Nơi ấy là một phần máu thịt của Tổ quốc (Bài 1)

11:12, 29/12/2020

(LĐ online) - Hoàng Sa, Trường Sa hai tiếng gọi thiêng liêng ấy là một máu phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam...

[links()]
(LĐ online) - Hoàng Sa, Trường Sa hai tiếng gọi thiêng liêng ấy là một máu phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Chủ quyền đối với hai quần đảo ấy đã được dân tộc Việt Nam xác lập từ rất sớm, bằng con đường hòa bình và được các triều đại phong kiến, các nhà nước Việt Nam thời cận đại, hiện đại liên tục thực thi và bảo vệ một cách hợp pháp. Nhiều tư liệu, bản đồ do các nước phương Tây và do chính Trung Quốc công bố trong hàng trăm năm qua đã chứng tỏ Trung Quốc không có gì liên quan đến hai quần đâỏ Hoàng Sa - Trường Sa, cái mà họ gọi là Xisha (Tây Sa) và Nansha (Nam Sa) cũng như những vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Những bằng chứng xác thực chính là minh chứng, là chân lý để bác bỏ những luận điểm sai trái, ngang ngược, phi pháp của Trung Quốc về “chủ quyền” của họ với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam dù ở đâu, trong hay ngoài nước, luôn luôn có ý thức về chủ quyền thiêng liêng của đất nước và sẵn sàng hành động vì cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ mà lớp lớp thế hệ ông cha đã phải đánh đổi cả máu xương để gìn giữ.
 
Bài 1: Những giá trị của lịch sử
 
“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được. Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”. Câu nói để đời ấy của vua Lê Thánh Tông với các quan phụ trách biên cương, mà người đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy vào tháng Tư năm 1473 (được ghi lại trong Đại Việt Sử ký toàn thư) đã như tiếng vọng núi sông, hùng hồn khẳng định từng tấc đất máu thịt của cha ông là bất khả xâm phạm.
 
Một trang trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn nói về Hoàng Sa
Một trang trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn nói về Hoàng Sa
 
Năm 1776, trong “Phủ biên tạp lục” do chính Lê Quý Đôn biên soạn đã viết về Hoàng Sa và hoạt động của Đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn như sau: “Xã An Vĩnh huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi giáp liền với biển. Ở Vùng biển xa về phía Đông Bắc có nhiều đảo núi, các núi lẻ tẻ kế tiếp nhau nhiều đến hơn 130 ngọn. Giữa các ngọn núi là biển, đảo núi xa cách nhau hoặc là đi một ngày đường hoặc là đi hết mấy canh giờ. Trên núi có suối nước ngọt, trong các đảo có Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa – NV) dài khoảng hơn 30 dặm, rộng lớn bằng phẳng, nước trong vắt nhìn tận đáy ... Trước đây, họ Nguyễn lập ra Đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh sung vào. Mỗi năm luân phiên tổ chức đi ra biển, cứ vào tháng Ba nhận lệnh chịu sai dịch, mang theo sáu tháng lương thực đủ dùng. Đội dùng năm chiếc thuyền câu nhỏ chở đi ra biển suốt ba ngày ba đêm liền thì mới bắt đầu đến được đảo này. Thuyền dừng ở đấy thả sức thu lượm, bắt lấy chim cá mà ăn. Lại lấy được đồ vật của tàu thuyền như kiếm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thỏi thiếc, thỏi chì, súng ống, ngà voi, sáp ong, đồ chiêu, đồ sứ. Lại thu lượm được cả mai đồi mồi, mai ba ba biển, hải sâm, ốc hoa rất nhiều. Đến kỳ tháng Tám thì trở về cửa Eo rồi đi đến thành Phú Xuân để giao nộp. Cân đo định hạng đủ rồi, mới bắt đầu cho bán riêng các loại ốc hoa, ba ba biển, hải sâm, rồi đến lĩnh lấy bằng cấp mà quay về”.
 
Bản đồ của các nhà thám hiểm thế giới đều ghi rõ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam
Bản đồ của các nhà thám hiểm thế giới đều ghi rõ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam
 
Còn trong sách “Đại Nam thực lục chính biên”, quyển 165, đệ nhị kỷ, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn năm 1836, viết về Hoàng Sa và hoạt động khai phá xác lập chủ quyền của vương triều Nguyễn đối với quần đảo này cũng đã khẳng định: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phải vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chọn phái biền binh thủy quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng Hai thì đến Quảng Ngãi, yêu cầu hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thuê bốn chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa.
 
Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ.
 
Vua sai Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi. Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ: Minh Mạng năm thứ 17, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để nhớ”.
 
Bản đồ do người Phương Tây vẽ ghi rõ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
Bản đồ do người Phương Tây vẽ ghi rõ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
 
Không chỉ có “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn hay “Đại Nam thực lục chính biên” của Quốc sử quán triều Nguyễn, rất nhiều cuốn sách sử cổ kinh điển của các triều đại phong kiến Việt Nam như: “Đại Việt sử ký lục biên”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Quốc triều chính biên toát yếu” ... cũng đều khẳng định và đưa ra những chứng cớ không thể chối cãi trong công cuộc khám phá, chinh phục và xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa.
 
Và ngay trong cuốn “Đại Nam thực lục chính biên” đều có ghi lại hoặc phản ánh rõ ràng các chuyến đi ra khu vực quần đảo Hoàng Sa của các suất đội Thủy quân để đo đạc thủy trình, dò xét đường biển, khai thác hải vật, đo đạc hải giới ... dưới thời các vua Gia Long, Minh Mạng, Duy Tân ...
 
Đặc biệt, minh chứng xác thực đó, còn được lưu dấu rõ nét trong Châu bản, một loại văn bản hành chính của vương triều Nguyễn (1802 - 1945), có niên đại từ thời Gia Long đến triều Bảo Đại. Trên các châu bản này còn lưu lại các dấu tích bút phê của các vua triều Nguyễn bằng son đỏ.
 
Một phần trong các tờ châu bản đã phản ánh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những bằng chứng sinh động cho thấy các vua triều Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này, thông qua việc cử người ra Hoàng Sa - Trường Sa để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ; thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với tàu thuyền của Việt Nam cũng như của các nước khác lúc gặp tai nạn trên hai vùng biển thuộc phạm vi hai quần đảo. Đồng thời, bút tích trên các tờ châu bản cũng cho thấy triều Nguyễn đã ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với những người được triều đình cử đi thực thi công vụ trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Cũng như có những chính sách thưởng phạt nghiêm minh đối với những người được triều đình cử đi công vụ tại Hoàng Sa đã lập được công lớn hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
 
Chào cờ ở Đảo Trường Sa
Chào cờ ở Đảo Trường Sa
 
Điều nói trên có thể được khẳng định trong hai tờ châu bản do nhà nghiên cứu Phan Thuận An ở thành phố Huế sưu tầm và công bố vào năm 2010. Hai tờ châu bản trên có niên đại năm 1939, triều vua Bảo Đại. Nội dung cho biết, những người đi nghĩa vụ ở Hoàng Sa trở về đều được triều đình Bảo Đại trọng thưởng. Thậm chí, khi những người lính Pháp làm suất đội hay chỉ đơn thuần là lính Hoàng Sa mất đi, thì cũng đều được xét truy tặng. Điều này chứng tỏ, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam dù đang lâm vào thế yếu vẫn tìm mọi cách để khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nằm trong hải giới của Việt Nam. Và kể cả người đề nghị cũng như người đồng ý tặng thưởng đều đánh giá cao việc đồn trú ở quần đảo Hoàng Sa. Nội dung của hai tờ châu bản này còn chứng tỏ: cho đến thời điểm một tháng trước khi quân Nhật tuyên bố kiểm soát quần đảo Hoàng Sa (31/03/1939) thì quần đảo Hoàng Sa vẫn thuộc chủ quyền và quyền kiểm soát liên tục của Việt Nam.
 
Những tờ châu bản này là những tư liệu gốc chứa đựng nhiều thông tin, tư liệu quý giá khẳng định các Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo một cách liên tục, hòa bình, bằng các hoạt động do nhà nước tổ chức, với sự trực tiếp chỉ đạo của nhà vua. Những châu bản triều Nguyễn đã được đón nhận “Bằng di sản tư liệu” thuộc Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO vào ngày 30/07/2014. Vì thế, Việt Nam có thể đanh thép khẳng định những tư liệu này chính là những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
LAM ANH