Việt Nam là quốc gia luôn coi trọng và nghiêm túc trong việc thực thi công ước CERD

05:01, 28/01/2021

(LĐ online) - Ra đời từ năm 1965, Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) là Công ước lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc người thiểu số...

(LĐ online) - Ra đời từ năm 1965, Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) là Công ước lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc người thiểu số. Việt Nam gia nhập Công ước CERD năm 1982 và đã 04 lần đệ trình Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Dù trong bất cứ thời điểm, giai đoạn hay bối cảnh lịch sử nào, Đất nước Việt Nam luôn coi trọng và nghiêm túc triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Công ước CERD đã nêu ra. 
 
Việt Nam luôn coi trọng chính sách phát triển của cộng đồng các DTTS
Việt Nam luôn coi trọng chính sách phát triển của cộng đồng các DTTS
 
Hiến pháp, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam dành riêng chương II với 36 điều quy định trực tiếp và rõ ràng về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, bao gồm quyền của dân tộc thiểu số (DTTS) với các quy định về bảo đảm quyền cho đồng bào DTTS.
 
Với điều này, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào DTTS, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp, chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.
 
Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Người DTTS được hưởng toàn bộ các quyền con người, quyền công dân của nước CHXHCN Việt Nam, ngoài ra còn được hưởng những quyền ưu tiên đặc thù theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Có thể minh chứng điều đó bằng những quyền cơ bản như: Quyền được đối xử bình đẳng trước tòa án và các cơ quan tài phán khác; Quyền về chính trị, bầu cử, ứng cử; Quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân; Quyền thừa kế; Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo; Quyền tự do ngôn luận và báo chí; Quyền có việc làm; Quyền về nhà ở...
 
Tiếng khèn gửi Giàng
Tiếng khèn gửi Giàng
 
Chính sách của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực tôn giáo đã đem lại sự thay đổi căn bản trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, trong đó có người DTTS ở Việt Nam, cụ thể là: Bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo; sinh hoat tôn giáo tập trung được tạo điều kiện; các tổ chức tôn giáo được phép thành lập trường đào tọa, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo để đáp ứng nhu cầu của tổ chức tôn giáo; tạo điều kiện thuận lợi để xuất bản kinh sách.
 
Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện có khoảng hàng chục ngàn người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn hay các địa phương có khu công nghiệp, đại đa số họ đều là tín đồ các tôn giáo như Phật giáo, Tin lành, Công giáo, Hồi giáo. Chính quyền các địa phương nơi có nhiều người nước ngoài cư trú và làm việc đã tạo điều kiện cho phép được tập trung thành nhóm để sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở thờ tự, địa điểm hợp pháp ở khắp nơi trên cả nước. Các nhóm tín đồ người nước ngoài được phép mời chức sắc ngước ngoài vào Việt Nam hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo tại địa điểm hợp pháp.
 
Tương tự, các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được đảm bảo ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách tại Quốc hội, các cuộc tọa đàm, tranh luận, các thông tin đa chiều trên thông tin đại chúng về mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người người dân đang là thực tiễn trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam.
 
Nhà nước luôn dành các điều kiện ưu đãi nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các cộng đồng dân tộc thiểu số, đưa ra các phương pháp truyền thông với những đặc thù riêng trên cơ sở tôn trọng, vận dụng và phát huy đa dạng văn hóa, tri thức truyền thống và giá trị đặc sắc của từng dân tộc, hỗ quyền bình đẳng ở nhiều lĩnh vực.
 
Chính phủ đặc biệt quan tâm bảo đảm tiếp cận thông tin ở vùng DTTS với nhiều chính sách như Đề án thí điểm cấp Radio cho vùng DTTS miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới; Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”.
 
Các đài PTTH từ trung ương đến địa phương đều có các kênh chuyên biệt bằng tiếng DTTS, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu thông tin của mọi người dân, nhất là vùng DTTS. Nhà nước cũng hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng thông rộng trên phạm vi cả nước, trong đó ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; bảo đảm quyền truy nhập bình đẳng, hợp lý cho mọi người dân, hộ gia đình, ưu tiên hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và thiết bị đầu cuối cho hộ nghèo, cận nghèo và các gia đình đối tượng chính sách xã hội.
 
Khát vọng trong vũ điệu
Khát vọng trong vũ điệu
 
Trong lĩnh vực bảo đảm sinh kế cho đồng bào DTTS, Luật việc làm năm 2013 quy định hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động người DTTS; người lao động là người DTTS có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Nhà nước hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng của nước tiếp nhận. Nhà nước Việt Nam cũng ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp ở các vùng DTTS có điều kiện khó khăn; miễn giảm học phí cho người DTTS thuộc các đối tượng khó khăn. Thu nhập từ việc dạy nghề dành riêng cho người DTTS cũng được miễn thuế; các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người DTTS được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng số chi thêm cho lao động người DTTS.
 
