Di tích Cát Tiên - chuyện bây giờ mới kể (kỳ II)

04:08, 05/08/2021

(LĐ online) - Sau chuyến khảo sát lại khu di tích sau hai năm tạm ngưng khai quật (từ 1994 đến 1996), phó giáo sư Hoàng Xuân Chinh và đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam quyết định chọn điểm di tích Gò IA tại khu vực xã Quảng Ngãi (Cát Tiên) để tiến hành khai quật chính trong đợt 2 (năm 1996)…

 

[links()]
 
Kỳ II: Bí ẩn “kho thiêng” và bộ ngẫu tượng “kỷ lục”
 
(LĐ online) - Sau chuyến khảo sát lại khu di tích sau hai năm tạm ngưng khai quật (từ 1994 đến 1996), phó giáo sư Hoàng Xuân Chinh và đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam quyết định chọn điểm di tích Gò IA tại khu vực xã Quảng Ngãi (Cát Tiên) để tiến hành khai quật chính trong đợt 2 (năm 1996)…
 
Cảnh khai quật tại Gò IA trên đỉnh đồi Khỉ. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
Cảnh khai quật tại Gò IA trên đỉnh đồi Khỉ. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
 
Gò IA tọa lạc trên đỉnh đồi Khỉ cao gần 50m. Đồi này có dáng tròn cao, thu dần lên đỉnh nên rất dốc, toàn đồi phủ kín, ken dày bởi nứa và lồ ô xen lẫn một số cây rừng khác như khộp, gáo...nên đường lên khá hiểm trở. Cái tên “đồi Khỉ” là do dân di cư đến khai hoang thung lũng này đặt cho khi thấy nơi đây khỉ thường tụ tập thành bầy đàn đông đúc để xuống sông Đồng Nai nô đùa, tắm táp. 
 
Mặc dù công việc chuẩn bị phải lo từ chiều hôm trước, nhưng hôm đó cả đoàn phải dậy từ sáng sớm, lục tục ăn uống vội vã rồi đi ra đồi. Bà con nhân công còn tích cực hơn cả chúng tôi, họ đến tập họp đông đủ dưới chân đồi từ lúc nào, đang chờ vì chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Đúng vậy, muốn lên đỉnh với địa hình hiểm trở, lại dốc như vậy không phải dễ, nhất là phải tính toán tới việc di chuyển người và vật dụng, phương tiện kèm theo trong quá trình khai quật sao cho thuận tiện. Thế là các nam nhi khỏe mạnh của Bảo tàng Lâm Đồng và Viện Khảo cổ học Việt Nam lại được chuyến “du lịch mạo hiểm” vạch lá, đu cây khảo sát chỉ vẽ cho nhân công phát dọn mở đường. Công việc khá nguy hiểm và vất vả, phải mất gần cả ngày trời cho việc dọn và làm đường với gần 20 nhân công, chưa kể đến chục cán bộ của hai đơn vị. Cuối cùng một con đường được mở với gần 200 bậc do phải lượn cong nhẹ để tránh bớt độ dốc.
 
Đỉnh đồi Khỉ (Gò IA) khá bằng phẳng, sau khi phát dọn đã cho xuất lộ dấu vết của một phế tích kiến trúc tháp đã bị vùi lấp dưới lòng đất thành một gò lớn có chu vi gần 200 m, cao gần 4 m. Có thể nói phế tích này được xây ở vị trí cao nhất, đẹp nhất. Đứng ở đây có thể bao quát hết toàn bộ các đền tháp trong thung lũng và cả một vùng đất rộng lớn bao la, lại có cửa chính mở ra hướng Đông (hướng của thần linh), xuôi xuống phía dưới có bến nước nằm bên tả ngạn dòng sông Đạ Đờng (Đồng Nai) và bên kia bờ là rừng Cấm - Vườn quốc gia Cát Tiên. Nó hoàn toàn đáp ứng được những qui chuẩn khắt khe của giáo luật qui định theo Ấn Độ giáo khi xây dựng kiến trúc đền tháp - “ngôi nhà của thần linh”. Xứng đáng là nơi ngự của đền chính thờ “thần chủ” với vai trò trấn giữ, bảo vệ cho toàn khu Thánh địa và cả vùng đất rộng lớn xung quanh… 
 
Hiện vật bằng vàng xuất lộ trong kho thiêng dưới đáy trụ thiêng. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
Hiện vật bằng vàng xuất lộ trong kho thiêng dưới đáy trụ thiêng. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
 
