Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một loại hình văn hóa đặc sắc của các dân tộc từng sinh sống lâu đời nơi đây và đã được UNESCO công nhận, vinh danh là "Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại"...
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một loại hình văn hóa đặc sắc của các dân tộc từng sinh sống lâu đời nơi đây và đã được UNESCO công nhận, vinh danh là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” (năm 2005). Trải qua quá trình phát triển của lịch sử, các dân tộc trên vùng đất này đã sáng tạo nên những dàn chiêng, bộ chiêng với phong cách diễn tấu độc đáo khác hẳn với nghệ thuật cồng chiêng của các nước khác ở Đông Nam Á, đặc biệt trong đó có chiêng Tha của người Brâu.
|
Các nghệ nhân dân tộc Brâu biểu diễn đánh chiêng Tha tại đêm hội cồng chiêng Kon Tum - những sắc màu văn hóa ngày 16/10/2014. |
Chiêng Tha là một bộ chiêng khá đặc biệt và chỉ có ở người Brâu. Bộ chiêng có “biên chế” ít nhất, chỉ có hai chiếc: chiêng vợ (Chuar) và chiêng chồng (Jơ Liêng), đường kính chiêng từ 45 - 50 cm. Chiêng được đúc bằng một loại hợp kim rất lạ, khi đánh tiếng ngân vang, thánh thót hơn các loại chiêng khác. Đối với người Brâu, chiêng Tha không chỉ là nhạc cụ mà còn là “thần linh” và “tổ tiên của họ”, nên khi diễn tấu bao giờ họ cũng dùng những từ rất trân trọng như: “Gọ Tha pơi” (mời Tha nói) chứ không bao giờ dùng từ “đánh chiêng Tha” như khi sử dụng các nhạc cụ khác. Trước khi “mời Tha nói”, bao giờ người Brâu cũng “mời Tha ăn, mời Tha uống”. Cách diễn tấu chiêng Tha cũng rất đặc biệt, chiêng được treo trên xà nhà hoặc trên giá thả xuống cách mặt đất khoảng 10 cm. Khi diễn tấu, hai nghệ nhân ngồi bệt xuống đất ở hai bên đối diện nhau, chân duỗi thẳng. Một người dùng dùi đực (Tơ Lông Tha) thúc vào mặt trong của chiêng và một người dùng dùi cái (Giơ Ra) gõ vào mặt ngoài của hai chiêng (mỗi bộ chiêng Tha có hai dùi đực, hai dùi cái và có cấu tạo khác biệt nhau). Điều này cho thấy dấu vết của tín ngưỡng phồn thực thời nguyên thủy vẫn còn tồn tại trong văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên. Chiêng Tha thường được sử dụng trong những dịp vui như: đón khách quí tới nhà, mừng lúa mới, nhà rông mới và không bao giờ sử dụng trong tang ma.
Người Brâu còn coi chiêng Tha như một người bạn, một thành viên trong gia đình, nên một khi đã có chiêng Tha họ nâng niu cất giữ rất đặc biệt ở trong nhà, ít khi mang bán, hoặc trao đổi. Khi vì một lý do nào đó phải bán hoặc trao đổi, họ tổ chức lễ cúng tiễn rất long trọng và bịn rịn. Vợ chồng gia chủ đều khóc và nói những lời chia tay rất cảm động. Theo lời kể của chị bạn đồng nghiệp, chị Vũ Thị Mai - Phó Giám đốc Bảo tàng Kon Tum (người trực tiếp tham gia sưu tầm bộ chiêng Tha duy nhất cho Bảo tàng Kon Tum) đã chứng kiến nghi lễ người Brâu tiễn đưa chiêng Tha, tại gia đình ông Thao La, làng Đăk Mế, xã Bờ Y, Ngọc Hồi thì nghi lễ này được tổ chức ngoài gia chủ còn có mặt của thầy cúng, già làng và ông cậu. Lễ vật là một con gà trống và một ghè rượu.
Gà sau khi luộc chín được bày trong một cái mẹt nhỏ cùng với bát tiết sống đặt cạnh ghè rượu. Khi cúng, thầy cúng lấy tiết sống bôi vào lòng 2 chiếc chiêng, chiêng chồng bôi trước, chiêng vợ bôi sau. Tiết gà được thầy cúng dùng tay bôi xoa tròn theo chiều kim đồng hồ trong lòng chiêng, vừa bôi vừa khấn, lời khấn có thể tạm dịch như sau:
"Ớ Tha! Hôm nay mình đổi chỗ ở cho Tha đi ở nhà khác. Vì hoàn cảnh gia đình mình nghèo khổ, vợ con ốm đau, nợ nần nhiều mình mới phải làm như vậy, chứ trong bụng mình không muốn xa Tha... Xin Tha đừng thắc mắc, đừng buồn, đừng trách, đừng giận tự mình. Tha đừng phạt, đừng làm mình ốm đau, xui xẻo...
Từ nay Tha đi đâu phải giữ gìn lấy bản thân, vợ chồng phải luôn ở cùng nhau, bảo vệ lấy nhau, mình không thể đi cùng bảo vệ cho Tha được. Dù đi đâu hồn Tha hãy luôn nhớ, quay về với gia đình nhà mình…Ớ Tha!".
Tiếp đến thầy cúng rót rượu vào lòng chiêng “mời Tha uống”. Sau đó gà được mang vào nhà chặt chia làm 7 phần bày trên mâm, mọi người ngồi vây quanh (gồm người mua chiêng + chủ nhà + thầy cúng + ông cậu + già làng). Thầy cúng tiếp tục khấn 7 lần. Lời khấn lúc này có nội dung tương tự như trên, nhưng khác với khi khấn lần đầu ở ngoài hiên là ông cậu của chủ nhà, già làng cũng cất tiếng đồng thanh khấn cùng thầy cúng, lời khấn có vần có điệu gần như hát đồng thanh. Mỗi lần khấn xong, thầy cúng lại chia thịt cho các thành viên ngồi quanh mâm. Sau khi khấn xong 7 lần thì cũng chia hết 7 phần thịt trong mâm. Đặc biệt cảm động hơn là trong quá trình diễn ra lễ cúng tiễn, người ta thấy vẻ buồn bã hiện rõ trên nét mặt của hai ông bà Thao La. Bà vợ ông Thao La thì lặng lẽ lau nước mắt, đứng sau chái nhà khóc sụt sịt với vẻ buồn thương thực sự như sắp phải chia ly với người thân.
Có thể nói, đối với người Brâu, chiêng Tha không chỉ là một tài sản có giá trị về vật chất và nghệ thuật đơn thuần mà còn là tiếng nói tâm tư tình cảm của con người và là “nơi trú ngụ của thần linh” theo quan niệm “vạn vật hữu linh”, nó mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tại chỗ vùng Tây Nguyên - Việt Nam mà không phải dân tộc nào cũng có được. Cùng với cồng chiêng và “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” nói chung, chiêng Tha của người Brâu nói riêng là tài sản vô giá về văn hóa lẫn âm nhạc. Đây cũng chính là di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam và của nhân loại đã từng được UNESCO công nhận, vinh danh là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”.
ĐOÀN BÍCH NGỌ