Dấu tích Chăm trên đại ngàn Tây Nguyên (Bài 1)

05:07, 16/07/2021

(LĐ online) - Từ nhiều thế kỷ trước, người Chăm miền duyên hải đã có những mối quan hệ gần gũi, sâu sắc với các tộc người thiểu số trên đại ngàn Tây Nguyên. Từ những cuộc gặp gỡ trong quá trình giao lưu hay những uỷ thác trong cơn biến loạn, họ đã chia sẻ cùng nhau và kết nối một không gian văn hóa đặc biệt…     

[links()] (LĐ online) - Từ nhiều thế kỷ trước, người Chăm miền duyên hải đã có những mối quan hệ gần gũi, sâu sắc với các tộc người thiểu số trên đại ngàn Tây Nguyên. Từ những cuộc gặp gỡ trong quá trình giao lưu hay những uỷ thác trong cơn biến loạn, họ đã chia sẻ cùng nhau và kết nối một không gian văn hóa đặc biệt…     
 
Bài 1:  Đi tìm kho báu Chăm Pa
 

Chúng tôi xin dẫn dắt mối quan hệ Chăm - Thượng bằng việc mở đầu với câu chuyện có hay không những kho báu Chăm trên miền Tây Nguyên. Dân gian thường truyền tụng những giai thoại về vàng Hời (một cách gọi khác về người Chăm), về kho báu người Hời. Nhiều người cho rằng, kho tàng đó còn được chôn dấu đâu đó trên các vùng rừng núi. Cũng có người đã dành cả cuộc đời kiếm tìm, đào bới, trước khi tạ thế vẫn mang trong lòng niềm tin kho báu mà vua chúa, quý tộc Chăm thuở xưa để lại là có thật…        

Tượng vũ nữ Chăm phát hiện tại địa bàn Lâm Đồng
Tượng vũ nữ Chăm phát hiện tại địa bàn Lâm Đồng

 

Từ những câu chuyện mơ hồ…

Cuối năm 1988, một người đàn ông mang đến nộp cho cơ quan Công an tỉnh Lâm Đồng một lá đồng mỏng có hình dáng tương tự một chiếc đồng la của đồng bào dân tộc bản địa. Qua thẩm định, các cán bộ của Bảo tàng Lâm Đồng và Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt thời kỳ đó kết luận rằng, lá đồng này có niên đại cách thời điểm mà người đàn ông mang tới nộp khoảng một trăm năm. Có một cứ liệu đáng chú ý là trên bề mặt phải của lá đồng có in nổi mười chữ Hán song song như hình thức hai câu thơ cổ: “Thập ấn gia chiếu tử/ Tương tăng minh thạch tam”. Có thể tạm dịch nghĩa hai dòng chữ nổi này là: “Mười cái ấn gia tộc để lại cho con/ (Để) ở nơi mà nước chảy vào chỗ sáng của ba hòn đá”. Nội dung của những dòng chữ nổi trên lá đồng đã kích thích mạnh đến trí tò mò của nhiều người. Căn cứ vào những gì phân tích, người ta xác định đây là hình thức một bảng gia phả mà trong đó ngầm chỉ sơ đồ về một kho báu. Phải chăng, kho báu này có thực (?!).
 
Khi được hỏi về nguồn gốc của lá đồng, người đàn ông này đã trả lời bằng một câu chuyện khá ly kỳ, mang nhiều yếu tố huyền thoại: Trước đó một thời gian, một thanh niên người dân tộc Cơ Ho ở xã Tà Nung (TP Đà Lạt) vác súng vào rừng khu vực núi Voi săn thú. Suốt ngày anh ta không thấy bất kỳ một con thú nào, về chiều bỗng gặp một con kỳ đà rất lớn, anh ta nổ súng. Dù bị thương rất nặng, con kỳ đà vẫn cố thoát thân về núi Đá Mẹ Đá Con. Theo vết máu, người thanh niên tìm đến nơi kỳ đà chạy trốn. Đến nơi, anh ta thấy một nửa trước thân con kỳ đà lọt vào trong một khe đá hẹp, phần đuôi vẫn ở ngoài. Người thanh niên cầm đuôi con kỳ đà kéo ra. Thật lạ, khi đó con kỳ đà đã chết nhưng trên miệng nó lại ngậm lá đồng có in mười chữ Hán nói trên (?!). Theo lời khai của người nộp lá đồng, ông ta đã mua lại nó từ anh thanh niên Cơ Ho với giá 40 ngàn đồng và một chiếc xe đạp Thống Nhất.
          
Câu chuyện kể ở trên mang một vẻ huyền bí, kỳ lạ, nhưng điều xác thực là lá đồng hiện vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng. Xác thực hơn, vào đầu năm 1989, căn cứ vào nội dung lá đồng và câu chuyện kể trên, tỉnh Lâm Đồng thời đó đã vội vã cho khai quật khu vực núi Đá Mẹ Đá Con, nơi mà họ nghi là chỗ cất dấu kho báu, gia sản của vương triều Chăm Pa để lại. Tham gia khai quật là một lực lượng hùng hậu gồm công an, quân đội, lâm nghiệp và bảo tàng tỉnh. Sau hai tháng ròng rã, đào bới hàng ngàn mét khối đất đá và tốn khá nhiều công của, kết quả cuối cùng là con số không.
          
