Đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng là hạt nhân trong khối đại đoàn kết dân tộc (Bài cuối)

06:02, 27/02/2021

(LĐ online) - Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 25 năm 2003 về công tác tôn giáo, sau 15 năm được ban hành, ngày 10/01/2018 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW...

[links()]
 

Bài cuối: Công tác tuyên truyền là một trong những yếu tố then chốt để dẹp bỏ mọi luận điệu xuyên tạc

 
(LĐ online) - Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 25 năm 2003 về công tác tôn giáo, sau 15 năm được ban hành, ngày 10/01/2018 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành trưng ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Để có thể đưa các quan điểm mới của Đảng ngày càng thẩm thấu vào đời sống tôn giáo ở Việt Nam, để đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo; cá nhân, tổ chức tôn giáo và người dân có thể chủ động thực hiện thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục luôn được xem là nhiệm vụ then chốt.
 
Phóng viên báo chí khu vực miền Trung Tây Nguyên tác nghiệp về chủ đề nhân quyền tại Đắk Lắc
Phóng viên báo chí khu vực miền Trung Tây Nguyên tác nghiệp về chủ đề nhân quyền tại Đắk Lắc
 
Có thể khẳng định, Luật tín ngưỡng, tôn giáo là hành lang pháp lý quan trọng nhất hiện nay để thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Thực hiện tốt công tác giải thích pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân, tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo, tạo điều kiện để họ tiếp cận các nội dung của pháp luật một cách dễ dàng và đúng nghĩa. Từ đó, mới có thể nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật của chủ thể quản lý cũng như đối tượng quản lý.
 
Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, Nhân dân và tín đồ, chức sắc tôn giáo phải được duy trì thường xuyên, liên tục và đồng bộ.
 
Với từng đối tượng tuyên truyền cũng cần nắm rõ thực trạng, trình độ nhận thức và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng đối tượng, qua đó mới có thể lựa chọn được hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến cho phù hợp. Việc biên soạn các tài liệu tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ theo dang hỏi đáp, bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số, ngôn ngữ nước ngoài. Mục đích của vấn đề này là làm cho chủ trương, chính sách tôn giáo không chỉ đọng lại trong tư duy của các chức sắc, tín đồ tôn giáo mà còn trong cán bộ, công chức để từ đó có ứng xử đúng và chủ động trong việc thực hiện đúng quy định pháp luật.
 
Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền cũng cần phải linh hoạt, áp dụng nhiều phương pháp trong quá trình triển khai pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo như: tọa đàm, hội thảo, tổ chức các cuộc thi cho cán bộ, đảng viên trong cơ quan hoặc giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị làm công tác tôn giáo. Không những thế, cần phải liên tục mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và lượng thời gian phù hợp để giải đáp các thắc mắc của người nghe, tránh việc tuyên truyền một chiều, làm hạn chế việc hiểu biết đúng pháp luật. Lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng cũng cần phải huy động và tận dụng tối đa các phương tiện thông tin truyền thông trong phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nhất là giai đoạn đầu khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua.
 
Đặc biệt, cần tranh thủ người đứng đầu các cơ sở tôn giáo, chức sắc nhà tu hành trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho tín đồ. Nhất là vận động để những người này đưa nội dung thực hiện pháp luật vào trong các buổi giảng lễ cho tín đồ, để tín đồ biết, tìm hiểu và thực hiện đúng trong sinh hoạt tôn giáo.
 
Trẻ em người dân tộc thiểu số, trong vùng có đạo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất về mọi mặt để phát triển
Trẻ em người dân tộc thiểu số, trong vùng có đạo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất về mọi mặt để phát triển
 
Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc định hướng đưa tin liên quan đến các sự kiện, vụ việc phức tạp về tôn giáo cũng cần được chú trọng. Các hoạt động tôn giáo trục lợi, lệch chuẩn, phản văn hóa cũng cần phải được quyết liệt ngăn chặn, qua đó đưa tôn giáo hoạt động theo đúng với phương châm thuần túy, nhân văn.
 
Ngoài chuyên môn nghiệp vụ chung của báo chí, cần xây dựng đội ngũ biên tập viên, phóng viên về nghiệp vụ tôn giáo có trình độ, nắm vững kiến thức về tôn giáo và chính sách, pháp luật về tôn giáo, kỹ năng trong nghiệp vụ về tôn giáo, đáp ứng yêu cầu trong việc tiếp cận, phản ánh, tuyên truyền, giải thích pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong giai đoạn mới.
 
Song song với việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong nước cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền đối ngoại với người Việt Nam ở nước ngoài; các tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến tình hình tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam.
 
Điều này vô cùng quan trọng bởi Việt Nam hiện có khoảng hơn 2,5 triệu tín đồ các tôn giáo người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, có những người ra đi từ trước và sau năm 1975, ít có điều kiện về thăm quê hương, cập nhật tình hình tự do, tín ngưỡng trong nước nên không hiểu biết hết được những thay đổi của đất nước, sự thay đổi trong chủ trương, chính sách về tín ngưỡng và tôn giáo.
 
Cộng đồng tín đồ các tôn giáo người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc, là nguồn lực cần thiết đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước nên việc tuyên truyền chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo cho cộng đồng là hết sức cần thiết, do vậy công tác này cần được chú trọng thường xuyên.
 
Các cơ quan chức năng của Việt Nam ở nước ngoài có thể tổ chức, nói chuyện chuyên đề, hội nghị tọa đàm về chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; vận động, phối hợp với các chức sắc và tín đồ có uy tín trong các tôn giáo ra nước ngoài để vận động, tuyên truyền về chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước, về đời sống của người dân và nhất là sự tự do tôn giáo của đồng bào trong cả nước đang diễn ra hiện nay.
 
Có thể khẳng định rằng, thành tựu đạt được trong công tác về tôn giáo trong những năm qua đã minh chứng cho chủ trương, chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam về đảm bảo quyền tự do tôn giáo. Tạo lòng tin của chức sắc, nhà tu hành, tín đồ vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, khơi dậy những đóng góp tích cực của tôn giáo trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước lên một tầm cao mới.
 
LINH ĐAN