Phế đế "hồi loan" và ký vãng về "Hoàng triều Cương thổ" (kỳ 4)

06:11, 26/11/2020

(LĐ online) - Tham khảo những tư liệu liên quan đến những ngày Cựu hoàng Bảo Đại về nước và chọn đất cao nguyên dung thân, nhiều năm qua tôi đã hiếu kỳ tìm kiếm và hình dung dần về một Đà Lạt thời mà đô thị này phải gánh trọng trách thủ phủ của "Hoàng triều Cương thổ"...

[links()]
 
KỲ IV: VÀI DÒNG KÝ ỨC VỀ “THỦ PHỦ HOÀNG TRIỀU”
                  
(LĐ online) - Tham khảo những tư liệu liên quan đến những ngày Cựu hoàng Bảo Đại về nước và chọn đất cao nguyên dung thân, nhiều năm qua tôi đã hiếu kỳ tìm kiếm và hình dung dần về một Đà Lạt thời mà đô thị này phải gánh trọng trách thủ phủ của “Hoàng triều Cương thổ”. Nhiều lần lang thang qua các dinh thự, những dấu tích có một quãng thời gian gắn với cuộc đời chìm nổi của Bảo Đại, đã cho tôi những suy ngẫm và như cũng lây cái nỗi buồn thảm về số phận ngắn ngủi của chính thể do ông ta lập ra…
 
Bảo Đại bắn hạ một con trâu giữa rừng tây nguyên. Ảnh tư liệu
Bảo Đại bắn hạ một con trâu giữa rừng tây nguyên. Ảnh tư liệu
 
Nọ là dinh Quốc trưởng uy nghi, những tòa ngang dãy dọc Võ phòng, Văn phòng. Kia là các biệt thự sang trọng từng là nơi ở của các tình nhân của vị Hoàng đế - Quốc trưởng đào hoa. Rồi dấu tích sân gôn, sòng bạc, trường đua ngựa, thác nước đẹp, nhà hàng,…nơi Bảo Đại từng có những giây phút thư giãn cùng quan binh Pháp và đám hầu cận, mỹ nhân của mình. Tôi cũng đã có dịp ghé thăm các tòa biệt điện của ông Cựu hoàng nổi tiếng xa hoa, mê đắm các trò tiêu khiển và sắc dục tại Nha Trang, Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột và bên bờ hồ Lắk. Ở Đà Lạt có hai tòa nhà liên quan đến Cựu hoàng Bảo Đại để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Tòa nhà thứ nhất: Khi trở về nước vào năm 1949, Bảo Đại đã dùng tiền của Pháp mua lại ngôi biệt điện cực kỳ sang trọng trên diện tích khuôn viên khoảng 60 ha của một người Tây là Robert Clément Bougery xây năm 1940; ở cuối đường Trần Quang Diệu hiện nay. Sau khi mua, Bảo Đại đã cho sửa sang lại tòa biệt điện này và sử dụng nó làm Văn phòng Quốc trưởng “Hoàng triều Cương thổ” (nay gọi là Dinh I). Và, tòa nhà thứ hai cách Văn phòng Quốc trưởng chỉ chưa đầy một cây số, đó là nơi ở của thứ phi Mộng Điệp. Như một cơ duyên, đây lại là ngôi biệt thự từng gắn với ký ức thời tuổi trẻ của tôi.   
 
