Hướng tới kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021)_kỳ 4

06:07, 29/07/2021

Hướng tới kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021)_kỳ 4

[links()]
 
4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người có công lao to lớn góp phần vào việc hình thành và phát triển học thuyết quân sự - đường lối chiến tranh Nhân dân độc đáo của Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
 
Không chỉ là một thiên tài quân sự, trực tiếp tổ chức, kiến tạo những trận đánh lớn, đánh bại những danh tướng hàng đầu của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có công lao đóng góp to lớn trong việc hình thành, phát triển học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh Nhân dân, lấy chính nghĩa thắng bạo tàn. Học thuyết kế thừa và phát huy những bài học giá trị lịch sử của cha ông chống giặc ngoại xâm trong thời đại mới.
 
Không chỉ kiên định và quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã tiến hành đường lối chiến tranh Nhân dân hết sức độc đáo, sáng tạo, sinh động và đầy hiệu quả. Đồng chí hết sức coi trọng việc xây dựng tổ chức đảng “trong sạch, vững mạnh” trong các lực lượng vũ trang, đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu, chiến thuật quân sự, khả năng tác chiến; giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
 
Đại tướng kết hợp rất chặt chẽ, khéo léo đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, ngoại giao, tư tưởng, văn hóa; quốc phòng với kinh tế, an ninh, để đạt được kết quả toàn diện trên cả hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc.
 
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, đứng đầu là Lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh, cùng với Quân đội và Nhân dân Anh hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điều hành cuộc chiến tranh toàn dân thần kỳ của dân tộc Việt Nam đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự. Đường lối ưu việt của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ đã đánh bại và làm phá sản hoàn toàn đường lối chiến lược tốc chiến, tốc thắng và các chiến lược khác của những đế quốc hùng mạnh nhất (Pháp và Mỹ) ở thế kỷ XX. Đây là sự kiện có một không hai trong lịch sử quân sự thế giới.
 
5. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà văn hóa lớn, có những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực giáo dục, báo chí, ngoại giao, lịch sử... và phong trào cách mạng thế giới
 
Không chỉ tỏa sáng rực rỡ trong lĩnh vực quân sự, Đại tướng còn là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Đại tướng đã dành nhiều tâm sức cho việc viết hồi ký và lịch sử. Những tác phẩm của Đại tướng, như: “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, “Tổng Hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”... đã giúp người đọc cả trong và ngoài nước càng hiểu sâu hơn về bản sắc, truyền thống văn hóa, nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam, càng thêm yêu mến, khâm phục đất nước và con người Việt Nam.
 
Khi là giáo viên dạy môn Lịch sử tại trường tư thục Thăng Long, Hà Nội (5/1939), thầy giáo Võ Nguyên Giáp đã mang bầu nhiệt huyết cách mạng của mình để cùng với đồng nghiệp truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước thương dân, khơi dậy lòng nhiệt tình và lối sống có trách nhiệm với bản thân, với quê hương, với dân tộc.
 
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều đóng góp cho việc phát triển khoa học - kỹ thuật của đất nước.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà báo chính luận sắc sảo từ khi còn rất trẻ. Bài báo đầu tiên của đồng chí bằng tiếng Pháp được gửi đăng trên tờ báo L’Annam ngày 24/3/1927 do Luật sư Phan Văn Trường ở Sài Gòn làm chủ nhiệm với tựa đề “Đả đảo tên tiểu bạo chúa ở trường Quốc học!” đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người làm báo lúc bấy giờ. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936 - 1939, đồng chí thành lập báo “Hồn trẻ”; cùng một số đồng chí sáng lập và làm biên tập viên cho các tờ báo công khai hồi đó, như: “Tiếng dân”, “Tiếng nói của chúng ta”, “Lao động”, “Tiến lên”, “Tập hợp”; cùng đồng chí Trường Chinh biên soạn tác phẩm “Vấn đề dân cày”, có giá trị lớn cho công tác chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta lúc bấy giờ. Tại Đại hội báo giới Bắc Kỳ lần thứ nhất họp ngày 24/4/1937, đồng chí được bầu là Chủ tịch Báo giới Bắc Kỳ. 
 
Trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà tổng kết lịch sử hàng đầu của nền sử học đương đại Việt Nam. Từ các bài tổng kết chiến tranh đến những công trình lý luận về quân sự, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về hai cuộc kháng chiến và đặc biệt là bộ Tổng tập hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều là những công trình khoa học về những sự kiện lịch sử quan trọng nhất của nửa sau thế kỷ XX.
 
Trên lĩnh vực ngoại giao, đồng chí cũng có những đóng góp rất quan trọng. Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) non trẻ đứng trước những khó khăn bộn bề, vận mệnh dân tộc được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”, đồng chí Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (bao gồm Nội chính và Công an) được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho nhiều nhiệm vụ đối ngoại đặc biệt, như: tiếp xúc với Phái bộ Mỹ mới sang Việt Nam cùng những người Pháp trong máy bay, hay cuộc “chạm trán” với J. Xanh-tơ-ny tại phòng lớn của Phủ Toàn quyền, chuẩn bị tiến tới Hiệp định ngày 6/3/1946, cũng như gặp gỡ tướng Lơ-cléc sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, hay cuộc đấu trí và đấu lý ở Hội nghị Đà Lạt... Những cuộc gặp gỡ đó, Đồng chí đã không bỏ bất kỳ cơ hội đàm phán nào để đi đến hòa bình nhằm thực hiện mục tiêu cao cả: độc lập và thống nhất đất nước.
 
Với phong trào cách mạng thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những đóng góp rất quan trọng, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, chống áp bức, bóc lột, bất công ở các nước thuộc địa châu Á, châu Phi, châu Mỹ la tinh. Điều này đã được các nhân vật, lực lượng chính trị và xã hội ở nhiều nước các châu lục thừa nhận.
 
(CÒN NỮA)
 
TS (Theo Ban Tuyên giáo Trung ương - Tổng cục Chính trị Việt Nam)