Công việc tại hiện trường khai quật Gò IA diễn ra cũng khá thuận lợi. Ở Cát Tiên thời điểm này đang là mùa khô, để tránh bớt cái nắng nóng hầm hập nơi thung lũng, đoàn đã chủ động cho tiến hành công việc sớm hơn thường lệ, 6h sáng tất cả đã có mặt tại hiện trường. Từ nơi ở đến đồi Khỉ chỉ chừng 700 đến 800m nhưng để leo gần 200 bậc cấp lên tới đỉnh đồi cũng mất gần nửa tiếng vì còn phải mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc để tác nghiệp. Công việc khai quật khảo cổ đòi hỏi phải thực hiện cẩn trọng, tỉ mỉ chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ làm ảnh hưởng tới di tích, gây hậu quả đáng tiếc cho công tác bảo tồn và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, đoàn phải phân công cụ thể mỗi người theo dõi một góc để kịp hướng dẫn nhân công dừng lại để kịp thời xử lý khi xuất lộ hiện vật hoặc góc kiến trúc. Đến ngày thứ 15, thì từ vị trí đỉnh gò hướng xuống lòng tháp 0,7m bắt đầu xuất lộ phần đầu tròn đen bóng của 1 Linga bằng đá xám, mọi người reo lên mừng rỡ và cẩn thận dừng lại. Lúc này các cán bộ khảo cổ bắt đầu dùng bay gạt đất làm lộ dần tượng Linga bằng đá xám có phần đầu nhẵn bóng dài 2,1m; toàn thân được chia làm 3 phần phía dưới cùng là tứ giác, tiếp đến là bát giác và trên cùng là dạng khối tròn. Sau đó tiếp tục đào xuống độ sâu 1,2m lại xuất lộ 1 Yoni bị vỡ làm 3 mảnh. Yony có kích thước mỗi cạnh: 2,25m x 2,25m, chưa kể phần vòi.
 
Đây chính là bộ Linga -Yony có kích thước lớn nhất phát hiện được tại khu di tích Cát Tiên. Bộ ngẫu tượng nặng gần 4 tấn (sau này được xác nhận là bộ Linga -Yony lớn nhất Đông Nam Á và được đưa vào sách ghi-nét Việt Nam). 
 
Để tiếp tục đi sâu xuống lòng tháp, tiến sĩ Lê Đình Phụng và tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, anh Cường cán bộ của Viện Khảo cổ Việt Nam và các cán bộ chuyên môn Bảo tàng Lâm Đồng có mặt lúc đó phải xúm vào bàn bạc và huy động thêm mười mấy nhân công dùng đòn bẫy kết hợp với dây chão kéo trượt trên con lăn (là những khúc gỗ tròn khai thác tại chỗ), cũng phải mất tiếng đồng hồ mới chuyển an toàn bộ ngẫu tượng xuống để tạm cạnh chân gò tháp.
 
Một phần của bộ Liga -yoni đã xuất lộ dần trong lòng tháp IA, khi khai quật. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
Một phần của bộ Linga - yoni đã xuất lộ dần trong lòng tháp IA, khi khai quật. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
 
Từ khi phát hiện được bộ ngẫu tượng Linga -Yoni, không khí trên công trường sôi động, phấn chấn hẳn lên, mặc dù cái nắng, nóng hầm hập như táp vào mặt, lưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Vui nhất là những lúc giải lao, mấy bác nhân công người Quảng tới sờ mó, ngắm nghía rồi bàn tán xôn xao. Người thì bảo giống cái cối xay bột (vì Yoni trông giống phần yếm ngoài có rãnh và vòi như cối xay bột); người thì bảo không, thấy không thông lại tìm đến “phỏng vấn” các vị giáo sư, tiến sĩ khảo cổ với những câu hỏi cắc cớ rằng đền thờ ở đây thờ tượng chi mà kỳ lạ vậy, chẳng giống ta. Khi được giải thích hiểu ra thì nháy nhau cười và gật gù bái phục: “Sao các cụ nhà ta ngày xưa hoành tráng thế không biết, con cháu bây giờ nhìn thấy cũng phải tự ti”…
 
Qua câu chuyện hóng hớt được từ các nhà khảo cổ, thì tôi và mọi người mới biết thêm rằng các đền tại di tích Cát Tiên hầu hết đều thờ thần Shiva, vị thần tối cao, chúa tể đứng đầu trong 3 vị thần quyền lực của Ấn Độ giáo đó là Braha, Visnu và Shiva. 
 
Linga - Yoni được chọn làm biểu tượng cho thần Shiva thể hiện 2 mặt âm và dương của Shiva (dương là Linga, âm là Yoni), xuất phát từ một câu chuyện cổ Ấn Độ. Chuyện kể rằng, khi các bậc thánh tiên tri (Rishis) họp bàn nhằm tìm ra một vị thần tối cao để thờ phụng và cúng bái ở nơi trang trọng nhất và đã có 3 vị thần được chọn đó là Brahama, Visnu, Shiva. Nhà thông thái Brighu là người giỏi nhất được chọn ủy quyền đi điều tra tư cách của ba vị thần nói trên và ông đã đến tìm Shiva trước. Khi tới núi Kaialash nơi ngự trị của thần Shiva thì con bò Nađin (vật cưỡi của thần Shiva) bước ra cản đường, nó khịt khịt mũi và nói: “Ngài không thể gặp chủ của tôi vì bây giờ chủ tôi và bà ấy đang say đắm trong tình ái. Những lúc thế này không ai được phép quấy phá chủ tôi, xin ngài hãy đợi!” Brighu giận dữ bỏ về mà không quên ban một lời nguyền độc ác: “Hỡi Shiva! Nhà ngươi đã bị chôn đắm vào trong bóng tối của những ham hố xác thịt rồi, vì đam mê nữ sắc mà ngươi đã tỏ ra bất kính với ta, người được các Rishis ủy quyền tới thăm ngươi. Đã vậy ta nguyền rủa ngươi: Từ nay nhà ngươi chỉ được thờ phụng dưới dạng 2 cái ấy tức là Linga của đàn ông và Yoni của phụ nữ”.
 