Hồi trước, tìm hiểu lịch sử triều Nguyễn và đọc sách của các tác giả Phan Thuận An, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Trọng Miên…, tôi nghe nhắc nhiều đến bà thứ phi Mộng Điệp. Các nhà nghiên cứu về hậu cung Bảo Đại đặc biệt nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của bà phi từng là vũ nữ này đối với Cựu hoàng, cũng như sự sủng ái mỹ nhân Mộng Điệp của ông vua mất ngai trong những tháng ngày về lại Đà Lạt lập chức Quốc trưởng. Không ngờ, cá nhân tôi lại có một chút “liên quan” đến nơi ở cũ của bà. Số là, năm 1990, được tiếp nhận vào làm việc tại tờ báo địa phương, tôi được lãnh đạo ưu ái sắp xếp chỗ ở là căn phòng rộng nhất nằm ở tầng hai của ngôi biệt thự số 14 Hùng Vương. Đó như là một căn hộ biệt lập có hai phòng khá đẹp trong ngôi biệt thự đã nhiều phần hoang phế. Hồi đầu, tôi cũng chỉ nghĩ đó là ngôi biệt thự kiến trúc Pháp bình thường. Cho đến một hôm, ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu triều Nguyễn, ghé thăm và qua câu chuyện cùng những hình ảnh tư liệu ông Xuân cung cấp, hóa ra, nơi tôi đang ở chính là ngôi biệt thự Myrba nổi tiếng trên con đường cũ mang tên cựu Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuille. Đây là ngôi nhà mà ông Bảo Đại mua lại từ một người Pháp tên là Basier để làm nơi cư ngụ cho bà Mộng Điệp và các con của hai người là Phương Thảo, Bảo Hùng và Bảo Sơn. Vì bà Nam Phương đã ở luôn bên Pháp, thời “Hoàng triều”, Mộng Điệp thực sự là “đệ nhất phu nhân”. Biệt thự Myrba là chốn lui tới hằng đêm của ngài Quốc trưởng. Cũng bắt đầu từ đấy, tôi thỏa sức tưởng tượng về những tháng ngày ngắn ngủi mà Cựu hoàng và một trong những người đẹp của mình đã môi mắt, nói cười trong chính căn phòng ngủ lớn nhất ngôi biệt thự mà tôi đang là người được “thừa kế” thụ hưởng…
 
Bảo Đại cùng Mộng Điệp (áo đen) tại Đà Lạt. Ảnh tư liệu
Bảo Đại cùng Mộng Điệp (áo đen) tại Đà Lạt. Ảnh tư liệu
 
* * *
 
Đà Lạt thời “Hoàng triều Cương thổ” ra sao? Tôi bắt đầu tìm kiếm những mảnh ghép rời của ký ức đô thị những năm tháng ấy. Tôi đã thấy bức ảnh Quốc trưởng Bảo Đại trao Bảo quốc Huân chương cho ông Ngô Văn Ất, người có công trong việc lập làng hoa Hà Đông tại Thao trường Lâm Viên, có sự chứng kiến của đông đảo quan chức Pháp - Việt và người dân Kinh, Thượng. Bức ảnh này do ông Ngô Văn Bính con trai ông Ất, rút ra từ album lưu niệm gia đình cho tôi chụp lại. Tôi đã xem những hình ảnh đội Ngự lâm quân mũ áo chỉnh tề bảo vệ trước dinh Quốc trưởng do ông Trần Vinh, con trai của một trong những lính ngự lâm của Bảo Đại cho mượn. Người cũ mất còn, nhưng “lối xưa xe ngựa”, “nền cũ lâu đài” vẫn phủ lên xứ sở khói sương này những nỗi huyền cảm.
 
Tại Đà Lạt hiện thời, tôi đã gặp một số nhân chứng từng sống trong thời kỳ mà thành phố này là thủ phủ “Hoàng triều Cương thổ”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh, kể: “Năm 1952, lúc ấy tôi mới 13 tuổi đã lên Đà Lạt học. Thời đó, học sinh giỏi được nhà trường giới thiệu đưa lên dinh Quốc trưởng dự lễ vạn thọ của Cựu hoàng và nhận quà do chính ông Bảo Đại trao. Tôi cũng đã được nhận.” Ông Tranh cũng cho biết: “Thời đó có chính sách hạn chế di dân người Kinh lên Cao nguyên. Ai muốn đặt chân đến lãnh thổ này phải có giấy phép của Nha Công an Hoàng triều Cương thổ thuộc Văn phòng Quốc trưởng ở Hà Nội hay Sài Gòn cấp.” Còn ông Nguyễn Văn Kỳ, hiện đã 92 tuổi, sống ở đường Lê Hồng Phong, nguyên là công chức làm việc truyền điện tín trong Văn phòng Quốc trưởng, cũng nói: Thời ấy, người Việt từ miền xuôi lên đây lập nghiệp rất khó khăn vì “Hoàng triều Cương thổ” chú trọng đến việc phát triển đồng bào dân tộc và hạn chế nhập cư…
 
