Chuyện về Đội cảm tử Phan Như Thạch và những người anh hùng bất diệt

06:09, 03/09/2020

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của Nhân dân ta, đã có không ít các đội cảm tử được ra đời...

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của Nhân dân ta, đã có không ít các đội cảm tử được ra đời; với lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ cảm tử của ta đã làm cho địch nể phục, khiếp sợ, ăn không ngon, ngủ không yên.
 
Đội cảm tử Phan Như Thạch
Đội cảm tử Phan Như Thạch
 
Hoạt động ở địa bàn thị xã Đà Lạt, Lâm Đồng trong thời kỳ chống Pháp (năm 1951) cũng đã từng có một đội cảm tử mang tên Phan Như Thạch - đồng chí Bí thư đầu tiên của Thị ủy Đà Lạt. Đội cảm tử Phan Như Thạch do ông Nguyễn Tấn Phước làm Đội trưởng.
 
Mãi tới bây giờ chúng tôi vẫn chưa quên được cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng với ông cách đây 17 năm trước để sưu tầm tài liệu, hiện vật về các chiến sĩ của Đội cảm tử Phan Như Thạch.
 
Đó là vào một sáng tháng 5 năm 2003, trong một chuyến công tác tôi cùng anh bạn đồng nghiệp đã tới nhà ông Nguyễn Tấn Phước - người Đội trưởng Đội cảm tử Phan Như Thạch năm xưa. Nhờ đã tìm hiểu và hẹn trước qua điện thoại nên cuộc gặp gỡ cũng khá thuận lợi. Tới phường II, thị xã Bảo Lộc, chúng tôi cũng không mấy khó khăn để tìm được nhà ông. Trước mặt chúng tôi lúc đó là một ông già vóc dáng cao lớn với mái tóc bạc phơ nhưng dáng đi vẫn khá nhanh nhẹn và giọng nói sang sảng. Sau khi biết được công việc của chúng tôi, ông nói: “Mọi việc chú đã viết báo cáo vào hồi ký gửi lên trên cả rồi, nhưng nếu bảo tàng cần thêm những kỷ vật thì để xem còn giữ được gì không”. Nói rồi ông đứng lên mở tủ tìm và đưa cho chúng tôi xem một cái bao súng có thắt lưng bằng da và một số bức ảnh chụp trắng đen được ông cất giữ trong một cuốn sổ rất cẩn thận. Ông cười bảo: “Súng thì phải giao nộp mất rồi, chỉ còn được giữ lại cái thắt lưng và bao súng làm kỷ niệm thôi, còn đây là một số bức ảnh của những người đồng đội mà chú còn cất giữ được”. Ông lấy cho chúng tôi xem những bức ảnh chụp cảnh sinh hoạt của các chiến sĩ trong Chiến khu CK300 (khu vực phía Tây Bắc Sân bay Cam Ly) rồi hào hứng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những trận đánh xuất quỷ nhập thần của Đội cảm tử trong lòng địch tại thị xã Đà Lạt. 
 
Vào những năm 1951, trước yêu cầu cấp bách của cách mạng, được sự chỉ đạo của Thị ủy Đà Lạt, Đội cảm tử Phan Như Thạch được thành lập với nhiệm vụ diệt ác, trừ gian, và nắm tình hình địch, hỗ trợ phong trào đấu tranh của Nhân dân. Đội gồm 36 đồng chí, tuy ra đi từ những quê hương khác nhau nhưng tất cả gắn bó, yêu thương nhau như ruột thịt và đều có chung bầu nhiệt huyết cách mạng, dũng cảm, căm thù giặc sâu sắc.
 
Cuộc sống trong chiến khu đầy vất vả, thiếu thốn, chỉ có cơm rau với củ rừng nhưng cũng không đủ no, nhất là với các chiến sĩ trẻ đang ở tuổi ăn tuổi lớn. Tuy vậy, họ vẫn rất lạc quan, vui vẻ, sau những trận đánh trở về, toàn đội vẫn không ngừng tập luyện và sinh hoạt văn nghệ, nghêu ngao hát với cây đàn ghi ta. Trong thời gian này, mặc dù mới ra đời nhưng đội đã làm cho giặc ăn không ngon, ngủ không yên và nhất là bọn ác ôn lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Để đối phó và nhằm khủng bố tinh thần của các chiến sĩ, quần chúng cách mạng, đồng thời để trấn an quân lính, bọn địch đã dùng những thủ đoạn tàn ác dã man nhất tra tấn các chiến sĩ trong đội cảm tử không may lọt vào tay chúng. Nhưng các chiến sĩ trong đội cảm tử của ta không hề nao núng mà càng nung nấu quyết tâm đánh địch tới cùng với tinh thần đã đánh là phải thắng, còn hơi thở còn chiến đấu, thà hy sinh chứ không để người và vũ khí rơi vào tay giặc.
 