TS. Lê Đình Phụng và Nguyễn Tiến Đông đang chỉ đạo khai quật trong lòng tháp Gò IA. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
TS. Lê Đình Phụng và Nguyễn Tiến Đông đang chỉ đạo khai quật trong lòng tháp Gò IA. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
 
Sau đó trong cuộc thi tài giữa 3 vị thần thì thần Shiva là người giành được phần thắng đứng vị trí thứ nhất nên được chọn tôn thờ. Về sau để tránh sự bài xích giữa các giáo phái người ta thờ các vị thần dưới dạng cùng một biểu tượng chung gọi là “tam vị nhất thể”. Trên Linga “tam vị nhất thể” thì phần tròn trên cùng là thần Shiva, phần giữa hiện hình khối lục giác (cũng có cái là bát giác giác) là thần Vishnu và phần cuối thể hiện khối tứ giác là thần Brahama.
 
Sau khi di dời bộ ngẫu tượng Linga-Yoni ra khỏi lòng tháp, mọi người tiếp tục lần theo cột “trụ thiêng” ở trung tâm chính điện xuống độ sâu gần 2,3m thì tìm thấy “hộp thiêng” hay còn được gọi là “kho thiêng” nơi đặt các vật yểm và hình ảnh các vị thần được thờ cùng các linh vật mà người xây tháp và các tín đồ dâng cúng. Hôm đó, sau khi phát hiện “hộp thiêng”, đoàn đã cho dừng lại và báo cho chính quyền địa phương, công an, văn hóa huyện đến chứng kiến làm thủ tục lập biên bản trước khi khui theo qui định về an ninh hiện vật. Lúc này hộp thiêng dưới đáy tháp mới được 2 cán bộ khảo cổ là Nguyễn Tiến Đông và Lê Đình Phụng mở ra một cách thận trọng, vừa bóc dỡ hiện vật vừa ghi chép, ghi hình ảnh. Hiện vật được dỡ lên tới đâu thì giao cán bộ bảo tàng tiếp nhận đóng gói cất tạm vào két sắt mang về xử lý.
 
Hộp thiêng có kích thước 0,4m x 0,4m, cao 0,25m, bên trong có chứa khối cát vàng đã rửa sạch, các vật linh được sắp đặt một cách có chủ ý: Chính giữa là một hộp bạc có dạng hình khum mai rùa, trong đó đựng 1 Linga bằng đồng bịt bạc; xung quanh là những mảnh vàng dát mỏng tạc hình trang trí văn tự; bốn góc là 4 Linga bằng vàng, đan xen là các mảnh vàng khắc miết, dập nổi các thần linh, vật linh và đồ trang sức nhẫn, đá màu…Tổng số hiện vật thu được trong hộp thiêng của tháp gồm 166 mảnh vàng, trong đó có 25 mảnh trang trí các vị thần, thiên tiên, vũ nữ theo đề tài tôn giáo Ấn Độ, 37 mảnh khắc văn tự dạng chữ Phạn cổ. Ngoài ra còn có 11 mảng đá quí và bán quí.
 
Việc phát hiện được bộ Linga-Yoni “cực khủng” cùng với một “kho thiêng” chứa đựng một lượng lớn báu vật văn hóa đầy bí ẩn trong lòng tháp IA đã gây chấn động lớn trong giới nghiên cứu sử học, khảo cổ và các bảo tàng, mọi người bắt đầu chú ý nhiều tới Cát Tiên. Nhiều đoàn cán bộ nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành như giáo sư Trần Quốc Vượng, giáo sư Hà Văn Tấn cũng sớm có mặt tại hiện trường để nghiên cứu. Chưa bao giờ trên công trường khai quật ở Cát Tiên vui và nhộn nhịp như những ngày sau đó. Nghe được tin vui, đã có nhiều đồng nghiệp bảo tàng ở nhiều vùng trong nước đã đến thăm Di tích Cát Tiên. Chúng tôi lại được dịp hàn huyên, chia sẻ bên chóe rượu cần Tây Nguyên của đồng bào Mạ ở buôn Go và món quà đặc sản quê hương của bạn bè từ các miền mang tới. Ai ai cũng chúc mừng thành công của đoàn khảo cổ và vui đùa ghen tị với chúng tôi là được sở hữu bộ Linga-Yoni “đồ sộ” nhất Đông Nam Á...
 
(Còn tiếp)
 
Kỳ III: Cuộc khai quật “chữa cháy” và trận lũ lịch sử
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