Để hình dung thêm về không khí của thủ phủ “Hoàng triều Cương thổ” trong những năm tháng ấy, xin trích dẫn một đoạn trong cuốn “Cựu hoàng Bảo Đại” của ông Hoàng Trọng Miên: “Đà Lạt trở thành kinh đô của những kẻ giàu sang, quyền quý, ăn chơi. Phòng trà, tiệm nhảy, nhà ngủ, sòng bạc đua nhau mọc lên. Cảnh rừng đồi thơ mộng cao nguyên với thông xanh, hoa anh đào đỏ ửng, biến ra làm nơi hò hẹn của những chính khách, bộ trưởng tương lai, hí trường mua chức, bán tước hồi toàn thịnh của Bảo Đại”. Như sự mô tả trên, Đà Lạt thuở thủ phủ “Hoàng triều Cương thổ” giống như một hí trường, mà nhân vật chính múa may trên sân khấu chính trị nửa vời ấy chính là vị Quốc trưởng trong tay người Pháp. Bảo Đại được người Pháp sử dụng làm công cụ và ông ta cũng biết cách vòi vĩnh tài lực của họ cho sự thỏa mãn tham vọng và hưởng thụ cá nhân…
 
Với tính chất của một chính thể lệ thuộc, hoàn toàn thụ động, nên Bảo Đại cũng chưa tạo nên được dấu ấn nào cho Đà Lạt. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, Đà Lạt từng được xác lập cho tham vọng về một “thủ đô” có tính tự trị, về mặt hình thức. Điều đó được thể hiện bằng việc Thị trưởng thành phố do đích thân Quốc trưởng bổ nhiệm, trong thời kỳ này, chức Thị trưởng đã được trao cho hai người là ông Trần Đình Quế và sau đó là ông Cao Minh Hiệu. (Ông Quế là người bị cách chức Thị trưởng và vướng lao lý sau vụ Đội cảm tử Phan Như Thạch của Việt Minh ám sát tên Phó Thanh tra Mật thám Nam Đông Dương Victor Haasz ngay tại nhà riêng, ngôi biệt thự số 17 đường Rue des Roses. Vì cái chết của Haasz, người Pháp trả thù đẫm máu bằng cuộc hành quyết không tuyên bố 20 người Việt Nam, chỉ duy nhất một người sống sót qua vụ bắn giết này là bà Nguyễn Thị Lan.). Cũng tại Đà Lạt trong thời kỳ “thủ phủ” Hoàng triều, một Hội đồng thành phố được thành lập với 16 hội viên chính thức và 6 hội viên dự khuyết; trong đó vẫn có tới 6 hội viên chính thức và 2 hội viên dự khuyết là người Pháp...!
 
Một góc Đà Lạt thập kỷ 1940
Một góc Đà Lạt thập kỷ 1940
 
* * *
 
Gần đây, một tác giả từ hải ngoại viết về Đà Lạt như vẽ một bức tranh mô tả ký ức: “Đà Lạt, đó là một thành phố rất Tây trên quê hương Việt Nam. Đà Lạt là một thành phố hòa bình trên đất nước ngập tràn máu lửa. Đà Lạt là một giấc mơ thần tiên trong một hiện thực sắt thép địa ngục. Đà Lạt, căn hầm trú ẩn bằng bê tông cốt sắt giữa một trận địa đầy bom mìn và xác chết. Đà Lạt là một hòa bình riêng rẽ trong một Việt Nam vang rền tiếng súng”. (Đà Lạt, ngày tháng cũ. Ngô Tằng Giao, 2010, phát hành tại Mỹ). Thực ra, những gì tác giả này viết cũng chỉ là những dòng lưu bút hoài niệm về ngày tháng đã xa về một Đà Lạt trong nỗi nhớ bản thể mong manh, nhưng đó chỉ là cách mô tả cái vẻ bề ngoài của một Đà Lạt chứa trong mình lắm nỗi phong nhiêu. 
 
