Ngự chế thi trích yếu, một tác phẩm quan trọng của vua Minh Mạng vẫn còn được bảo quản tại Ðà Lạt

12:01, 06/01/2022
Ngự chế thi trích yếu, đây là tác phẩm do vua Minh Mạng sáng tác, toàn bộ ván in và bản in đã và đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, thành phố Đà Lạt. Có thể nói, trong di sản đồ sộ của mộc bản triều Nguyễn, số lượng các tác phẩm của vua Minh Mạng chiếm số lượng lớn. Có thể kể đến bộ Ngự chế thi tập, Ngự chế văn, Ngự chế thiên cơ dự triệu thi, Ngự chế thi trích yếu, Ngự chế lưỡng kì nghịch phỉ phương lược...
 
Tác phẩm Ngự chế thi trích yếu do vua Minh Mạng sáng tác đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. Ảnh Internet
Tác phẩm Ngự chế thi trích yếu do vua Minh Mạng sáng tác đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. Ảnh Internet
 
Ngự chế thi trích yếu 御 製 詩 摘 要, ký hiệu H89, sách gồm 2 quyển, tổng cộng chỉ còn lại 63 tờ, khổ in 19 x 27,2 cm. Trong đó, quyển 1 còn 23 tờ, quyển 2 còn 40 tờ.
 
Tác phẩm này tuyển chọn các bài thơ nằm trong Ngự chế thi sơ tập từ quyển 1 đến quyển 10, còn 196 bài thơ. Bài thơ đầu tiên trong Ngự chế thi trích yếu là 泛舟玩月 Phiếm chu ngoạn nguyệt (Thả thuyền ngắm trăng); 將屆除夕猶閱摺批發 Tương giới trừ tịch do duyệt tập phê phát (Gần đến đêm 30 vẫn còn độc duyệt phê bản tấu chương); 天申殿自訓 Thiên Thân điện tự huấn (Ở điện Thiên Thân tự răn mình)...
 
Trong tác phẩm này, nhà vua đã lựa chọn nhiều bài thơ được cho là quan trọng như những bài Độc sử thập vịnh - Nhân đọc sử mà làm 10 bài thơ vịnh sử. Vua Minh Mạng đã viết: Ở nhà Thư Trai (nhà đọc sách) khi việc nước rảnh rỗi, vì lí do lựa chọn lẽ trị nước xưa nay, có ý răn dạy khuyên bảo lẽ được mất, nhận buông, dám đâu sánh với bút pháp của Khổng Tử, cũng nghĩ đến sử sách của Tư Mã Thiên. Thơ làm ra không cần tìm sự kì công gọt rũa, nhưng lại tìm lẽ bình phẩm. Nay đang mưu xử lí công việc đều có thể đối chứng, cũng có thể soi xét răn dạy cho người. Chẳng phải là ngụ ý khen chê, chỉ là răn bảo lẽ được mất...
 
Hay như nhà vua đã viết về con sông Hương, ca ngợi tính cách và vị trí vai trò của dòng sông đối với việc bảo vệ cho mảnh đất Kinh kì.
 
Nguồn nước đã trong sạch sông lại chảy dài, Không chỉ có tiếng là nước sông có mùi thơm. Nước sông ngọt hợp mọi người uống, Tính tình con sông chảy thong thả không cần đê phòng. Chảy quanh co qua miền đất lành, Uốn khúc bảo vệ xứ Thần Kinh. Đất Thuận Hóa sông kì thủy tú, Để lại kế sách thái bình tốt đẹp mãi mãi.
 
Nông nghiệp cũng là vấn đề quan trọng với vấn đề sống còn của đất nước. Đất nước lấy nền nông nghiệp làm đầu, xem trọng nông nghiệp là vấn đề quốc sách “dĩ nông vi bản”. Đặc biệt là khi mà cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc tưới tiêu thủy lợi còn rất thô sơ thời bấy giờ. Do đó, việc điều hòa nguồn nước phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, cụ thể đó là nguồn nước mưa để cung cấp cho sinh hoạt cũng như phục vụ nông nghiệp của Nhân dân.
 
Hiểu rõ vấn đề này hơn ai hết, Hoàng đế Minh Mạng đã đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, đến sự mưa, nắng của thời tiết. Vì vậy, khi nắng hạn thì vua đăng đàn hoặc sai các Bộ Đường quan, Thái tử đăng đàn cầu mưa, cầu tạnh, cũng có khi đích thân vua phải làm việc này. Khi mưa nhiều gây cảnh lụt lội thiên tai mất mùa thì vua lại kì tình (cầu tạnh). Cũng liên quan đến nông nghiệp trong vấn đề trọng nông, trong thời gian trị vì của mình (1820-1840), vua Minh Mệnh đã cho khắc nhiều những cây cối, các loại thóc, các loại cây trồng trên cửu đỉnh, hay ở trên lăng của mình vua cũng cho khắc hàng trăm bài thơ liên quan đến cây lúa... Vì vậy, trong tập thơ này nhà vua đã làm nhiều bài thơ về mưa như: Vũ (ngũ nguyệt thập bát nhật); Vũ (thập nguyệt nhị thập nhật), Phục vũ đắc cú (chính nguyệt nhị thập thất nhật), Hỉ vũ (tam nguyệt nhị thập nhị dạ), Ngự viên dạ vũ...
 
Chính vì tập thơ này có nhiều bài theo quan điểm của nhà vua là quan trọng, do đó tập thơ cần được giới thiệu và nghiên cứu, nhằm phát huy giá trị của nguồn tư liệu lưu trữ. Hơn nữa, đây là di sản tư liệu thế giới, lại là tài liệu độc bản, quý hiếm, mang nhiều giá trị văn hiến và tư tưởng của vị vua được ví như là Lê Thánh Tông của triều Nguyễn.
 
NGUYỄN HUY KHUYẾN