Trí thức và cách mạng

06:02, 23/02/2022
Xưa, Tế tửu Quốc tử giám - Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã khắc vào bia đá Văn Miếu câu nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia...”. Vâng, nếu quốc gia đó thiếu hiền tài, đó là nỗi bất hạnh lớn. 
 
Hàng đầu từ phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS Trần Hữu Tước, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Tư liệu
Hàng đầu từ phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS Trần Hữu Tước, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Tư liệu
 
Chính vì vậy những bậc minh quân thường có nhiều cách chiêu hiền đãi sĩ. Vua Quang Trung lẫy lừng trên mình ngựa, bách chiến bách thắng, kiêu hãnh là vậy mà cũng phải nhún nhường đến vô cùng để tìm mọi cách kéo La Sơn Phu Tử về với mình và ông đã thành công.
 
Cầu hiền, chiêu hiền, nhiều vị minh quân đã làm nhưng đâu phải thời đại nào cũng có người hiền, người tài giỏi. Cách mạng của chúng ta, may mắn thay có nhiều người trí thức hết lòng với đất nước. Sau Cách mạng tháng Tám, có thể nói hầu hết các trí thức lớn đều đến với cách mạng, không chỉ tự giác mà còn với nhiệt huyết của những người mang trong mình nguyên khí quốc gia. Những bậc trí thức tên tuổi thời bấy giờ như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn, GS Lê Văn Thiêm, GS Nguyễn Văn Huyên, GS- nhà triết học Trần Đức Thảo, GS Tạ Quang Bửu, GS Nguyễn Mạnh Tường, GS- bác sĩ Hồ Đắc Di, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, GS- bác sĩ Tôn Thất Tùng, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện...
 
Cách mạng đã có một chỗ dựa vững chắc, dựa vào “nguyên khí quốc gia” để làm hai cuộc thánh chiến chống thực dân Pháp và Mỹ. Có rất nhiều trí thức tiêu biểu đến và làm cách mạng. Hãy nhớ đến bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một con người trí thức dấn thân, trước khi Cách mạng tháng Tám nổ ra đã lãnh đạo tổ chức Thanh Niên Tiền Phong ở miền Nam, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về bệnh lao, người Việt Nam duy nhất là hội viên Hội Nghiên cứu về lao của Pháp, thành viên chính phủ đầu tiên của cụ Hồ sau Cách mạng, một con người hết lòng vì nước, vì dân. Ở cái tuổi không còn trẻ, ông vẫn vào Nam chiến đấu. Ông mất đột ngột năm 1969 để lại trong lòng bạn bè, quốc dân niềm tiếc thương vô hạn. Chính nhà triết gia Jean Pall Sarte đã gửi lời chia buồn. Hãy nghe nhà toán học Pháp Laurent Schwartz (Huy chương Fields) nói khi được tin bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mất: “Thật là một bậc thầy thuốc vĩ đại, một nhà chính trị lớn, một con người giàu lòng nhân ái”. 
 
Hay nhà triết học Trần Đức Thảo, một con người kiệt xuất, hết sức nhiệt tình với chủ nghĩa Mác, những đóng góp của ông với triết học thế giới là rất lớn, một nhà triết học duy nhất của Việt Nam, cho đến lúc này. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, và Pháp trở lại xâm lược Đông Dương, khi báo giới hỏi về thái độ của ông, ông tuyên bố: “Nổ súng!”. Và ông tìm cách trở về Việt Bắc theo cách mạng, bỏ lại sau lưng thủ đô triết học Paris với tương lai sáng lạn ở phía trước, để được cầm súng và “nổ súng”, để trở thành một người cách mạng thực hành. Có thể cuộc đời cách mạng của ông không viên mãn nhưng hành trình của ông đến với cách mạng là một hành trình của một trái tim lớn, khối óc lớn. Và dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, nhà triết học Trần Đức Thảo đều không ngừng sáng tạo, để hôm nay chúng ta có những tác phẩm có thể tự hào với thế giới triết học. 
 
Nguyễn Mạnh Tường, một trí thức lớn khác. Ông theo cách mạng tự giác và tiếng nói trung thực của ông đã cho thấy đó là một nhân cách lớn lao. 
 
Cách mạng của chúng ta trở nên “giàu có” nhờ những nhà trí thức hết lòng với đất nước. Chúng ta còn “giàu có” hơn bởi dù lịch sử có những khúc quanh nhưng họ vẫn một lòng với Tổ quốc. Trường hợp của GS Hoàng Xuân Hãn là vậy. Chính ông đã biên soạn tự điển khoa học bằng tiếng Việt để “Việt hóa” các danh từ khoa học mà bấy lâu nay chỉ có thể sử dụng bằng tiếng Pháp. Chính ông tham gia cách mạng tự giác, tham dự Hội nghị Đà Lạt. Và sau cùng, những ngày trên đất Pháp, lòng ông luôn luôn hướng về quê nhà. Những công trình nghiên cứu về văn hóa, các danh nhân, đặc biệt về Truyện Kiều, Chinh Phụ ngâm... là những công trình có một không hai. Giải thưởng Hồ Chí Minh của Nhà nước ta dành tặng cho ông đã nói lên tất cả. 
 
Những cuộc hành trình của trí thức Việt cùng cách mạng, dù trong đó cũng có những hành trình khó khăn, nhưng đó là những cuộc hành trình đáng tự hào. Họ luôn đồng hành cùng số phận của dân tộc. Cách mạng cũng tự hào vì có họ, làm chỗ dựa vững chắc về tinh thần và cả về nhân lực cho dân tộc, cho cách mạng. Tiếng nói của họ là những tiếng nói ngay thẳng nhưng hết sức trách nhiệm. Họ đúng là “nguyên khí của quốc gia”. 
 
LƯU NHI DŨ