Không nhiều tư liệu để lại, nhưng những dấu tích và hồi ức một thời của Đà Lạt luôn nhắc nhớ, vùng đất tươi đẹp giữa cao nguyên thơ mộng này luôn là nơi từng giấu âm ỉ dưới những tán thông lặng lẽ, những màn sương khói mơ hồ là vô vàn mưu toan, vô vàn những tính toán, tranh đoạt chính trị. Kia là dinh Toàn quyền rồi dinh Quốc trưởng, nọ là biệt điện Nguyễn Hữu Hào rồi biệt điện Trần Lệ Xuân…Những dinh thự, nơi mà các yếu nhân chính trị đương thời từng cư ngụ lâu dài hay chỉ ghé qua vì mục đích nào đó, đối với người dân thì chúng sang trọng, xa lạ và chứa trong đó rất nhiều bí mật. Còn nữa, những villa nghỉ mát của đám tướng lĩnh, hay các công sở đặt tình báo, mật vụ, đào tạo chuyên gia chiến tranh mang lốt những “trung tâm” nghiên cứu, tôn giáo, học thuật. Đó là những cái ổ cực kỳ nguy hiểm, nơi sản xuất ra các âm mưu, nơi khởi đầu tổ chức các cuộc bắn giết và tranh giành đẫm máu trên khắp nước Việt. Đến thời Việt Nam Cộng hòa thì mục đích này dành cho Đà Lạt càng thể hiện rõ hơn. Trở lại, từ những năm 1940, người Pháp đã biến Đà Lạt thành nơi đặt đầu não của Cơ quan Tình báo bên ngoài nước Pháp - SDECE (Le Service de Documentation Extérieure et de Contre-Espionnage). Trong những ngày “Hoàng triều Cương thổ”, ngay cả Bảo Đại cũng luôn bị cơ quan này cùng với phòng nhì Pháp, mật thám Liên bang Đông Dương, Trung ương tình báo Mỹ CIA, Hãng tình báo Anh Intelligence Service…dòm ngó, theo dõi nhất cử nhất động. Đến nỗi ông ta phải thốt lên với đám cận thần: “Chúng nó canh gác tôi dữ lắm!”. Cũng ngay tại Đà Lạt, người Pháp đã xây dựng trung tâm biệt kích từ tháng 8 năm 1947, biến xứ sở mộng mơ đầy hoa thơm, trái ngọt trên miền cao nguyên tươi tốt này thành một căn cứ quân sự chính yếu tại Đông Dương. Để hình dung thêm, trích dẫn vài câu từ cuốn “Đỉnh cao đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp” của nhà nghiên cứu Eric T.Jennings: “Ở Đà Lạt, sau 1947, mấy chục mật vụ viên dưới quyền Đại tá Maurice Bellaux đã làm việc trong sự cô lập hoàn toàn, “như các tu sĩ” để giải mã những thông tin vô tuyến của Việt Minh tại Đà Lạt…”.   
 
Quốc trưởng Bảo Đại gắn Bảo quốc Huân chương cho ông Ngô Văn Ất tại Thao trường Lâm Viên Đà Lạt. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
Quốc trưởng Bảo Đại gắn Bảo quốc Huân chương cho ông Ngô Văn Ất tại Thao trường Lâm Viên Đà Lạt. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
 
* * *
 
Câu chuyện Đà Lạt với số phận làm “kinh đô” dở dang còn nhiều điều để kể. Nhưng cuộc hí trường của vị Hoàng đế nô lệ không thể kéo dài thêm được nữa. Năm năm trời ông ta tham vọng biến vùng đất tươi đẹp trên cao nguyên Lâm Viên làm “của riêng” cũng phải khép lại. Thành phố Đà Lạt đã phải chịu lỗ trong nửa thập kỷ với Bảo Đại và âm mưu của thực dân Pháp. Đến bây giờ thì với phố núi này, ký ức về một thời thủ phủ “Hoàng triều Cương thổ” chỉ là những dòng nhớ quên mờ nhạt. Ngoài những bất động sản từng gắn với cả hai giai đoạn cuộc đời Bảo Đại mà bây giờ chính quyền đang khai thác làm du lịch như một cách kể cho du khách câu chuyện buồn về một thời đã qua thì dấu ấn Bảo Đại trên xứ sở này cũng chẳng có nhiều điều đáng kể. Cũng như người dân Đà Lạt, người dân Việt Nam không mấy ấn tượng về Bảo Đại, một bậc “quân vương” bạc nhược lấy sự phục tùng kẻ thù dân tộc làm bệ đỡ ngai vàng. Câu chuyện về đoạn đời chấp chính cuối cùng của ông ta như một thứ “trò chơi vương quyền”, ít vinh quang mà lắm nỗi bi, hài…  
 
(Kỳ cuối: Trò chơi vương quyền và Quốc trưởng bị bỏ rơi)
 
UÔNG THÁI BIỂU