Đặc biệt, chính sách hỗ trợ nhà ở đã hỗ trợ nhà ở cho gần 300.000 hộ là người dân tộc thiểu số, giúp họ an cư để sinh sống và làm việc. Hầu hết các căn nhà đều vượt diện tích và chất lượng quy định, với diện tích đa số từ 28-32m2, nhiều căn lên tới 60-0m2.
 
Hiện nay có 118 chương trình, chính sách đang có hiệu lực trển khai thực hiện ở vùng DTTS và miền núi, trong đó có 54 chính sách trực tiếp cho đồng bào DTTS và vùng DTTS. 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào DTTS được phân chia thành 3 nhóm cơ bản, đó là: Nhóm chính sách đạc thù theo dân tộc và nhóm dân tộc; Nhóm chính sách phát triển KTXH theo vùng và Nhóm Chính sách phát triển KTXH theo ngành, lĩnh vực cụ thể. Các chính sách dân tộc hiện na khá đầ đủ, toàn diện, đa lĩnh vực và phủ kín các địa bàn DTTS và miền núi.
 
Các chính sách này phần lớn đã giúp cho người đồng bào DTTS có được sự tiếp cận, thụ hưởng tốt hơn các dịch vụ công như y tế, giáo dục, nước sạch vệ sinh môi trường, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa từng dân tộc. Đồng thời hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho hộ DTTS còn du canh, du cư.
 
Bên cạnh chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, chính sách tín dụng cho vay vốn ưu đãi đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn để sản xuất trong giai đoạn vừa qua đã góp phần tha đổi căn bản nhận thức của đồng bào trong việc mạnh dạn vay vốn, chuyển tư duy sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, giúp trên 2 triệu hộ DTTS miền núi thoát nghèo, thu hút việc làm cho trên 162 ngàn lao động, trên 16.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 211 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em dân tộc thiểu số được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xâ dựng hơn 215 ngàn căn nhà ở...
 
Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em người DTTS thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình. Hệ thống cơ sở vật chất đã được xây dựng tương đối đồng bộ ở tất cả các xã vùng dân tộc cùng hệ thống điểm trường ở thôn bản, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, cùng với chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho học sinh nghèo đã giúp con em người DTTS có cơ hội đến trường, tiếp cận căn bản với nền giáo dục quốc gia.
 
Đảng và Nhà nước cũng luôn coi trọng chính sách cán bộ đối với người đồng bào DTTS. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tỷ lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc, tỷ lệ CBCCVC người DTTS giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Người DTTS được hưởng nhiều chính sách ưu tiên trong thi tuyển, xét tuyển, đặc biệt đối với CBCCVC ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
 
Các chính sách về y tế cũng đã ưu tiên bố trí ngân sách giúp cho người DTTS có được điều kiện thuận lợi nhất về chăm sóc sức khỏe. 100% người DTTS, người nghèo được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh thông qua thẻ BHYT. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ như tăng cường đầu tư y tế cơ sở cho vùng DTTS và miền núi, cấp thẻ BHYT cho người DTTS đã tạo điều kiện cho cộng đồng các DTTS được khám chữa bệnh ở tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, được chi trả chi phí thuốc, vật tư y tế. Các cơ sở y tế vùng tổ chức thường trực 04 cấp, chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, thực hiện khám chữa bệnh phục vụ đồng bào 24/24.
 
Nhà nước Việt Nam cũng nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc hoặc kích động thù hằn dân tộc. Những hành vi trên đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị như Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) về tội danh “Tội phá hoại chính sách đoàn kết” đã bổ sung, tội phạm hóa hành vi ly khai dân tộc và hành vi chia rẽ giữa người theo các tôn giáo khác nhau, đồng thời nâng mức hình phạt tối thiểu từ 05 đến 07 năm.
 
Trong quan hệ dân sự, Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất cứ lý do nào để phân biệt đối xử; Điều 18 của Luật Cán bộ công chức năm 2008 và Điều 19 Luật Viên chức năm 2010 quy định cán bộ công chức, viên chức không được phân biệt đối xử về dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức. Nghị định 88/2015/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý người lao động.
 
Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền cho người DTTS và người nước ngoài tại Việt Nam. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách của Việt Nam được xây dựng phù hợp với các quy định trong luật pháp quốc tế. Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phát triển bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS.
 
Nhằm thực thi tốt hơn nữa với vai trò là thành viên Công ước CERD, Việt Nam cam kết thúc đẩy tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Công ước trong cả nước nói chung và đặc biệt vùng DTTS nói riêng. Cùng với đó, là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong thực thi pháp luật, đặc biệt là vai trò giám sát của người dân, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác quốc tế về thực thi Công ước để chia sẻ các kinh nghiệm và các bài học quốc tế trong việc đảm bảo quyền cho người DTTS và người nước ngoài tại Việt Nam, chống mọi hình thức phân biệt đối xử. 
 
Tất cả những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước Việt Nam đều tôn trọng quyền của người DTTS, đồng thời tạo mọi điều kiện tối đa để các cộng đồng DTTS Việt Nam có cơ hội bình đẳng để phát triển, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. 
 
 
LAM ANH