Cũng trong thời điểm này, tại triền phía nam núi Voi (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), đã diễn ra một cuộc đào bới tương tự. Lý do là có một tù nhân đang bị giam giữ đã đề nghị các cơ quan chức năng thả y ra, y sẽ giao tờ bản đồ về một kho báu tương truyền là của người Chăm, do cha y trao lại. Các cơ quan ở tỉnh đã chấp thuận điều đó. Cuộc khai quật tốn kém đã diễn ra một tháng nhưng cuối cùng cũng không hề thấy dấu vết gì về kho báu…
 
Những câu chuyện kể trên vừa hiện thực lại vừa như huyền thoại. Lòng tham và sự ấu trĩ đã biến mọi chuyện trở thành trò đùa. Thế nhưng, đến bây giờ vẫn còn những câu hỏi đặt ra, rằng có hay không những kho báu bí ẩn mà người ta cho rằng đó là tài sản của một vương triều xa xưa? Có sợi dây liên hệ nào giữa những điều kể trên với những giả thiết kho báu Chăm đang được chôn dấu hoặc gửi gắm ở núi này, rừng khác trên đại ngàn Tây Nguyên khi các dòng tộc vương triều Chăm Pa từng trốn chạy trong cơn nguy biến?
 
Dũng sĩ bắn cung - tượng cổ Chăm phát hiện tại Tây Nguyên
Dũng sĩ bắn cung - tượng cổ Chăm phát hiện tại Tây Nguyên

 

Đến kho tiền cổ có thật

Nếu những câu chuyện ở phần trên thể hiện sự mơ hồ, sự tin tưởng thái quá và cách xử lý vội vã của các cơ quan có trách nhiệm, thì việc phát hiện một số lượng lớn tiền cổ tại buôn Păng Tiêng (Lạc Dương, Lâm Đồng) không mang lại giá trị vật chất nhưng cung cấp cho các nhà nghiên cứu những dữ liệu rất đáng suy nghĩ. Sự phát hiện này đã bổ sung một nguồn chứng cứ tham khảo quan trọng cho việc đặt ra những giả thiết khoa học, minh chứng thêm về mối quan hệ giữa người Chăm với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên từ hàng trăm năm trước.            
         
Buôn Păng Tiêng nằm giữa một thung lũng hẹp, xứ sở của người Cơ Ho này ngày xưa hoàn toàn cách biệt giữa núi rừng, ít có điều kiện giao lưu với thế giới bên ngoài. Thế rồi, có một chuyện hết sức ngạc nhiên, xảy ra từ rất nhiều năm trước. Trong quá trình vào rừng săn bắn, đào củ, thỉnh thoảng cư dân bản địa Păng Tiêng lại phát hiện ra những chỗ cất dấu tiền cổ bằng đồng, với số lượng lớn, nhiều hiệu tiền khác nhau thuộc niên đại khác nhau. Thông tin này đã gây sự ngạc nhiên và quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là giới sử học. Cách đây mấy năm, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Đà Lạt do PGS.TS Cao Thế Trình (ông mất năm 2020) dẫn đầu, đã tiến hành một cuộc khảo sát khá kỹ lưỡng. Qua điều tra hồi cố, nhóm của ông Trình đã nắm được, cách thời điểm khảo sát khoảng 9 - 10 năm, người dân bản địa đã tình cờ phát hiện được tiền cổ tại 4 - 5 địa điểm khác nhau trên địa bàn buôn Păng Tiêng. Có điểm nằm ở bìa ruộng, có điểm nằm trong thung lũng hẹp bìa rừng, lại có điểm nằm sâu giữa đại ngàn, muốn tìm đến phải vượt qua năm sáu cây số đường rừng, dốc núi quanh co, hiểm trở. Số tiền mà người bản địa tìm thấy khoảng trên dưới 5 tạ, với 1.314 đồng tiền cổ, thuộc 57 hiệu tiền, hoàn toàn được đúc bằng nguyên liệu đồng. 
 
Theo lời một số cư dân Cơ Ho có tuổi đời trên dưới ngũ tuần, từ hồi còn bé, họ từng nhặt được khá nhiều tiền cổ, chủ yếu là do lợn rừng ủi lên lộ thiên trên mặt đất. Trai gái ở buôn thường lấy tiền cổ xâu thành những chuỗi dây để làm vòng cổ. Những người Cơ Ho còn kể những câu chuyện ly kỳ, nào là đồng tiền “biết đẻ” (do nhặt mãi mà vẫn còn); nào là có người đào được tiền đã “bị ma xô ngã ngất lịm”, thậm chí “bị quật chết”; rồi họ còn nói cả chuyện là trước cửa hang chôn tiền có con rắn cạp nong to bằng bắp chân, hễ ai đến gần nó “thẹt phì phì”!       
 
