn tập, tiếng Việt, Nxb Tiến bộ, M, 1978, tập 43, tr.270.
 
[1,2], [3]. Sđd tập 43, tr.251-252; tr.299.
 
[4]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần VIII,  Nxb CTQG, H, 1996, tr.95.
 
[5]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.83
 
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN CÔNG SƠN