Qua câu chuyện của ông Nguyễn Tấn Phước - người Đội trưởng Đội cảm tử về đồng đội của mình, chúng tôi không khỏi xúc động và cảm phục. Đặc biệt là chuyện về người chiến sĩ trẻ tuổi Nguyễn Long và chính trị viên Lê Trần Thái.
 
Nguyễn Long được sinh ra trong một gia đình cơ sở cách mạng trên quê hương Đà Lạt là chiến sĩ trẻ nhất của Đội. Năm đó đồng chí mới tròn 16 tuổi, được anh em yêu thương như đứa em út trong nhà. Đồng chí sống rất hồn nhiên, vô tư nhưng đặc biệt rất gan dạ, dũng cảm và có một sức khỏe khá phi thường. Mỗi khi đọ sức với đồng đội trên thao trường lúc nào đồng chí cũng giành được phần thắng. Biết đồng chí đang ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới, khẩu phần ăn trong chiến khu chưa bao giờ đủ no đối với đồng chí; Nhiều đêm bụng đói cồn cào, trằn trọc không ngủ được, đồng đội rất thương, thường dành bớt phần của mình ép đồng chí ăn thêm. Hễ anh em nào đi công tác cũng cố tìm một ít đồ ăn mang về cho Long. Trong một chuyến công tác vào nội thị Đà Lạt, đồng chí được giao nhiệm vụ đến lấy tài liệu ở hòm thư mật giấu tại khu vực phía Đông trên đồi Dinh II. Trong lúc đang mải mê tìm hộp thư chôn giấu thì bất ngờ bị hai tên sĩ quan Pháp đang nghỉ tại Dinh phát hiện. Chúng hò nhau tới hòng bắt sống đồng chí. Đồng chí rút súng col 12 để bắn nhưng cự ly quá gần, hai tên sĩ quan Pháp xông vào cướp súng, đồng chí vẫn bình tĩnh tìm cách phá hủy vũ khí và xông vào tay không, lựa thế đánh nhau với hai tên địch to lớn. Trong lúc vật lộn, đồng chí đã cắn đứt mũi một tên và đánh một tên bị thương nặng. Nhưng cuối cùng bọn lính Pháp xung quanh nghe động kéo đến giúp sức đánh đồng chí ngất xỉu. Khi tỉnh dậy ở bệnh viện, phát hiện ra tình thế nguy cấp của mình, đồng chí đã cắn lưỡi chấp nhận hy sinh để không rơi vào tay giặc, thực hiện đúng lời thề của một chiến sĩ cảm tử: Không để vũ khí rơi vào tay giặc, thà hy sinh chứ không chịu để địch bắt. Đồng chí đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
 
Khi nhắc đến đồng chí Lê Trần Thái - chính trị viên của Đội cảm tử, ông cười thật hiền: “Thằng Thái sống khá lãng mạn, đã có người yêu trong thị xã nên mỗi lần đi công tác ở Đà Lạt, xong việc, thế nào cũng tìm cách bí mật gặp bạn gái của mình, hắn cũng gan lì cóc tía, biết chơi đàn ghi ta và đặc biệt rất mê chụp hình”. Chiếc máy ảnh này vừa để chụp ảnh khi làm nhiệm vụ, những lúc rảnh Thái cũng dùng để chụp ảnh cho anh em và ghi lại cảnh sinh hoạt trong rừng. Nhờ vậy mới có được những tấm ảnh tư liệu quí giá này.
 
Qua lời kể của ông Phước thì Lê Trần Thái còn có bí danh là Vĩnh Luật, quê ở miền Trung, là người chính trị viên thông minh, mưu trí trong chiến đấu nhưng cũng rất gần gũi và tình cảm với anh em. Đồng chí đã hy sinh anh dũng trong một lần thực hiện nhiệm vụ đột nhập vào thị xã Đà Lạt để nắm tình hình hoạt động của địch chuẩn bị cho một trận đánh lớn, trong lúc đang ém quân tại nhà xác của bệnh viện để đi gặp đồng chí Sinh, một cán bộ tình báo của ta thì chẳng may có kẻ xấu phát hiện và khai báo, chúng cho một đại đội lính đến bao vây. Quyết không để địch bắt, hai đồng chí đã đóng chặt cửa và rút lên tầng trên, đốt tài liệu, phá hủy con dấu của đội cảm tử, sau đó mở cửa ném lựu đạn vào quân địch đang bao vây. Sau 30 phút chiến đấu dũng cảm, dùng súng ngắn nhằm bắn tiêu diệt nhiều tên địch, hai đồng chí đã dũng cảm hy sinh bằng hai viên đạn cuối cùng của mình.
 
Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã được thanh bình, không còn bóng dáng của của giặc ngoại xâm. Nhưng hình ảnh và khí phách của các anh hùng liệt sĩ và các chiến sĩ trong Đội cảm tử Phan Như Thạch vẫn còn sống mãi trong lòng Nhân dân Đà Lạt - Lâm Đồng và cùng hòa vào bản hùng ca bất tử của dân tộc Việt Nam.
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