Binh khí và đồ thờ ở đền Karyo
Binh khí và đồ thờ ở đền Karyo
 
Ai là chủ nhân của kho tiền cổ? 
 
Truy lại tư liệu, thực ra, từ năm 1929 - 1930, nhà khảo cổ học người Pháp M.Ner của Viện Viễn Đông bác cổ đã từng đến Păng Tiêng và bắt gặp những người dân nơi đây đang lưu giữ rất nhiều tiền cổ. Ông M.Ner đã xin ngẫu nhiên 10 đồng và nhờ một chuyên gia về tiền cổ là linh mục Max de Pirey xác minh hộ. Nhà khảo cổ M.Ner sau đó đã viết một bài kể về phát hiện này và đăng trên Tạp chí của Viện Viễn Đông bác cổ từ năm 1930. Tất nhiên, công bố của M.Ner cũng bị khuất lấp dần theo năm tháng và câu chuyện về những đồng tiền cổ Păng Tiêng cũng chìm sâu vào đại ngàn. Cho đến khi các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Đà Lạt tiếp tục khảo sát thì những giả thiết khoa học lại tiếp tục được xới lên. 
 
Đã có nhiều câu hỏi đặt ra, xoay quanh nghi vấn: Tại sao số tiền lớn với những hiệu tiền của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản thuộc nhiều niên đại lại được chôn dấu ở một nơi cách biệt giữa đại ngàn từ hàng trăm năm trước? Nên nhớ rằng, tận 1893, người Pháp mới phát hiện ra vùng đất này và những người Kinh đầu tiên cũng mới có mặt sau thời điểm đó. Ở buôn làng này và cả vùng Tây Nguyên ngày xưa, người ta chưa sử dụng tiền trong các giao dịch mà chỉ lấy “vật ngang giá” làm cơ sở trao đổi hàng hóa. Bởi vậy, căn cứ vào lịch sử khu vực và thái độ thờ ơ của những người Cơ Ho địa phương với số tiền cổ, thì chứng tỏ kho tàng này không thuộc về tổ tiên của cư dân vùng này. Vậy ai là chủ nhân thực sự của kho tiền cổ Păng Tiêng? Một số người già và có hiểu biết trong cộng đồng Cơ Ho ở đây cho rằng, số tiền này là tài sản của người Chăm và rất có thể đây là một nhận định hợp lý.
   
Trở lại lịch sử, theo bộ chính sử Đại Nam thực lục của triều Nguyễn, vào năm 1693, sau cuộc phản kháng bất thành của Bà Tranh - vua Chăm, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã sát nhập vùng đất còn lại của Chăm Pa vào lãnh thổ cai quản của mình với tư cách là một trấn mang tên Thuận Thành (Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay). Sự kiện này đã chấm dứt sự tồn tại của một vương quốc đã trải qua 15 thế kỷ. Tuy vậy, suốt một thời gian dài về sau, một bộ phận vương công, quý tộc Chăm không chịu khuất phục chúa Nguyễn, thi thoảng họ vẫn tổ chức các cuộc tập kích vào các phủ, thành do quan quân nhà Nguyễn trấn giữ. Sử triều Nguyễn còn chép lại các cuộc “nổi loạn” của các thủ lĩnh Chăm Pa như Ốc Nha Thát (1693), Dương Ma Lai và Điệp Mã Làng (năm 1746) và năm lần “cướp bóc” và “lấn quấy” của các thủ lĩnh Ba Phủ và Toàn Phù vào các năm 1796 - 1797. Tuy đều bị đánh dẹp, song hẳn trong những cuộc tấn công đó, họ đã thu được khá nhiều “chiến lợi phẩm”; trong đó, có các loại tiền. Theo nhiều sử liệu, để tránh sự truy nã của quan quân chúa Nguyễn, nhiều thủ lĩnh Chăm đã mang theo gia quyến, thuộc hạ và tiền của chạy lên sống nương nhờ cư dân thiểu số Tây Nguyên trước khi tìm đường qua các quốc gia lân cận tị nạn. Vùng đất Păng Tiêng của người Cơ Ho giữa đại ngàn Tây Nguyên có thể là một trong những điểm dừng chân của họ trên đường lánh nạn trong cơn nguy biến. Giả thiết là trước lộ trình sang miền đất mới, họ đã chôn dấu số tiền thu được tại đây, chờ một ngày bình yên quay trở về lấy lại, vì họ cũng biết ở vùng đất họ dự định tới không sử dụng các loại tiền này. Thế nhưng, bởi nhiều lý do lịch sử, những vương tôn, quý tộc Chăm đã không còn đường quay trở về, và bởi vậy, kho tiền cổ Păng Tiêng mãi mãi ở lại với những bìa rừng, khe núi, hang sâu nơi này cho đến một ngày những cư dân Cơ Ho vô tình phát hiện ra…  
 
Bài 2: Ủy thác lịch sử
 
UÔNG THÁI BIỂU